Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-08-2021] Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân vào tháng 7 năm 1999, vô số học viên đã bị bức hại vì giữ vững đức tin của mình.

Một trong số họ là ông Vương Hướng Huy, 49 tuổi ở huyện Lý, tỉnh Hà Bắc là người đã nhiều lần bị bắt và giam giữ. Tháng 3 năm 2001 ông Vương bị công ty sa thải. Ông đã thụ án 11 năm tù từ năm 2002 đến 2012 và bị kết án 21 tháng tù sau khi ông bị bắt một lần nữa vào tháng 6 năm 2017. Ông Vương vừa được thả ra vào ngày 15 tháng 3 năm 2019.

Ngoài sự tra tấn mà bản thân phải chịu đựng, ông còn mất mẹ và ông bà do bị bức hại và bị buộc phải ly hôn với vợ.

Bị bắt và bị giám sát nơi làm việc

Ông Vương làm kế toán tại trạm Quách Đan, Cục Điện lực huyện Lý. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 1997 và sau đó đã khỏi một số bệnh.

Sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông Vương đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện và bị bắt. Đầu tiên ông bị lôi lên xe buýt và đưa đến sân vận động Phong Đài. Sau đó, ông bị chuyển đến một bến xe buýt. Hai ngày sau ông Vương trở về nhà.

Ngày hôm sau, Lưu Tân Lạc, phó giám đốc tại nơi ông Vương làm việc hỏi ông có đi Bắc Kinh không. Khi ông nói “có”, Lưu Tân Lạc nói rằng cấp trên đã chỉ thị rằng các học viên Pháp Luân Công không được phép đi thỉnh nguyện. Lưu Tân Lạc ra lệnh cho ông Vương phải tham gia một lớp tẩy não tại văn phòng cục. Ông Vương không được phép về nhà và bị theo dõi suốt ngày đêm.

Gia đình gửi thức ăn đến văn phòng cho ông Vương. Chính quyền yêu cầu ông phải ký vào các đơn bảo lãnh và đe dọa sẽ bắt ông đến trại lao động cưỡng bức nếu như ông không tuân thủ.

Sau khi được thả, ông bị giám sát chặt chẽ và không được phép tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. Sở điện lực giám sát “biểu hiện” của ông Vương bằng cách liên đới đến năm người đồng nghiệp. Nếu ông bị phát hiện đang tập Pháp Luân Công thì tiền lương và thưởng của năm đồng nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Ngày 17 tháng 12 năm 1999 ông Vương lại đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt lần nữa. Cảnh sát Bắc Kinh đã nhốt ông Vương trong một chiếc lồng kim loại và tống tiền ông 3.100 nhân dân tệ trước khi cho phép cảnh sát Bảo Định ở tỉnh Hà Bắc đưa ông ấy về. Phòng 610 giam giữ ông tại Trung tâm giam giữ quận Lý với tội danh “gây rối trật tự xã hội”. Nhà của ông cũng bị lục soát.

Ông Vương từ chối trả lời điểm danh trong Trại giam và bị tát vào mặt. Các lính canh đã lột hết quần áo của ông bất chấp thời tiết lạnh giá và bắt nằm úp mặt xuống sàn bê tông. 36 ngày sau ông Vương được thả ra.

Sau khi trở về nhà, ông Vương được biết gia đình ông đã bị Phòng 610 tống tiền 10.000 nhân dân tệ và 300 nhân dân tệ tiền ăn tại Trại giam.

Ông Vương không được phép trở lại làm việc cho đến ngày 1 tháng 3 năm 2000. Công ty đã đình chỉ tiền lương và tiền thưởng của ông từ tháng 11 năm 1999 đến tháng 2 năm 2000. Thời gian công tác năm 1999 của ông cũng bị xóa sổ. Vào tháng 5 năm 2000, Cục điện lực giảm lương của ông Vương xuống mức thấp nhất và thông báo rằng đây là lệnh của Phòng 610.

Kể từ đó, vào những ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công, ông Vương được gọi đi làm. Các nhân viên Phòng 610 cũng liên tục sách nhiễu và đe dọa ông không được đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công nữa.

Bị đuổi việc và đưa đến Trung tâm tẩy não

Chủ Nhật ngày 18 tháng 2 năm 2001 ông Vương bị triệu tập đến nơi làm việc. Ông bị buộc phải sống ở đó và ngủ tại bàn làm việc của mình. Một đồng nghiệp phải đi kèm ông khi ông cần đi vệ sinh.

Vào tối ngày 20 tháng 2, Hàn Trung Minh, Bí thư cục điện lực gọi ông Vương đến văn phòng và hỏi ông có còn tập Pháp Luân Công hay không. Hàn Trung Minh nói rằng cấp trên đã chỉ đạo họ phải đối xử với các học viên Pháp Luân Công như “Hắc Ngũ Loại“ (năm phần tử đen) chỉ địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, phần tử cánh hữu, phần tử xấu trong thời Đại Cách mạng Văn hóa là mục tiêu để bức hại. Nếu các học viên không từ bỏ Pháp Luân Công, họ sẽ bị đấu tố và gia đình của họ sẽ bị hủy hoại.

Khi ông Vương khẳng định sẽ không từ bỏ Pháp Luân Công, Hàn Trung Minh đã đọc một tài liệu của Đảng ủy và thông báo rằng ông Vương đã bị sa thải. Nhưng ông Vương vẫn phải ở lại văn phòng và bị tẩy não thêm nữa.

Ông Vương quyết sẽ không chịu đựng thêm một cuộc tẩy não nào nữa, vì vậy đã tìm cách trốn thoát vào ngày 26 tháng 2. Sở điện lực huy động tất cả nhân viên để tìm kiếm ông vào buổi chiều hôm đó. Lúc 9 giờ tối, một phó giám đốc tìm thấy ông Vương tại nhà riêng và nói rằng họ không được phép về nhà nếu không tìm thấy ông. Vì không muốn đồng nghiệp phải khổ sở, ông Vương quay trở lại nơi làm việc.

Ông Vương lại trốn thoát năm ngày sau đó, nhưng đã bị một phó giám đốc khác tìm thấy. Ông ta hứa sẽ phục hồi chức vụ cho ông Vương nếu ông Vương quay trở lại. Ngày 3 tháng 3, khi ông Vương trở lại, Trần Đại Thủy, giám đốc Sở điện lực nói rằng ông Vương có thể tiếp tục làm việc và sẽ được bồi thường 200 nhân dân tệ mỗi tháng. Ông Vương không chấp nhận điều khoản này.

Ngày 9 tháng 3, ông Vương được thông báo rằng cảnh sát có ý định bắt giữ ông một lần nữa. Khi ông sắp bỏ trốn thì đã bị cảnh sát bắt và đưa về đồn.

Cảnh sát hỏi ông Vương “Ông có còn tu luyện Pháp Luân Công không?”. Ông ấy trả lời “Có” và sau đó bị giam trong một Trại tạm giam 15 ngày với tội danh “gây rối trật tự xã hội”.

Ngày 29 tháng 4 ông Vương bị nhân viên an ninh công ty bắt lại tại nhà và bị đưa đến Trung tâm tẩy não Bát Lý Trang. Ông đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Năm ngày sau, ngày 3 tháng 5 ông đã trốn thoát. Ông không thể về nhà để tránh bị bức hại, trong khi đó cảnh sát đã đưa ông vào danh sách truy nã.

Vì không thể tìm thấy ông Vương, các nhân viên Phòng 610 đã buộc tội vợ ông vốn là một cảnh sát đã thả ông đi. Bà bị giám sát ở khu dân cư tại nơi làm việc trong một tuần, cùng với đứa con trai năm tuổi của mình.

Bị bắt vì chặn tín hiệu truyền hình để phát video về Pháp Luân Công

Để vạch trần cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, vào tháng 8 năm 2002, ông Vương và các học viên khác đã đấu nối vào cáp truyền hình ở thành phố Bảo Định và phát các video giảng chân tướng về vụ tự thiêu ở Thiên An Môn, một trong những trò lừa bịp tuyên truyền lớn nhất mà chính quyền làm ra để vu khống Pháp Luân Công.

Ngày 27 tháng 8 ông Vương bị bắt và bị tịch thu điện thoại di động cùng một số tiền mặt. Ông Vương bị giam giữ trong 24 giờ và bị thẩm vấn tại Sở cảnh sát huyện Từ Thủy. Một số cảnh sát đánh đập, còng tay, sốc điện bằng roi điện và buộc ông ngồi trên chiếc ghế kim loại. Tất cả các ngón chân của ông đều bị dập nát. Ông còn bị cảnh sát dùng vật nặng đánh vào người khi đội mũ bảo hiểm.

Vào ngày 28 tháng 8, ông Vương bị đưa đến Trại giam huyện Từ Thủy. Các lính canh ở đây đã nối ổ cắm điện vào bàn tay và ngón chân của ông. Khi dòng điện chạy qua cơ thể, ông bất giác rung lên và cảm thấy tim mình như muốn nổ tung. Các lính canh cũng dùng gậy gỗ đánh vào bắp chân cho đến khi ông bất tỉnh. Lo sợ rằng ông Vương có thể chết, lính canh đốt ngón tay ông bằng một điếu thuốc và ông ấy tỉnh dậy vì đau đớn.

Trong suốt thời gian bị giam giữ đến ngày 15 tháng 10 năm 2003, ông Vương tuyệt thực nhiều lần và bị đánh, tát vào mặt, buộc phải đứng và bị đánh bằng một tấm ván gỗ . Vào mùa đông lạnh giá, cai ngục dội nước lạnh lên người ông và để ông đứng bên ngoài sân ba ngày. Bàn chân ông bị tê cóng nghiêm trọng, cánh tay trái bị liệt và năm chiếc răng hàm bị rụng.

Vào ngày 5 tháng 9 năm 2003, vợ ông Vương đòi ly hôn vì bà không thể chịu nổi áp lực, sợ mất việc và không thể chăm sóc con trai họ. Tuy vậy, sau khi ông bị kết án 11 năm tù, tháng nào bà cũng đến thăm ông.

Bị kết án 11 năm tù, bị bức hại đến bờ vực của cái chết

Tháng 10 năm 2003, Tòa án Từ Thủy kết án ông Vương 11 năm tù. Ông kháng cáo nhưng bản án vẫn giữ nguyên. Vào ngày 15 tháng 10, ông Vương bị đưa đến nhà tù số 1 tỉnh Hà Bắc.

Lúc đầu ông Vương và các học viên khác bị đưa đến “đội nghiêm quản” và buộc phải mặc đồng phục nhà tù, học thuộc nội quy nhà tù, viết cam kết và xem các chương trình phỉ báng Pháp Luân Công. Họ bị đe dọa và buộc phải đứng nếu không chịu hợp tác. Khi ông Vương và các học viên khác tuyệt thực, nhà tù đã đưa bốn học viên đến nhà tù Thạch Gia Trang trong khi ông Vương và bốn học viên khác vẫn ở lại nhà tù số 1 tỉnh Hà Bắc. Mỗi học viên bị đưa đến một phòng và bị giám sát bởi ba tù nhân.

Sau hơn 20 ngày ở “đội nghiêm quản“, ông Vương bị đưa đến Phân khu 2 thuộc nhà tù Bảo Định và bị năm tù nhân theo dõi. Ông bị theo dõi ngay cả khi vào nhà vệ sinh và phải viết cam kết cũng như học thuộc nội quy nhà tù. Vì ông Vương từ chối tuân thủ nên bị buộc phải đứng từ 6 giờ sáng hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, chỉ được nghỉ bốn tiếng giữa hai lần và liên tục trong hơn 20 ngày. Sau đó, ông bị bắt phải lao động cưỡng bức.

Nhà tù kiểm soát chặt chẽ ông Vương từ việc viết thư, gọi điện đến gặp gia đình. Phòng 610 phải xác minh rằng người nhà ông Vương không tu luyện Pháp Luân Công trước khi họ được phép đến thăm ông. Ông Vương bị buộc phải viết báo cáo tư tưởng và điểm danh hơn 10 lần mỗi ngày. Các tù nhân theo dõi ông quanh năm. Vì không được phép tập các bài công pháp của Pháp Luân Công, cơ thể ông xuất hiện nhiều bệnh tật như chóng mặt, nhức đầu, đau răng, tiêu chảy, táo bón, đau bao tử và đau chân. Ông tuyệt thực trong bảy năm và nhiều lần đã đứng trước bờ vực của cái chết.

Gia đình ly tán, ông bà qua đời

Trong suốt thời gian dài, con trai ông Vương không được gặp ông. Anh ấy mong mỏi ngày đoàn tụ với cha mình đến nỗi biệt danh trên mạng xã hội của anh ấy là “Nhớ cha”.

Bà Lưu Quế Phổ, mẹ ông Vương vốn từng bị giam giữ và bị tra tấn dã man trong bảy tháng. Bà bị tàn tật và phải nằm liệt giường hơn năm năm trước khi qua đời vào tháng 6 năm 2017.

Cha ông là ông Vương Bình Quân bị bắt và bị đưa vào Trại lao động cưỡng bức vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Anh của ông Vương bị sa thải và không được nhận lương hưu. Cha mẹ ông lần lượt qua đời trong khủng hoảng và đau thương vì nhiều lần bị bắt, sách nhiễu và tra tấn.

Vào ngày 27 tháng 10 năm 2012 khi em ông Vương được thả ra trước thời hạn một năm, Phòng 610 bắt ông ấy vào Trung tâm tẩy não và giữ ông ở đó hơn 20 ngày.

Vì lo lắng muốn được đoàn tụ với con, cha ông ấy đến Trung tâm tẩy não để thăm ông ấy nhưng bị từ chối.

Vì chứng chỉ kế toán và bằng cấp ngành điện hết hiệu lực sau nhiều năm không đi làm, ông Vương phải làm các công việc lặt vặt để kiếm sống.

Bị kết án vì yêu cầu được trở lại làm việc

Vào năm 2017, vì để thanh toán chi phí thuốc men cho mẹ và tiền học phí cho con, ông Vương đã đề nghị sở điện lực thu nhận trở lại làm việc. Vì họ từ chối nên ông đã viết thư gửi cho các quan chức chính phủ hàng đầu và yêu cầu chính quyền và cơ quan tuyên truyền liên quan đến Phòng 610 phải bồi thường cho ông.

Ngày 16 tháng 6 năm 2017, năm ngày sau khi mẹ ông qua đời, cảnh sát đã bắt ông để trả thù.

Ngày 25 tháng 12 năm 2018, ông Vương bị tòa án huyện Lý kết án 1 năm và 9 tháng tù giam cùng với 10.000 nhân dân tệ tiền phạt. Ông đã kháng cáo nhưng tòa án cao cấp hơn đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu.

Ngày 15 tháng 3 năm 2019, ông được ra tù.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/30/430211.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/24/195886.html

Đăng ngày 16-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share