Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-08-2021] Xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền đã trở thành một trọng tâm ở các quốc gia dân chủ như một cách để chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo trên toàn cầu. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Anh và 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu đã ban hành luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm giống vậy.
Theo luật này, vốn để áp dụng trừng phạt với những kẻ vi phạm nhân quyền đã biết, các học viên Pháp Luân Công đã lập ra các danh sách của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hàng năm, họ nộp nhiều danh sách lên các quốc gia dân chủ, hối thúc họ trừng phạt những thủ phạm bị nêu tên.
Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã nộp danh sách gần đây nhất của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công cho chính phủ của họ. Các học viên đang kêu gọi trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này, gồm việc từ chối không cho họ được nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ.
Một cái tên trong danh sách này là Từ Lập Toàn.
Thông tin về kẻ bức hại
Tên đầy đủ của kẻ bức hại: Từ (họ) Lập Toàn (tên) (tiếng Hán:徐立全)
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: tháng 2 năm 1956
Nơi sinh: Thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc
Chức vụ:
Tháng 5/2005 – tháng 11/2016: Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh An Huy kiêm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Tháng 12/2006 – tháng 8/2013: Giám đốc Công an tỉnh
Tháng 1/2018 – Hiện tại: Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Hồ Bắc, Bí thư Tổ Đảng
Tội ác chính
Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã diễn ra nghiêm trọng ở tỉnh An Huy. Thực hiện chính sách bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Từ Lập Toàn đã tích cực bức hại Pháp Luân Công và các học viên của Pháp Luân Công trong nhiệm kỳ làm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của tỉnh An Huy từ tháng 5 năm 2005 đến tháng 11 năm 2016.
Trên cương vị đó, Từ Lập Toàn đã lãnh đạo, chỉ đạo và lên kế hoạch cho cuộc bức hại Pháp Luân Công trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo thống kê có ít nhất 38 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh An Huy đã bị bức hại đến chết và vô số người đã bị bắt giữ, kết án, tra tấn, ép sử dụng thuốc độc hại và bị tẩy não.
Hơn 100 phương pháp tra tấn đã được sử dụng đối với các học viên Pháp Luân Công, bao gồm sốc điện, đánh bằng dùi cui, bức thực, còng tay, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, bắt chịu lạnh, làm bỏng da, lao động không công…
Nhiều học viên đã bị ép sử dụng thuốc độc. Để buộc họ từ bỏ Pháp Luân Công, nhà chức trách ở thành phố Hợp Phì, thủ phủ của An Huy, đã ép các học viên uống một lượng lớn thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tiêm cho họ những loại thuốc gây tổn hại cho hệ thần kinh trung ương. Theo lệnh của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, khi một bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Hợp Phì tiêm cho học viên Ngô Hiểu Hoa, anh ta đã nói: “Tôi đã quan sát anh trong một thời gian dài và anh thực sự không bị bệnh tâm thần. [Nhưng] anh vẫn phải dùng thuốc với số lượng mà họ yêu cầu.”
Sau đây là một số trường hợp về các học viên Pháp Luân Công bị bức hại trong nhiệm kỳ của Từ Lập Toàn.
Các trường hợp qua đời
Trường hợp 1
Vào ngày 24 tháng 9 năm 2004, ông Vương Hồng Vinh bị bắt và bị kết án tám năm tại Nhà tù Túc Châu. Vào tháng 2 năm 2007, ông bị tra tấn và trở nên mất kiểm soát và bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Vào đầu tháng 4 năm 2007, lính canh đã chỉ đạo các tù nhân ngâm chân ông Vương vào nước sôi. Chỉ trong nửa ngày, bàn chân của ông bị sưng tấy, phồng rộp và lở loét. Sau đó ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cột sống. Ông cũng có hai vết sung to trên lưng với kích thước bằng quả trứng. Khi ông bên bờ vực cái chết, nhà tù đã trả tự do cho ông vào cuối tháng 4 năm 2007. Ông đã qua đời vào ngày 22 tháng 6 năm 2007 ở tuổi 59.
Trường hợp 2
Ông Phí Chương Kim đã bị kết án ba năm và bị đưa đến Nhà tù Túc Châu vào tháng 9 năm 2005. Vì ông không chịu từ bỏ đức tin của mình, ông đã bị một số lính canh dùng gậy điện sốc điện và đánh đập bằng một thanh gỗ dài hơn ba mét. Họ đánh đập ông hàng ngày trong hơn ba tuần. Vào tháng 10 năm 2005, lính canh Đường Truyện Hữu và những người khác đã sử dụng dùi cui điện để sốc điện ông Phí trong nhiều ngày. Họ cũng chỉ đạo các tù nhân khác bức thực ông bằng gạo nóng và dùng kim đâm vào môi ông. Ông Phí đã qua đời trong nhà tù vào ngày 23 tháng 9 năm 2007.
Trường hợp 3
Ông Ngô Cửu Bình, khi đó ngoài 30 tuổi, làm việc tại Bệnh viện thành phố Thiên Trường. Hạ Văn Sử, trưởng bộ phận an ninh của bệnh viện và 4 người khác đã đột nhập vào nhà của ông Ngô lúc 4 giờ chiều vào ngày 22 tháng 11 năm 2007. Ông Ngô sau đó được nhìn thấy bị rơi từ căn hộ của mình trên tầng bốn. Các nhân chứng nhìn thấy 4 cảnh sát bước ra khỏi khu chung cư, đi ngang qua ông Ngô, người đang nằm trên mặt đất và rời đi. Ông Ngô đã qua đời lúc 8 giờ tối.
Theo một người biết về sự việc, ông Ngô bị choáng nhưng vẫn có thể nói chuyện khi được đưa đến bệnh viện. Má trái của ông bị sưng tấy nghiêm trọng, mắt trái bị mù, toàn bộ lưng và chân đều bị bầm tím. Ông được chẩn đoán bị gãy xương chậu bên trái và gãy chân trái. Gia đình nghi ngờ rằng cảnh sát đã đánh và làm ông Ngô bị thương nặng trước khi họ đẩy ông xuống từ tầng 4 để che đậy những gì họ đã làm.
Trường hợp 4
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Chương Thu Hồng nhiều lần bị bắt vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, vì vậy bà phải thường xuyên di chuyển chỗ ở. Vào tối ngày 20 tháng 6 năm 2008 cảnh sát ập vào căn nhà cho thuê của bà và bắt giữ bà. Bà Chương đã tuyệt thực để phản đối. Cho đến khi bà sắp chết, cảnh sát mới đưa bà đến bệnh viện.
Đến ngày 30/6, bà Chương hôn mê lần thứ 19 nên cảnh sát đã để bà tại ngoại. Bà rất yếu và không thể nhìn rõ, nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà ở nhà và qua điện thoại. Sự đau khổ về tinh thần khiến tình trạng của bà ngày càng xấu đi và bà đã qua đời vào ngày 18 tháng 10 năm 2008.
Trường hợp 5
Vào tháng 9 năm 2006, ông Tiếu Hiền Phủ bị bắt vì phát tờ rơi Pháp Luân Công và bị giam giữ tại Trại tạm giam huyện Kim Trại. Tôn Tuấn, phó đội trưởng Văn phòng An ninh Nội địa của huyện Kim Trại, đã ngụy tạo bằng chứng để gài bẫy ông Tiếu. Một tháng sau, ông Tiếu bị kết án ba năm. Sau khi bị tra tấn trong Nhà tù tỉnh An Huy, ông đã bị đột quỵ nặng. Lo sợ rằng ông có thể chết trong nhà tù, họ đã thả ông để điều trị y tế. Ông qua đời sau đó hai tháng ở tuổi 73.
Trường hợp 6
Vào ngày 2 tháng 4 năm 2003, bà Chu Tông Hà 51 tuổi bị nhân viên Đồn Công an phố Tam Lý bắt vì tội phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị giam 15 ngày. Sau khi trở về nhà, bà đã bị đe dọa và đánh đập bởi cảnh sát và chồng của bà, người đã bị lừa dối bởi những tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công.
Vào sáng ngày 20 tháng 5, Tô Hồng, phó cảnh sát trưởng Đồn Công an phố Tam Lý, đã chỉ đạo một số cảnh sát bắt giữ bà và đưa bà về đồn. Họ đe dọa đưa bà vào trại lao động cưỡng bức và yêu cầu bà cung cấp họ tên của các học viên khác. Bà Chu đã từ chối hợp tác, vì vậy cảnh sát đã nổi giận và đánh bà. Họ ném bà xuống từ tầng năm và khiến bà tử vong.
Các trường hợp bị tàn tật do bức hại
Trường hợp 1
Bà Thì Trường Anh, 57 tuổi, ở huyện Phì Đông, thành phố Hợp Phì, bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức nữ Hợp Phì vào tháng 5 năm 2006. Mỗi ngày, cảnh sát chỉ đạo ba tù nhân đè bà xuống sàn bê tông trong khi người thứ tư, Trương Quân Như bức thực. Bà Thì bị thương nặng đến mức đi lại khó khăn sau đó. Vào ngày 6 tháng 12 năm 2006 bà bị biệt giam trong một tuần. Khi bà được thả một tháng sau đó, bà bị mù cả hai mắt.
Minh họa tra tấn: Bức thực
Trường hợp 2
Ông Khổng Đức Văn, một kỹ sư 53 tuổi, đã nhiều lần bị giam trong các trung tâm tẩy não và thụ án lao động cưỡng bức, một lần tù giam và ba lần bị giam giữ kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Ông suýt mất mạng vì bị tra tấn trong khi bị giam giữ. Mắt của ông bị thương và ông mất khả năng lao động. Năm 2005, ông Khổng bị kết án ba năm tại Nhà tù Túc Châu. Ông bị biệt giam, bị tẩy não, còng tay, đấm, đá, cấm ngủ và ép phải làm việc không công. Ra tù vào tháng 3 năm 2007, ông Khổng bị tàn tật và mất khả năng lao động. Gia đình đã hỏi một số chuyên gia về nguyên nhân làm ông bị tàn tật và tất cả đều cho rằng đó là do tiêm một loại thuốc không rõ nguồn gốc đã làm tổn thương hệ thần kinh trung ương của ông.
Minh họa tra tấn: Bị treo lên
Các trường hợp bị kết án
Trường hợp 1
Ông Chu Minh, bà Lưu Lị, bà Tả Kì Hương và bà Lưu Hòa Phương ở Hợp Phì đã phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công vào ngày 18 tháng 4 năm 2009. Họ bị bắt và giam giữ tại trại tạm giam thành phố Trì Châu. Cảnh sát đã thẩm vấn và tra tấn họ. Vào tháng 5 năm 2010, Tòa án quận Quý Trì của thành phố Trì Châu đã kết án ông Chu năm năm tù tại Nhà tù Túc Châu, bà Tả và bà Lưu Lị lần lượt là tám và sáu năm, cả hai đều ở Nhà tù nữ Túc Châu.
Trường hợp 2
Vào tháng 11 năm 2014 ông Tôn Dụ Phong, một người nghỉ hưu 74 tuổi ở huyện Thái Hòa, tỉnh An Huy, đã bị kết án tám năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
Trường hợp 3
Vào ngày 11 tháng 4 năm 2016, Phòng 610 thành phố Bạc Châu chỉ thị cho một tòa án địa phương bí mật kết án 14 học viên bao gồm: Bạch Kiệt, Phó Minh Nghĩa, Lý Đông Mai, Vương Thủ Lược, Chu Thiểu Quân, Lý Hải Phong, Thôi Dũng, Vương Tuấn Chi, Đường Gia Linh, Triệu Tố Lan, Trương Tố Mĩ, Tương Nguyệt Hoa, Giả Hồng Quyên, Chu Phượng Mẫn. Họ bị bắt vào tháng 9 năm 2013 và bị kết án tù từ ba đến mười năm.
Bạch Kiệt, người bị kết án lâu nhất là mười năm, đã bị tra tấn đến chết trong Nhà tù Túc Châu vào ngày 14 tháng 4 năm 2017. Lý Đông Mai bị mất khả năng lao động và Chu Phượng Mẫn bị mù cũng vì bị tra tấn trong trại giam.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/18/429713.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/6/194949.html
Đăng ngày 02-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.