Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Bắc Mỹ
[MINH HUỆ 27-06-2021] Tôi muốn chia sẻ trải nghiệm học tiếng Trung của bản thân trong quá trình học Pháp hai năm rưỡi vừa qua. Tôi đã theo học ngành văn học Anh ở trường đại học và hiện nay tôi là một giáo viên dạy tiếng Anh. Tôi vẫn chưa thể giao tiếp bằng tiếng Trung hoặc đọc được nguyên bản cuốn Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Trung, nhưng khả năng nhận biết ngôn ngữ nói và chữ viết tiếng Trung của tôi đã được cải thiện tuy chậm mà chắc chắn. Việc đạt được thể ngộ tốt hơn đối với ngôn ngữ gốc của Pháp đã truyền cho tôi thêm cảm hứng, tựa như tìm được những kho báu sáng lấp lánh trên con đường tu luyện đầy gian khổ của mình.
Tôi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ khi 17 tuổi và đã học tiếng Trung hai năm trong trường đại học. Tôi đã nhận được nhiều điểm A trong các môn học của mình. Tuy nhiên, những tri thức sách vở này không hằn sâu trong tâm trí của tôi nhiều. Học tiếng Trung ở bên ngoài lớp học có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng chỉ được xếp vào mức độ ưu tiên rất thấp trong danh sách các việc có ý nghĩa trong cuộc đời tôi. Đó là tôi phải làm ba việc mà Sư phụ yêu cầu (từ “Sư phụ” trong tiếng Trung được kết hợp giữa chữ “Thầy” và “Cha”) và tất cả những nghĩa vụ đời thường khiến tôi bận rộn.
Vào đầu những năm 2000, tại thời điểm đó tôi không biết phần mềm dịch thuật nào và cũng không có bản sao cuốn Chuyển Pháp Luân viết bằng bính âm, vì vậy khi học Pháp với các học viên khác, tôi chỉ đọc bằng tiếng Anh. Đôi lúc tôi đã nhờ các học viên khác giúp đỡ làm bài tập tiếng Trung, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã làm việc cho thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh như một công việc thông thường, môi trường ở đây hàng ngày cũng không sử dụng nhiều đến tiếng Trung. Tôi đã tự học một số bài thơ Hồng Ngâm bằng tiếng Trung nhưng cũng không học được nhiều.
Một sự thay đổi đáng kể đã xảy ra vào năm 2015, đó là khi Sư phụ hiệu chỉnh và cho đăng tải bản “Luận Ngữ” mới. Tôi đã nhẩm đọc Luận ngữ bằng tiếng Anh ít nhất một lần mỗi ngày trong hơn một thập kỷ. Ngay khi bản Luận Ngữ bằng tiếng Anh được xuất bản, tôi đã học thuộc lập tức. Khi có những thay đổi với bản dịch tiếng Anh, tôi cũng đều ghi nhớ. Sau đó lại có những hiệu chỉnh mới và cũng có thêm nhiều bản dịch, để nội hàm sát với nguyên gốc tiếng Trung hơn.
Tất cả những thay đổi này khiến tôi hơi thất vọng và tôi ngộ ra rằng Sư phụ đang điểm hoá cho tôi nên đọc Pháp bằng nguyên gốc tiếng Trung. Tại thời điểm này, tôi đã biết đến phần mềm dịch thuật và các phiên bản bính âm của cuốn sách, và tôi lại thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với các học viên Trung Quốc. Vì cơ duyên đều đã chín muồi nên tôi đã hạ quyết tâm học thuộc Luận Ngữ bằng tiếng Trung.
Tôi đã học thuộc được bản tiếng Trung sau nhiều tháng gian khổ học tập và tôi cũng ghi nhớ cả bản dịch tiếng Anh. Tuy nhiên, khi nhẩm đọc lại Luận ngữ bằng tiếng Trung thì tâm trí tôi hầu như không liên hệ được giữa các từ và ý nghĩa của các từ đó. Tôi nhận ra mình vẫn còn một chặng đường dài để có thể học Pháp bằng tiếng Trung. Tuy nhiên vì lý do nào đó tôi đã không cố gắng tiếp tục đột phá mà lại bị cuốn vào các công việc khác và cảm thấy tự hài lòng với kết quả tu luyện của bản thân.
Sau đó vài năm, vào năm 2018, tôi đột nhiên bị đau lưng khi đang tập bài công pháp thứ tư. Cơn đau không biến mất theo thời gian. Tôi nghĩ: “Điều này rất kỳ lạ vì bài công pháp thứ tư thường mang lại cảm giác rất thoải mái, và về nguyên tắc thì luyện công sẽ cải thiện sức khoẻ và thể chất chứ không phải khiến sức khoẻ suy yếu đi!”. Tôi ngộ ra rằng hẳn phải có một nguyên nhân nào đó đằng sau nhưng tôi không biết đích xác đó là gì. Không lâu sau, tôi đã có cơ hội tham gia một buổi học Pháp nhóm chỉ dành cho các đồng tu Trung Quốc và tôi nhận ra rằng tôi nên tham gia bất kể gặp phải khó khăn như thế nào. Ngay sau khi xuất ra ý niệm này thì cơn đau lưng biến mất và toàn thân tôi cảm thấy nhẹ nhàng.
Tìm thấy kho báu vô giá khi học Pháp bằng tiếng Trung
Trong khi học Luận ngữ, tôi đã chú ý đến số lần xuất hiện ký tự “người” hay “nhân loại” (ren (人)), trong Luận ngữ. Tôi nghĩ: “Sư phụ đang giảng ra Đại Pháp tối cao của vũ trụ nhưng tại sao lại xuất hiện nhiều từ liên quan đến nhân loại như vậy?” Tôi đã đếm và nhận thấy rằng từ ren đã xuất hiện tổng cộng 26 lần. Để so sánh, tôi đếm những từ mang hoàn toàn nghĩa biểu đạt là Thần. Cụ thể, tôi đã đếm các từ Đại Pháp (Dafa (大法)) và Thần (shen (神)), có nghĩa là “Chúa” hoặc “Thần”. Hai từ này cũng lần lượt là từ đầu tiên và từ cuối cùng xuất hiện trong Luận ngữ. Tổng cộng từ Đại Pháp (大法) và Thần (神) xuất hiện 13 lần, chính xác bằng một nửa số lần xuất hiện của người (人)là 26 lần.
Tôi ngộ ra rằng Sư phụ đang sử dụng thế gian con người nơi đây như một điểm khởi đầu để truyền ra Đại Pháp và các Pháp lý cao tầng, và thông qua tu luyện cho phép con người có thể tu thành Thần. Tôi hiểu rằng điều này không phải để phá vỡ trật tự thế gian con người hoặc tiếp quản thế gian con người, mà là đưa ra cho nhân loại một phương thức mới và sử dụng từ bi (cibei (慈悲)) (lòng thương xót, lòng nhân từ hoặc lòng trắc ẩn – sẽ được thảo luận thêm ở bên dưới) để viên dung nó, do đó các từ mang nghĩa thần thánh như Đại Pháp và Thần chỉ chiếm tỷ lệ bằng một nửa so với từ con người. Tỷ lệ hài hòa này cũng tuân theo nguyên lý cân bằng của quy tắc một phần ba, khiến cho một phần ba thần thánh trở thành tâm điểm.
Kho tàng tiếng Trung là quá rộng lớn để có thể đong đếm, cũng có thể là khả năng tiếng Trung của tôi còn hạn chế nên chỉ hiểu được ý nghĩa trên bề mặt. Tuy nhiên, tôi sẽ đề cập đến một vài trường hợp dưới đây mà tôi đã gặp qua, có thể sẽ có ích cho các học viên khác.
Từ bất tử trong tiếng Trung là xian (仙), bao gồm hai bộ. Bên trái là người và bên phải là núi. Trong tiếng Anh thì chúng chỉ có nghĩa là người không bao giờ chết, nhưng từ này trong tiếng Trung hàm chứa ý nghĩa phong phú hơn là rời bỏ thế tục và lên núi tu luyện. Hơn nữa, ký tự này thực sự trông giống như một người và một ngọn núi. Như vậy, ở ký tự này toát lên được vẻ đẹp, hình tượng và sự thuần khiết tao nhã, dường như ký tự này đã đi vào cuộc sống ngay cả khi nhìn từ góc độ của người thường.
Thuật ngữ chỉ một người tu luyện có thành tựu xuất hiện trước công chúng là chushan (出山), nghĩa đen là “xuất sơn”, tức là rời khỏi thế giới linh thiêng và bước vào thế giới trần tục. Xem xét từ góc độ của ký tự này, theo thể ngộ của tôi thì nhân vật được nhắc đến dường như có một cuộc sống riêng hoàn toàn thánh khiết của một người tu luyện trên núi và chỉ khi có những sự việc cần giải quyết nơi người thường thì mới xuất sơn, có thể nói là như vậy.
Thuật ngữ “thiên đường” trong cuốn Chuyển Pháp Luân bản tiếng Anh, lại thường là “thế giới” (世界) trong nguyên gốc tiếng Trung. Điều này rất có ý nghĩa đối với tôi bởi từ “thiên đường” luôn gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh những cây cọ và bãi biển, giống như một hòn đảo thiên đường nhiệt đới. Còn từ “thế giới” lại giúp tôi liên tưởng đến một không gian rộng lớn thuộc về các sinh mệnh đã giác ngộ. Khi tôi còn trẻ, tôi thường chơi một trò chơi liên quan đến việc tạo ra một thế giới trước khi chơi, nhưng tôi luôn thấy rằng việc tạo ra một thế giới là phần hấp dẫn nhất trong trò chơi và hiếm khi tôi thực sự chơi được trò chơi đó. Vì vậy, bản gốc tiếng Trung giúp tôi có được cảm nhận sâu sắc hơn so với đọc bản dịch.
Từ tiếng Trung từ bi (cibei (慈悲)) xuất hiện nhiều lần trong cuốn Chuyển Pháp Luân và có thể tạm dịch là lòng thương xót, sự tử tế hoặc lòng trắc ẩn. Tôi biết Sư phụ đã nhấn mạnh thuật ngữ này quan trọng như thế nào trong một bài giảng Pháp, nhưng tôi không thể hiểu hết được nội hàm, cho đến khi học Pháp bằng tiếng Trung, một học viên Trung Quốc đã giải thích cho tôi một cách cơ bản về các ký tự và cấu tạo từ. Có vẻ như từ (ci) và bi (bei) đều gồm 2 bộ. Bộ dưới của cả hai chữ có nghĩa là “tâm” (心). Hai bộ khác được sắp xếp theo cách mang hàm ý là “trong tâm, không có tình”.
Theo thể ngộ của tôi thì từ bi là một loại thiện tâm cao thượng đối với người khác mà không bị cái tình ràng buộc. Không có từ nào trong tiếng Anh diễn đạt được tương đối chính xác ý nghĩa này. Chúng ta có thuật ngữ “lòng thương xót” (mercy), nhưng điều đó ngụ ý là giúp một người nào đó thoát khỏi đau khổ ngay tức thì, thường là về thể chất. Chúng ta cũng có thuật ngữ “sự tử tế” (benevolence), nhưng chỉ mang hàm nghĩa chỉ một hành động tốt. Chúng ta còn có thuật ngữ “lòng trắc ẩn” (compassion), ý nói đến sự chia sẻ cảm xúc mãnh liệt, nhưng rất khác với việc “không có tình” như trong từ bi.
Suy xét sâu hơn một chút thì thuật ngữ “lòng trắc ẩn” (compassion) có một nội hàm phong phú hơn trong văn hóa truyền thống phương Tây, ban đầu nó dùng để chỉ “khổ nạn của Chúa Giê su” hay “khổ nạn của một vị thánh”, ý nghĩa là những khổ hình mà Chúa Giêsu hoặc một vị thánh Cơ đốc giáo đã trải qua để hoàn tất con đường tu luyện của họ. Tuy nhiên, hàm nghĩa này thường không được dùng đến. Cái hay của tiếng Trung là không làm thay đổi nghĩa gốc “không có tình” trong từ bi.
Ngoài ra, ngay cả với ý nghĩa ban đầu là lòng trắc ẩn (compassion) hay khổ nạn (passion) thì vẫn có sự khác biệt giữa tiếng Trung và tiếng Anh vì “không có tình” trong từ bi là không mang theo bất kỳ “đau khổ” nội tại nào. Thay vào đó, theo thể ngộ của tôi, “không có tình” cho thấy không có chấp trước và thể hiện tầng thứ cao trong tu luyện của một người, nó sẽ đưa đến trạng thái tĩnh khi thiền định và có thể khai mở công năng và công lực — hoàn toàn trái ngược với sự chịu đựng đau khổ. Hàm nghĩa đằng sau từ bi là tương đối khác biệt với sự chịu đựng khổ đau hay sẻ chia khổ đau – đây là nội hàm dường như thâm sâu nhất mà một từ tiếng Anh có thể chứa đựng được.
Trên đây chỉ là thiển ngộ của tôi về các thuật ngữ tiếng Anh, thuật ngữ tiếng Trung và các nguyên lý của Đại Pháp. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì chưa phù hợp.
Những ví dụ ở trên là một vài kho báu quý giá mà tôi đã phát hiện ra được. Nhìn chung, tiếng Trung mà Sư phụ sử dụng ít chú trọng vào ngữ pháp, các thì động từ và ngôn từ hoa mỹ. Nội hàm được trình bày đơn giản và dễ hiểu đến mức tất cả những gì còn lại chúng ta phải làm là thay đổi bản thân và tu luyện tinh tấn.
Có lẽ tất cả những điều trên là lý do tại sao Sư phụ giảng vào năm 2015 rằng:
“Mà những thứ bề mặt, tôi không bảo chư vị quá chú trọng, là vì đó là thời Pháp Chính Nhân Gian cần làm, quá thấp rồi, đối với chư vị mà giảng, chính là ý tứ đó. Khi Pháp Chính Nhân Gian, không dùng Trung Văn để đọc thì đều không được, không hiểu nguyên ý thì đều không được, và yêu cầu là cao rồi“. (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)
Tu luyện
Nhìn về phía trước trên con đường học tiếng Trung của tôi trong khi học Pháp, tôi vẫn phải vượt qua những chấp trước đã ngăn cản tôi không học tiếng Trung từ sớm. Tôi có tâm lười biếng và tâm tự mãn. Tôi đã có suy nghĩ rằng thế giới phương Tây cái gì cũng có sẵn, là thế giới phát triển và tiên tiến nhất, mọi sự thuận tiện nên đến với chúng ta và chỉ đơn giản là vô vi (wuwei (無為)) nắm lấy những thứ có sẵn trong tiếng Anh là đủ để tu luyện. Theo thể ngộ của tôi, tâm lười biếng và tự mãn là những chấp trước ẩn giấu đằng sau nội hàm của từ vô vi. Chúng ta nên tu luyện một cách dũng mãnh tinh tấn.
Trên đây là thể ngộ hữu hạn tại tầng thứ sở tại. Xin vui lòng chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp với Pháp.
Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/27/193857.html
Đăng ngày 26-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.