Bài viết của Ngọc Tử Lăng, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 18-05-2021]

Hiệp hội Nhà xuất bản Sách Độc lập (IBPA) – tổ chức xuất bản thương mại lớn nhất nước Mỹ, gần đây đã công bố những người thắng cuộc trong giải thưởng Benjamin Franklin hàng năm diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 5 năm 2021. Trong số những cuốn sách đoạt giải thưởng có cuốn “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc” của Nhà xuất bản Minh Huệ.

Giải thưởng Bill Fisher của IBPA được trao cho những cuốn sách đầu tiên của các nhà xuất bản thuộc các hạng mục như viễn tưởng (hư cấu), phi viễn tưởng (sự kiện có thật) và sách trẻ em / người lớn. Cuốn “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc” đã nhận được giải Bạc trong hạng mục phi viễn tưởng.

5fdb5f51fbd4017110d8adf58ebc179f.jpg

ec377993998fc0219d021e0f6b579b0f.jpg

Cuốn “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc” đã thắng giải Bạc trong hạng mục “Giải thưởng Bill Fisher cho cuốn sách đầu tiên hay nhất: Phi viễn tưởng” từ Hiệp hội Nhà xuất bản Sách Độc lập (IBPA).

Nhà xuất bản Minh Huệ: Tiếng nói thay cho những người thầm lặng

41a603b144aac66e031890dd3118fc37.jpg

Anh David Lý thay mặt cho Nhà xuất bản Minh Huệ nhận giải thưởng tại Lễ trao giải trực tuyến của Hiệp hội Nhà xuất bản Sách Độc lập (IBPA) hôm 14 tháng 5 năm 2021.

Anh David Lý thay mặt cho Nhà xuất bản Minh Huệ nhận giải thưởng và gửi lời cảm ơn đến Hiệp hội Nhà xuất bản Sách Độc lập (IBPA). Anh Lý chia sẻ: “Với tư cách là một nhà xuất bản mới, chúng tôi rất vinh dự có thể lên tiếng thay cho một nhóm những người tu luyện bình hòa ở Trung Quốc – những người đã bị đàn áp dã man chỉ vì kiên định vào đức tin của họ.”

Anh Lý cho biết: “Cuốn sách này không thể hoàn thành nếu không có sự phó xuất vô tư của nhóm tình nguyện viên tuyệt vời đến từ trang Minghui.org. Mỗi từng ngày trong suốt 22 năm qua, họ vẫn luôn giữ liên lạc với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và thu thập những câu chuyện của họ gửi đến các tổ chức nhân quyền cũng như giới lãnh đạo chính phủ.”

Anh Lý nhấn mạnh nỗ lực của nhóm tình nguyện đã làm nên một tác phẩm mang dấu ấn lịch sử. Anh nói: “Chúng ta chỉ có thể hình dung là sự dũng cảm đã giúp cho các học viên đưa những thông tin này ra khỏi Trung Quốc mặc cho sự giám sát và kiểm duyệt gắt gao của chính quyền. Họ đã mạo hiểm sinh mạng của mình để làm điều đó. Tôi cũng được biết những tình nguyện viên này đã dành ra nhiều đêm không ngủ miệt mài hoàn thành dự án này.”

Đối với một nhà xuất bản mới thì cuốn sách này chỉ là sự khởi đầu. Anh Lý nói: “Chúng tôi vẫn còn nhiều việc cần làm ở phía trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ. Chúng tôi chân thành cảm ơn IBPA đã trao cho mình vinh dự này.”

Vạch trần cuộc đàn áp quy mô lớn và có hệ thống

Pháp Luân Công là một bộ công pháp thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Chỉ trong vòng mấy năm sau khi được giới thiệu ra công chúng lần đầu tiên vào năm 1992, Pháp Luân Công đã thu hút 100 triệu người học vì những lợi ích to lớn về sức khỏe và tinh thần. Sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp môn tập vào năm 1999, một lượng lớn học viên đã bị bắt giữ, giam giữ, bỏ tù và tra tấn vì đức tin của họ.

Do sự kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ ở Trung Quốc cũng như sức ảnh hưởng to lớn của nó trong cộng đồng quốc tế, có khá ít kênh truyền thông dám phơi bày cuộc đàn áp Pháp Luân Công mặc dù nó là một trong những tội ác vi phạm nhân quyền lớn nhất trên thế giới hiện nay. Minghui.org là trang web được vận hành bởi các tình nguyện viên là học viên Pháp Luân Công, trang web đúc kết những hành động tàn bạo của ĐCSTQ trong suốt 22 năm qua và đã được dịch ra 19 ngôn ngữ khác nhau.

Bằng cách trích dẫn những bằng chứng chân thật lấy từ tay người thứ nhất (tư liệu nguyên gốc), cuốn “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc” cung cấp nhiều tình tiết cho thấy quy mô, mức độ nghiêm trọng cũng như bản chất của cuộc đàn áp. Từ trại lao động và trung tâm tẩy não cho đến sự chịu đựng của những đứa trẻ bị ĐCSTQ nhắm đến do cha mẹ các em là học viên Pháp Luân Công, từ các phương thức tra tấn cho đến ngược đãi tâm lý và thu hoạch nội tạng sống, cuốn sách này là tác phẩm đầu tiên vạch trần toàn diện tội ác tàn bạo của ĐCSTQ đương thời.

Bên cạnh đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, ĐCSTQ còn đe dọa các học viên và giới chức bên ngoài Trung Quốc, phong tỏa nguồn thông tin và theo dõi các quốc gia khác trên thế giới như là một phần trong chiến dịch đàn áp của nó. ĐCSTQ không ngừng nhúng tay vào các hành vi phạm pháp trong mấy thập kỷ qua để nhắm vào các nhóm được cho là mối đe dọa đối với sự thống trị độc tài của nó.

Cuốn “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc” được xuất bản vào năm 2020, nó không chỉ miêu tả chi tiết về cuộc đàn áp, mà còn làm nổi bật vai trò chủ chốt của Phòng 610 trong tấn thảm kịch này. Với nội dung sâu rộng, cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo thiết yếu cho các chuyên gia lập pháp, luật sư nhân quyền, lãnh đạo doanh nghiệp, giới học giả và chính trị gia.

Lời nhận xét của nhà bình luận sách: “Xuất sắc và rành mạch.”

Nhà bình luận Michael J. Carson của Midwest Book Review (MBR) đã giới thiệu cuốn sách này cho độc giả vào tháng 4 năm 2020.

Ông Carson viết: “Cuốn ‘Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc’ hoàn toàn dựa trên nguồn tư liệu nguyên gốc lấy từ tay người thứ nhất được thu thập bởi nhóm Minh Huệ (www.minghui.org) ở Trung Quốc và trên khắp thế giới. Cuốn báo cáo mang dấu ấn lịch sử này gửi đến độc giả những trải nghiệm rành mạch và chân thật của học viên Pháp Luân Công khi đối diện với cuộc đàn áp trong suốt 22 năm qua ở Trung Quốc đại lục và việc ĐCSTQ mở rộng đàn áp ra nước ngoài thông qua những hành vi hăm dọa đối với giới chức lãnh đạo và kinh tế ở các quốc gia khác.”

Ông Carson cho biết: “Bố cục sắp xếp và miêu tả rất ấn tượng và xuất sắc.” Ông gọi cuốn sách này là “một công trình nghiên cứu độc nhất vô nhị, xuất sắc và rành mạch, đáng để đưa vào bộ sưu tập Pháp Luân Công và danh sách nghiên cứu trong tủ sách cá nhân, thư viện công cộng, thư viện của các trường đại học và cao đẳng.”

Lời nhận xét của cựu chủ tịch Hội đồng công dân quốc gia Úc: “Cuốn ‘Báo cáo Minh Huệ’ xứng đáng được đưa vào các thư viện trên toàn thế giới.”

Ông Peter Westmore, cựu chủ tịch Hội đồng công dân quốc gia Úc (NCC), đã từng viết lời bình luận cho cuốn “Báo cáo Minh Huệ” vào ngày 8 tháng 8 năm 2020 đăng trên News Weekly. Ông ấy khuyến nghị đưa cuốn sách này vào trong các thư viện và văn phòng chính phủ.

b6d9a5ab1c85290dd7e57446982d2260.jpg

Lời giới thiệu từ ông Peter Westmore, cựu chủ tịch Hội đồng công dân quốc gia Úc (NCC).

Ông Westmore khuyến nghị: “Đối với những người quan tâm đến vấn đề ĐCSTQ lạm dụng quyền lực trên phạm vi toàn thế giới mà nói, cuốn sách này sẽ là nguồn thông tin thiết yếu. Cuốn sách này đã cung cấp hơn 430 trang tư liệu văn bản chi tiết nhất về cuộc đàn áp đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và nó nên được đưa vào trong từng thư viện ở Úc cũng như văn phòng làm việc của tất cả các nghị viên Úc.”

So sánh với những báo cáo khác từ các tổ chức nhân quyền, ông nói: “Cuốn sách kết nối các tư liệu này với nhau và cũng giải thích rõ ràng về đức tin của các học viên Pháp Luân Công bằng phương thức đơn giản và có trật tự.” Ông Westmore cho biết cuốn sách đúc kết về việc ĐCSTQ đã lạm dụng bộ máy nhà nước vào cuộc đàn áp, bao gồm “hệ thống trại giam giữ từ nhà tù, trung tâm tẩy não, trại cải tạo lao động và bệnh viện tâm thần với sự tham dự của lực lượng cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án và các bệnh viện của Trung Quốc”.

Những nạn nhân không chỉ là bản thân các học viên Pháp Luân Công, ông Westmore viết: “Các học viên và người thân của họ bị phân biệt đối xử về chế độ giáo dục, việc làm, nhà ở và bị từ chối lương hưu. Con cái bị buộc phải quay lưng với cha mẹ, và cha mẹ buộc phải quay lưng với con mình.”

Bên cạnh đó, ông ấy cũng nhắc tới thời gian chờ cấy ghép nội tạng cực ngắn cho thấy ĐCSTQ đã giết các học viên Pháp Luân Công để thu hoạch tạng sống: “Việc này rõ ràng chỉ có thể làm được bằng cách giết người để lấy tim, gan, thận, giác mạc và những nội tạng khác của người ta.”

Nói tóm lại, cuốn sách như một bằng chứng ghi chép “buộc chính quyền độc tài phải chịu trách nhiệm trước tội ác của nó”. Vì vậy, cuốn sách này “xứng đáng được đưa vào các thư viện trên toàn thế giới và văn phòng làm việc của các nghị viên để phơi bày sự thật.”

Lời nhận xét của một nhà văn: Niềm hy vọng trong bóng tối

Trương Lâm, một nhà văn cũng là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng người Trung Quốc, đã gửi lời chúc mừng đến Minh Huệ. Ông ấy nói nó cho thấy tầm quan trọng của những nỗ lực không ngừng nghỉ của các học viên Pháp Luân Công để phơi bày sự tàn bạo và chấm dứt cuộc đàn áp. Giải thưởng này không chỉ là sự khích lệ dành cho các học viên Pháp Luân Công, mà còn là sự khích lệ dành cho tất cả những người Trung Quốc tìm kiếm tự do.

Ông Trương cũng nói ông ấy ngưỡng mộ thành quả của Minh Huệ như là một nền tảng để cho sự thật được lan truyền rộng rãi và vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ. Ông ấy nói những tình nguyện viên của Minh Huệ đã phó xuất tâm huyết từ năm này qua năm khác, giải thưởng cùng với sự công nhận lần này sẽ giúp cho nhiều người hơn nữa nhận thức về tình huống ở Trung Quốc.

Trong các nhóm người bị ĐCSTQ đàn áp, ông Trương cho biết các học viên Pháp Luân Công là những người hiểu rõ về chế độ độc tài nhất. 100 triệu người bị đàn áp trong suốt 22 năm qua, nhưng bằng cách tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, họ kiên định vào đức tin của mình và đã phó xuất vô tư vì người dân Trung Quốc.

Chuyến hành trình trở về nhà

Anh Lý là kỹ sư của một công ty IT ở Đài Loan, cảm thấy rất ấn tượng sau khi đọc cuốn “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc”. Anh Lý đã quyết định bước vào tu luyện Pháp Luân Công sau khi cảm thông với các học viên bị ngược đãi vì kiên thủ đức tin và sự nhẫn nại của họ.

Anh Lý nói cuốn sách này là một minh chứng lịch sử vĩ đại. Anh ấy thường hay khóc khi nghĩ tới các học viên đã phải chịu đựng khổ nạn lớn lao để cố gắng làm một người tốt. Trong một xã hội đạo đức tuột dốc, rất ít người có thể đứng lên vì những chuẩn mực của họ giống như các học viên Pháp Luân Công.

Trung Quốc có một nền văn hóa và tín ngưỡng lịch sử lâu dài. Anh Lý hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ có cơ hội đọc được cuốn sách này, cũng như có hiểu biết rõ ràng về ĐCSTQ và mối nguy hại mà nó đem đến cho nền văn minh Trung Hoa. Anh ấy nói: “Điều đó sẽ giúp chúng ta biết được mình là ai và mình thuộc về nơi nào.”

(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/5/17/425800.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/18/193177.html

Đăng ngày 25-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share