Bài viết của Cốc Vũ

[MINH HUỆ 21-04-2021] Chế độ giáo dục của các hoàng tử triều Thanh được đặt ra từ những năm Khang Hy. Các hoàng tử hoàng tôn lên 6 tuổi thì bắt đầu học ở Thượng thư phòng. Mỗi ngày vào lúc 5 giờ sáng, các hoàng tử phải dậy, học liền đến 6, 7 giờ tối. Một năm chỉ được nghỉ 1 ngày Tết và hai nửa ngày khác. Bất kể nóng lạnh, ngày ngày đều như vậy.

Thư phòng mà các hoàng tử hoàng tôn học tập nằm ở Vô Dật Trai trong Xướng Xuân Viên. Từ cái tên của thư phòng là có thể thấy ở đây không có an dật. Khang Hy nói trong “Đình huấn cách ngôn” rằng: “Phàm người tu thân trị tính, đều phải cẩn thận với thường nhật. Trẫm vào những ngày đại thử tháng 6 cũng không dùng quạt, không bỏ mũ, đó đều là do ngày thường không tự buông thả mà có thể làm được như vậy”.

Chính là nói rằng, hễ tu tâm dưỡng tính thì đều phải thể hiện ra từng hành vi cử chỉ trong cuộc sống thường nhật, bắt đầu từ những việc nhỏ thường nhật. Ta vào tháng 6 mùa hè, thời tiết nóng nực cũng không quạt, không tháo mũ, đó là do ta thường ngày nghiêm khắc yêu cầu bản thân, không buông thả bản thân, mới có thể làm được như vậy.

Một ngày ở Vô Dật Trai

Đối với việc học của các hoàng tử, yêu cầu cực kỳ nghiêm khắc. Khang Hy thường kiểm tra bài tập của các hoàng tử, kiểm nghiệm võ nghệ của họ. Sách “Chú giải sinh hoạt của Khang Hy” có ghi chép rằng, ngày 10 tháng 6 năm Khang Hy thứ 16 (năm 1687), các hoàng tử ở thư phòng Vô Dật Trai, tình hình một ngày học tập như sau:

Giờ Dần (từ 3-5 giờ), hoàng tử đọc sách ở thư phòng, ôn tập bài học hôm trước, chuẩn bị cho việc thầy giáo đến lên lớp.

Giờ Mão (từ 5-7 giờ), thầy giáo đến lớp (thầy tiếng Mãn là Đạt Cáp Tháp, thầy tiếng Hán là Thang Bân), bắt đầu kiểm tra bài tập của các hoàng tử, bắt đầu học thuộc bài khóa. Một chữ cũng không sai, thì có thể tiếp tục học tập bài tiếp. Học tiếp một đoạn bài khóa, tiếp tục học thuộc. Ngày mai còn kiểm tra lại.

Giờ Thìn (từ 7-9 giờ), Khang Hy bãi triều liền đến Vô Dật Trai, bắt đầu kiểm tra bài tập, chủ yếu là kiểm tra học thuộc, giống như học bài học ngữ văn hiện nay, hễ đi học là trước tiên kiểm tra đọc thuộc bài khóa.

Giờ Tỵ (từ 9-11 giờ), lúc đó đã vào tiết Sơ phục, Mặt trời cũng gần đến giữa trời, nắng nóng như lửa. Khi các hoàng tử học thì không được phép mang theo quạt, cần phải ngồi ngay ngắn chỉnh tề. Bắt đầu luyện tập thư pháp, yêu cầu mỗi hoàng tử viết mỗi chữ 100 lần.

Giờ Ngọ (từ 11-13 giờ), ăn trưa. Sau khi ăn xong lại tiếp tục tự luyện tập viết chữ.

Giờ Mùi (từ 13-15 giờ), các hoàng tử đến sân của Vô Dật Trai, bắt đầu học thể dục. Ở đó có cung tên và bia, còn phải học vật, võ thuật v.v.

Giờ Thân (từ 15-17 giờ), Khang Hy lại đến Vô Dật Trai, tùy ý giở sách ra đề. Các hoàng tử theo thứ tự nối đuôi nhau tiến đến, đọc thuộc, giải nghĩa.

Giờ Dậu (từ 17-19 giờ), luyện tập bắn cung tên bên ngoài Vô Dật Trai. Khang Hy lệnh cho các hoàng tử theo thứ tự bắn tên, thành tích của các hoàng tử không đồng đều. Khang Hy lại lệnh mấy vị thầy bắn tên. Sau đó Khang Hy đích thân bắn, bắn liên tiếp và trúng liên tiếp.

Sau khi học xong thì tan học. Đây chính là một ngày của các hoàng tử.

Khang Hy chuyên cần chính sự, 60 năm ngày nào cũng như ngày nào

Hoàng đế Khang Hy tại vị 61 năm, ông là vị quân chủ có thời gian tại vị lâu nhất được ghi chép trong lịch sử Trung Quốc. Vỗ yên biên cương, mở rộng lãnh thổ, tạo phúc cho người dân, ông được ca ngợi là Thiên Cổ Nhất Đế. Bắt đầu từ Khang Hy, các hoàng đế triều Thanh mỗi ngày đều phải nghe việc triều chính, trừ tình hình cá biệt, còn không có ngoại lệ. Cho dù vào năm Khang Hy thứ 18, ở Bắc Kinh xảy ra động đất lớn, Khang Hy vẫn thường thiết triều buổi sáng, nghe chính sự.

Thời gian nghe chính sự ban đầu hai mùa Xuân Hạ là 6 giờ sáng (giờ Mão), hai mùa Thu Đông là 7 giờ sáng (giờ Thìn). Đối với rất nhiều lão thần già cả mà nói, để tham gia nghe chính sự, mỗi ngày phải dậy từ canh 3 lúc nửa đêm, dậy sớm đi vào cung. Dần dần, nghe chính sự khiến nhiều người không chịu nổi. Thế là họ năm lần bảy lượt dâng thư, hy vọng hoàng đế nới lỏng thời gian nghe chính sự.

Trước sự khẩn cầu liên tiếp của các đại thần, Khang Hy cũng sắp xếp thỏa đáng. Mỗi khi mưa, tuyết lớn hoặc quá nóng, quá lạnh, mà không có sự việc cần tấu, thì có thể tạm thời xin chỉ tạm dừng nghe chính sự. Các lão thần tuổi ngoài 60 không cần ngày ngày phải đến, có thể cách 2, 3 ngày đến tấu một lần. Nhưng bản thân Khang Hy vì “nghe chính sự 30 năm đã thành thường lệ, không ngày ngày nghe tấu xử lý chính sự thì cảm thấy không yên, hoặc cách 3, 4 ngày sợ dẫn đến lười nhác, không thể trước sau như một được”, do đó ông vẫn kiên trì nghe chính sự hàng ngày.

Gặp việc khẩn cấp, Khang Hy luôn xem xét phê duyệt thông đêm, chưa bao giờ để kéo dài. Ông phản đối thuyết “hoàng đế chỉ quản việc trọng yếu nhất trong thiên hạ, không cần quản những việc nhỏ”. Ông công khai tuyên bố: Hoàng đế xử lý công việc, nhất thời không thận trọng thì sẽ gây phiền phức cho cả thiên hạ; nhất thời không thận trọng thì sẽ gây tai họa cho hậu thế. Không chú ý việc nhỏ thì sẽ nguy hại đến việc lớn.

Mùa hè năm Khang Hy thứ 15 (năm 1676), do đê Hoàng Hà không được sửa chữa, vỡ đê liên tiếp. Vì để nắm được tình hình trực tiếp về Hoàng Hà, Khang Hy đã mấy lần đích thân đến hiện trường khảo sát, cần mẫn nghiên cứu. Ông ngồi thuyền điều tra các nơi như Mạnh Tân, Từ Châu, Túc Thiên, Phi Châu, Đào Nguyên và Thanh Khẩu ở vùng hạ lưu. Ông lại đích thân đến các nơi như Tây Sơn, Thiểm Tây, Nội Mông Cổ, Ninh Hạ ở vùng trung du để thị sát. Ông còn căng buồm đi ở vùng trung du Hoàng Hà từ Hoành Thành Bảo (Đông nam thành phố Ngân Xuyên, Ninh Hạ ngày nay), trải qua 22 ngày, hành trình mấy ngàn dặm, “những nơi đến, không nơi nào không thị sát kỹ lưỡng”.

Trong lịch sử Trung Quốc, không thiếu các hoàng đế quan tâm đến xây dựng thủy lợi, nhưng người đích thân nhiều lần đi khảo sát thực tiễn thủy lợi, tìm tòi nghiên cứu chi tiết tình hình, đề ra phương án giải quyết, thì không nhiều.

Học một ngày ắt phải tiến một bước

Khang Hy liên tiếp khuyên răn hậu thế phải tinh tấn dụng công, không được có chút trễ nải nào. Ông nói: “Kinh Dịch viết: ‘Ngày ngày đổi mới thì gọi là thịnh đức’, học một ngày ắt phải tiến một bước, thì mới không uổng phí thời gian một ngày”.

Nghĩa là: “Ngày ngày đổi mới có thể xứng danh là người có phẩm đức cao thượng”. Người yêu thích học tập cần phải ngày ngày đều phải có tiến bộ, thì mới không uổng phí thời gian.

Trong “Khang Hy giáo tử đình huấn cách ngôn” có viết rằng: “Người thế gian đều thích an nhàn mà ghét vất vả, tâm trẫm nói với người rằng vất vả lâu dài thì mới biết an nhàn. Nếu vui với an nhàn, thì không chỉ không biết an nhàn, mà khi gặp vất vả thì không thể chịu nổi. Do đó Kinh Dịch viết rằng: ‘Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngừng nghỉ’. Từ đó có thể thấy, Thánh nhân coi vất vả là phúc, coi an nhàn là họa”.

Ý nghĩa là nói, người thế gian đều thích an nhàn mà không thích bỏ công sức vất vả. Nhưng ta lại cho rằng, chỉ có làm việc vất vả kiên trì bền bỉ lâu dài thì mới biết thế nào là an nhàn. Nếu chỉ ham an nhàn, thì khi cần phải chịu vất vả, sẽ không thể chịu đựng nổi. Ông cho rằng, Thánh nhân đều coi lao động vất vả là một loại phúc khí, coi an nhàn là tai họa.

Cả đời Khang Hy đều dùng điều này để tự khuyên răn mình, từ khi đích thân chấp chính đến trước khi qua đời, trừ khi bị bệnh, lễ tết lớn, hoặc biến cố lớn ra, dường như không có ngày nào ông không nghe việc triều chính. Những năm cuối, khi nhìn lại cả cuộc đời, ông cảm khái nói rằng, ông tại vị 61 năm, siêng năng cần mẫn, cẩn thận thận trọng. Ngày đêm gấp gáp, chưa từng một chút trễ nải, mấy chục năm nay, dốc tâm tận lực, ngày nào cũng như ngày nào”.

Nhìn lại cả cuộc đời Khang Hy, câu này rất tương xứng, không hề sai.

Khang Hy dùng từng lời nói và hành vi của mình, tu thân trị đức, làm mẫu mực cho hậu thế, là tài sản tinh thần quý báu hiếm có trong kho tàng văn hóa truyền thống Trung Hoa.

(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/21/423564.html

Đăng ngày 02-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share