Bài viết của Đan Nghi Dương
[MINH HUỆ 07-01-2021] Đại dịch virus corona đã lan sang gần 200 quốc gia với trên 94 triệu ca nhiễm, và hơn 2 triệu người chết.
Với những biến thể mới xuất hiện vào tháng 12 và lan rộng khắp các châu lục, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn trước. Tại Đông Bắc Trung Quốc, chính quyền thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã ban hành lệnh cấm trên toàn thành phố vào ngày 31 tháng 12 năm 2020. Phong tỏa nghiêm ngặt cũng được áp dụng ở một bộ phận trong thành phố, ở đó không ai được phép ra ngoài. Đoạn ghi âm của một bác sỹ được lan truyền trên mạng có kể về tình trạng đáng sợ. Ông nói: “Tôi phải ra ngoài bốn, năm lần [để điều trị cho bệnh nhân]. Biến thể virus mới có khả năng lây nhiễm cao và phức tạp.”
Các bộ xét nghiệm chất lượng kém khiến mọi việc càng khó khăn hơn. Một cán bộ ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, cho biết một trường hợp bị nhiễm bệnh phải làm 11 lần xét nghiệm mới được xác nhận. Các quan chức ở Nội Mông gần đây cũng tuyên bố việc xây dựng 43 bệnh viện dã chiến Fangcang cho trường hợp khẩn cấp. Điều này cho thấy một số lượng lớn các ca nhiễm mới có thể đã xuất hiện trong khu vực.
Khi nhìn vào các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, chúng ta có thể thấy hầu hết đều liên quan đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đặc biệt là cuộc bức hại Pháp Luân Công. Điều này giống như câu ngạn ngữ của Trung Quốc: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.
Các tỉnh có các ca nhiễm tái phát
Ngày 1 tháng 6 năm 2020, các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố rằng đại dịch về cơ bản đã biến mất ở Trung Quốc, chỉ có những trường hợp đơn lẻ xuất hiện sau đó. Tuy nhiên, tin tức cho thấy một số nơi, tình hình lại khác, bao gồm ba tỉnh Đông Bắc (Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh), Bắc Kinh, tỉnh Sơn Đông và tỉnh Tứ Xuyên.
Ví dụ, dưới đây là những gì đã xảy ra ở ba tỉnh Đông Bắc:
- Ngày 20 tháng 5 năm 2020: Sau khi các trường hợp mới được xác định ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, thành phố này bị phong tỏa giống như Vũ Hán.
- Ngày 23 tháng 7 năm 2020: Thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh bước vào chính sách thời chiến và các tiện ích công cộng trong phòng kín đều bị đóng cửa để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm theo cụm.
- Ngày 13 tháng 12 năm 2020: Thành phố Tuy Phần Hà, tỉnh Hắc Long Giang được tuyên bố là một khu vực có nguy cơ trung bình.
- Ngày 29 tháng 12 năm 2020: các hạn chế được thắt chặt ở thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang.
- Ngày 30 tháng 12 năm 2020: tình hình ở tỉnh Liêu Ninh xấu đi, 21 khu vực được công bố là có nguy cơ trung bình.
- Ngày 31 tháng 12 năm 2020: tình hình ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh xấu đi, riêng thành phố này đã có 16 khu vực có nguy cơ trung bình. Một số khu dân cư đã bị phong tỏa, khiến người dân kêu khóc trong bóng tối: “Chúng tôi cần thực phẩm và nhu yếu phẩm!”
Dưới đây là các vấn đề ở những khu vực khác:
- Bắc Kinh: vào ngày 15 tháng 6 năm 2020, ba quận ở Bắc Kinh (Phong Đài, Môn Đầu Câu và Đại Hưng) chuyển sang chính sách thời chiến sau khi xảy ra việc lây nhiễm theo cụm tại chợ đầu mối Tân Phát Địa. Hơn nữa, một số khu vực ở ba quận khác của Bắc Kinh (Thuận Nghĩa, Triều Dương và Tây Thành) đã thắt chặt các hạn chế theo một lệnh khẩn cấp mà các quan chức được yêu cầu giữ bí mật.
- Tỉnh Hà Bắc: Thành phố Thạch Gia Trang chuyển sang chính sách thời chiến vào ngày 3 tháng 1 năm 2021.
- Tỉnh Sơn Đông: Lây nhiễm theo cụm xảy ra ở thành phố Thanh Đảo vào ngày 16 tháng 10, hơn 10 ca mới được xác định.
- Tỉnh Tứ Xuyên: do số ca bệnh tăng lên, tỉnh Tứ Xuyên đã chuyển sang chính sách thời chiến vào ngày 9 tháng 12 năm 2020.
Theo các nhà chức trách Trung Quốc, tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2021, 34 khu vực có nguy cơ trung bình trên cả nước đã được công bố, phần lớn nằm ở ba tỉnh Đông Bắc, Sơn Đông và Bắc Kinh, cá biệt có một số trường hợp ở các vùng xa xôi như Vân Nam và Tân Cương.
Tình trạng Bức hại tàn bạo ở những khu vực này
Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã kéo dài 21 năm kể từ năm 1999, và Minh Huệ đã thu thập được một số lượng lớn các trường hợp bị bức hại. Khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo cho các nhóm tôn giáo gửi danh sách những người vi phạm nhân quyền, một quan chức đã khuyến khích các học viên Pháp Luân Công cung cấp danh sách những người bức hại Pháp Luân Công. Quan chức này chỉ ra rằng Minh Huệ là nguồn đáng tin cậy và thông tin của trang này có thể lấy làm nguồn trích dẫn.
Số liệu thống kê cho thấy nhiều hãng thông tấn và truyền thông lớn đã trích dẫn thông tin từ Minh Huệ, chẳng hạn như AFP (40 tin), AP (24), CNA (20), World Journal (16), Reuters (14) và RFA (13).
Tra tấn và giết hại
Trang Minh Huệ đã tổng hợp một báo cáo vào năm 2013 với tiêu đề “Báo cáo điều tra về nạn tra tấn và giết hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công” (Chú thích: chỉ có bản tiếng Trung). Báo cáo này tổng hợp 3.653 trường hợp tử vong từ 3,3 triệu nguồn tài liệu. Thông tin được sắp xếp và tổng hợp thành cơ sở dữ liệu để phân tích chi tiết. Tất cả dữ liệu là từ Minh Huệ.
Nghiên cứu cho thấy từ năm 1999 đến năm 2013, các tỉnh hoặc thành phố cấp tỉnh sau đây có cuộc bức hại Pháp Luân Công khốc liệt nhất theo chỉ đạo của Phòng 610: Hắc Long Giang, Hà Bắc, Liêu Ninh, Cát Lâm, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Hà Nam và Bắc Kinh. Số học viên Pháp Luân Công tử vong do bị cuộc bức hại nhiều nhất là ở tỉnh Hắc Long Giang, tiếp theo là tỉnh Hà Bắc và tỉnh Liêu Ninh.
Hơn nữa, các ca tử vong đã xảy ra ở 273 thành phố trên cả nước. 12 thành phố tồi tệ nhất là Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang), Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm), Duy Phường (tỉnh Sơn Đông), Bắc Kinh, Cát Lâm (tỉnh Cát Lâm), Trùng Khánh, Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh), Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc) , Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), Bảo Định (tỉnh Hà Bắc) và Yên Đài (tỉnh Sơn Đông). Ba thành phố có số người chết cao nhất là Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân và Duy Phường.
Những trường hợp này liên quan đến 122 nhà tù ở Trung Quốc. Nhà tù Nữ Liêu Ninh có số học viên nữ tử vong nhiều nhất, trong khi Nhà tù Số 2 Liêu Ninh có số học viên nam tử vong nhiều nhất.
Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng ba tỉnh Đông Bắc (Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Cát Lâm), cũng như Hà Bắc, Sơn Đông và Tứ Xuyên, cũng có số vụ bức hại cao nhất. Theo thông tin mà Minh Huệ nhận được, chỉ riêng ở tỉnh Cát Lâm, đã có ít nhất 499 học viên Pháp Luân Công tử vong do cuộc bức hại đức tin của họ trong hai thập kỷ qua.
Trong đại dịch virus corona, tình trạng ở những tỉnh này là xấu hơn cả so với những nơi khác ở Trung Quốc. Đây có thể là một chỉ dấu cho thấy bất cứ nơi nào mà cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công vô tội diễn ra tràn lan đều có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc như đại dịch hoặc những điều bất hạnh khác.
Bi kịch kinh hoàng
Báo cáo nói trên ghi nhận khoảng 100 hình thức tra tấn bao gồm sốc điện, đốt lửa, trấn nước, phơi mình trong giá băng, còng tay, ngồi (bất động trong thời gian dài), bỏ đói, trói trong tư thế bị kéo căng, đánh đập, lạm dụng tình dục, lạm dụng tâm thần, cưỡng bức phá thai, thu hoạch nội tạng, và tra tấn bằng động vật.
Khoảng 100 hình thức tra tấn đã được áp dụng đối với các học viên Pháp Luân Công trong cuộc bức hại
Ví dụ, cô Cao Dung Dung, một nhân viên của Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị cảnh sát sốc bằng roi điện trong sáu tiếng tại Trại Lao động Long Sơn vào tháng 7 năm 2003. Thân thể cô bị biến dạng và chết thảm thương vào ngày 16 tháng 6 năm 2005, ở tuổi 37.
Cô Cao Dung trước (ảnh trái) và sau (ảnh phải) khi bị bỏng vì bị sốc điện
Cô Vương Vân Khiết, một học viên đến từ tỉnh Liêu Ninh, đã bị cảnh sát sốc điện vào ngực đồng thời bằng hai dùi cui điện trong nhiều giờ tại Trại Lao động Mã Tam Gia. Toàn bộ ngực phải của cô bị hoại tử và tổn thương. Cô qua đời vào tháng 7 năm 2006.
Bà Tống Huệ Lan là một học viên ở Trang trại Tân Hoa xã, thành phố Hắc Long, tỉnh Hắc Long Giang. Vào tháng 12 năm 2010, cảnh sát từ Sở Cảnh sát Huyện Hoa Xuyên đã bắt và giam giữ bà tại Trại tạm giam Thang Nguyên. Các lính canh đã tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc vào người bà, khiến phần dưới của chân phải của bà – kể cả bàn chân và ngón chân – đều thâm đen lại vì hoại tử. Cuối cùng, vào ngày 25 tháng 5 năm 2011, bàn chân phải của bà đã rụng hoàn toàn.
Sau khi bị tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc, chân và bàn chân phải của bà Tống Huệ Lan bị thâm đen lại và mưng mủ
Cuối cùng, bàn chân phải của bà Tống bị rụng ra và bà bị tàn tật
Cô Chúc Hà ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị đưa vào Trại Lao động Nữ Nam Mộc Tư vào tháng 6 năm 2003. Sau đó, cô bị cưỡng chế tham gia ba phiên tẩy não và bị lính canh cưỡng hiếp nhiều lần. Sau khi trở về nhà vào ngày 2 tháng 4 năm 2004, cô Chúc bị rối loạn tâm thần. Cô không thể tự chăm sóc bản thân hay kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Cô Chúc Hà (bên trái) bị hãm hiếp nhiều lần trong ba phiên tẩy não ở trại lao động, sau đó cô bị rối loạn tâm thần (bên phải)
Cô Lưu Chí Mai lớn lên trong một gia đình nghèo ở thành phố Lai Dương, tỉnh Sơn Đông. Với thành tích học tập xuất sắc, cô đã được Đại học Thanh Hoa – được gọi là MIT của Trung Quốc – nhận vào năm 1997. Mọi người gọi cô là “phượng hoàng vàng bay khỏi bản làng”. Vào tháng 11 năm 2002, cô bị kết án 12 năm tù và bị giam tại Nhà tù Nữ Sơn Đông. Tại đây, cô bị lạm dụng tâm thần và lạm dụng tình dục với mức độ không thể tưởng tượng nổi. Khi trở về nhà, cô bị rối loạn tâm thần và chết thảm thương vào tháng 2 năm 2015.
Cô Lưu Chí Mai, một sinh viên đại học trẻ đầy triển vọng (bên trái). Sau khi bị rối loạn tâm thần do bị lạm dụng tâm thần và tình dục, cô cũng tránh mặt mọi người (bên phải).
Cô Tống Diễm Quần, hơn 40 tuổi, là một cựu giáo viên tiếng Anh ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm. Vào năm 2012, cô bị bức thực bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Khi trở về nhà vào ngày 20 tháng 1 năm 2014, cô đã ở trong tình trạng thập tử nhất sinh, trọng lượng cơ thể chỉ còn 23,5 kg.
Cô Tống Diễm Quần (bên trái) rộc người (bên phải) vì bị bức thực bằng thuốc không rõ nguồn gốc
Cô Triệu Diệp, một học viên ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã bị các đặc vụ từ Đồn Cảnh sát Đường Hỏa Cự bắt giữ vào ngày 25 tháng 2 năm 2011, và bị đưa vào Trại Lao động Nữ Hà Bắc. Việc tra tấn đã hủy hoại sức khỏe, khiến cô chỉ còn da bọc xương. Cô qua đời vào nửa đêm ngày 15 tháng 12 năm 2012, ở tuổi 40.
Trước (bên trái) và sau (bên phải) khi cô Triệu Diệp bị bức hại vì đức tin của cô vào Pháp Luân Công
Những trường hợp được mô tả trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của hàng loạt vụ bức hại Pháp Luân Công trên toàn trong 21 năm qua. Hàng trăm nghìn học viên đã bị sách nhiễu, bắt giữ, và giam cầm, gồm cả bỏ tù, tra tấn và tẩy não. Dưới sự kiểm duyệt và kiểm soát thông tin gắt gao, rất nhiều người dân không biết những hành động tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công. Bị ảnh hưởng bởi những tuyên truyền thù hận, nhiều người trong đó đã kỳ thị, thậm chí còn tố giác các học viên Pháp Luân Công với các viên chức chính quyền.
Đàn áp tín ngưỡng và hậu quả
Nhìn lại lịch sử, những gì xảy ra ở Trung Quốc không phải là cuộc đàn áp tín ngưỡng đầu tiên trên quy mô lớn. Ví dụ, ở Đế chế La Mã cổ đại, Nero là một trong những hoàng đế khét tiếng trong cuộc đàn áp các tín đồ Cơ đốc giáo. Tương tự như việc ĐCSTQ vu khống Pháp Luân Công bằng vụ tự thiêu giả, Nero cũng đã dàn dựng vụ Đại hỏa hoạn ở Thành Rome vào năm 64 và vu cho các tín đồ Cơ đốc giáo đã gây ra sự phá hoại này. Nhiều tín đồ Cơ đốc đã bị giết, bị cho súc vật ăn hoặc bị thiêu chết. Vào năm sau, một trận dịch hạch đã bùng phát, giết chết khoảng 30.000 người.
Nhưng các vị hoàng đế sau không tin vào quy luật nhân quả này, và họ tiếp tục cuộc bức hại tàn bạo. Ví dụ như Marcus Aurelius Antoninus (nắm quyền từ năm 161 đến năm 180), đã bắt đầu đợt đàn áp thứ tư. Ông ta quyết định tiêu diệt các tín đồ Cơ đốc giáo, và ra lệnh ban thưởng tài sản của gia đình họ cho những kẻ chỉ điểm. Việc tra tấn, giết hại, động vật xé xác trong Đấu trường La Mã cũng thường xảy ra.
“Một số nạn nhân bị bắt phải chạy qua gai, đinh, tấm nhọn, v.v. trong khi bàn chân đã bị thương, những người khác bị đánh cho đến khi mạch máu và gân bị lòi ra, và sau khi phải chịu những đòn tra tấn tàn khốc nhất, họ đã bị giết hại bằng những cách thức kinh khủng nhất”, theo Sách về những người tử vì đạo (Book of Martyrs) của Foxe.
Hậu quả xảy ra không lâu sau đó. Bệnh dịch hạch Antonine, kéo dài từ năm 165 đến năm 180, đã giết chết khoảng 5 triệu người. Căn bệnh này đã quét sạch 1/3 dân số ở một số khu vực, và làm suy yếu đáng kể quân đội La Mã. So với bệnh dịch năm 65 sau Công Nguyên, căn bệnh này còn kinh hoàng hơn, có lúc khiến người đang đi bộ ngã sụp xuống và chết. Ngay cả Marcus và Lucius Verus, một hoàng đế La Mã khác, cũng chết vì bệnh dịch.
Ông John of Ephesus, giám mục và nhà sử học, đã chứng kiến bệnh dịch hạch Justinian và mô tả trong Phần 2 của Biên Niên Sử (Chronicle):
— Các điểm dừng chân trên những con đường đầy bóng tối và vắng vẻ khiến tất cả những ai tình cờ bước vào trời đi đều phải sợ hãi; — vật nuôi bị bỏ hoang, chạy rong khắp các ngọn núi mà không có người chăn dắt; — những đàn cừu, dê, bò và lợn đã trở nên giống như động vật hoang dã, quên mất [cuộc sống trong] trang trại và tiếng người chăn chúng; — ở các đồn điền, đủ loại trái cây đã chín mọng, thối và rụng vì không có người thu hoạch;
Từ những dịch bệnh thời cổ đại cho đến những thảm họa thời hiện đại, có một điểm chung là kiên định với các giá trị truyền thống và đức tin sẽ mang lại phúc báo cho sức khỏe và sự an toàn. Lịch sử vẫn thường lặp lại. Hy vọng chúng ta sẽ rút ra được bài học cho bản thân trước khi quá muộn.
Bài viết liên quan bằng tiếng Hán: 中共酷刑虐杀法轮功学员调查报告(1)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/7/为什么疫情总在这几个省反复–418219.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/20/189999.html
Đăng ngày 30-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.