Bài viết của Khả Giám

[MINH HUỆ 11-08-2020] Tính đến ngày 9 tháng 8 năm 2020, số người chết do virus corona trên toàn cầu đã vượt quá 730.000 người và hiện vẫn chưa thấy điểm kết thúc đại dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho toàn thế giới sáu tháng qua.

Nghiên cứu mới nhất cho thấy virus này đã trải qua đột biến D614G, khiến nó càng đáng sợ hơn. Ông Danny Altmann, Giáo sư Khoa Miễn dịch tại Đại học Imperial College London, đã cảnh báo tình hình này “rất, rất đáng sợ”, và “vắc-xin sẽ không dễ dàng như vậy”.

Virus giờ dễ lây nhiễm hơn do đột biến mới

Theo một bài báo có tiêu đề “Theo dõi những biến đổi trong protein gai của SARS-COV-2: Bằng chứng cho thấy D614G tăng khả năng lây nhiễm của virus COVID-19” đăng trên Cell, một tạp chí khoa học nổi tiếng, ngày 3 tháng 7 năm 2020, các nhà khoa học ở Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos và Đại học Duke đã phát hiện một chủng virus corona SARS-CoV-2 mới có tên D614G. Biến thể này có một “khác biệt tuy nhỏ nhưng hữu hiệu” trong protein gai của chủng virus này, một thành phần quan trọng để virus xâm nhập vào các tế bào của con người. Khi làm thí nghiệm, các nhà khoa học đã phát hiện rằng đột biến đó khiến virus này dễ lây nhiễm hơn.

Ngày 6 tháng 7, giáo sư Trương Văn Hoành, trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu virus Vũ Hán ở Thượng Hải, Trưởng Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán, viết trên Weibo: “Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất, giữa biến thể D614G và tỷ lệ tử vong có mối tương quan chặt chẽ, mặc dù nghiên cứu hiện tại vẫn đang ở giai đoạn phân tích số liệu thống kê.” Vì các số liệu thống kê này là dựa trên các mẫu dữ liệu lớn nên vẫn có thể thấy được mối tương quan.

Cùng ngày, nhà miễn dịch học Danny Altmann phát biểu với CNBC rằng chỉ khoảng 10% đến 15% dân số ở các khu vực thành thị bị lây nhiễm có khả năng miễn nhiễm. “Loại virus này rất ranh mãnh, và việc miễn nhiễm với nó rất khó hiểu và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.”

Ông Altmann dự báo sẽ có một đợt lây nhiễm thứ hai và nói rằng tình hình hiện vẫn đang “rất, rất đáng sợ”. Ông cũng nhận định: “Có nhiều chi tiết chúng ta còn chưa rõ, vắc-xin sẽ không dễ dàng như vậy.”

Làn sóng thứ hai của các đại dịch trong quá khứ cho thấy sức tàn phá

Sự lây lan nhanh chóng của “dịch cúm Tây Ban Nha” vào mùa xuân năm 1918 đến mùa xuân năm 1919 đã khiến người ta phải bàng hoàng. Nó đã lây nhiễm cho 500 triệu người, khoảng 1/3 dân số toàn cầu tại thời điểm đó. Nó đã vươn xa tới tận quần đảo Thái Bình Dương và Bắc Cực. Tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng 2,5% đến 8%, khiến 17 đến 50 triệu người thiệt mạng.

Làn sóng thứ nhất của dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát vào khoảng tháng 6 – 7 năm 1918, sau đó là làn sóng thứ hai xảy ra từ tháng 9 đến 11. Làn sóng thứ hai chứng kiến tỷ lệ tử vong cao nhất và con số tử vong lớn nhất. Làn sóng thứ ba từ tháng 2 đến 3 năm 1919 có tỷ lệ tử vọng cao hơn ở trẻ em và người cao tuổi, trong khi thanh niên và người trong độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 50% tổng số trường hợp tử vong. Nhìn chung, 99% các ca tử vong là dưới 65 tuổi.

Mỗi làn sóng trong ba đợt dịch cúm năm 1918 chỉ kéo dài vài tuần, rồi đột nhiên dừng lại. Tác gia kiêm sử gia người Mỹ, ông John M. Barry, trong cuốn sách Đại dịch cúm: Câu chuyện về những dịch bệnh gây chết người nhiều nhất trong lịch sử xuất bản năm 2004, viết: “Sau hai năm nỗ lực phi thường (và liên tục) của nhiều nhà điều tra giỏi nhất thế giới, vào năm 1920, Welch đã đưa ra một dự đoán đầy thất vọng: ‘Tôi cho rằng dịch bệnh này có khả năng sẽ qua đi và chúng ta sẽ không còn quen với việc kiểm soát dịch bệnh như trong trận dịch năm 1889. Thật đáng hổ thẹn nhưng đó là sự thật.’”

Trong vòng một trăm năm qua, một ví dụ khác về việc phải trả giá đắt cho việc lơ là trước làn sóng thứ hai là dịch cúm H3N2 bùng phát ở Hồng Kông vào năm 1968.

Dịch cúm H3N2 bùng phát vào nửa đầu năm 1968. Các chuyên gia y tế cộng đồng tại thời điểm đó đã nhận định rằng cộng đồng nói chung đã sinh ra kháng thể miễn dịch trước kháng nguyên N2, nên cho rằng một chủng phụ của H3N2 không thể gây bùng phát trên diện rộng. Suy nghĩ đó hóa ra là một sai lầm.

Trong nửa cuối năm 1968, chủng H3N2 đã đột biến thành một chủng virus quái vật lây lan tới cả châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Nó đã lấy đi hơn 1 triệu sinh mạng trước khi lắng xuống vào năm 1970.

Số ca nhiễm mới tăng mạnh ở Bắc Kinh và Hồng Kông

Trong bài viết đăng trên Weibo ngày 6 tháng 7, bác sỹ Trương Văn Hoành đã chỉ ra rằng đột biến D614G của chủng virus này đã được phát hiện trong làn sóng bùng phát thứ hai mới đây ở Bắc Kinh. Theo chính quyền Trung Quốc, làn sóng thứ hai bắt đầu ở Chợ Rau Xinfadi ở Bắc Kinh vào ngày 11 tháng 6 đã lây nhiễm cho hơn 350 người. Nhưng do chính quyền Trung Quốc độc quyền kiểm soát thông tin, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Trong khi chính quyền vẫn chưa cung cấp thông tin về nguồn lây của đợt bùng phát thứ hai, hơn 1.000 đại biểu trên toàn quốc đã tập trung tại Bắc Kinh để tham dự Đại hội Đại biểu Nhân dân và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân bắt đầu vào cuối tháng 5. Đại biểu Thân Kỷ Lan đã qua đời vài tuần sau hội nghị và có rất nhiều suy đoán liên hệ cái chết của bà với khả năng nhiễm virus corona và đợt bùng phát sắp tới ở Bắc Kinh sau hội nghị.

Số ca nhiễm mới ở Hồng Kông tăng mạnh vào tháng 7. Ngày 7 tháng 7, đã có 14 ca nhiễm mới được báo cáo. Vào ngày tiếp theo, khi Cơ quan An ninh Quốc gia Hồng Kông được thành lập, 24 ca nhiễm mới đã được ghi nhận. Ngày 10 tháng 7, Vụ Giáo dục Hồng Kông thông báo các trường học sẽ tạm đóng cửa từ ngày 13 tháng 7.

Cho tới ngày 9 tháng 8, tổng số ca nhiễm ở Hồng Kông đã lên tới 4.080 người, nhiều gấp ba lần con số 1.234 ca nhiễm vào ngày 1 tháng 7.

Trong khi số ca lây nhiễm được báo cáo ở Hồng Kông từ tháng 4 đến tháng 6 là không có hoặc chưa vượt quá một chữ số, nhiều người nghi ngờ rằng sự gia tăng đột ngột của các ca nhiễm mới là do cảnh sát từ Trung Quốc đại lục được điều động tới để trấn áp những người Hồng Kông phản đối Luật An ninh Hồng Kông do quốc hội bù nhìn của chính quyền cộng sản thông qua vào ngày 1 tháng 7.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/12/408883.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/11/186292.html

Đăng ngày 14-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share