Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Đức
[MINH HUỆ 28-10-2020] Cuối tháng 10 năm 2020, một màn múa rồng vàng Trung Hoa do các học viên Pháp Luân Công tổ chức đã trở thành điểm nhấn của Tuần lễ Văn hóa Quốc tế tại Lünen, Đức. Ruhr News, tờ báo địa phương lớn nhất, đã đăng một bài báo về người điều phối của đội múa rồng, có tựa đề “Quách Cư Phong: Từng bị giam cầm trong lao động tại Trung Quốc, tìm thấy hạnh phúc tại Lünen”.
Bài báo kể lại cuộc bức hại mà ông Quách đã trải qua ở Trung Quốc chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công và một số cảm ngộ về cuộc sống của ông tại Đức.
Bài báo về học viên Pháp Luân Công Quách Cư Phong được in trên tờ báo Đức Ruhr News vào ngày 20 tháng 10 năm 2020
Bài báo cho biết ông Quách đã sống tại Đức 12 năm nhưng sinh ra tại Đông Bắc Trung Quốc, cách Lünen khoảng 8.000 km, hai năm trước khi kết thúc Cách mạng Văn hóa. “Ông lớn lên trong nền văn hóa cộng sản mới nhưng không tiếp nhận nó.”
Năm 1995, ông Quách học Pháp Luân Công. Đó là các bài công pháp gồm cả thiền định, nhưng khác với các môn khí công khác ở chỗ các học viên Pháp Luân Công hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
Năm 1999, chính quyền Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc và tống giam hàng nghìn học viên vào các trại lao động. Ông Quách đã ba lần bị tống vào trại lao động và bị ép phải làm việc dưới điều kiện khốc liệt trong một mỏ đá. Ông Quách nói với phóng viên: “Chúng tôi làm việc bằng búa và tay không. Găng tay của chúng tôi chẳng mấy chốc đã bị hỏng.”
Khi Thế vận hội Olympic diễn ra ở Trung Quốc năm 2008, ông Quách đang làm việc cho một công ty của Đức. Ông sang Đức công tác và không quay trở về Trung Quốc nữa. Ông hiện là kỹ sư điện tại Đức và cống hiến hết mình cho văn hóa Trung Quốc những khi rảnh. Ông từng đăng bài về trải nghiệm của mình ở Đức trên các tờ báo tiếng Trung. Ông cũng viết thư pháp Trung Quốc và chia sẻ hình ảnh nấu ăn theo phong cách quê hương của mình.
Các học viên Pháp Luân Công biểu diễn múa rồng trong Tuần lễ Văn hóa Quốc tế tại Lünen
Bài báo nói về việc ông Quách đã biên đạo tác phẩm múa rồng như thế nào nhờ nghiên cứu chi tiết về các màn múa rồng để có thể thể hiện một màn diễn chính xác cho khán giả trong Tuần lễ Văn hóa Quốc tế. Ông chia sẻ với tờ Ruhr News: “Rồng có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với người Trung Quốc. Rồng là một linh vật. Tôi đã soạn một tài liệu đào tạo và các video hướng dẫn tương ứng. Mỗi diễn viên múa và động tác đều được gán cho một số. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và luyện tập.”
Ông Quách nói: “Tôi rất vui khi mang lại niềm vui cho khán giả. Mục tiêu của tôi với màn múa rồng là mang lại may mắn cho Lünen. Tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy cầu vồng trong buổi biểu diễn của chúng tôi.”
Ông Quách thích sống ở Lünen và tập các bài công pháp Pháp Luân Công ở công viên với các học viên khác vào Chủ Nhật hàng tuần. Ông nhớ gia đình và quê hương mình ở Trung Quốc vì ông đã không thể về thăm suốt 12 năm qua, nhưng ông hy vọng sẽ có thể trở về nhà vào một ngày nào đó với một Trung Quốc tốt đẹp hơn.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/28/414349.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/2/188074.html
Đăng ngày 03-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.