Bài viết của Vương Anh, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 01-10-2020] Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây đã tới thăm Thành phố Vatican. Mặc dù không gặp được Giáo hoàng Francis, nhưng ngày 30 tháng 9, ông đã có bài phát biểu tại diễn đàn tự do tôn giáo, kêu gọi các lãnh tụ đức tin, trong đó có Tòa thánh, đứng lên phản đối sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và bảo vệ nhân phẩm.
Diễn đàn do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh tổ chức với tiêu đề “Thúc đẩy và Bảo vệ Tự do Tôn giáo Quốc tế thông qua Ngoại giao”. Trong chuyến thăm này, ông Pompeo cũng đã gặp Hồng y Pietro Parolin – Ngoại trưởng của Vatican và Tổng giám mục Paul Gallagher – Bộ trưởng Đối ngoại với các Quốc gia, để thảo luận về việc thúc đẩy hòa bình, tự do, và nhân phẩm thông qua hợp tác giữa Hoa Kỳ và Tòa thánh.
Ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã phát biểu tại Thành phố Vatican hôm 30 tháng 9 về những thách thức về tự do tôn giáo do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra.
Thảm trạng ở Trung Quốc
Trong bài phát biểu có tiêu đề “Nhân chứng đạo đức và tự do tôn giáo”, ông Pompeo nói rằng đã 75 năm đã trôi qua kể từ khi Thế chiến II kết thúc ở Châu Âu, nhưng mọi người vẫn nhớ rõ những người đã dùng lương tri để đối đầu với chế độ Đức Quốc xã. Điển hình là Cha Bernhard Lichtenberg, một linh mục ở Berlin, người đã giúp không biết mệt mỏi những người Do Thái và cầu nguyện cho họ được bình an.
Sự can đảm đó cơ bản là phù hợp với các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ. Ông giải thích: “Các nhà lập quốc của chúng tôi coi tự do tôn giáo là một quyền cực kỳ thiết yếu của nhân loại và là trung tâm của việc lập quốc của chúng tôi.” Ông nói rằng điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi các chính quyền độc tài ngày nay đang phá hoại tự do tín ngưỡng trên khắp thế giới.
Trong số đó, tệ nhất là ĐCSTQ. Ông nói tiếp: “Không có nơi nào công kích tự do tín ngưỡng nhiều hơn ở Trung Quốc ngày nay. Đó là bởi vì cũng như mọi chính quyền cộng sản khác, ĐCSTQ tự coi mình có thẩm quyền tối cao về vấn đề đạo đức.” Hơn nữa, “Một ĐCSTQ ngày càng nặng tính áp bức, chính họ cũng lo sợ bởi họ thiếu tính dân chủ hợp pháp, ngày đêm phải tìm cách nhổ tận gốc ngọn đèn tự do, nhất là tự do tín ngưỡng, trên một quy mô đáng sợ.”
Ông Pompeo chỉ ra rằng: “ĐCSTQ đã tàn phá mọi cộng đồng có tín ngưỡng ở Trung Quốc: các giáo hội Tin lành tại gia, Phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công, v.v.”
“Chúng ta phải ủng hộ những quyền tự do được kỳ vọng trong thời đại chúng ta”
Ông Pompeo đề xuất: “Chúng ta phải ủng hộ những quyền tự do được kỳ vọng trong thời đại chúng ta, giống như Cha Lichtenberg đã làm.” Ông cho hay Chính phủ Hoa Kỳ đã dành nhiều công sức về vấn đề này, nhưng cũng như ở các quốc gia khác, không phải tất cả các nhà lãnh đạo đều có thể đặt nó thành ưu tiên hàng đầu. “Các quốc gia đôi khi phải thỏa hiệp để đạt được kết quả mong muốn, lãnh đạo này lên, lãnh đạo kia xuống, và các ưu tiên quả thực đã thay đổi.”
Nhưng các lãnh tụ của các đức tin lại ở một vị thế khác. Ông nói thêm: “Các giá trị của thế giới trần tục không nên phủ nhận các lập trường nguyên tắc dựa trên chân lý vĩnh hằng.” Trong lịch sử, các tín đồ Thiên Chúa giáo đóng một vai trọng yếu trong việc bảo vệ nhân phẩm. Chẳng hạn, ông nói: “Triết gia Công giáo người Pháp Jacques Maritain đã giúp đặt ra nền tảng trí tuệ cho Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu năm 1948.”
Tương tự, Giáo hoàng John Paul II là người dẫn dắt chính của lương tri đã đốn hạ Bức màn Sắt để kết thúc Chiến tranh Lạnh. Giáo hoàng Danh dự Benedict cũng nhấn mạnh tự do tôn giáo là “một yếu tố thiết yếu của một nhà nước hợp hiến” cũng như là “phép thử về sự tôn trọng đối với mọi loại nhân quyền”.
Đây đều là những tấm gương cho các lãnh tụ của các đức tin ngày nay. Ông Pompeo nói tiếp: “Là tín đồ Cơ đốc giáo, chúng ta đều biết mình đang sống trong một thế giới đã sa ngã. Nghĩa là, những người có trách nhiệm với lợi ích chung đôi khi phải đối phó với những kẻ xấu và những chế độ độc ác. Nhưng khi làm như vậy – khi làm điều đó, các chính khách đại diện cho các nền dân chủ phải không bao giờ được đánh mất lập trường về các giá trị đạo đức chân chính và nhân phẩm đã làm nên nền dân chủ.“
Ông nói: “Giáo hoàng Fracis chủ trương Giáo hội phải ‘vĩnh viễn ở trạng thái truyền giáo” và chỉ ra rằng “Trở thành một Giáo hội ‘vĩnh viễn ở trạng thái truyền giáo’ có nhiều ý nghĩa. Nhưng chắc chắn, một trong số đó là trở thành một Giáo hội vĩnh viễn phải bảo vệ các nhân quyền cơ bản.”
Do đó, Pompeo kêu gọi Giáo hội vĩnh viễn phản đối các chế độ chuyên chế và ủng hộ “những người muốn ‘mạo hiểm vì quyền tự do’ mà Giáo hoàng John Paul II đã tuyên bố, đặc biệt là khi quyền tự do tín ngưỡng bị chối bỏ, hay bị hạn chế, thậm chí bị đàn áp.”
Những trách nhiệm đó không chỉ giới hạn ở các tín đồ Cơ đốc giáo và Thiên Chúa giáo. Ông Pompeo kêu gọi “mọi lãnh tụ đức tin tìm lại dũng khí để đối đầu với cuộc bức hại tín ngưỡng đối với cộng đồng của chính họ, cũng như Cha Lichtenberg đã làm đối với các thành viên của các tín ngưỡng khác.”
Ông nhắc lại: “Chúng ta phải ủng hộ các quyền tự do được kỳ vọng trong thời đại của chúng ta, giống như Cha Lichtenberg đã làm.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/1/413006.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/4/187670.html
Đăng ngày 07-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.