Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Mỹ quốc
[MINH HUỆ 18-06-2020] Năm 2019, công việc của tôi có rất nhiều thay đổi. Từ tháng 3, tôi bắt đầu quay video và đã gặp không ít khảo nghiệm tu luyện. Tôi muốn chia sẻ về những khảo nghiệm này và cách tôi vượt qua chúng với sự giúp đỡ của các đồng tu.
Vượt qua tâm tật đố trong khi làm video
Tôi đã hình thành chấp trước vào số lượng người xem, chấp trước này nổi lên mạnh mẽ hơn khi video của tôi làm không đạt kết quả tốt, hoặc khi những video mà tôi cho là kém hơn của mình lại đạt được nhiều lượt xem hơn. Cảm giác bất công bắt đầu nổi lên. Tại sao một video nghiệp dư, được làm bởi một bác gái nông dân, lại được xem nhiều hơn video của tôi. Tâm tôi tràn đầy cảm giác tiêu cực, bao gồm tật đố, lo sợ và không hài lòng. Khi cảm giác tật đố trở nên đặc biệt gay gắt, tôi sẽ không nhấn “thích” những video có chất lượng tốt của người thường, lo sợ rằng sự phổ biến của họ sẽ đè bẹp tôi. Một ngày nọ tôi đột nhiên tỉnh ngộ. Nếu tôi không “thích” video của người khác, làm sao có thể nhận được nhiều lượt “thích” của người khác dành cho tôi. Đây chẳng phải là tâm tật đố mà Sư phụ đã giảng sao:
“…người khác nếu [có điều gì] tốt, thì thay vì cảm thấy mừng cho họ, người ta lại thấy bất bình trong tâm.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Tôi bắt đầu cẩn thận hướng nội, tại sao tôi lại sợ người khác thành công hơn mình. Tìm tới tìm lui, tôi phát hiện tâm tật đố bắt nguồn từ vị tư, tham lam và chấp trước hiển thị. Thay vì khen ngợi và đánh giá cao sự thành công của người khác, tôi lại cố tình cạnh tranh với họ và cố vượt qua họ một cách tuyệt vọng. Tôi đã không hề nghĩ đến những phó xuất của họ và không thừa nhận những sở trường của họ. Tôi thậm chí còn không nghĩ đến được rằng thành công của họ có được một cách dễ dàng, đó cũng là vì sinh mệnh của họ có điều đó.
Sư phụ dạy chúng ta phải biết cân nhắc cho người khác trước và hướng nội bất cứ khi nào chúng ta gặp khảo nghiệm. Tôi tự hỏi: “Mục đích tu luyện của mình là gì? Đó là trở thành một vị Phật. Liệu vị Phật đó sống cho bản thân hay vì người khác? Phật có lòng từ bi vô hạn và giúp đỡ người khác mà không có chấp trước ràng buộc nào. Liệu một vị Phật chân chính có sợ hãi rằng những sinh mệnh khác trong vũ trụ sẽ trở nên tốt hơn bản thân họ?” Tôi đã chấn động khi nhận ra điều này. Với thiếu sót này, tôi sẽ không bao giờ có thể tu luyện tới được tầng thứ của Phật, dù tôi có nỗ lực học Pháp, luyện công nhiều như thế nào.
Tôi bắt đầu quy chính lại bản thân bằng việc ghi nhớ và thường xuyên nhẩm đoạn Pháp trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Sư phụ giảng:
“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không. Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Bây giờ mỗi khi tôi nhìn thấy một video hay, tôi cảm thấy mừng cho người đó và ấn nút “thích” ngay lập tức. Mặc dù tôi vẫn chưa hoàn toàn loại bỏ chấp trước tật đố, ít nhất trong vấn đề này tôi đã bắt đầu nghiêm túc tu bản thân.
Loại bỏ chấp trước ỷ lại
Gần đây tôi xem lại những video mà tôi làm từ năm ngoái và tìm thấy rất nhiều thiếu sót về giọng điệu của lời thoại và cả nội dung. Đồng thời tôi cũng cảm thấy mình đã có một chút tiến bộ, thể hiện trong việc có thể phóng hạ tự ngã, học được cách biểu đạt bản thân một cách tự nhiên hơn. Mặc dù có một chút tiến bộ như vậy, nhưng tốc độ cải thiện vẫn quá chậm, khiến tôi thường cảm thấy sốt ruột. Mỗi khi nghĩ đến điều này, tôi lại thấy lo lắng, kéo theo tâm oán trách nổi lên.
Vì vậy, đầu năm nay tôi đã tới thăm và học hỏi một nhóm ở Los Angeles. Tôi đã sốc khi biết rằng chỉ với một nhóm năm, sáu người có thể kiếm được doanh thu lớn như vậy trong một năm, đồng thời khối lượng công việc và sự phó xuất mà họ dành cho mỗi chủ đề nghiên cứu cũng khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Nhóm này đã có một khởi đầu khó khăn nhưng với sự kiên trì và hợp tác, cuối cùng họ đã đạt được thành công. Suy ngẫm lại, tôi có thể thấy được sự thiếu sót của chính mình. Chỉ phàn nàn về tình hình của mình sẽ chẳng đưa tôi đến đâu cả. Một lần, tôi tình cờ chia sẻ quan sát này của mình cho một đồng tu.
Anh ấy chỉ vào một chậu cây đang chết trong nhà tôi và nói: “Hãy tưởng tượng có hai chậu cây ở đây. Một chậu cây đang phát triển mạnh và ra hoa, trong khi chậu còn lại đang héo úa và sắp chết. Tự nhiên, mọi người sẽ cảm thấy có động lực để tưới cho cái cây khoẻ mạnh hàng ngày, thay vì cái cây đang chết kia.” Những lời của anh ấy khiến tôi suy nghĩ. Chẳng phải tôi cũng giống như chậu cây này sao. Trong công việc cũng theo lý này, bản thân mình còn không làm được còn mong người khác hoàn thành giúp sao? Mọi người đều muốn “thêu hoa trên gấm”, gặp cây hoa đang khoe sắc thì sẽ muốn chăm sóc, đây cũng là lẽ thường tình. Minh bạch được điều này, tôi không còn oán trách tại sao mình không được người khác chú ý nữa.
Bằng việc tin tưởng vào giá trị công việc của mình và áp dụng những nguyên lý của Pháp vào mọi thứ mình làm, những kết quả đạt được của tôi sẽ không vô ích. Giờ đây, tôi chủ động tìm kiếm học hỏi những tài liệu đào tạo sản xuất video để học tập. Khi tôi xem những video của người khác, tôi cẩn thận ghi chép lại những điểm tốt trong sản phẩm của họ. Bất cứ khi nào tôi xem được đoạn nào hay, tôi luôn ghi chép lại. Bằng cách này, tôi tích luỹ kinh nghiệm từng chút một.
Bất chấp những khó khăn, tôi cảm thấy Sư phụ luôn ở bên tôi, khuyến khích tôi bằng những video truyền cảm hứng, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của tôi trong khi luôn có những người khác động viên và chỉ bảo cho tôi.
Hiểu và chấp nhận người khác
Tôi đã nhận ra rằng, để đạt được số lượt xem lớn, tôi cần phải quan tâm đến sở thích của số đông, hơn là tập trung vào đam mê của cá nhân mình. Tôi gặp phải những lời bình luận liên tục về thiếu sót này. Ngay cả dì của tôi, cũng là đồng tu, nói rằng: “Cô không thích xem sản phẩm của cháu. Cô thấy nó quá trừu tượng và không thực tế.” Sau một thời gian tập trung thảo luận và tiếp nhận phản hồi, tôi nhận ra rằng người ta có rất nhiều sở thích khác nhau. Để có được sự phổ biến rộng rãi, cần phải có khả năng hiểu và liên hệ được đến nhu cầu và hoàn cảnh của họ.
Một nhân vật lịch sử đã hiểu rất rõ giá trị của điều này là Bạch Cư Dị, một nhà thơ nổi tiếng thời Trung Quốc cổ xưa. Mỗi khi viết xong một bài thơ mới ông đều đọc cho các lão phu nhân nghe, nếu họ nghe không hiểu, ông sẽ sửa lại. Kết quả là, những bài thơ hoàn thiện của ông đã được đông đảo mọi người tiếp nhận.
Một hôm trong khi đang xem lại các video, tôi tình cờ xem được một đoạn tương tác chân thành giữa một blogger và những người hâm mộ của anh ấy. Tôi đột nhiên nhận ra rằng, để có thể thức tỉnh được lương tri của mọi người, cần phải đầu tư xây dựng mối quan hệ và lòng tin. Để làm được điều này, người đó phải cởi mở để chấp nhận người khác. Trốn phía sau những bức tường để bảo vệ bản thân sẽ không thể thành công trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, sự cởi mở có thể mở rộng môi trường tu luyện và có khả năng đánh thức nhiều chúng sinh hơn về chân tướng Đại Pháp.
Sự do dự lúc đầu của tôi là bắt nguồn từ tâm ích kỷ từ chối tương tác với những người hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, các học viên phải đối đãi với chúng sinh bằng lòng tốt và sự chân thành như nhau. Hơn nữa, mục tiêu ban đầu của tôi là sản xuất những video về lối sống là để đánh thức lương tri của nhiều chúng sinh hơn nữa. Đôi khi tôi cảm thấy buồn khi tôi xem những đồng tu đang làm những chương trình thời sự, tôi ghen tị với hoàn cảnh của họ cho phép họ được nói thẳng thắn về chân tướng của cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Tuy nhiên tôi cũng biết rằng một lượng người xem có thể không quan tâm đến những chương trình thời sự. Trong những lĩnh vực này, những chương trình lối sống như của tôi có thể thu hẹp khoảng cách này.
Giờ đây, tôi bắt đầu một ngày của mình bằng cách xem các tin nhắn từ khán giả và trả lời câu hỏi của họ. Mặc dù nhiệm vụ bình thường này rất mất thời gian, tôi tin rằng việc này sẽ tạo thành nền tảng vững chắc cho những sản phẩm tương lai của tôi.
Suy nghĩ lại, sản xuất video, đạt được nhiều lượt xem và tạo ra lợi nhuận không phải là nhân tố thúc đẩy tôi sản xuất video. Tôi muốn sản xuất những video có thể tiếp cận và đánh thức được lương tri của nhiều người hơn.
Một ngày nọ, khi đang đứng ở ngưỡng cửa, tôi nhìn lên và thấy rất nhiều cây cối. Mỗi gốc cây đều tự mình sinh trưởng cao lớn, trong vùng núi thâm sâu, không có ai khen ngợi hay chú ý, nhưng nó vẫn sinh trưởng một mình. Thời khắc đó, tôi đột nhiên minh bạch, mỗi cái cây đều có trách nhiệm với sự phát triển của bản thân nó, để có thể chống lại mưa gió giá lạnh, không cần phải đi so sánh với những cây khác, chỉ cần nỗ lực hết mình làm tốt việc của bản thân, đây chính là sự viên mãn của sinh mệnh.
(Bài chia sẻ được đọc tại Hội nghị chia sẻ Thể hội Tu luyện Đài Phát thanh Hy vọng 2020)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/18/407813.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/30/185695.html
Đăng ngày 19-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.