Bài viết của Thanh Phong

[MINH HUỆ 18-07-2009] Mục đích con người đến thế giới này là gì? Hàng trăm hàng ngàn năm nay mọi người vẫn luôn truy tìm. Sau khi trải qua đủ các loại danh lợi tình thế tục cõi hồng trần dụ dỗ, lên voi xuống chó, bảy nổi ba chìm, giàu có cũng qua đi, nghèo khổ cũng qua đi, yêu thương cũng qua đi, oán hận cũng qua đi, thống khổ cũng qua đi, cuối cùng cũng minh bạch ra rằng: Thì ra vạn sự thế gian chẳng qua cũng chỉ là hư không. Được Thần từ bi chiếu cố, cái tâm cầu Đạo ẩn giấu sâu trong nội tâm bắt đầu thức tỉnh, cơ duyên tu luyện dần dần chín muồi. Tu Phật tu Đạo thời cổ đại tuy không thể so sánh với tu luyện Đại Pháp ngày hôm nay, nhưng ai có thể nói là văn hóa tu luyện 5000 năm của Trung Quốc không giúp ích gì cho việc khai mở ký ức bị bụi trần đóng kín?

Đỗ Tử Xuân là người thời triều Bắc Chu và triều Tùy thời Nam Bắc Triều. Thời niên thiếu, anh phóng khoáng tự do, không có ý tích lũy gia nghiệp, tâm chí rất cao, coi nhẹ hết thảy, hàng ngày uống rượu du chơi nhàn nhã. Sau khi đã tiêu hết sạch gia sản, anh đến nhà bạn thân, nhưng những người bạn thân đó đều cho rằng anh không làm nghề nghiệp gì chân chính, nên đã không cho anh ở lại nhà.

Khi đó đã là mùa đông, anh mặc quần áo rách rưới, trong bụng trống rỗng, đi bộ lang thang trên phố Trường An, trời sắp tối rồi mà vẫn chưa có gì ăn, đi loanh quanh mà không biết nên đi đâu. Anh đi từ phố Đông sang phố Tây, vừa đói vừa rét, cô đơn khổ cực không nơi nương tựa, bất giác ngửa mặt lên trời than thở.

Lúc này có một cụ già chống gậy đến trước mặt Tử Xuân và hỏi tại sao lại than thở. Đỗ Tử Xuân bèn kể lại cảnh ngộ và tâm trạng của mình, oán hận những bạn bè thân thích đối xử vô tình bất nghĩa, càng nói anh càng phẫn nộ cảm khải, vô cùng kích động. Cụ già hỏi: “Anh cần bao nhiêu tiền thì mới đủ dùng?”

Đỗ Tử Xuân nói: “Nếu con có 5 vạn tiền thì có thể duy trì cuộc sống được rồi”.

Cụ già nói: “Không đủ đâu, anh nói lại nhiều lên một chút đi!”

“10 vạn”

Cụ già nói: “Vẫn không đủ đâu!”

Đỗ Tử Xuân liền nói: “Thế thì 100 vạn là đủ rồi”.

Cụ già vẫn nói chưa đủ. Đỗ Tử Xuân lại nói: “Thế thì 300 vạn”.

Cụ già nói: “Thế cũng tàm tạm rồi”. Cụ già liền lấy từ trong tay áo ra một xâu tiền và nói: “Tối nay cho anh trước chỗ này, trưa mai ta đợi anh ở phủ trạch Ba Tư ở phố Tây, anh chớ đến muộn nhé”.

Trưa hôm sau, Đỗ Tử Xuân đến như đã hẹn, cụ già quả nhiên cho anh 300 vạn tiền, xong rồi cũng không để lại họ tên gì liền ra đi. Đỗ Tử Xuân có nhiều tiền như thế này lại phóng túng, tự cho rằng có nhiều tiền thế này thì cả đời cũng sẽ không bị nghèo khổ nữa. Từ đó anh cưỡi ngựa béo, mặc áo da nhẹ, ngày ngày cùng bạn bè uống rượu, gọi đoàn nhạc đến tấu nhạc cho vui, đến chốn lầu xanh chơi bời, chẳng để ý đến kế sinh nhai sau này. Tình cảnh quẫn bách lúc bần cũng đã bị quên sạch. Chỉ trong thời gian 1, 2 năm, toàn bộ số tiền cụ già cho anh đã bị vung phí hết sạch, anh đành phải mặc y phục rẻ tiền, đổi ngựa lấy lừa. Sau này lừa cũng không còn, đành phải đi bộ. Trong chớp mắt anh lại trở về bộ dạng như khi mới đến Trường An năm xưa, trở thành một người nghèo kiết xác, nhẵn túi không còn một xu nào.

Đến bước đường cùng, bất lực không biết làm thế nào nữa, anh lại ngửa mặt lên trời than thở. Vừa mới than vãn một hồi thì cụ già kia lại xuất hiện trước mặt. Cụ già cầm tay anh và nói: “Sao anh lại đến bước này? Thật kỳ lạ. Không sao, ta vẫn sẽ giúp anh, hãy nói đi cần bao nhiêu tiền?”

Đỗ Tử Xuân xấu hổ lắm, không dám mở miệng. Cụ già giục mãi, Đỗ Tử Xuân chỉ lẽn bẽn đáp lễ. Cụ già nói: “Trưa mai, anh vẫn cứ đến chỗ lần trước ta đã hẹn đó nhé”.

Hôm sau, Đỗ Tử Xuân rất xấu hổ bước đi, lần này cụ già cho anh 1000 vạn tiền. Đỗ Tử Xuân chưa nhận tiền mà bày tỏ quyết tâm, nói rằng lần này nhất định sẽ cố gắng vươn lên gây dựng gia nghiệp, từ nay về sau sẽ trở thành đại phú ông, sẽ khiến cho những đại phú ông thời cổ đại như Thạch Sùng, Ỷ Đốn cũng trở thành những nhân vật nhỏ. Cụ già đưa tiền cho anh. Tiền vừa đến tay thì tâm Đỗ Tử Xuân liền thay đổi, lại bắt đầu vung phí vô độ, rượu chè chơi bời phóng túng. Chỉ trong thời gian 1, 2 năm, anh lại hai bàn tay trắng, còn thảm hại hơn cả lần trước.

Có thể thấy Đỗ Tử Xuân không thực sự hiểu mục đích chân chính của cụ già đã cho anh tiền, bởi vì tiền có được dễ dàng thì cũng sẽ mất đi dễ dàng. Trong hư ảo phồn hoa của nhân thế, anh vẫn si mê không ngộ ra, có thể nói là ngộ tính kém.

Đỗ Tử Xuân nghèo khổ như kẻ mất hồn lang thang trên phố Trường An, lại gặp cụ già kia. Vì quá xấu hổ, anh liền dùng tay che mặt lẩn tránh cụ già. Nhưng cụ già lại nắm lấy áo của anh và nói: “Anh có thể lẩn tránh đi đâu được? Đây là biện pháp ngu ngốc nhất”. Sau đó cụ già lại cho anh 3000 vạn và nói: “Lần này nếu anh không thay đổi làm lại cuộc đời thì anh sẽ vĩnh viễn chịu cảnh nghèo khổ đó”.

Đỗ Tử Xuân trong lòng thầm nghĩ, mình phóng túng vung phí, cuối cùng đến nỗi chẳng còn nổi một xu, bạn bè thân thích đều là những người giàu có phú quý, nhưng chẳng ai thèm để ý đến mình, duy chỉ có cụ già này đã 3 lần cho mình khoản tiền khổng lồ, mình phải làm thế nào mới xứng đáng với cụ đây?

Nghĩ đến đây, anh bèn nói với cụ già rằng: “Con được cụ 3 lần dạy bảo, nên phải tự lập trên đời này thôi. Con từ nay trở đi không chỉ tự lập mà còn phải chi tế những cô nhi quả phụ trong thiên hạ, không phụ sự giáo hóa của cụ. Con cảm kích sâu sắc ân huệ mà cụ đã dành cho con, nếu sau này con có làm nên sự nghiệp thì cũng hoàn toàn nhờ sự dạy bảo và tài trợ của cụ”.

Cụ già nói: “Đó chính là kỳ vọng của ta đối với anh. Sau khi anh có thành tựu, Tết Trung Nguyên rằm tháng 7 sang năm, anh hãy đến dưới chỗ 2 cây hòe trước miếu Lão Quân đợi ta”.

Lúc này Đỗ Tử Xuân triệt để tỉnh ngộ, cuối cùng anh cũng đã hiểu rõ rằng tiền tài của thế gian nếu chỉ vì hưởng thụ nhất thời thì sẽ rất nhanh chóng tiêu tán hết. Nếu có thể khéo dùng làm những việc tốt cho bách tính, thì không chỉ có thể xả bỏ được tham niệm của bản thân, mà còn giúp ích cho người khác.

Đỗ Tử Xuân biết cô nhi quả phụ đại đa số lưu lạc ở Hoài Nam, anh bèn đến Dương Châu mua 100 khoảnh ruộng tốt (1 khoảnh bằng 100 mẫu), và xây dựng phủ trạch trong thành. Ở những ngã tư các tuyến đường trọng yếu, anh xây dựng hơn 100 căn nhà, rồi cho mời cô nhi quả phụ khắp nơi về ở. Đối với họ hàng thân thích trong gia tộc mình, anh không phân biệt họ hàng gần xa, xưa kia có ân với mình, anh đều báo đáp.

Sau khi hoàn thành tâm nguyện của mình, Đỗ Tử Xuân đến trước miếu Lão Quân như đã hẹn, thấy cụ già đó đang ngồi dưới gốc cây hòe thổi sáo hát ca. Thấy Đỗ Tử Xuân, cụ liền dẫn anh lên đỉnh Vân Đài trên núi Hoa Sơn. Sau khi vào trong núi đi hơn 40 dặm thì đến một nơi, thấy một tòa nhà cao lớn trang nghiêm, trông có vẻ không phải là nơi ở của người phàm. Hạc Tiên bay lượn trên mái nhà. Ở chính đường của tòa nhà có một lò luyện đan dược hơn 9 thước, trong lò ánh sáng tía chiếu sáng rực rỡ hắt ánh sáng lên cửa sổ. Có 9 Ngọc Nữ ở xung quanh trông coi. Trước và sau lò có thanh long, bạch hổ canh gác. Lúc này trời sắp tối rồi, nhìn lại cụ già, y phục trên thân cụ không còn là thứ của cõi phàm nữa, mà là Tiên sư mặc Đạo bào màu vàng, đầu đội mũ Đạo quan màu vàng.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/7/18/204687.html

Đăng ngày 27-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share