Bài viết của Giám Thức
[MINH HUỆ 18-07-2020] Phật gia giảng hết thảy thế gian con người đều là huyễn tưởng, không thể vĩnh hằng, cũng không phải là điều chân thật. Nếu người tu Đạo chấp trước vào tục niệm thế gian, dù cho đó chỉ là một sợi tơ tình thì cũng không thể thành công ở bước cuối cùng.
Sư phụ tìm đồ đệ
Đỗ Tử Xuân sinh sống vào giữa những năm nhà Bắc Chu và nhà Tùy. Thuở thiếu thời, Đỗ Tử Xuân là người có tính cách bộc trực, tâm tình chí hướng cao xa, xem nhẹ mọi thứ nhưng hành xử tùy tiện, không biết ước thúc, ăn chơi rượu chè, không nghĩ đến tích góp sản nghiệp. Không lâu sau đó, anh ta đã tiêu sạch gia sản của mình. Không còn cách nào khác, Đỗ Tử Xuân bèn tìm đến ở nhờ nhà bạn thân. Bạn thân cho rằng anh ta xử sự không chính đáng nên cũng từ chối không cho vào nhà. Lúc đó đúng vào trời đông lạnh lẽo, họ Đỗ quần áo rách rưới, ăn không đủ no, cuộc sống hết sức lam lũ. Đúng lúc đang đi lang thang trên phố ở thành Trường An, trời đã sập tối nhưng bụng vẫn đói meo, anh ta do dự không biết mình nên đi về đâu. Đỗ Tử Xuân đi từ phố Đông sang phố Tây, vừa đói vừa rét, cô độc không chốn nương thân, đến lúc không thể chịu đựng nổi, anh ta bèn ngẩng mặt nhìn trời thở than.
Lúc này, có một ông lão chống gậy bước đến trước anh ta, ông lão bèn hỏi: “Người thanh niên trẻ, cớ sao anh lại thở dài?”
Đỗ Xuân Tử thổ lộ tâm tình cho ông lão nghe. Hóa ra anh ta vẫn còn oán hận người bạn thân đối xử với mình không chút tình nghĩa, càng nói càng tỏ ra phẫn nộ bất bình.
Ông lão nghe xong bèn hỏi anh ta: “Cậu cần có bao nhiêu tiền mới đủ chi tiêu?”
Đỗ Tử Xuân nói: “Nếu cháu có 35 nghìn lượng bạc thì đủ để sống rồi.”
Ông lão nói: “Không đủ đâu, cậu nói nhiều hơn một chút cho lão xem.”
Tử Xuân nói: “Vậy thì 100 nghìn lượng nhé.”
Ông lão lại nói: “Vẫn chưa đủ.”
Đỗ Tử Xuân bèn nói: “Vậy thì, 1 triệu lượng bạc là đủ.”
Nhưng ông lão vẫn bảo anh ta là chưa đủ. Đỗ Tử Xuân nói: “3 triệu lượng.”
Ông lão nói: “Gần đủ rồi.”
Ông lão rút trong tay áo ra một xâu tiền rồi nói: “Tối nay, ta đưa trước cho cậu số ngân lượng này. 12 giờ trưa ngày mai, ta đứng chờ cậu ở phủ nhà Ba Tư trên phố Tây. Cậu nhớ đến đúng hẹn.”
12 giờ trưa hôm sau, Đỗ Tử Xuân đến nơi như đã hẹn. Qủa nhiên ông lão đã đưa cho anh ta 3 triệu lượng bạc, rồi vội vàng rời đi không để lại danh tính. Đỗ Tử Xuân bỗng dưng có được nhiều tiền như vậy, tâm tình liền trở nên vui vẻ thoải mái, cậu ta cho rằng cuộc đời mình sẽ không phải chịu đựng cực khổ gì nữa. Kể từ đó, cậu ta sống hết sức xa hoa lãng phí, suốt ngày rượu chè cùng bè bạn, đàn hát mua vui, trêu hoa ghẹo nguyệt nơi chốn lầu xanh. Anh ta chưa từng để tâm đến việc tìm kế sinh nhai về sau. Chỉ trong vòng một hai năm sau, 3 triệu lượng bạc đã tan theo mây khói. Đỗ Tử Xuân chỉ còn lại mỗi bộ quần áo rách rưới trên người, đổi ngựa thành lừa, về sau cũng không còn lừa để cưỡi, Anh ta đành phải cuốc bộ, trong nháy mắt quay trở về bộ dạng khốn khổ như thuở đầu mới đến thành Trường An. Núi cùng nước tận, cảm thấy bó tay bất lực nên anh ta lại ngẩng mặt nhìn trời than thở.
Anh ta vừa mới thở dài một hơi thì ông lão ngày trước lại xuất hiện ngay trước mặt. Ông lão nắm lấy tay anh ta, bèn hỏi: “Cậu cớ sao lại đến nông nỗi này? Lão cũng không lấy làm lạ. Nhưng cũng không có liên quan gì mấy, lão vẫn có thể giúp cậu lần nữa. Lần này cậu cần bao nhiêu tiền?”
Đỗ Tử Xuân cảm thấy vô cùng xấu hổ nên không biết mở miệng thế nào. Ông lão hỏi cậu ta ba lượt nhưng Đỗ Tử Xuân chỉ biết hổ thẹn nói lời xin lỗi. Ông lão bèn nói: “12 giờ trưa ngày mai, cậu hãy đến chỗ mà chúng ta đã hẹn nhau trước đây.”
Ngày hôm sau, Đỗ Tử Xuân vô cùng xấu hổ đi đến nơi hẹn, lần này ông lão đưa cho anh ta 10 triệu lượng bạc. Lúc chưa nhận được số tiền, Đỗ Tử Xuân tỏ ra rất quyết tâm lần này sẽ sửa chữa lỗi lầm xưa, lo liệu việc làm ăn. Từ đây về sau sẽ trở thành một phú ông giàu có hơn cả Thạch Sùng, Ỷ Đốn thời xưa. Sau đó, ông lão đã đưa tiền cho anh ta.
Khi tiền đến tay, tâm tình của Đỗ Tử Xuân liền lập tức thay đổi. Anh ta lại tiêu xài vô độ như xưa, suốt ngày chìm đắm trong men rượu. Chưa đến ba bốn năm sau, anh ta lại trắng tay, tình cảnh xem ra còn thê thảm hơn cả trước đây. Đỗ Tử Xuân gặp lại ông lão ngày trước trên phố Trường An, cảm thấy quá đỗi xấu hổ nên anh ta bèn dùng hai tay che mặt để tránh chạm mặt ông lão. Ông lão bèn túm lấy áo anh ta và nói: “Cậu có thể trốn đi đâu đây? Trốn tránh là việc làm ngu xuẩn nhất.”
Sau đó, ông lão đã đưa cho anh ta 30 triệu lượng bạc, rồi nói: “Lần này nếu cậu vẫn không biết hối cải thì xem ra không còn cách nào cứu chữa được nữa. Cậu sẽ vĩnh viễn nghèo khổ.”
Đỗ Tử Xuân bèn nghĩ trong tâm: “Mình tiêu xài phung phí, muốn gì làm nấy, rốt cuộc cũng đi đến đường cùng. Trong số người thân bạn bè cũng có người giàu có, nhưng họ không thèm ngó ngàng đến mình, duy chỉ có ông lão kia đã ba lần cho mình nhiều tiền đến vậy, mình biết lấy gì báo đáp ân nhân đây?”
Nghĩ đến đây anh ta bèn nói với ông lão: “Ông đã ba lần dạy cháu bài học giáo huấn, cháu nên phải biết tự lập trong cuộc sống. Không chỉ từ đây về sau cháu phải biết tự lập, mà còn phải biết cứu tế giúp đỡ cô nhi quả phụ trong thiên hạ, giúp đỡ họ hồi phục danh phận và giáo hóa họ. Cháu vô cùng cảm kích ân huệ của ông dành cho cháu. Ông hãy chờ cháu làm xong một số việc, cháu sẽ quay lại nghe ông sai bảo.”
Ông lão bèn nói: “Đây chính là điều ta kỳ vọng ở cậu! Sau khi cậu đạt được thành tựu, vào lễ Vu Lan mồng 5 tháng 7 năm sau, cậu hãy đợi ta ở dưới hai gốc cây thông trước cửa Miếu thờ Lão Quân.”
Đỗ Xuân Tử biết rõ phần lớn cô nhi quả phụ đều sống lưu lạc ở vùng Hoài Nam nên cậu ta đã cố ý đi đến Dương Châu mua 100 khoảnh đất tốt, xây cất nhà trong nội thành, đồng thời cậu ta còn cho xây dựng hơn 100 căn phòng ở những nơi chủ chốt để đón mời các cô nhi quả phụ về ở. Anh ta giúp đỡ người thân trong dòng tộc, thành gia lập thất cho cháu trai và cháu gái; giúp những đôi vợ chồng ly biệt làm lễ mai táng sau khi qua đời, mang những người tha hương cầu thực trở về quê cũ để an táng, hòa giải ân oán ngày xưa, cũng như báo đáp hậu hĩnh với những người có ân nghĩa với anh ta. Sau khi hoàn thành tâm nguyện của mình xong, Đỗ Tử Xuân đi đến trước Miếu thờ Lão Quân để gặp ông lão như đã hẹn.
Tu Đạo vượt quan, trùng trùng khảo nghiệm
Sau khi gặp được Đỗ Tử Xuân, ông lão đã ngừng thổi sáo, rồi bảo Đỗ Tử Xuân leo lên đỉnh Vân Đài ở Hoa Sơn. Đi vào trong núi khoảng hơn 40 dặm, anh ta nhìn thấy có một ngôi nhà cao to và trang nghiêm, trông nó không giống như nơi ở của người phàm mắt thịt. Khung cảnh vô cùng mỹ lệ, tiên hạc sải cánh, mây hồng lượn quanh. Trong gian phòng ở chính điện có một lò luyện đan cao hơn 9 thước, bên trong lò phát ra ánh sáng màu tím rực rỡ phản chiếu lên khung cửa, xung quanh có 9 tiên nữ đứng hầu cận, phía trước và phía sau lò luyện đan có Thanh Long và Bạch Hổ canh giữ.
Đến khi trời sập tối, ông lão lại xuất hiện với bộ dạng thân khoác áo bào màu đỏ, đầu đội mũ miệng vàng kim. Lão Đạo sĩ cầm ba viên đá tròn màu trắng cùng với một ly rượu đưa cho Đỗ Tử xuân rồi bảo cậu ta mau chóng uống hết ly rượu. Đạo sĩ lại lấy ra một tấm da hổ trải kín căn phòng, sau đó ngồi xuống quay mặt về hướng Đông, Đạo sĩ nhắc nhở Đỗ Tử Xuân: “Cậu tuyệt đối không được lên tiếng. Ở đây sẽ xuất hiện nào là Thần, ác quỷ, dạ xoa, địa ngục, mãnh thú, cho đến người thân của cậu sẽ bị kết tội hành hình, hết thảy những thứ này đều không phải là chân thật, chúng đều là hư huyễn. Cho dù cậu có nhìn thấy cảnh tượng đáng sợ hay bi thảm thế nào, cậu cũng không được động tâm và không được lên tiếng. Cậu cứ an tâm, đừng sợ hãi, những thứ đó tuyệt đối sẽ không gây ra tổn hại gì cho cậu. Đến lúc đó, cậu chỉ cần ghi nhớ những lời sư phụ hôm nay đã nói với cậu!”
Sau khi Đạo sĩ rời đi, Đỗ Tử Xuân nhìn quanh căn phòng, trong phòng có một vại lớn chứa đầy nước, ngoài đó ra thì không nhìn thấy thứ gì khác. Đạo sĩ vừa đi khỏi, Đỗ Tử Xuân liền nghe thấy bên ngoài có tiếng người la ngựa hí chấn động trời đất, sau đó chỉ nhìn thấy trong sơn cốc đâu đâu cũng có binh lính, cờ xí bay phấp phới, đao kiếm lấp loáng, trông như đàn ong vỡ tổ xông về phía trước. Trong đó có một người tự xưng là đại tướng quân với thân hình cao to vạm vỡ, người ngựa đều khoác áo giáp vàng sáng chói. Vị đại tướng quân này có vài trăm vệ sĩ theo sau, tất cả bọn họ đều được trang bị kiếm dài và cung tên. Bọn họ một mạch tiến vào trong phòng, lớn tiếng mắng Đỗ Tử Xuân: “Ngươi là ai? Đại tướng quân đến sao ngươi không ra nghênh đón?”
Vệ sĩ vừa chĩa kiếm về phía Đỗ Tử Xuân vừa hỏi tên họ và hỏi anh ta đang làm gì, nhưng Đỗ Tử Xuân không hề nói tiếng nào để đáp lại. Nhìn thấy anh ta không mở miệng, các vệ sĩ hết sức giận dữ, bọn họ lớn tiếng bảo nhau: “Hãy giết chết hắn ta!” Giọng nói vang như sấm nổ nhưng Đỗ Tử Xuân vẫn ngồi yên như tòa núi Thái Sơn, hoàn toàn không nghe thấy gì. Thế là vị đại tướng quân kia chỉ còn biết nổi giận đùng đùng ra lệnh cho binh sĩ rút lui.
Một lúc sau lại xuất hiện một bầy hổ đói, sư tử, rắn rết và bọ cạp độc. Chúng tranh giành nhau xâu xé và ăn thịt Đỗ Tử Xuân, có con còn lượn lờ qua lại trên đầu cậu ta, rồi nhe nanh nhe vuốt, nhưng Đỗ Tử Xuân vẫn không hề động tâm và lên tiếng, một lát sau những thứ như mãnh thú và rắn độc này đều biến mất tăm tích.
Sau đó, đột nhiên mưa gió sấm chớp ầm ầm, trời đất đen kịt không nhìn thấy rõ năm đầu ngón tay, một lúc sau lại xuất hiện một vòng lửa lớn cháy phừng phừng lăn qua lăn lại ở bên trái và bên phải, ánh lửa sáng rực phủ khắp thân người, chói lóa cả hai mắt. Trong tích tắc, căn phòng ngập chìm trong biển nước, trên trời sấm chớp đì đùng, tựa hồ như sông biển quay lộn, tình thế không gì có thể cản nổi. Từng đợt sóng biển hung tợn đánh vào trước nơi Đỗ Tử Xuân đang ngồi, trong tâm cậu ta vẫn ghi nhớ lời căn dặn của Đạo sĩ, không chút động tâm, cậu ta vẫn nghiêm chỉnh ngồi tọa và không mở mắt nhìn xem việc gì đang diễn ra xung quanh. Sau đó, vị tướng quân kia quay lại, hắn ta ra lệnh cho đầu trâu mặt ngựa và ác quỷ địa ngục mang một nồi nước sôi lớn đặt trước mặt Đỗ Tử Xuân. Bọn quỷ quái hai tay cầm giáo dài và cây chĩa sắt, chỉ vào Đỗ Tử Xuân và nói: “Ngươi hãy mau khai ra họ tên thì bọn ta sẽ thả ngươi đi, nếu không thì bọn ta sẽ quăng ngươi vào nồi nước sôi!” Tuy nhiên, Đỗ Tử Xuân vẫn không nói một lời nào.
Khi này, bọn yêu quái bèn bắt vợ cậu ta trói vào bậc thang, bọn chúng chỉ tay vào người vợ rồi nói với Đỗ Tử Xuân: “Ngươi nói ra tên họ thì bọn ta sẽ thả cô ta.” Đỗ Tử Xuân vẫn không hề nói năng gì. Sau đó, bọn yêu quái bèn dùng roi quất người vợ, dùng dao cứa vào thịt và dùng tên đâm vào người cô, vừa thiêu vừa nấu, tra tấn đủ kiểu, trông hết sức khủng khiếp. Vợ của Đỗ Tử Xuân chịu đựng không nổi, bèn khóc lóc năn nỉ chồng mình: “Tuy thiếp vừa xấu vừa nghèo, không xứng với chàng nhưng thiếp cũng đã làm vợ chàng mấy chục năm rồi. Bây giờ thiếp bị quỷ bắt, đày đọa thế này, thiếp thật sự không thể chịu đựng được nữa! Thiếp không dám hy vọng chàng sẽ cầu cạnh bọn chúng, nhưng chỉ mong chàng nói ra một lời thì thiếp có thể được sống tiếp. Làm người ai lại không có tình kia chứ, chàng đành nhẫn tâm không nói lời nào sao, lẽ nào chàng nỡ nhìn thiếp tiếp tục chịu đau khổ như thế này?” Người vợ khóc lóc ỉ ôi bên trong sân nhà, nàng ta vừa khóc vừa la hét. Đỗ Tử Xuân trước sau vẫn nhìn như không thấy. Vị đại tướng quân kia bèn nói: “Ngươi vẫn không chịu nói. Được thôi, người vẫn không tin thì ta còn có thủ đoạn độc ác hơn đối xử với vợ ngươi!” Hắn ta ra lệnh cho tiểu quỷ mang đến một cái giũa lớn để giũa vợ của Đỗ Tử Xuân từ đầu đến chân. Người vợ kêu khóc ầm ĩ nhưng Đỗ Tử Xuân vẫn không thèm ngó ngàng gì.
Vị đại tướng quân nói: “Tên tiểu tử này đã luyện thành yêu thuật rồi, không thể để hắn sống trên đời thêm nữa!” Do vậy, hắn ta bèn ra lệnh mang Đỗ Tử Xuân đi chém đầu. Sau khi Đỗ Tử Xuân bị giết chết thì linh hồn được dẫn xuống gặp Diêm Vương. Diêm Vương vừa nhìn thấy Đỗ Tử Xuân bèn nói: “Chẳng phải hắn ta là tên yêu quái trên đỉnh Vân Đài sao? Để ta quăng hắn vào địa ngục mới được!” Thế là Đỗ Tử Xuân đã chịu đựng đủ loại cực hình trong địa ngục như bị cho vào vạc dầu, bị đánh đập, bị kéo căng người, chìm trong núi đao biển lửa v.v. Tuy nhiên, bởi vì trong tâm cậu ta vẫn luôn ghi nhớ lời căn dặn của Đạo sĩ nên đã không nói lời nào, cắn răn chịu đựng vượt qua được. Sau đó, tiểu quỷ ở địa ngục báo cáo với Diêm Vương là đã sử dụng cạn kiệt hình phạt đối với Đỗ Tử Xuân. Diêm Vương bèn nói: “Tiểu tử này sắc mặt âm ám độc ác, không nên để cho hắn ta làm đàn ông, đời sau để cho hắn ta làm phận nữ nhi vậy!”
Từ đó, Đỗ Tử Xuân chuyển sinh đầu thai vào gia đình họ Vương làm huyện thừa ở Tống Châu. Đỗ Tử Xuân chuyển sinh thành nữ nhi, thân thể ốm yếu mắc nhiều bệnh tật, uống thuốc thế nào cũng không khỏi, chịu đựng vô vàn thống khổ, nhưng Đỗ Tử Xuân trước sau vẫn không mở miệng nói lời nào. Chớp mắt Đỗ Tử Xuân nay đã là một thiếu nữ xinh đẹp mỹ lệ, nhưng nàng vẫn không hề nói chuyện. Cả nhà họ Vương gọi nàng là ‘cô gái câm’. Họ hàng ai nấy đều cười nhạo nàng nhưng Đỗ Tử Xuân không hề nói lại lời nào.
Tơ tình khó dứt, tu Đạo không thành
Trong số các đồng hương của huyện thừa họ Vương có một người là tiến sĩ coi thi khoa cử tên là Lư Khuê. Anh ta nghe nói con gái của huyện thừa dung mạo vô cùng xinh đẹp nên tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ cô. Anh ta bèn cho người mai mối đến nhà huyện thừa cầu hôn. Huyện thừa mượn cớ con gái mình bị câm để từ chối người mai mối. Nhưng Lư Khuê nói: “Thê tử chỉ cần hiền hậu là tốt rồi, không nói được cũng không sao cả! Nàng ấy có thể làm tấm gương cho những người phụ nữ nhiều chuyện khác.” Huyện thừa liền đồng ý hôn sự. Lư Khuê làm theo quy củ mang đến sáu lễ để bàn về hôn sự với Đỗ Tử Xuân. Sau khi cưới xin, đôi vợ chồng chung sống với nhau vài năm, tình cảm vô cùng tốt đẹp, sinh được một mụn con trai, cháu bé trông hết sức thông minh kháu khỉnh. Một hôm, Lư Khuê ôm con trong tay rồi nói chuyện với vợ mình nhưng nàng ấy vẫn không đáp lại lời nào, nên anh ta bèn tìm mọi cách khiến cho vợ nói chuyện, nhưng rốt cuộc cũng không có tác dụng gì cả.
Lư Khuê tỏ ra vô cùng giận dữ, anh ta bèn nói: “Thời xưa thê tử của Giả đại phu coi thường chồng mình, cho rằng anh ta không có năng lực gì nên trước sau không thèm cười với anh ấy, nhưng về sau thê tử nhìn thấy chồng mình bắt được gà trong núi nên đã vứt bỏ nỗi oán hận với chồng mình. Tuy ta không giống như Giả đại phu, nhưng những điều ta đã làm chẳng phải hơn việc bắt gà cả trăm lần hay sao? Tuy nhiên nàng vẫn không chịu nói lời nào với ta! Đại trượng phu bị thê tử coi thường như vậy thì còn cần con cái của nàng ta để làm gì!” Vừa nói xong, anh ta nắm lấy hai chân đứa bé quăng ngay xuống đất, đầu của đứa bé đập trúng vào tảng đá, sọ não bị vỡ, máu bắn tung tóe ra ngoài.
Đỗ Tử Xuân yêu thương con trai khôn xiết, trong tích tắc quên mất lời căn dặn của Đạo sĩ, bất giác thất thanh la lên: “Aaaa!”
Tiếng la chưa dứt, Đỗ Tử Xuân liền phát hiện bản thân mình đang ngồi trong Đạo quán ở đỉnh Vân Đài, lão Đạo sĩ cũng đứng trước mặt anh ta. Lúc này trời vừa tờ mờ sáng, đột nhiên một ngọn lửa màu tím chiếu vào phần chóp mái, trong nháy mắt lửa cháy phừng phừng thiêu rụi cả căn phòng. Đạo sĩ nói: “Tiểu tử này đã làm lỡ mất đại sự!” Đạo sĩ nắm tóc của Đỗ Tử Xuân nhúng vào chiếc vại chứa nước trong phòng, sau đó lửa lập tức dừng cháy.
Đạo sĩ nói: “Trong tâm cậu, hỉ, nộ, ái, cụ (sợ hãi), ác, dục đều đã không còn nữa; duy chỉ có tình cảm con cái là cậu vẫn chưa quên. Lúc Lư Khuê túm lấy đứa con trai, nếu như cậu không lên tiếng thì đã có thể luyện thành tiên đan và cậu cũng có thể đứng vào hàng ngũ tiên giới. Nhưng tiếc thay, thành tiên mới khó làm sao! Tiên đan của ta vẫn có thể luyện lại, nhưng cậu hãy quay trở về nhân gian và tiếp tục chăm chỉ tu Đạo!”
Sau khi nói xong, Đạo sĩ chỉ đường cho anh ta ở một nơi xa xăm, rồi giúp anh ta mau chóng quay về. Lúc rời đi, Đỗ Tử Xuân bước lên chỗ căn phòng bị thiêu hủy, liền nhìn thấy lò luyện đan đã bị hỏng rồi, bên trong lò có một cây trụ thép, to bằng nắm tay và dài khoảng mấy thước. Chính lão Đạo sĩ đã cởi bỏ y phục, dùng đao để làm ra cây trụ thép đó. Sau khi Đỗ Tử Xuân trở về nhà, anh ta vô cùng hối hận vì bản thân đã quên mất lời hứa với lão Đạo sĩ. Anh ta nghĩ rằng khi về đến nơi sẽ đi tìm lão Đạo sĩ để bù đắp sai lầm của mình. Sau đó, Anh ta đã trèo lên đỉnh Vân Đài nhưng không nhìn thấy bóng dáng người nào cả, Đỗ Tử Xuân chỉ còn biết nuối tiếc quay đầu ra về.
(Trích dẫn: Thái Bình Quảng Ký)
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/7/18/409140.html
Đăng ngày 23-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.