Bài viết của Thanh Nguyên

[MINH HUỆ 29-08-2009] Văn minh Trung Hoa từ thời Hoàng Đế đến nay có lịch sử lâu đời 5.000 năm, trong đó văn hóa tam giáo Nho – Phật – Đạo giao thoa chiếu sáng lẫn nhau, được các Thánh giả gọi là văn hóa Thần truyền. Nếu nói hai gia Phật và Đạo là văn hóa xuất thế, dạy con người làm thế nào phản bổn quy chân, thế thì văn hóa Nho gia chính là văn hóa nhập thế, giảng thuật đạo lý làm người như thế nào.

Khổng Tử là người khai sáng văn hóa Nho gia.

Khổng Tử (551 TCN – 479 TCN) tên Khâu, tự Trọng Ni, là người ấp Tưu nước Lỗ (phía đông nam thành phố Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông ngày nay) sống vào thời kỳ cuối thời Xuân Thu. Tên gọi Khổng Tử là người đời sau tôn xưng ông.

Thời kỳ Xuân Thu, các chư hầu phân phong cát cứ mỗi phương, vì lợi ích mà chinh phạt lẫn nhau. Trong nội bộ các nước chư hầu, các quý tộc, đại phu có thực lực hùng hậu thường nắm giữ triều chính, để quốc quân ngồi vị trí mà không nắm thực quyền. Họ quanh năm chinh phạt không ngừng nghỉ, quyền lực khuynh loát, người dân các nước khổ không thể nào kể xiết.

Khổng Tử từ nhỏ đã thích lễ, thuở thiếu thời đã hiếu học, tuổi còn trẻ đã nổi tiếng thiên hạ về đức hạnh và học rộng. Nhằm vào tình hình thế gian đương thời bị sai khiến bởi lợi ích, lễ băng nhạc hoại, ông đã đề xuất khôi phục chế độ lễ nhạc nhà Chu, thực hiện học thuyết xử thế trị quốc nhân chính, lễ chế, bên trong thì dùng nhân ái trau dồi cái tâm, bên ngoài thì dùng quy chế lễ nhà Chu để quy chính bản thân. Dạy con người sùng chuộng đạo đức, tuân theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, giữ bổn phận, khôi phục trật tự nhân luân “quân quân thần thần phụ phụ tử tử”, từ đó đạt được thiên hạ đại trị.

Khổng Tử có lòng lo cho nước lo cho dân, cứu giúp khắp thương sinh thiên hạ, muốn dấn thân vào quan lộ để thực hiện sách lược trị quốc của mình. Vì không được trọng dụng ở nước Lỗ, ông cùng các đệ tử đi chu du các nước, hy vọng quốc quân các nước có thể coi trọng sách lược trị quốc của ông mà giao phó cho trọng trách, thực thi hoài bão. Nhưng quốc quân các nước và các đại phu nắm giữ triều chính trong lòng đầy tư tâm, biết rõ đức hạnh và tài cán của Khổng Tử có lợi cho nước cho dân, nhưng chỉ sợ lợi ích bản thân bị tổn thất, không được trọng dụng. Bất lực, Khổng Tử cứ đi lại giữa các nước trong 14 năm trời, chịu đủ nỗi khổ cực, cuối cùng cũng không tìm được nơi để ông có thể thi triển lý tưởng báo quốc an dân.

Xin kể về một câu chuyện trong đó.

Năm thứ ba sau khi Khổng Tử đến đất Thái thì nước Ngô chinh phạt nước Trần. Nước Sở phái quân đến cứu viện nước Trần, nghe nói Khổng Tử đang cư trú ở giữa nước Trần và nước Thái, nước Sở liền phái người đến mời Khổng Tử. Khổng Tử chuẩn bị đi đáp tạ. Đại phu của hai nước Trần và Thái bàn mưu và nói: Khổng Tử là một người hiền, những điều ông ấy chỉ trích đều nhằm đúng vào tệ nạn các nước chư hầu. Nay ở giữa đất Trần, Thái đã lâu, các hành vi của các đại phu đều không phù hợp với ý của Khổng Tử. Ngày nay nước Sở là một nước lớn, nếu Khổng Tử được nước Sở trọng dụng, thế thì những đại phu nắm quyền hai nước Trần, Thái sẽ nguy hiểm. Thế là họ phái người đi bao vây Khổng Tử ngoài cánh đồng. Khổng Tử không thể nào đi được, lương thực mang theo cũng đã ăn hết sạch rồi. Các đệ tử đều đói đến mức ủ rũ, nhưng Khổng Tử vẫn giảng học, ngâm thơ cho các học trò và đánh đàn ca hát, truyền thụ thi thư lễ nhạc như bình thường, không hề bị gián đoạn.

Tử Lộ nét mặt giận dữ vào gặp Khổng Tử và nói: “Người quân tử cũng có lúc khốn cùng sao?”

Khổng Tử nói: “Người quân tử đối mặt với cảnh khốn cùng thì vẫn có thể kiên trì tiết tháo, kẻ tiểu nhân khốn cùng thì việc gì cũng có thể làm.”

Thấy Tử Cống có vẻ giận giữ, Khổng Tử nói: “Tứ à, con cho rằng ta là người học rộng biết nhiều chăng?”

Tử Cống nói: “Vâng, lẽ nào không phải vậy?”

Khổng Tử nói: “Không phải thế. Chẳng qua ta chỉ trước sau không thay đổi kiên trì tín ngưỡng của mình, và dùng nó để xâu chuỗi những tri thức lại với nhau. Về điểm này thì ta mạnh hơn người khác.”

Khổng Tử biết các đệ tử đều có lòng oán giận đối với hoàn cảnh bên ngoài, bèn muốn nhân cơ hội này dạy các đệ tử kiên trì giữ tiết tháo, kiên trì tín ngưỡng như thế nào.

Trước tiên Khổng Tử gọi Tử Lộ và hỏi: “Trong Kinh Thi có nói: ‘Không phải tê giác, cũng không phải hổ, lại đi đi lại lại nơi hoang dã’. Lẽ nào học thuyết của ta có chỗ nào không đúng chăng? Tại sao chúng ta lại rơi vào cảnh khốn cùng này?”

Tử Lộ nói: “Con nghĩ ắt là do chúng ta chưa đủ nhân đức chăng? Do đó người khác không tín nhiệm chúng ta. Con nghĩ là do mưu trí của chúng ta không đủ chăng? Do đó người ta không để chúng ta đi.”

Khổng Tử nói: “Có những nguyên nhân này sao? Trọng Do, ta ví von cho con nghe, giả sử người có nhân đức đều nhất định được tín nhiệm, thế thì còn có chuyện Bá Di, Thúc Tề chết đói trên núi Thú Dương không? Giả sử người có mưu trí đều nhất định thông suốt không trở ngại, thế thì có chuyện Tỷ Can bị mổ bụng moi tim không?”

Tử Lộ ra ngoài, Tử Cống bước vào gặp Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Tứ à, trong Kinh Thi có nói: ‘Không phải tê giác, cũng không phải hổ, lại đi đi lại lại nơi hoang dã’. Lẽ nào học thuyết của ta có chỗ nào không đúng chăng? Tại sao chúng ta lại rơi vào cảnh khốn cùng này?”

Tử Cống nói: “Học thuyết của thầy cực kỳ rộng lớn, do đó các chư hầu trong thiên hạ không ai có thể dung nạp thầy được. Sao thầy không giảm thấp một chút cho hợp với họ?”

Khổng Tử nói: “Tứ à, người nông phu tốt tuy giỏi gieo cấy nhưng không thể đảm bảo nhất định sẽ có thu hoạch tốt. Người thợ giỏi chế tạo đồ cũng không nhất định có thể khiến tất cả mọi người hài lòng. Người quân tử có thể nghiên cứu và đưa ra học thuyết của mình, có thể dùng phương pháp nhất định để quy phạm xã hội, quả lý quốc gia theo thứ tự nhất định, nhưng không nhất định có thể được xã hội dung nạp. Ngày nay con không chuyên cần tu dưỡng học tập học thuyết mà con phụng sự, lại muốn hạ thấp tiêu chuẩn xuống, cho hợp với người khác đề cầu người ta dung nạp. Tứ à, chí hướng của con không xa không lớn rồi!”

Tử Cống ra ngoài, Nhan Hồi bước vào yết kiến. Khổng Tử nói: “Hồi à, trong Kinh Thi có nói: ‘Không phải tê giác, cũng không phải hổ, lại đi đi lại lại nơi hoang dã’. Lẽ nào học thuyết của ta có chỗ nào không đúng chăng? Tại sao chúng ta lại rơi vào cảnh khốn cùng này?”

Nhan Hồi nói: “Học thuyết của thầy cực kỳ rộng lớn, do đó chư hầu trong thiên hạ đều không thể dung nạp được, Mặc dù như vậy, thầy vẫn kiên trì không mệt mỏi thúc đẩy học thuyết của mình, không được dung nạp cũng có quan hệ gì đâu? Chính vì không được thế tục dung nạp, do đó mới có thể hiển thị ra bản sắc người quân tử không cẩu thả, không xuề xòa! Không thể nghiên cứu tu dưỡng và hoàn thiện học thuyết của mình, đó mới là nỗi sỉ nhục của chúng ta. Học thuyết rộng lớn tinh sâu đã vô vùng hoàn thiện mà không được áp dụng, đây là nỗi sỉ nhục của những người thống trị quốc gia. Không được dung nạp thì có quan hệ gì đâu? Không được dung nạp thì càng có thể hiển thị ra phong phạm người quân tử không chạy theo thế tục”.

Khổng Tử vui mừng cười và nói: “Là như thế đó, đứa con nhà họ Nhan này nếu con là người làm chủ triều chính, ta nguyện sẽ nhậm chức dưới con.”

Thế là Khổng Tử phái Tử Cống đến nước Sở. Sở Chiêu Vương phái người đến đón tiếp Khổng Tử, Khổng Tử mới được thoát thân.

Từ câu chuyện này, chúng ta có được rất nhiều sự gợi mở.

Khổng Tử bản thân dốc sức thực hành đạo lý, khi cùng các đệ tử ở cảnh khốn cùng thì vẫn an nhiên tự tại, không hề rối loạn chút nào, vẫn cứ như ngày thường, kiên định tín ngưỡng của bản thân. Bằng lời nói và hành động của mình, ông đã diễn giải người quân tử tiết tháo phong thái cao “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Khổng Tử sở dĩ có thể làm được như thế là do ông là người quan minh lỗi lạc, có tín tâm đối với học thuyết của mình, và biết Thiên mệnh. Đồng thời, Khổng Tử tuần tự giỏi dẫn dắt đệ tử, giáo dục không phân biệt, đối với các đệ tử khác nhau dành cho sự dạy bảo khác nhau, đốc thúc các đệ tử tu hành phẩm đức, kiện định tín niệm, nỗ lực học tập.

Người thầy chính là người truyền Đạo thụ nghiệp, giải đáp nghi hoặc. Ở đây chúng ta đã thấy, Khổng Tử không thẹn với chức danh là người thầy. Ông đã tạo dựng phong phạm người thầy cho chúng ta thấy làm thế nào để có thể là bậc thầy. Ông xứng danh là Vạn thế sư biểu – bậc thầy của muôn đời.

Cả đời Khổng Tử gập ghềnh, khi còn sống đã không thể thực hiện được học thuyết của mình. Nhưng các đệ tử mà ông đào tạo thì có rất nhiều người đã trở thành các bậc nhân tài lương đống của quốc gia. Khổng Tử đã để lại chuẩn tắc và đạo lý làm người hoàn chỉnh, có hệ thống, có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng đối với các đời sau. Bất kể là đế vương, quan tướng, hay là văn nhân danh sĩ, cho đến bình dân bách tính, đều có tác dụng giáo hóa tốt. Trong lịch sử, Trung Quốc được ca ngợi là “lễ nghi chi bang”, điều này gắn liền với sự nuôi dưỡng hóa dục của văn hóa Nho gia. Từ dòng sông dài lịch sử mà xét, đó chính là viên ngọc minh châu rực rỡ của văn hóa truyền thống Trung Hoa, chiếu sáng ngàn thu. Do đó có thể thấy, những thành bại được mất tạm thời, không thể đánh giá được sự vật tốt hay xấu, mà cần dùng bản tính thiện lương của chúng ta mới có thể phân biệt được sự vật thiện ác, tốt xấu.

Trung Quốc ngày nay, đã xuất hiện một quần thể người như thế này: Họ chân thành, thiện lương, chịu khổ chịu nhọc, tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn tu sửa thân tâm. Những lại bị Trung Cộng vô Thần bức hại. Trung Cộng lợi dụng quyền lực, chế tạo ra lời giả dối, đã yêu ma hóa họ để đầu độc lừa dối thế nhân. Trong đại nạn, họ vẫn kiên trì tín ngưỡng của bản thân, uy vũ bất năng khuất, bần tiện bất năng di, lạc quan hướng thượng, tường hòa từ bi. Họ tu sửa bản thân, đồng thời cứu độ những đồng bào bị mê hoặc bởi những lời dối trá, họ chẳng phải là nhóm người quân tử trong thực tiễn đó sao? Khi bạn bước gần đến họ, xem rõ họ, hiểu rõ nguyên do sự tình, thế thì chúc mừng bạn, bạn có thể đã có được một tương lai hạnh phúc tốt đẹp rồi.

(Tư liệu lịch sử trong bài từ “Sử ký, Khổng Tử thế gia”)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/8/29/207318.html

Đăng ngày 19-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share