Bài viết của một phóng viên Báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-08-2020] Khoảng 4 giờ sáng ngày 22 tháng 7 năm 2020, chính quyền thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông đã huy động hơn 400 cảnh sát và bắt giữ gần 50 học viên Pháp Luân Công và người thân của họ trong một ngày. Ba đứa cháu của một học viên, từ một tuổi rưỡi đến năm tuổi, cũng bị bắt giam.

Các vụ bắt giữ lớn diễn ra chỉ hai ngày sau dịp kỷ niệm 21 năm đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện cổ xưa đã bị chế độ Cộng sản Trung Quốc nhắm đến từ tháng 7 năm 1999.

Cảnh sát đã lục soát nhà của các học viên và tịch thu điện thoại di động, máy tính, máy in, tiền mặt, sách Pháp Luân Công và ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công của họ. Chìa khoá nhà và xe hơi riêng của một số học viên cũng bị tịch thu.

Hầu hết cảnh sát không trình bất kỳ lệnh khám xét nào. Một số cho xem thẻ của họ một cách nhanh chóng khi học viên yêu cầu. Khi một học viên đề nghị xem thẻ của họ gần hơn, một cảnh sát nói: “Tôi đã cho xem rồi. Thế là đủ. Tại sao các người có nhiều vấn đề thế? Thủ tiêu học viên Pháp Luân Công các vị rất dễ. Chúng tôi có thể làm bất kỳ điều gì chúng tôi muốn. Thậm chí nếu chúng tôi tra tấn các vị đến chết thì cũng không ai dám nói gì.”

Một học viên hỏi cảnh sát tại sao người thân của họ không tu luyện Pháp Luân Công mà cũng bị bắt. Một người trả lời: “Đó là vì ông/bà tu luyện. Ba thế hệ trước và sau ông/bà sẽ nhận được ‘lợi ích’ từ việc ông/bà tu luyện.”

Một số học viên bị cảnh sát tống tiền từ 1.000 đến 5.000 nhân dân tệ. Cảnh sát chỉ nhận tiền mặt. Gia đình của học viên nghi ngờ rằng cảnh sát không muốn để lại bằng chứng kỹ thuật số về hành vi tống tiền của họ.

Tại các đồn công an, học viên bị thẩm vấn trong khi bị còng tay và bị xích vào ghế kim loại. Một số bị đánh đập và lăng mạ. Một số cảnh sát cũng lăng mạ Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Tất cả học viên đều bị ép phải lấy máu. Một số cảnh sát đe doạ các học viên và gia đình họ không được phơi bày cuộc bức hại lên Minh Huệ Net sau khi họ được thả.

Dưới đây là một số chi tiết về các vụ bắt giữ của nhiều gia đình.

Ông Khúc Hồng Ba, vợ là bà Chu Bình và con gái là cô Khúc Á Tĩnh bị bắt trước 6 giờ sáng. Ba nhân viên làm việc tại cơ sở gia đình của họ vốn không tu luyện Pháp Luân Công cũng bị bắt. Cô Khúc và ba người làm thuê của họ bị giam hơn 30 tiếng mà không được cho ăn uống gì. Dù ông Khúc và bà Chu được thả vào khoảng 6 giờ chiều ngày 24 tháng 7, xe hơi riêng, điện thoại di động và thẻ ngân hàng của họ vẫn đang bị cảnh sát thu giữ.

Ông Đường Chánh Mẫn và vợ là bà Đỗ Hiểu Yến bị tịch thu 6.800 nhân dân tệ tiền mặt, một camera Samsung, một máy tính xách tay, hai điện thoại di động, một máy mp3 và nhiều tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công. Mẹ của bà Đỗ, hàng xóm của mẹ bà là bà Chu Qua Trang và dì của bà Đỗ là bà Nghiêm cũng bị bắt. Bà Đỗ được thả vào ngày 23 tháng 7 và ông Đường được bảo lãnh vào ngày 24 tháng 7. Ông bị lệnh phải trả 20.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh.

Bà Trịnh Tuệ Hương bị bắt khoảng 4 giờ 30 phút sáng. Ba máy tính, máy tin, một TV và một đầu DVD, 10 điện thoại di động, 2.000 nhân dân tệ tiền mặt, bốn cuốn Chuyển Pháp Luân và hàng chục tài liệu Pháp Luân Công của bà bị tịch thu. Xe hơi riêng của bà cũng bị tịch thu. Chồng, con trai, con dâu, con gái và ba đứa cháu (từ một tuổi rưỡi đến năm tuổi) cũng bị bắt giam. Bà Trịnh được thả vào ngày 24 và gia đình bà bị tống tiền 5.000 nhân dân tệ.

Ông Lý Thuỵ Thanh và vợ là bà Đan cũng bị tịch thu điện thoại di động và xe hơi. Sau đó ông Lý bị tống tiền 20.000 nhân dân tệ và được thả vào ngày 24 tháng 7.

Các học viên khác cũng bị tống tiền gồm bà Đường Ngọc Hoa (5.000 nhân dân tệ); bà Trương Tú Hoa (5.000 nhân dân tệ, cảnh sát đề nghị 20.000 nhân dân tệ nhưng gia đình bà chỉ đồng ý trả 5.000 nhân dâ tệ); bà Mao Vĩnh Xuân (5.000 nhân dân tệ); và ông Tôn Lập Chánh (1.000 nhân dân tệ).

Các học viên khác bị bắt trong ngày 22 tháng 7 gồm:

Vợ chồng bà Hô Thế Hân; bà Trịnh Quế Hương; vợ ông Tôn Lập Chánh; bà Tiết Kiến Tân; bà Nghiêm Tố Hoa; bà Nghiêm Tố Hương; bà Thái Ngọc Hà; bà Tiêu Thục Mai; bà Quản Thuý Linh; bà Lý Hoa; ông Lý Đức Thiện; bà Cao Ngọc Linh và gia đình; bà Khúc Thục Phượng và gia đình; bà Trương Tú Hoá và gia đình; bà Mao Vĩnh Phương cùng chồng và con gái; bà Trần Tú Trinh (ngoài 70 tuổi); bà Đái Thu Hà; bà Lý Ngọc Phương; và một nữ học viên đang thăm con trai tại Cao Mật.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/14/410441.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/16/186378.html

Đăng ngày 24-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share