Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Washington, D.C
[MINH HUỆ 21-07-2020] Để kỷ niệm 21 năm kháng nghị ôn hòa cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc, các học viên đã tập trung tại Đài tưởng niệm Washington vào ngày 19 tháng 7 năm 2020 để trình diễn các bài công pháp và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này.
Các học viên trình diễn các bài công pháp và trưng bày thông tin tại Đài tưởng niệm Washington.
Dưới ánh mặt trời thiêu đốt của tháng Bảy, các học viên đã trình diễn các bài công pháp và giương cao các biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công”. Nhiều học viên đã đến Washington D.C. hàng năm để tham dự các hoạt động này nhằm nói cho mọi người biết về cuộc bức hại. Sau 21 năm phản kháng cuộc bức hại này, những học viên thời đầu nay đã ngoài 50, còn những người ở độ tuổi trung niên khi cuộc bức hại bắt đầu nay cũng đã ngoài 70.
Một số học viên tham dự lần này đã từng bị cầm tù và tra tấn ở Trung Quốc vì từ chối từ bỏ đức tin của họ.
Cô Jweshan và anh Shea, khách du lịch từ Florida
Cô Jweshan và anh Shea, hai khách du lịch đến từ Florida, cho biết “Trông họ thật cao quý, vì vậy chúng tôi đến xem thử.” Họ nói rằng họ muốn làm mọi thứ có thể để giúp chấm dứt cuộc bức hại này. Anh Shea cho biết thêm: “Tôi biết chính quyền cộng sản kiểm soát việc thực hành tín ngưỡng, nhưng tôi không biết họ lại tàn bạo đến thế. Chân-Thiện-Nhẫn là những giá trị phổ quát. Chúng ta nên chiểu theo những giá trị này trong cuộc sống hàng ngày.”
Ông Smith và vợ từ Huntsville, Alabama chuyển đến sống ở Washington, D.C từ 6 tháng trước. Là một nhân viên chính phủ, ông nói ông đã nhiều lần thấy các học viên luyện công. Ông cho biết một số tin tức trên truyền thông về Pháp Luân Công là sai lệch, vì vậy ông rất vui mừng khi có cơ hội trò chuyện với các học viên. “Thật tuyệt vời nếu tất cả chúng ta đều có thể sống chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn,” ông nói.
Ông Hồng, một du khách đến từ Đông Bắc Trung Quốc, hỏi xin các học viên thông tin bằng tiếng Trung. Ông nói rằng người dân Trung Quốc không biết sự thật, và rất ít người có thể vượt tường lửa Internet để đọc tin tức ngoài Trung Quốc. Ông nói ĐCSTQ kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội và người dân Trung Quốc chỉ có thể thụ động chấp nhận những dối trá và tuyên truyền của chính quyền này. Ông hy vọng Bức Tường lửa Khổng lồ của Trung Quốc sẽ sớm sụp đổ để mọi người có thể tìm hiểu chân tướng.
Bị bắt giữ ở Trung Quốc vì trò chuyện với mọi người về Pháp Luân Công
Trong 21 năm, nhiều học viên ở Trung Quốc đã đối mặt với nguy cơ bị giam giữ, tra tấn và thậm chí bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Cho dù bị đàn áp, họ vẫn tiếp tục vạch trần những vu khống của ĐCSTQ về Pháp Luân Công.
Anh Mã Thần, 30 tuổi, là một kỹ sư phần mềm ở Washington mở rộng. Đây là lần đầu tiên anh tham gia một sự kiện về Pháp Luân Công như thế này. Ở Trung Quốc, khi nói chuyện với mọi người về cuộc bức hại, mẹ của anh đã bị báo cảnh sát và bị giam tại một trại tạm giam ở thị trấn Thảo Bá.
Mẹ anh, bà Vương Xuân Mai, 57 tuổi, là một phụ nữ về hưu ở thành phố Khai Viễn, tỉnh Vân Nam. Bà từng làm việc tại Công ty Cung cấp Điện Hồng Hà. Anh Mã Thần cho biết bà thường xuyên bị bắt, gần như một, hai năm lại bị bắt một lần, chỉ vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Anh thậm chí đã quên bà đã bị bắt giữ bao nhiêu lần rồi.
Anh Mã Thần yêu cầu chính quyền cộng sản Trung Quốc lập tức trả tự do cho mẹ anh.
“Có lần, khi tôi học lớp ba, mẹ tôi cùng một học viên khác ra ngoài vào ban đêm để phân phát thông tin về Pháp Luân Đại Pháp. Họ đã bị bắt. Bố tôi lúc đó đang đi công tác xa nhà. Tôi đã phải đến ở cùng ông bà. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn. Ngay cả khi mẹ tôi đã bị bắt giữ, chúng tôi vẫn bị theo dõi liên tục. Bất cứ khi nào đi ra ngoài, sẽ có người theo dõi chúng tôi. Khi tôi vào đại học ở Thượng Hải, cảnh sát không cho mẹ đưa tôi đến trường. Cuối cùng, bà chỉ có thể đưa tôi ra sân bay Côn Minh dưới sự giám sát của cảnh sát. Người cảnh sát này thậm chí còn dọa sẽ yêu cầu trường đại học đuổi học tôi nếu mẹ tôi không chịu chấm dứt tu luyện”, anh Mã Thần cho biết.
“Tôi đã phải sống trong sợ hãi từ nhỏ. Những gì phải trải qua đã ảnh hưởng rất lớn và tiêu cực đến tôi.”
“Mẹ tôi đã bị cầm tù gần hai tháng nay. Tôi muốn cho mọi người biết ĐCSTQ tà ác như thế nào và giúp giải cứu mẹ tôi. ĐCSTQ phải trả tự do cho bà ngay lập tức.”
Cô Vu Tích Vũ, một giáo viên dạy lập trình tại một trường cộng đồng ở Maryland, là người đồng trang lứa với anh Mã Thần. Cô Vu đến từ thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc. Cô được nuôi dưỡng bởi người mẹ Vu Kính, người bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Bà Vu Kính đã bị bắt giữ ba lần và nhà bà bị lục soát hai lần sau khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc bức hại vào năm 1999.
Học viên Pháp Luân Công Vu Kính cùng con gái Vu Tích Vũ
Cô Vu Tích Vũ cho biết: “Vào những ngày ‘nhạy cảm về chính trị’, cảnh sát lại đến nhà bắt mẹ tôi. Thời điểm kinh khủng nhất là khi tôi học cấp ba. Mẹ giúp tôi mang xe đạp xuống cầu thang. Tôi vừa lên xe đạp thì một toán cảnh sát vồ lấy và đẩy bà xuống đất. Tôi sững sờ. Mẹ tôi bị đưa đi trên chiếc ô-tô trước khi tôi kịp phản ứng. Sau đó, cảnh sát quay trở lại lục soát nhà chúng tôi.”
Hồi tưởng một trải nghiệm đau thương khác, cô nói: “Cảnh sát đột nhập vào nhà chúng tôi lúc nửa đêm. Mẹ tôi nhảy ra khỏi cửa sổ từ tầng hai và trốn thoát.”
“Gần như tất cả những đứa trẻ trạc tuổi tôi đều trải qua hoàn cảnh tương tự. Có người, cha mẹ còn bị giết hại trong cuộc bức hại này. Chỉ những ai trực tiếp trải qua những cảnh ngộ này mới hiểu nỗi sợ hãi và đau đớn mà chúng tôi phải chịu đựng,” cô nói.
Các học viên Tây phương hy vọng cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc
Trong những năm bị bức hại, ngày càng có nhiều người Tây phương tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp, và nhiều người trong số họ đã trở thành học viên.
Vợ ông Robert Stenerson bắt đầu tu luyện vào năm 2001. Ông có động lực tìm hiểu thêm về môn tu luyện cả tâm và thân này sau khi nhận thấy những thay đổi tích cực từ vợ mình. Ông cho biết: “Tôi lớn lên trong môi trường Công giáo, nhưng Pháp Luân Công đã làm rung động trái tim tôi.”
Ông Robert Stenerson
Ông Stenerson, một nhà thầu phụ của chính phủ liên bang, chia sẻ rằng mặc dù có một cuộc sống đầy đủ trước khi bắt đầu tu luyện, ông không thật sự cảm thấy hạnh phúc. Sau khi bắt đầu tu luyện, ông được trải nghiệm niềm vui chưa từng có trước đây. “Tôi cảm thấy mọi kinh mạch trong cơ thể mình đang khai mở. Tôi khỏe mạnh và không còn đau ốm gì nữa”, ông cho biết.
“Tâm tính của tôi cũng thay đổi. Tôi không còn có bất kỳ suy nghĩ xấu hay nghi ngờ nào về người khác. Bạn bè và gia đình tôi đã nhận thấy những thay đổi này.”
Ông cho biết bạn bè và đồng nghiệp rất biết ơn ông vì đã nói cho họ biết về cuộc bức hại. “Ở Hoa Kỳ, hầu hết những người thuộc tầng lớp chủ lưu đều biết chính quyền cộng sản là xấu nhưng họ không nói về điều đó. Họ chỉ nhắm mắt làm ngơ. Giờ thì mọi người tìm đến tôi để tìm hiểu những gì chính quyền này đã gây ra và cách vận hành của nó.”
Anh Bjorn Neumann và con gái cùng luyện công tại Đài tưởng niệm Washington.
Anh Bjorn Neumann, một người Mỹ gốc Đức, là chủ một doanh nghiệp nhỏ. Năm nào anh cũng đưa cả gia đình tới tham gia các hoạt động ngày 20 tháng 7. Anh cho biết: “Chúng tôi được tự do tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ở Hoa Kỳ, nhưng bên kia đại dương, mọi người lại bị tra tấn vì tu luyện.”
“ĐCSTQ đã thâm nhập vào Hoa Kỳ và muốn hủy hoại xã hội này cũng như nền tảng của nó. Ngày càng có thể thấy rõ rằng bóng ma tà ác này đang thống trị thế giới”, anh nói.
Anh kết luận: “Các học viên Pháp Luân Công đã phản kháng cuộc bức hại suốt 21 năm thông qua các phương thức ôn hòa và lý trý, dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi rất tự hào là một thành viên của họ.”
21 năm kháng nghị ôn hòa
Cô Thôi Ái Đông đã tham dự các hoạt động của Pháp Luân Công tại Washington, D.C hàng năm trong suốt 21 năm qua.
Hồi tưởng những gì đã xảy ra vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cô Thôi Ái Đông cho biết: “Lúc đó, tôi đang học ở Bắc Carolina. Tôi lái xe đến Washington, D.C. để kêu gọi chấm dứt sự tàn bạo này. Suy nghĩ của tôi lúc đó rất đơn giản. Tôi nghĩ nếu chúng tôi kháng nghị, chính phủ Trung Quốc sẽ cho các học viên được tự do tu luyện. Tôi đến đây hàng năm với một hy vọng, đó là cuộc bức hại này sẽ sớm chấm dứt. Năm này qua năm khác, tôi hy vọng tình cảnh này sẽ kết thúc. Tôi chưa bao giờ nghĩ nó sẽ kéo dài đến 21 năm.”
Giáo sư Thiệu Hân, một học viên Pháp Luân Công
Năm 1999, bà Thiệu Hân, lúc đó 26 tuổi, là một nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Học viện Công nghệ Georgia ở Atlanta. “Sau 21 năm kiên định kháng nghị, tôi cảm thấy mọi thứ tốt dần lên”, bà nói. “Ngày càng có nhiều người thức tỉnh lương tâm. Hoàn cảnh đã thay đổi rất nhiều, và cuộc bức hại này sẽ sớm kết thúc.”
Ông Tiết Bân (phải) tham gia các hoạt động ngày 20 tháng 7 tại Đài Tưởng niệm Washington.
Từng là một quan chức của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, ông Tiết Bân đến học tại Hoa Kỳ vào đầu những năm 1990. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 1999.
“Trái tim tôi trĩu nặng mỗi khi đến ngày 20 tháng 7 hàng năm. Pháp Luân Công dạy mọi người sống tốt và tử tế, nhưng lại có rất nhiều học viên bị bức hại,” ông nói.
“Thời tiết tháng 7 ở Washington, D.C năm nào cũng nóng. Nhiệt độ thường hơn 37 độ C. Các học viên từ khắp nơi trên thế giới tập trung về đây để kêu gọi mọi người chú ý đến cuộc bức hại này.
“Năm nay thật đặc biệt. Dịch bệnh virus corona đã thay đổi cuộc sống của mọi người. Đâu đâu cũng thấy mọi người kêu gọi chấm dứt ĐCSTQ. Chúng tôi sẽ không ngừng phơi bày cuộc bức hại này chừng nào nó còn tiếp diễn.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/21/409335.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/26/186044.html
Đăng ngày 29-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.