Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 05-12-2019] Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi đã tu luyện được 11 năm. Tôi bước vào tu luyện Đại Pháp với mục đích chữa lành bệnh tật và khám phá những bí ẩn trong cuộc sống. Ngay sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tất cả các chứng bệnh của tôi đều đã khỏi, ngay cả những bệnh mà tôi đã phải chịu đựng trong nhiều năm. Đồng thời, tôi cũng đã nhận ra ý nghĩa thực sự của sinh mệnh.
Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi là một người đa cảm, hẹp hòi, trầm lặng, và có tâm tật đố. Chỉ cần một lời mà người khác vô tình nói cũng có thể khiến tôi động tâm, và làm tôi buồn phiền trong nhiều ngày. Tuy không tranh cãi với người khác, nhưng tôi lại không thể buông tâm mình xuống. Cuộc sống của tôi thật khó khăn và mệt mỏi. Tôi cảm thấy kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể xác, và mắc nhiều căn bệnh dù tôi còn rất trẻ.
Sau khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tôi đã chiểu theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi đã loại bỏ nhiều quan niệm con người, và tôi biết nghĩ cho người khác trước. Quá trình tu luyện này thực sự rất khó khăn, nhưng tôi đã làm được thông qua việc không ngừng học Pháp.
Loại bỏ những chấp trước và quan niệm con người
Tôi chiểu theo các nguyên lý của Đại Pháp, và rồi tôi đã loại bỏ được nhiều chấp trước và quan niệm người thường, chung sống hòa thuận cùng mẹ chồng tôi.
Bố mẹ chồng từng phản đối tôi kết hôn với chồng mình, vì lúc đó tôi không có công việc ổn định. Cuối cùng, họ miễn cưỡng đồng ý vì sự kiên trì của chồng tôi, nhưng may mắn là lúc đó tôi vừa bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Vì Đại Pháp yêu cầu tôi phải nghĩ cho người khác trước nên tôi luôn làm việc nhà mà không hề phàn nàn. Tôi và chồng tôi làm mọi việc mà anh chồng tôi và vợ anh ấy không muốn làm, đồng thời chúng tôi cũng gắng hết sức để giúp đỡ mọi người trong gia đình.
Tuy nhiên, trái với những gì chúng tôi kỳ vọng, những nỗ lực của chúng tôi đã không được ghi nhận. Bố mẹ chồng tôi không hề xuất hiện vào thời điểm trước và sau khi tôi sinh con, chứ đừng nói đến việc chăm sóc chúng tôi. Mẹ tôi buồn bã nói rằng tôi như một người có con ngoài giá thú. Họ hoàn toàn phớt lờ chúng tôi, và thậm chí còn không xuất hiện trong tiệc đầy tháng của con tôi.
Tôi cố gắng bỏ qua thái độ của họ, nhưng tôi không thể buông tâm xuống. Đôi khi tôi thấy buồn và oán hận gia đình chồng, vì tôi mới tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chỉ trong một thời gian ngắn, nên tôi chưa nhận ra được bản chất của vấn đề. Tuy nhiên, nhờ chăm chỉ học Pháp, tôi hiểu rằng đây là sự chuyển hóa nghiệp lực như lời giảng của Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp).
Tôi biết rằng mình đã được nhất cử tức đắc qua sự việc này. Tôi đã trả nợ nghiệp cho gia đình chồng mình. Họ giúp tôi đề cao tâm tính bằng cách đối xử với tôi như thế. Tôi nên xem việc này là hảo sự vì đây là sự chuyển hóa nghiệp lực, giúp tôi đề cao trong tu luyện, nâng cao tâm tính và tầng thứ tu luyện của mình.
Ban đầu, tôi rất tật đố với anh chồng vì bố mẹ chồng tôi rất xem trọng vợ chồng anh ấy. Trên bề mặt, trông tôi có vẻ bình hòa và tĩnh lặng, nhưng sâu thẳm trong tâm, tôi nghĩ rằng điều này khá bất công. Thông qua việc học Pháp, tôi biết rằng tôi đang theo đuổi chủ nghĩa bình quân tuyệt đối vì tôi luôn tin rằng bố mẹ chồng nên đối xử bình đẳng với hai người con trai và con dâu của họ. Sau đó, tôi nhận ra rằng tôi đã đối đãi với việc này bằng quan niệm người thường chứ không phải chiểu theo các nguyên lý của Đại Pháp. Tôi hiểu rằng đây là một cơ hội để loại bỏ tâm tật đố của mình. Trước khi tu luyện, tâm tranh đấu và tâm tật đố của tôi rất mạnh mẽ. Tôi từng nghĩ rằng mình vượt trội hơn so với những người khác. Cuối cùng, tôi ngộ ra rằng Sư phụ đã an bài gia đình chồng tôi đến để giúp tôi tu luyện. Từ tận đáy lòng, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình chồng mình.
Sau đó, tôi và chồng tôi đã đối xử tốt với anh chồng và gia đình anh ấy, và chúng tôi luôn chăm sóc họ. Quan hệ gia đình hài hòa khiến chúng tôi hạnh phúc, và nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh.
Tu luyện bản thân trong môi trường công việc và hòa đồng với đồng nghiệp
Tại Trung Quốc, đạo đức con người đang suy đồi nhanh chóng, mọi người sợ bị lừa dối và không thể tin tưởng lẫn nhau. Lần đầu tiên khi tôi được tuyển dụng làm nhân viên thu ngân trong một công ty tư nhân, lãnh đạo và đồng nghiệp đối xử với tôi như thể tôi là một kẻ trộm, họ liên tục theo dõi tôi. Thậm chí, họ không cho phép tôi tiếp cận với những vấn đề liên quan đến hạch toán sổ sách, vốn là trách nhiệm của tôi. Thay vào đó, chúng được quản lý bởi những nhân viên không có chuyên môn về kế toán tài chính.
Tôi chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp. Ngay cả khi một số đồng nghiệp gây rắc rối cho tôi và chỉ trích tôi trước mặt cấp trên, tôi vẫn có thể từ bi đối đãi với họ. Tôi không bao giờ tranh đấu với họ vì lợi ích thiết thân, và tha thứ cho họ bất kể những sai lầm nào họ đã gây ra. Trong vòng chưa đầy một năm, họ nhận ra rằng tôi khác với những người bình thường. Họ nói rằng tôi không bao giờ tranh đấu vì bất cứ điều gì, tôi có một thái độ tốt và khách quan hiếm thấy trong xã hội này. Họ hỏi tôi có theo tín ngưỡng nào không. Tôi giảng chân tướng về Đại Pháp, và được mọi người tiếp nhận tốt. Họ nghĩ rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt và đồng ý thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì thế họ đã chọn một tương lai tươi sáng cho bản thân mình.
Tuy nhiên, có một việc xảy ra gần đây đã khiến tôi động tâm. Trong công việc của tôi, ngoài công việc chính là kế toán thu ngân, thì điều phức tạp nhất là tôi phải kiểm tra các giao dịch kế toán nội bộ và ngoại bảng của cấp trên và những người khác có liên quan. Một ngày nọ, cấp trên hỏi tôi số tiền chi tiêu hạch toán vào tài khoản của cô ấy là bao nhiêu. Tôi báo với cô là khoảng 110.000 Nhân dân tệ. Cô ấy cau mày và nói rằng không thể nhiều như thế, nó chỉ vào khoảng 10.000 Nhân dân tệ mà thôi. Nhân viên kế toán kiểm tra sổ sách và nhìn thấy đúng là sổ sách ghi nhận 110.000 Nhân dân tệ. Tuy nhiên, người kế toán đột nhiên thay đổi câu trả lời của cô ấy và nói rằng cấp trên đã nói đúng, và rằng tôi đã phạm sai lầm, lẽ ra con số phải là 10.000 Nhân dân tệ. Khi nghe thấy kế toán nói vậy, cấp trên đã khăng khăng rằng tôi đã làm sai, và để kế toán điều chỉnh lại tài khoản, sau đó cô ấy rời đi.
Người cấp trên này thường tin tưởng tôi. Cô ấy nghĩ rằng tôi là người trung thực và đáng tin cậy. Rốt cuộc, chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm. Cô ấy hiểu rõ tôi qua những lời nói và việc làm của tôi. Tôi từng nói với cô ấy sự thật về Pháp Luân Đại Pháp và cô ấy đã tiếp nhận chân tướng, đồng thời thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cô ấy cũng nhắc tôi phải cẩn thận và giữ an toàn cho bản thân.
Nếu chúng tôi phải điều chỉnh lại tài khoản, điều này nghĩa là chúng tôi phải chuyển thêm 100.000 Nhân dân tệ vào tài khoản này hoặc phải nộp tiền mặt 100.000 Nhân dân tệ vào tài khoản ngân hàng để đảm bảo tài khoản cân bằng. Ai sẽ là người chi trả cho khoản tiền 100.000 Nhân dân tệ này? Lúc này, tôi lo lắng và thầm nghĩ: “Sao kế toán lại có thể nói như vậy nhỉ? Khi cô ấy kiểm tra bút toán với mình, cô ấy đã nói rằng số dư nợ của cấp trên là 110.000 Nhân dân tệ. Sao bây giờ cô ấy lại có thể nói khác đi?”
Tôi dần bình tĩnh trở lại, và cẩn thận nhớ lại chi tiết các bút toán. Sau khi kiểm tra từng định khoản một, tôi chắc chắn rằng mọi bút toán đều chính xác. Vào buổi chiều, tôi đến chỗ kế toán và nói: “Xin cô hãy xem lại, và kiểm tra các bút toán trong tài khoản. Số dư phải là 110.000 Nhân dân tệ”. Sau đó, tôi nói với cô ấy chi tiết cách tôi đã kiểm tra các khoản mục và bút toán trước đó. Trước sự ngạc nhiên của tôi, cô ấy rất tức giận và nói rằng cô không quan tâm, tôi nên tự mình giải thích với cấp trên, đồng thời cảnh cáo tôi không được kéo cô ấy vào việc này.
Lúc đó, một số đồng nghiệp của tôi tình cờ nghe thấy và nghĩ rằng tôi đã phạm sai lầm. Họ bàn tán, thì thầm và cho rằng đó là vấn đề của tôi. Khi ấy, tôi thực sự muốn biện hộ cho mình, nhưng tôi thanh tỉnh nghĩ rằng điều này chỉ khiến cho tình huống trở nên nghiêm trọng hơn, và thật khó để giải thích rõ ràng sự việc. Ngay lúc đó, tôi nhớ đến những lời Sư phụ giảng:
“Như ngộ cường biện vật tranh ngôn
Hướng nội trảo nhân thị tu luyện
Việt tưởng giải thích tâm việt trọng
Thản đãng vô chấp xuất minh kiến”. (Thiểu biện, Hồng Ngâm III)
Tạm dịch:
“Gặp thời xảo biện hãy lặng im
Tu luyện ắt phải hướng nội tìm
Càng giải thích nhiều tâm càng nặng
Cởi chấp mở lòng sáng trong tim”. (Thiểu biện, Hồng Ngâm III)
Sau đó, tôi biết rằng mình chỉ có thể tự đối diện với cấp trên, và không thể dựa vào người khác.
Sau giờ làm việc, tôi gọi cho người kế toán, và bảo cô ấy đến gặp mình. Tôi giải thích với cô ấy rằng đó là sơ suất trong công việc của tôi, nên cô không cần phải lo lắng về việc này. Tôi sẽ không kéo cô ấy vào vụ việc. Tôi sẽ tự giải thích mọi thứ với cấp trên. Cô ấy nhìn tôi và cho rằng tôi có thái độ khiêm tốn và chân thành. Sau đó, cô ấy nói với tôi rằng: “Không sao đâu, chị đừng lo. Tôi cho rằng việc hạch toán của chị ổn, số liệu kế toán nhất quán, và các báo cáo tài chính của chị không có vấn đề gì cả”.
Ngày hôm sau, ngay khi lãnh đạo đến văn phòng, tôi đến gặp cô ấy với tất cả hồ sơ sổ sách liên quan đến cô ấy được ghi nhận từ năm ngoái. Tôi cho cô ấy xem từng tài liệu một. Tôi nhắc cô ấy về tờ ghi chú gần nhất do cô ấy viết để rút tiền vào thời điểm cuối năm ngoái. Cô ấy tức giận nói rằng tôi đã không đưa tiền cho cô ấy. Tôi mỉm cười và nói: “Nếu chị không nhớ ngay được cũng không sao, vì cũng lâu quá rồi. Chị hãy kiểm tra lại tài liệu của mình và xem xem có thể tìm ra con số này không?” Dần dần, cô ấy bình tĩnh lại và nói: “Được rồi, tôi sẽ xem lại và kiểm tra”. Cô ấy không bao giờ quay lại gặp tôi về việc này. Tôi biết cô ấy đã phát hiện ra vấn đề.
Một người đồng nghiệp đã nói với tôi đầy bất bình: “Chị thật ngốc, chị không thấy người kế toán cố tình gài bẫy chị hay sao”. Tôi bảo anh ấy rằng người kế toán không cố tình gài bẫy tôi, cô ấy chỉ muốn làm hài lòng cấp trên. Tôi nói với người đồng nghiệp rằng tôi không thấy ác cảm về điều này bởi vì mọi thứ mà một học viên gặp phải đều là hảo sự, chúng được an bài cho việc tu luyện và đề cao tâm tính của tôi.
Đại Pháp đã cải biến tôi trở thành một người tốt hơn, giúp tôi có thể bảo trì chính niệm, không phàn nàn hay tranh cãi, và vị tha với mọi người bằng lòng từ bi và khoan dung rộng lớn khi bị hiểu lầm. Điều đó thể hiện sự vĩ đại và huyền năng của Đại Pháp.
Chính lòng từ bi của Sư phụ, uy lực và trí huệ của Đại Pháp đã cải biến tôi từ một người có tư tưởng hẹp hòi trở thành một đệ tử Đại Pháp từ bi và khoan dung. Giờ đây, tôi có thể sống hòa hợp với gia đình chồng, các đồng nghiệp, và xử lý tốt mọi mối quan hệ xã hội phức tạp.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/5/396413.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/15/184040.html
Đăng ngày 28-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.