Bài viết của Thanh Liên, một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục
[MINH HUỆ 09-04-2020] Tôi sinh năm 1990 và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khi tôi lên tám tuổi. Tôi bước trên con đường tu luyện dưới sự bảo hộ của Sư phụ Lý Hồng Chí (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) trong hơn 20 năm qua và luôn cảm nhận được sâu sắc sự từ bi vĩ đại của Sư phụ.
Điều không may bất ngờ ập đến
Khi lập gia đình vào năm 2016, tôi đã rất hạnh phúc. Chồng tôi là một người hiền lành, tướng mạo hơn người. Gia đình hai bên đều khá giả, vì vậy mặc dù mới cưới, nhưng chúng tôi không gặp bất kỳ gánh nặng về tài chính nào. Chúng tôi đều quan tâm và tôn trọng nhau và cả hai đều cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống mới này.
Thế nhưng, thế sự vô thường. Một ngày nọ, khi đang ở văn phòng, chồng tôi đột nhiên cảm thấy không khỏe và cảm thấy lạnh khắp toàn thân, sau đó anh ấy sốt cao, rồi chuyển sang trạng thái sốt nhẹ dai dẳng không dứt. Chúng tôi đến các bệnh viện khác nhau để chấn đoán bệnh nhưng các bác sĩ đều không tìm ra được nguyên nhân, vì thế chúng tôi quyết định về nhà.
Vào tháng 6 năm 2017, tôi vừa đến cơ quan thì bố chồng gọi cho tôi và nói tôi về nhà càng sớm càng tốt. Vì thế, tôi vội vã bắt taxi trở về nhà, và suốt dọc đường đi, tôi chỉ nghĩ đến người chồng đang bị ốm. Tôi lo lắng đến toát mô hôi, thân thể run rẩy, nhiều lần giục người lái xe đi nhanh hơn. Chồng tôi đã qua đời khi tôi về đến nhà. Tôi vẫn nhớ hôm đó là một ngày mưa gió và ảm đạm.
Tôi không thể vượt qua được nỗi đau mất chồng và ngày nào cũng khóc. Một thời gian dài sau cái chết của chồng, tôi vẫn cảm thấy buồn, cô đơn và vô dụng. Những hình ảnh cùng nhau trong quá khứ như những thước phim cứ hiện lên trong tâm trí tôi không lúc nào nguôi. Nỗi đau tăng thêm khi lúc đó tôi đã có bầu được ba tháng.
Đại Pháp đã giúp tôi bỏ được tâm vị kỷ
Tôi dần dần quay trở lại tôi của trước đây và trở nên mạnh mẽ hơn khi tôi học Pháp nhiều và chia sẻ với các học viên khác. Tôi hiểu rằng mọi việc diễn ra trong cuộc đời này đều có lý do và đều là duyên nợ. Tuy nhiên, mặc dù tôi hiểu được điều đó nhưng tôi vẫn khóc rất nhiều bởi vì tôi rất nhớ chồng. Tôi tiếc rằng trước đây mình đã không trân quý việc tu luyện. Tôi tiếc rằng tôi đã không thể giúp chồng khi anh ấy gặp khó khăn vì tôi đã không học Pháp tốt. Trong thời gian đó, thế giới của tôi đảo lộn và tôi không thể ngủ yên giấc.
Tuy nhiên, Sư phụ đã không bỏ mặc một học viên như tôi. Đôi lúc, khi tôi nửa tỉnh nửa mê, một đoạn Pháp đã triển hiện trong đầu tôi:
“Đại giác bất uý khổ
Ý chí kim cương chú
Sinh tử vô chấp trước
Thản đãng Chính Pháp lộ” (Chính Niệm Chính Hành, Hồng Ngâm II)
Thế nhưng, trước đó, tôi đã không nhớ bài thơ này.
Sau cái chết của chồng tôi, đứa con trong bụng tôi trở thành điều quan trọng nhất. Nhiều người thân và bạn bè của tôi đã chia sẻ với nỗi đau này của tôi và nghĩ rằng vì tôi đã mất chồng nên tương lai đứa bé sẽ trở thành gánh nặng với tôi. Họ khuyên tôi nên bỏ cháu đi. Nhưng tôi đã không làm thế! Chồng tôi và tôi đều là con một. Cái chết của chồng tôi là một cú sốc rất mạnh đối với gia đình nhà chồng tôi. Vào ngày chồng tôi mất, mẹ chồng tôi nằm trên ghế sofa, khóc và liên tục gào lên: “Con tôi sẽ không trở về nữa, con tôi sẽ không trở về nữa, tôi đã không thể cứu được con tôi”. Lúc đó, tôi cảm thấy mình may mắn vì tôi đã có thai. Bố mẹ chồng tôi sẽ có cháu và là điều động viên giúp họ đối diện với tương lai.
Vì vậy tôi quyết định không nạo thai, ba mẹ tôi cũng ủng hộ tôi. Tôi thấy tự hào vì quyết định này của mình. Tôi vui vì mình đã thể hiện được sự thiện lương mà một đệ tử Đại Pháp cần có.
Bố mẹ chồng tôi đã vô cùng đau khổ. Mẹ chồng tôi suốt ngày khóc và thường kể cho tôi nghe về cuộc đời của anh ấy. Bố chồng tôi thì lặng im buồn bã.
Tôi là một người ít nói. Khi chồng tôi còn sống, tôi thường theo sự chỉ đạo của anh ấy và gia đình anh ấy để làm mọi việc. Giờ đây, anh ấy đã ra đi, một mình tôi cô đơn đối diện với bố mẹ anh ấy, tôi luôn cảm thấy hơi lo lắng khi gặp mặt họ. Nhưng để phá vỡ không khí buồn bã này, tôi cố mỉm cười và tìm một số chủ đề để nói chuyện với họ như hôm nay đứa bé lại đạp vào bụng tôi, bác sĩ nói rằng đứa bé phát triển tốt hơn mức bình thường… Tôi thấy vui vì nhìn thấy bố mẹ chồng tôi cười mỗi khi nghe kể về tình trạng của cháu.
Sư phụ dạy tôi luôn nghĩ đến người khác. Tôi đã cố gắng đối diện với khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời bằng một thái độ bình tĩnh và ôn hòa. Tôi nỗ lực hết sức để xoa dịu nỗi đau và sự lo lắng của bố mẹ tôi, bố mẹ chồng tôi và ông bà tôi bằng thái độ lạc quan.
Cuối cùng, mọi người đã nói chuyện với tôi một cách khâm phục thay vì chia buồn. Tôi là một đệ tử Đại Pháp, Sư phụ đã dạy tôi nghĩ đến người khác ngay cả khi tôi gặp vấn đề khó khăn. Tôi vui vì việc tu luyện của bản thân đã mang lại kết quả tốt cho tôi. Sự tử tế, khoan dung và vô tư vô ngã tôi học được từ Đại Pháp đã giúp tôi trở thành người tốt hơn. Tôi đã thay đổi từ một người cần an ủi và chăm sóc từ người khác trở thành một người thiện lương quan tâm chăm sóc người khác.
Khi nhìn lại quãng thời gian khó khăn trong đời mình, tôi có thể thấy rằng chỉ có Sư phụ mới có thể hiểu được nỗi đau và sự bất lực mà tôi đã trải qua. Khi không ai có thể giúp được tôi vượt qua, chỉ có Sư phụ lắng nghe tôi, động viên tôi và cho tôi hy vọng. Có quá nhiều khó khăn và đau khổ trong cuộc đời, may mắn thay, tôi là một người tu luyện Đại Pháp.
Mẹ con tôi cùng nhau tu luyện
Hằng ngày, tôi thường hát những bài hát của Đại Pháp cho thai nhi trong bụng trên đường tôi đi làm và về nhà để cháu được lớn lên một cách khỏe mạnh. Người ta nói rằng thai nhi thường nhạy cảm nhất với giọng nói của người mẹ, vì vậy mỗi buổi tối khi tôi trở về nhà từ nơi làm việc tôi thường đọc Pháp cho cháu nghe. Bất kể khi nào có thời gian tôi đều luyện công, vì thế cháu cũng nhận được năng lượng của Đại Pháp mỗi ngày. Tôi làm điều này cho đến tận khi con tôi ra đời.
Con gái tôi sinh ra rất khỏe mạnh. Khả năng ngôn ngữ và khả năng vận động của cháu rất tốt. Nụ cười đáng yêu dễ thương luôn thường trực trên khuôn mặt bầu bĩnh của cháu. Vì cháu rất dễ thương, tôi thường quan tâm đến cháu quá nhiều mà lơ là việc học Pháp.
Một buối sáng, cháu có chút biểu hiện khác so với mọi ngày và trở nên hơi hiếu động. Cháu cứ đòi tôi ôm cháu. Tôi sờ trán cháu và thấy cháu bị sốt. Tôi lo lắng và ôm cháu đi đi lại lại trong phòng khách trong khi phát chính niệm. Tôi liên tục sờ trán cháu để xem cháu có dấu hiệu đổ mồ hôi nào không. Tôi lo lắng và tự hỏi tại sao cháu sốt mà không ra mồ hôi. Tôi lau người cháu bằng một số thảo mộc, nhiệt độ cơ thể cháu giảm một chút rồi lại tăng lên.
Nhận thấy tôi quá lo lắng, một người trong nhà (cũng là một đệ tử Đại Pháp) đã nhắc tôi bình tĩnh và đọc Pháp. Sư phụ giảng rằng:
“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.” (Bài trừ can nhiễu, Tinh Tấn Yếu Chỉ 2)
Tôi liền ngồi song bàn, ôm con trong tay và đọc Pháp một cách nghiêm túc. Đầu tiên, tôi có đôi chút lo lắng, nhưng càng đọc, tôi càng trở nên bình tĩnh hơn, và cháu bé nằm gọn trong tay tôi và ngừng khóc.
Con gái nhỏ của tôi rất dễ thương và thông minh. Bố mẹ chồng tôi cuối cùng cũng nguôi ngoai nỗi đau mất con. Tiếng cười và hạnh phúc đã quay trở lại tổ ấm trống rỗng và khô cằn của chúng tôi.
Con gái tôi đã giúp tôi trên con đường tu luyện. Một lần khi tôi đang bế cháu, cháu đột nhiên túm lấy mặt tôi và kéo tôi nhìn cháu khi tôi đang tranh luận với một người thân cũng là người tu luyện vì có thể ngộ khác nhau về một đoạn Pháp. Lúc đó tôi không chú ý đến hành vi này của cháu vì tôi còn đang tranh luận nảy lửa. Thế nhưng sau đó, cháu lại kéo mặt tôi một lần nữa mỗi khi tôi sắp sửa tranh luận, khiến tôi không nói được gì. Tôi chợt nhận ra rằng Sư phụ đang điểm hóa cho tôi thông qua cháu và nhắc nhở tôi rằng không nên tranh luận với người khác. Vì thế tôi nhìn cháu, mỉm cười mà không nói thêm điều gì nữa, và lặng lẽ lắng nghe đồng tu và để cô ấy chia sẻ quan điểm của mình. Tôi dần nhận ra rằng cô ấy cũng khá có lý.
Cô gái nhỏ của tôi đã lớn lên trong Pháp. Đôi khi cháu tự làm mình bị đau khi chẳng may bị ngã, nhưng vừa khóc cháu vừa nói: “Không sao, không sao!”. Cháu thường nhắc người lớn tu luyện tinh tấn. Cháu thường nói rằng: “Con rất tinh nghịch và dễ thương, theo Sư phụ tu luyện Đại Pháp, con không sợ khó khăn, và con sẽ tinh tấn trên con đường trở về nhà. Khuôn mặt mỉm cười của con tựa như một đóa hoa sen!”
Con xin cảm tạ Sư phụ đã gửi tiểu đệ tử này đến cho con, giúp con nhận ra những thiếu sót của bản thân và có trách nhiệm hơn trong việc nuôi dạy cháu trong Pháp. Con quyết tâm sẽ tinh tấn hơn trên con đường tu luyện. Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/9/走过劫难-师恩难忘-402799.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/22/185159.html
Đăng ngày 16-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.