Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-04-2020] Có hai sự việc đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, và tôi muốn chia sẻ bài học mà tôi đã học được từ đó.

Bài học thứ nhất: Tìm ra gốc rễ của vấn đề sau 20 năm

Trước khi cuộc bức hại bắt đầu, đồng tu Minh (bí danh) kiếm sống bằng cách buôn bán hàng hóa kiếm chút lời, ví như: Đẩy xe chở táo hoặc thép đến nơi khác bán, kiếm được mấy trăm hoặc mấy nghìn nhân dân tệ, đây là một hình thức kiếm sống bình thường, chỉ là có vất vả một chút.

Có một lần, anh nói với tôi rằng anh không có đủ tiền vốn và muốn mượn của tôi 10.000 nhân dân tệ để tiếp tục công việc buôn bán.

Tôi không ngần ngại cho anh ấy mượn. Không lâu sau, anh nói với tôi rằng anh bị thua lỗ và muốn mượn tôi thêm 10.000 nhân dân tệ.

Việc này xảy ra không chỉ một hai lần mà nhiều lần, mỗi lần lại cùng một lý do. Tôi nhận ra rằng có điều gì đó không ổn khi anh đã nợ tôi 110.000 nhân dân tệ.

Cuối cùng tôi từ chối cho anh mượn thêm tiền. Tôi không hiểu tại sao anh liên tục bị thua lỗ và thảo luận vấn đề với anh, nhưng chúng tôi không thể đi đến một kết luận hợp lý.

Trước đây công việc làm ăn của anh thành công, vậy tại sao anh đột nhiên phải trả quá nhiều nợ như vậy? Tôi hướng nội và tự hỏi: “Điều này liệu có liên quan đến chấp trước vào được mất cá nhân hay chấp trước vào tình đồng tu của mình không?”

Các học viên khác cố gắng giúp tôi tìm lý do, nhưng chúng tôi không thể xác định chính xác vấn đề. Mỗi lần tôi gặp Minh, anh luôn có vẻ lo lắng.

Tôi cố gắng an ủi anh: “Đừng lo. Anh chưa phải trả tiền tôi ngay đâu.” Lúc đó, tôi nghĩ rằng có thể mệnh của anh không kiếm được nhiều tiền. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi không gặp anh ấy trong thời gian dài.

Đôi lúc tôi nghĩ về anh. Tôi nghe nói vợ anh phải sử dụng rau còn sót lại ở chợ để nấu ăn cho gia đình, con trai anh phải mặc quần áo rách rưới đến trường.

110.000 nhân dân tệ mà anh nợ tôi là một số tiền lớn đối với anh lúc đó. Nếu tôi gây áp lực bắt anh phải trả nợ cho tôi, có lẽ anh sẽ không thể trả ngay cả khi bán hết đồ đạc trong nhà. Anh là một học viên rất tinh tấn và tôi không muốn anh phải lo lắng về vấn đề như vậy.

Tôi nhớ những gì Sư phụ Lý Hồng Chí giảng:

“Ngay cả nợ đệ tử Đại Pháp cũng không được. Tất nhiên có học viên nói ‘không cần, tôi đã tặng bạn rồi’, thế thì là chuyện khác.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế miền Tây Mỹ quốc [2005])

Mùa thu năm ngoái, sau 20 năm, tôi gặp lại Minh. Anh ấy đã già đi nhiều.

Tôi nói: “Tại sao chúng ta không thảo luận về lý do tại sao việc buôn bán của anh không thành công trong thời gian lâu như vậy? Và đó có thể là chấp trước gì?”

Sau một hồi ngập ngừng, anh trả lời: “Tôi không mượn tiền cho mình. Tôi muốn lấy tiền giúp Lâm (bí danh). Anh ấy nợ tiền nhưng không thể trả nợ. Vợ anh ấy muốn ly dị, và tôi không thể đứng nhìn và không làm gì.”

Tôi nhận ra rằng đây là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Là một người tu luyện, Minh có chấp trước vào tình mạnh mẽ và làm việc một cách có chủ đích (hữu vi).

Tôi biết Minh có mối quan hệ tốt với Lâm, nhưng tôi không biết rằng anh mượn tiền để giúp anh ấy. Tôi đã nói rõ ràng: “Nếu tôi biết tình huống thực sự, có lẽ tôi đã không cho anh mượn tiền.”

Sư phụ giảng:

“Bởi vì con người đều là có nợ phải trả, [món nợ] không phải bên này thì cũng là bên kia, đều có khổ phải chịu, chính là trong những khó khăn ấy, nhìn xem chư vị có thể tu hay không.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004)

Sau đó tôi nghe nói Lâm đã ly hôn và qua đời vì nghiệp bệnh. Minh đã vay tiền để cứu Lâm, nhưng bằng cách đó, anh đang cố gắng trả nghiệp của Lâm.

Đột nhiên, tôi hiểu ra rằng tôi cũng đang không phù hợp với trạng thái của xã hội người thường mỗi khi tôi cho Minh mượn tiền. Tôi có thể cho anh ấy mượn tiền nhiều như vậy nếu chúng tôi chỉ là bạn bè bình thường hay không?

Tôi cảm thấy mừng rằng tôi đã dừng lại trước khi cựu thế lực sờ đến mình. Tu luyện thật rất nghiêm túc!

Tu luyện là việc nghiêm túc, hơi không chú ý có thể phải trả giá đắt, các học viên không thể làm việc hữu vi.

Bài học thứ hai: Nỗ lực giúp một học viên, cuối cùng lại gây hại

Học viên Sơn (bí danh) là một trong những nhân viên của tôi. Anh rất trung thực và chăm chỉ làm việc. Chính quyền đã phá ngôi nhà của anh và bồi thường cho anh một triệu nhân dân tệ. Anh đã dùng số tiền đó để mua một ngôi nhà mới và tiết kiệm một khoản cho con trai mình.

Với 400.000 nhân dân tệ còn lại, tôi nhắc anh: “Anh nên tiết kiệm và không nên tiêu xài hết tiền ngay. Có rất nhiều việc anh sẽ cần dùng nó.”

Anh đồng ý: “Tôi sẽ không định tiêu số tiền này sớm, vì vậy hãy hỏi tôi nếu anh cần giúp đỡ.” Anh ấy tin tưởng tôi.

Tôi nhớ một người thân của tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ danh mục đầu tư trực tuyến. Anh nói với tôi về một công ty sẽ phát hành IPO của họ và “có thể sinh lời.”

Tôi nói với Sơn: “Cho tôi mượn 50.000 nhân dân tệ và tôi sẽ giúp anh đầu tư. Nếu chúng ta mất tiền, anh sẽ không mất gì cả, nhưng nếu kiếm được tiền, tất sẽ là của anh.”

Anh lập tức chuyển tiền cho tôi. Sau một vài tháng, tôi cảm thấy không yên tâm về khoản đầu tư. Đây chẳng phải không làm mà hưởng sao? Tôi gọi cho người thân của mình và yêu cầu rút tiền đầu tư.

Người thân của tôi đã chuyển tiền lại cho tôi, 50.000 nhân dân tệ tiền đầu tư gốc, thêm 20.000 nhân dân tệ lãi. Tôi đã đưa cả cho Sơn. Anh ấy muốn biếu tôi 10.000 nhân dân tệ. Tôi nói: “Đó đều là của anh.” Và tôi nhắc anh ấy: “Đây không phải là ý tưởng tốt. Tôi cảm thấy nó là bất chính.”

Anh hứa với tôi: “Yên tâm, tôi không hiểu về cái này, nên sẽ không tham gia.”

Sáu tháng sau, Sơn đến gặp tôi với tâm trạng nặng trĩu, nói: “Tôi đã mất 300.000 nhân dân tệ.” Tôi ngạc nhiên và hỏi anh chuyện gì đã xảy ra.

Sau khi tôi đưa lại cho anh tiền gốc đầu tư cộng với lãi, anh đã bị dao động và tự mình lên mạng tìm kiếm. Anh đã tìm nhiều cách để đầu tư và thu nhập tiềm năng thực sự rất hấp dẫn. Anh đã ký hợp đồng với ba công ty khác nhau và chuyển tiền cho họ. Anh đã không kiếm được tiền, và cuối cùng họ đã vi phạm hợp đồng.

Lúc anh phát hiện ra thì đã quá muộn. Anh đã mất hết tất cả tiền tiết kiệm của mình.

Tôi hối hận vì đã nói với anh về chuyện đầu tư. Nếu tôi không giúp anh kiếm 20.000 nhân dân tệ, anh sẽ không thử tự đầu tư nhiều hơn.

Vì hành vi hữu vi của tôi, anh đã mất 300.000 nhân dân tệ. Đây là một bài học lớn cho tôi!

Chúng ta phải xem xét vấn đề dựa trên các tiêu chuẩn của Pháp và giúp các học viên khác đề cao tâm tính, tăng cường chính niệm.

Sư phụ giảng:

“…trong tu luyện mà thêm vào bất kể cái gì của con người cũng đều cực kỳ nguy hiểm.” (Nhổ tận gốc, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Những sự việc này là bài học giáo huấn trong tu luyện dành cho tôi. Tôi nhận ra rằng, bất kể chúng ta gặp phải điều gì, nếu chúng ta cảm thấy nó không đúng, chúng ta nên dừng lại ngay và hướng nội. Chắc chắn có quan niệm người thường nào đó chôn giấu bên trong. Những hành động hữu vi sẽ chỉ gây phản tác dụng và cuối cùng gây hại.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/13/403784.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/1/185315.html

Đăng ngày 21-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share