Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-03-2020] Tôi là một giáo sư đại học đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) được khoảng 20 năm.

Năm 1999, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, chồng tôi cũng là đồng tu đã đến Cục Thư tín và Điện thoại để giảng chân tướng về Pháp Luân Công. Anh ấy cũng đến Quảng trường Thiên An Môn để căng biểu ngữ chứng thực Pháp, đòi lại công bằng cho Pháp Luân Công.

Kết quả là anh ấy bị mất việc làm, nhà cửa, bị cầm tù và bị chuyển đến nhiều trại lao động cưỡng bức để “chuyển hóa”. Vào năm 2006, anh còn bị kết án tù phi pháp.

Vào khoảng thời gian đó, tôi đọc các bài báo trên trang web Minh Huệ nói rằng có những luật sư nhận bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công và bào chữa vô tội cho họ.

Tôi hy vọng rằng có các luật sư như thế ở khu vực của mình, những người dám đứng lên vì chúng tôi. Vì thế tôi đã bắt đầu đến nhiều văn phòng luật sư để giảng chân tướng về Pháp Luân Công và cuộc bức hại mà các học viên đang phải đối mặt.

Hầu như các luật sư đều thông cảm với chúng tôi nhưng họ không dám nhận vụ án. Tuy nhiên một trong các luật sư đã cho tôi biết có một người luật sư ở một công ty luật khác có vợ là người tu luyện Pháp Luân Công và khuyên tôi đến nói chuyện với ông ấy.

Tôi đã đến thăm vị luật sư ấy và nói với anh ấy mục đích chuyến thăm của tôi. Anh ấy dễ dàng tiếp nhận và thậm chí còn giới thiệu chúng tôi với các luật sư những người có thể giúp đỡ trong các vụ án của các học viên khác, vì hầu hết họ đều biết về tội ác của ĐCSTQ.

Vào năm 2006, khi các học viên bị đưa ra xét xử, các luật sư này đã công khai bào chữa cho họ trước tòa.

Ngay trên phiên xét xử, các luật sư đã có thể vạch trần bộ mặt giả dối của phiên tòa và chỉ ra cho tòa án biết rằng các học viên đã bị tra tấn trong các trung tâm giam giữ.

Giảng chân tướng cho các cấp chính quyền

Mặc dù các luật sư đã rất xuất sắc trong việc bào chữa cho chồng tôi, nhưng vào mùa hè năm 2006 anh ấy vẫn bị kết án rất nặng và bị giam giữ ở một thành phố khác.

Các cai tù từ chối cho tôi gặp anh ấy vì bảo rằng anh ấy đã từ chối “chuyển hóa” và đang tuyệt thực. Do đó tôi đã giảng chân tướng cho người sĩ quan phụ trách vụ án của chồng tôi. Ông ta lắng nghe tôi nói nhưng bảo rằng ông không thể quyết định được gì hết.

Sau đó tôi tìm kiếm người “hướng dẫn chuyển hóa”. Tôi nói với anh ta rằng việc tu luyện Pháp Luân Công không phải là bất hợp pháp mà do Giang Trạch Dân, kẻ đã vi phạm luật pháp và Hiến pháp Trung Quốc vốn cho phép tự do tín ngưỡng.

Sau cùng tôi cũng được phép gặp chồng mình.

Anh ấy kể với tôi rằng các cai ngục nhét các ống nhựa cứng vào lỗ mũi để bức thực anh và họ liên tục co kéo chúng cho đến khi anh bị bất tỉnh. Khi anh tỉnh lại, họ lại lặp lại quá trình đó. Trong khi gặp mặt, tôi đã đưa cho anh ấy một bản phô tô bài giảng mới của Sư phụ.

Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2007, sáu tù nhân trong cùng phòng giam với chồng tôi được chỉ định theo dõi anh. Chỉ có trưởng trại giam và sáu tù nhân này được phép liên lạc với chồng tôi. Chúng tôi không được phép đến thăm anh ấy trong thời gian này.

Vào cuối năm 2007, miền Bắc Trung Quốc trải qua đợt tuyết lớn, nhưng tôi vẫn đến đó với hy vọng nhà chức trách sẽ cho phép tôi gặp chồng mình.

Tôi tìm người đứng đầu bộ phận hành chính nhà tù, người đã giúp chúng tôi trong quá khứ. Tuy nhiên, anh ấy nói: “Xin lỗi, lần này tôi không thể giúp chị. Có chỉ thị đã được đưa ra từ trên xuống thông báo rằng không ai được gặp chồng của chị.”

Tôi đến gặp các đồng tu địa phương để thảo luận về tình hình. Họ khuyên tôi nên đi giảng chân tướng cho cấp chính quyền cao hơn.

Sư phụ giảng:

“Tại đâu có vấn đề thì chúng ta đến đó giảng chân tướng; quan toà, luật sư, các nhân vật liên quan đến bất kể phương diện nào, chúng ta đều đến giảng [chân tướng]. (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ quốc năm 2003, Giảng Pháp tại các nơi III)

Các đồng tu địa phương giúp tôi tìm địa chỉ văn phòng của những lãnh đạo phòng và trưởng nhà tù. Pháp của Sư phụ giúp tôi tăng chính niệm để đi nói chuyện với những người đó.

Vào ngày hôm sau, khi đến văn phòng của người lãnh đạo đó, tôi đã bồn chồn đi đi lại lại trong hành lang một vài lần và có một chút sợ hãi. Tuy nhiên, khi tôi nghĩ về tình huống nguy hiểm mà chồng tôi gặp phải, tôi đã lấy lại bình tĩnh và tiến đến gõ cửa.

Tôi nói với ông ấy lý do tôi đến nhà tù: “Trước đây, tôi đã từng đến đó nhiều lần nhưng tôi chưa bao giờ được nói lý do tại sao tôi không được phép gặp chồng mình.” Tôi cũng nói với ông ta về những lo lắng của mình, vì tin tức về việc mổ cướp nội tạng sống của các học viên Đại Pháp đã được báo cáo. Tôi lo lắng rằng chồng tôi có thể gặp nguy hiểm. Người trưởng phòng đó đã lắng nghe, nhưng sau đó nói rằng ông không phải người quyết định.

Đã gần một năm kể từ lần đầu tiên họ từ chối yêu cầu của tôi xin được gặp chồng, nhưng tôi không hề lùi bước. Vào ngày hôm sau, tôi đạp xe thẳng đến văn phòng nhà tù và thậm chí không thèm liếc nhìn hai người bảo vệ ở lối vào. Tôi chỉ đi theo nhân viên và đi lên lầu.

Tôi đến văn phòng của trưởng quản lý trại giam gõ cửa bước vào. Với thái độ bình thản không nhún nhường, tôi nói với ông ta mục đích của việc tôi đến đây. Ông ấy nói rằng ông biết chồng tôi và hỏi tôi có tập Pháp Luân Công không, nhưng tôi không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông ấy. Sau đó ông hỏi tôi về công việc của tôi, tôi nói mình là một giáo viên.

Ông ta bèn gọi điện thoại, và không lâu sau, một người đàn ông bặm trợn xuất hiện. Sau đó tôi phát hiện ra rằng ông ta là giám đốc nhà tù. Giám đốc nhà tù chỉ vào tôi và nói với người đàn ông: “Hãy giải quyết vấn đề của cô ấy”

Người đàn ông dẫn tôi đến một căn phòng và quát: “Cô đợi ở đây!”

Tôi đợi trong phòng và phát chính niệm. Mười lăm phút sau ông ta quay lại và nói: “Cô có thể gặp chồng cô nhưng phải đồng ý với những điều kiện của chúng tôi.”

Tôi hỏi: “Điều kiện gì?”

“Cô không được nói về Pháp Luân Công.”

Tôi biết rằng mình không thể đồng ý điều này nên đã bảo anh ta: “Các anh ghi chép lại mọi thứ và lại còn có lính canh giám sát, nên tôi tin rằng họ sẽ báo cáo cho anh về mọi chuyện.”

Người đàn ông này sau đó đã đồng ý cho tôi gặp chồng mình.

Khởi kiện

Khi gặp chồng, anh nhờ tôi tìm luật sư và khởi kiện các cai ngục vì sự tra tấn vô nhân đạo mà anh đã phải chịu đựng.

Khi tôi bàn với các đồng tu khác về yêu cầu của chồng, một đồng tu ở thành phố gần đó đã giúp chúng tôi tìm một luật sư giỏi. Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính, chúng tôi đưa luật sư đến gặp chồng tôi.

Các quan chức nhà tù cố gắng làm khó vị luật sư, nhưng sau hai ngày tranh biện, cuối cùng họ đã đồng ý cho luật sư gặp chồng tôi.

Chồng tôi kể với luật sư về sự bức hại mà anh gặp phải trong nhà tù, và anh đã tận mắt chứng kiến các cai ngục ép một tù nhân tự treo cổ như thế nào.

Vị luật sư đã viết thư khởi kiện các cai ngục và gửi cho giám đốc nhà tù, hai văn phòng công tố viên cao nhất trong thành phố, tòa án, Quốc hội Nhân dân và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật.

Các học viên địa phương cũng sử dụng thông tin để sản xuất các tài liệu chân tướng và phân phát chúng đến các ngôi nhà ở khu vực xung quanh.

Cục điều tra bắt đầu tiến hành cuộc điều tra với các cai ngục, và dưới áp lực của truyền thông địa phương và luật sư, các cai ngục đó đã bị sa thải hoặc chuyển đến các nhà tù khác.

Kết quả đó đã gây sốc cho toàn bộ nhà tù và tình hình các học viên bị giam giữ ở đó được cải thiện. Từ khi các tù phạm và lính canh không còn đánh chồng tôi nữa, anh và các học viên khác còn dám luyện công một cách công khai.

Tôi cũng không gặp nhiều khó khăn khi đặt lịch hẹn để gặp anh ấy. Tôi đã đưa cho anh những bài giảng mới của Sư phụ và những bài viết chia sẻ tu luyện. Chồng tôi đã sao chép chúng bằng tay và chuyển cho các học viên khác ở đó.

Chồng tôi cũng có thể nói chuyện với nhiều người trong tù về Pháp Luân Đại Pháp. Do đó, một số học viên mà đã nộp đơn ngừng luyện công theo yêu cầu của cai ngục đã công khai tuyên bố rằng lời nói của họ là vô hiệu, và bắt đầu tu luyện Đại Pháp trở lại. Chồng tôi cũng liên tục gửi cho tôi danh sách những người muốn thoái khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Cuối cùng khi chồng tôi được thả ra, anh nói rằng hơn 100 người trong khu vực của anh ấy, ngoại trừ hai người mới mà anh không có cơ hội nói chuyện, đã thoái khỏi ĐCSTQ.

Trưởng khoa: “Anh sẽ bảo vệ em, và em cũng có thể bảo vệ anh”

Khi cuộc bức hại vừa bắt đầu, có một người trưởng khoa ở chỗ làm được đề bạt làm Bí thư Đảng ủy Quận của chúng tôi.

Trước đây anh ấy đã từng trao đổi với chị tôi những suy nghĩ của mình về Pháp Luân Công. Một năm sau, anh được chỉ định đến một nơi khác. Mười năm sau đó, anh ta lại về khoa hiện tại của tôi, và trở thành trợ lý của ĐCSTQ phụ trách đàn áp Pháp Luân Công.

Khi tôi biết anh ấy đã quay về, tôi liền làm một tấm thiệp đẹp với những tài liệu chân tướng về Đại Pháp bên trong và gửi đến cho anh.

Năm ngoái, vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi đã mời anh đến nhà dùng bữa. Gia đình tôi đã giảng chân tướng cho anh từ nhiều phương diện. Trước khi rời đi, anh nói: “Khi nào mà anh còn ở trong khoa này, anh sẽ bảo vệ cho em. Anh sẽ bảo vệ em và em cũng có thể bảo vệ cho anh.”

Tôi trả lời: “Em không thể bảo vệ anh, nhưng nếu anh bảo vệ các học viên Đại Pháp thì Sư phụ đương nhiên sẽ bảo hộ cho anh.”

Thẩm phán: “Hãy gửi lời chúc Trung Thu của tôi đến Sư phụ của chị”

Vào năm 2016, một đồng tu địa phương bị bắt và bỏ tù. Tôi cùng gia đình anh ấy và luật sư đã gặp một vị thẩm phán thụ lý vụ án, nhưng tôi đã không giảng chân tướng được cho ông ta.

Vài ngày sau tôi và gia đình của học viên bị bắt đến gặp vị chánh án. Tôi phát chính niệm thanh trừ cựu thế lực đang khống chế ông ở trong chiều không gian khác với hy vọng sẽ làm cho ông ra quyết định đúng đắn để phóng thích các học viên và chọn cho mình một tương lai tươi sáng.

Khi chúng tôi đến phiên tòa xét xử và chuẩn bị đi qua cổng kiểm tra an ninh thì vị thẩm phán đầu tiên chúng tôi gặp đã tình cờ nhìn thấy và đi đến chỗ chúng tôi đứng.

Tôi nói với ông ấy: “Trước đây tôi đã không có cơ hội nói chuyện với ông. Chúng tôi mong rằng ông có thể phóng thích người học viên bị giam này. Nếu anh ấy không được thả, chúng tôi biết rằng một ngày nào đó những người nào đã ra quyết định tống giam anh ấy đều sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, là một học viên Đại Pháp, chúng tôi không muốn thấy những con người vô tội bị liên lụy và phải gánh chịu hậu quả đó. Tôi biết ông không phải là người xấu nên chúc cho ông được an lành.”

Vị thẩm phán nhìn tôi như thể ông ấy đang nuốt lấy từng lời của tôi.

Phiên tòa diễn ra vào đêm trước Tết Trung thu, vì vậy tôi đã nói với vị thẩm phán đó: “Tôi muốn gửi lời chúc Trung thu đến ông và gia đình, và hy vọng rằng ông được bình an.”

Ông ta trả lời ngay: “Tôi cũng mong gia đình chị bình an và khỏe mạnh! Tôi cũng muốn gửi lời chúc Trung thu đến Sư phụ của chị!”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/23/402423.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/18/185075.html

Đăng ngày 16-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share