Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-05-2020] Vào nửa đầu năm 1994, chỉ trong vòng có một tháng, trường học nơi tôi giảng dạy có đến bốn người đã qua đời. Một người qua đời sau khi đã uống quá nhiều rượu vào đêm hôm trước. Một người qua đời sau khi thức dậy, và một người khác qua đời vì một căn bệnh mãn tính. Người còn lại qua đời vì nguyên nhân gì tôi cũng không còn nhớ nữa.

Tôi vừa cảm thấy thương tiếc cho những đồng nghiệp đã qua đời, đồng thời cũng cảm thấy hoang mang. Làm sao mà một người hôm qua vẫn còn đến làm việc, vậy mà ngày hôm nay đã lại rời xa chúng tôi mãi mãi như thế? Đời người đúng là bất định như vậy đó! Không ai biết được mình sống được bao lâu, sống để làm gì, và ý nghĩa của cuộc đời mình là như thế nào. Tôi thường đắm chìm trong những suy tư như thế, với rất nhiều thắc mắc mà không có lời giải đáp.

Tháng 10 năm 1994, tôi được một đồng nghiệp giới thiệu về Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công. Cô ấy mang cho tôi tất cả các bản thu âm các bài giảng Pháp của Sư phụ. Tôi mất hai ngày để nghe xong 16 băng ghi âm. Tôi cảm thấy rất chấn động! Tôi đã tìm được những gì mình đang tìm kiếm, hiểu được tại sao tôi lại tồn tại và ý nghĩa của cuộc sống là gì.

Cuộc đời trước khi tu luyện Đại Pháp

Sức khỏe tôi từ nhỏ đã kém. Mẹ tôi nói rằng tôi bị sinh non và năm tôi chào đời, năm 1963 ấy là năm mà nạn đói lớn xảy ra do những chính sách yếu kém của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa mới chấm dứt.

Trước khi tôi chào đời, mẹ tôi khá yếu và bị sốt cao. Bà đã không được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Tôi đã được sinh ra sớm hơn dự kiến nhưng may mắn sống sót. Từ khi sinh ra sức khỏe của tôi đã rất yếu. Bố mẹ lúc nào cũng lo lắng về tôi. Khi lớn lên, tôi bị suy nhược thần kinh nặng, viêm mũi, lượng đường trong máu thấp và viêm khớp. Tất cả khuỷu tay, đầu gối và các khớp ngón tay của tôi đều bị đau.

Hai ngày sau khi nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ, tôi cảm thấy thân thể mình nhẹ nhàng. Mọi bệnh tật của tôi đều không cánh mà bay, năm đó tôi 31 tuổi. Thật là một cảm giác tuyệt vời. Bất cứ khi nào có thời gian, tôi đều đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, ở đó Sư phụ dạy chúng ta làm thế nào để trở thành người tốt qua việc hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp.

Thay đổi thái độ làm việc nhờ Đại Pháp

Tôi là một giáo viên trong một trường trung cấp kỹ thuật. Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thái độ giảng dạy của tôi hoàn toàn là quấy quá. Tôi gần như không bao giờ soạn giáo án cho các tiết học, không hề có sự chuẩn bị trước, và chỉ mang theo sách giáo khoa đến lớp học. Các tiết học dành cho một lớp lớn kéo dài 90 phút. Tôi chỉ dành 30 phút để giảng khái quát về nội dung và thời gian còn lại để sinh viên tự học. Tôi cho lớp tan học sớm nửa tiếng đồng hồ khi tiết học 90 phút còn chưa kết thúc.

Dùng lời của Hiệu phó nhà trường mà nói thì các sinh viên theo học ở trường tôi đều không quan tâm đến việc học và không có mục tiêu trong cuộc sống. Các em còn khá trẻ, và bố mẹ các em không muốn con cái mình sớm phải bước chân vào xã hội. Họ nghĩ tưởng rằng con cái mình sẽ được giám sát khi học ở trường chúng tôi. Các sinh viên ở đây không phải tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, và các giáo viên không có áp lực phải đánh giá chất lượng đầu vào. Vì vậy, rất ít giáo viên tận tâm với công việc.

Sau khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tôi đã hành xử theo lời giảng của Sư Phụ – vô luận là ở xã hội, trong gia đình hay tại nơi làm việc thì chúng ta đều phải luôn là người tốt. Vì thế, tôi bắt đầu đến đúng giờ và không về sớm nữa. Tôi chuẩn bị chu đáo cho các lớp học và soạn giáo án cho các tiết học. Ngoài ra tôi đã bổ sung thêm một số nội dung bên ngoài sách giáo khoa để nâng cao kiến thức cho sinh viên. Các sinh viên đã có những phản hồi rất tốt đối với các bài giảng của tôi.

Không lâu sau khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tôi đã được đề nghị làm giáo viên chủ nhiệm. Nếu là trước khi tu luyện, tôi đã không tiếp nhận vị trí này. Để đảm nhận vị trí giáo viên chủ nhiệm thì các yêu cầu đòi hỏi khá khắt khe. Các sinh viên trong trường trung cấp kỹ thuật rất khó quản lý. Tâm trí của các em không đặt ở việc học.

Sau khi đảm nhận vị trí giáo viên chủ nhiệm, trước tiên tôi nghĩ về trách nhiệm, thời gian và sức lực mình cần phó xuất để xứng đáng với sự tin tưởng của sinh viên, phụ huynh và nhà trường.

Nhà tôi ở gần trường. Tôi đến sớm, để ý đến tình hình chung trong lớp cũng như bất kỳ thay đổi cụ thể nào của mỗi sinh viên. Tôi coi các em như những người bạn. Tôi giao cho một sinh viên có nhân cách tốt làm lớp trưởng. Vào buổi sáng, tôi đến lớp học hoặc ký túc xá sinh viên trước khi xe buýt của trường bắt đầu lăn bánh để xem liệu có vấn đề gì tôi có thể xử lý. Vào buổi chiều, tôi ở lại sau khi các chuyến xe buýt đã rời đi. Tôi gặp các em sinh viên, và ở lại cùng các em trong các buổi tự học buổi tối.

Sau một thời gian, các sinh viên đã thay đổi. Các em đã thích học và ngừng đánh nhau. Nhiều em đã không còn kiếm cớ để nghỉ học nữa. Các em sẵn lòng chia sẻ suy nghĩ của mình với tôi. Trong các buổi tự học buổi sáng hoặc buổi tối, tôi đã không cần có mặt ở đó nữa. Thế nhưng không có một sinh viên nào nói chuyện hay vắng mặt. Các em hoàn toàn yên lặng ngồi học. Sự việc như vậy là chưa từng xảy ra trong toàn trường.

Có lúc, tôi thấy một nữ sinh viên mới vào lớp tôi cư xử khác với những sinh viên khác. Có khi em còn không quay lại trường vào ban đêm hay có lúc còn bỏ tiết. Khi tôi nói chuyện với sinh viên này, em ấy nói chuyện với tôi một cách cộc lốc. Tôi nhận ra có thể em có vấn đề về tâm lý. Tôi liên lạc với bố mẹ em. Mẹ em lập tức đến trường. Bà có vẻ lo lắng, và nói với tôi rằng hai năm trước, chồng bà đã quát và mắng chửi con gái họ. Cô bé bị tổn thương và cứ khóc mãi cho đến khi ngủ thiếp đi. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, cô bé đã cư xử một cách bất thường. Họ đã đưa em đến nhiều bác sỹ khác nhau, thử tất cả các loại thuốc và phương pháp điều trị, thậm chí thử đến cả những phương pháp có dùng đến công năng đặc dị, nhưng đều không giúp gì được. Họ luôn thấy lo lắng. Họ quyết định gửi em đến trường, và hy vọng rằng các giáo viên sẽ có thể chăm sóc em. Nhưng rõ ràng là điều đó cũng không giúp gì được.

Tôi chia sẻ với bà về Pháp Luân Đại Pháp, và đưa cho bà một cuốn Chuyển Pháp Luân, và các băng ghi âm các bài giảng Pháp của Sư phụ. Tôi nói với bà rằng chỉ cần bà đọc sách và nghe các băng ghi âm bài giảng Pháp một cách nghiêm túc, tình hình con gái của bà sẽ được cải thiện.

Sau vài ngày, bà đến trường. Sau khi về nhà, hàng ngày bà đọc sách và nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ. Bà nói với tôi về việc bà nghiện thuốc lá. Bà từng hút 10 bao thuốc lá mỗi ngày, cộng với thuốc lá tự cuốn. Vài ngày sau khi nghe bài giảng Pháp của Sư phụ, bà không còn cảm thấy muốn hút thuốc nữa. Bà đã khỏi nhiều bệnh tật, và con gái bà đã cư xử bình thường trở lại.

Bà cũng kể với tôi rằng một đêm chồng bà khó thở. Ông dường như có thể qua đời bất cứ lúc nào, và dặn bà chuẩn bị hậu sự cho ông. Bà đặt cuốn sách lên ngực ông và nói chỉ có cuốn sách này mới có thể cứu được ông. Chồng bà đã nhanh chóng thở lại bình thường và mọi thứ đều ổn. Cả gia đình bà đều biết ơn Đại Pháp và Sư phụ.

Là một giáo viên chủ nhiệm, các sinh viên và phụ huynh thường biếu quà cho tôi nhưng tôi đều không nhận. Có lần một phụ huynh đến gặp tôi và chiếc ô tô của cô chất đầy quà. Tôi nói với vị phụ huynh ấy rằng tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Sư phụ dạy tôi làm một người tốt, và đối xử tốt với người khác. Tôi không thể nhận bất kỳ món quà nào. Nhưng tôi vẫn sẽ quan tâm đến các sinh viên.

Cuộc bức hại bắt đầu

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc để bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Những lời dối trá được truyền đi khắp cả nước. Các văn bản tài liệu được gửi đến tất cả các tổ chức, và mọi người phải công khai thái độ của mình đối với Pháp Luân Đại Pháp.

Chồng tôi làm việc cùng trường với tôi, và anh ấy cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Quản lý và đồng nghiệp đều biết vợ chồng tôi là những người tốt. Không đồng nghiệp nào phân biệt đối xử với chúng tôi, điều đó giúp giảm áp lực mà chúng tôi phải đối mặt.

Vào một buổi chiều, một cuộc họp sẽ được tổ chức tại phòng họp với sự tham dự của tất cả các giáo viên và nhân viên trong trường. Được biết các văn bản tài liệu sẽ được đọc tại cuộc họp này. Bản năng mách bảo tôi rằng cuộc họp này nhằm vu khống Đại Pháp. Tôi không muốn đi, và nói: “Nó chắc cũng giống như trên truyền hình. Tất cả đều là dối trá và vu khống. Tôi sẽ không nghe những điều đó.” Các đồng nghiệp của tôi đã nói: “Có lẽ chị cũng nên đi.” Tôi nghĩ về việc này, và nghĩ rằng mình có thể tham dự để xem họ đang lan truyền những điều dối trá gì.

Khi Hiệu trưởng tuyên bố bắt đầu cuộc họp, ông không nói nhiều. Hiệu phó đọc văn bản với giọng đọc đều đều. Văn bản đó nói xấu Đại Pháp và Sư phụ, trong đó không trích dẫn nguyên văn lời của Sư phụ mà thay vào đó là thêm bớt từ, dựng chuyện, và tuyên bố đó là từ Đại Pháp. Nó đã cải biến nội hàm của những lời Sư phụ giảng. Nếu một người không đọc Pháp của Sư phụ thì họ sẽ hiểu nhầm và bị lừa dối.

Vì tôi học Pháp mỗi ngày, tôi đã quen thuộc với những lời giảng của Sư phụ. Khi hiệu phó đọc một số trích dẫn đã bị chỉnh sửa, tôi đã lên tiếng thật to để ngắt lời ông, và chỉnh lại: “Không phải vậy”, và tôi nói Sư Phụ không giảng điều đó, tôi nói lại câu nguyên văn của Sư phụ và ông liền đọc lại câu nói nguyên văn của Sư phụ thay cho câu trích dẫn kia. Mọi người đều cười vào sự giả dối thể hiện trong tài liệu. Sau một loạt những thay đổi được chỉnh qua lại như thế, hiệu phó bối rối, mặt đỏ bừng, và ngừng đọc tài liệu.

ĐCSTQ sẽ gán tội cho những người lãnh đạo trong các tổ chức nào có các học viên Pháp Luân Đại Pháp hoặc có bất kỳ học viên nào đến Bắc Kinh để kháng nghị. Những người lãnh đạo trong những tổ chức này có thể phải đối mặt với việc bị giáng chức hoặc bị khiển trách. Việc đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức cũng bị ảnh hưởng.

Tôi đã bị bắt vào tháng 10 năm 1999 tại Bắc Kinh vì đã thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi bị đưa đến trại tạm giam ở quê nhà. Bí thư Đảng ủy thành phố, dưới áp lực từ các cấp trên, đã ra lệnh phải sa thải tất cả học viên đã đến Bắc Kinh. Hiệu trưởng và các đồng nghiệp trong trường đã không đổ lỗi cho tôi. Thay vào đó họ thể hiện sự lo lắng. Hiệu trưởng và chánh văn phòng đã đến trại tạm giam để thăm tôi. Khi nhìn thấy tôi gầy hốc hác, họ đã rơi nước mắt.

Tôi từ chối viết các cam kết đảm bảo theo yêu cầu của cảnh sát. Vì vậy, tôi đã bị giam giữ gần nửa năm. Tôi đã được thả sau khi tuyệt thực trong năm ngày. Các đồng nghiệp đã đến thăm tôi, vị hiệu trưởng đã nắm tay tôi và nói: “Trong trường chúng ta, nếu vợ chồng anh chị mà là người xấu, thì không có một ai là người tốt cả!” Khi tôi bị sa thải khỏi trường, các đồng nghiệp trong khoa của tôi đã đưa tôi và con gái tôi đi tham quan để nói lời chia tay.

Đối mặt với cuộc bức hại

Sau tháng 5 năm 2005, vợ chồng tôi lánh xa nhà để tránh bị bức hại. Tuy nhiên, một nhân viên mà chúng tôi không biết đã luôn đảm bảo tiền lương của chồng tôi sẽ được nhận hàng tháng và chuyển cho em gái tôi. Sau đó em tôi sẽ chuyển tiền lương cho chúng tôi.

Sau đó, lệnh bắt giữ tôi được ban hành. Các nhân viên cảnh sát và an ninh nhà nước đã đến trường chúng tôi để điều tra nhằm buộc tội chúng tôi trong khi tìm kiếm lý do để bắt giữ tôi. Tất cả mọi người, từ hiệu trưởng đến giáo viên đều nói tốt cho tôi. Họ nói tôi tốt bụng, xuất sắc trong giảng dạy và có nhiều tài năng. Khi người của sở cảnh sát thành phố gọi điện cho Hiệu trưởng để yêu cầu đuổi việc chồng tôi, ông nói: “Ông còn có lương tâm không? Họ còn hai đứa con nữa. Ông đã buộc chúng tôi phải đuổi việc một người. Bây giờ ông lại muốn đuổi việc người còn lại. Ông không trừ lại con đường sống nào cho người ta sao!”

Sau đó, tôi lại bị bắt một lần nữa, và bị kết án tù vào năm 2007. Một số đồng nghiệp đến thăm tôi trong tù, nhà tù cách trường tôi khoảng 400km. Họ gửi tiền vào tài khoản của tôi. Họ đã khóc khi nhìn thấy tôi. Tôi đã cảm động và cũng bật khóc. Khi tôi quay lại sau khi mãn hạn tù, hiệu trưởng và các đồng nghiệp đã tổ chức một bữa tiệc để chúc mừng việc tôi được tự do. Khi con gái tôi kết hôn, nhiều đồng nghiệp cũng đến để chúc mừng. Hầu hết đồng nghiệp của tôi đều cảm thông và quan tâm đến vợ chồng tôi và thể hiện sự ủng hộ đối với Pháp Luân Đại Pháp. Tất cả họ đều được đắc phúc báo.

Vì trường tôi là một trường kỹ thuật nhỏ nên một số người lớn cũng đăng ký các lớp giáo dục thường xuyên. Gần như tất cả trường học như vậy trong thành phố chúng tôi đã phải đóng cửa. Nhưng trường tôi đã không chỉ tồn tại được, mà còn kết hợp được với một trường đại học và một vài trường trung học nổi tiếng trong thành phố, rồi phát triển thành một trường cấp quốc gia. Cấp hành chính được nâng từ cấp phó lên cấp chính quy. Cấp bậc của giáo viên kỳ cựu trước đây là phó giáo sư, giờ được nâng lên thành giáo sư. Hiệu trưởng của trường đã được thăng chức thành phó khoa của trường đại học. Các nhân viên khác theo đó cũng được thăng chức.

Một người luyện công, cả nhà thọ ích

Vài tháng sau khi tôi đắc Pháp, một đêm, khi mẹ tôi đang xem tivi thì tôi nhận thấy bà đang ngồi trong tư thế song bàn. Bà hơi thừa cân, đôi chân mập nên chúng tôi không ngờ bà có thể ngồi trong tư thế song bàn. Lúc ấy, con gái sáu tuổi của tôi và tôi bắt đầu đọc Pháp. Một lát sau, chúng tôi nghe mẹ tôi nói: “Ôi, sao mẹ cảm thấy như hai tay của mẹ biến mất?” Tôi khích lệ bà: “Thật là tốt. Mẹ cứ tiếp tục ngồi thiền đi!” Một lúc sau, bà nói: “Ôi, mẹ cảm thấy như chân của mẹ cũng biến mất!” Tôi hối thúc bà tiếp tục, và nói với bà rằng có thể bà còn cảm thấy đầu và cơ thể của mình cũng biến mất. Đến khi con gái tôi và tôi đi ngủ, bà vẫn ngồi trong tư thế song bàn.

Sáng hôm sau, khi tôi trở về từ điểm luyện công, mẹ tôi đã rất hào hứng nói với tôi rằng đêm hôm trước bà thực sự cảm thấy đầu và cơ thể của bà đã biến mất, và cảm thấy thoải mái vô cùng. Sau khi bà tháo chân ra khỏi tư thế song bàn, đôi mắt đã bị đau trong hơn 30 năm của bà nay đã không còn đau nữa. Khi bà nhìn vào gương, lớp màng mỏng che phủ cầu mắt bà đã biến mất. Mắt bà đã nhìn được rõ ràng.

Bố tôi bị đau vai. Thời điểm tôi đắc Pháp, ông đã phải truyền dịch hàng ngày. Một đêm, tôi bảo bố tôi đọc một vài phần trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Hôm sau, ông nói với tôi rằng khi ông mơ màng ngủ, ông thấy một bánh xe màu vàng kim bay về phía ông. Bánh xe liên tục quay trên mu bàn tay ông cho đến khi nó chạm vào da. Sau đó vai ông không còn đau nữa.

Chị tôi bị đãng trí và không cẩn thận khi làm việc. Một hôm, chị cắm điện vào ấm nước, và đến nhà mẹ chồng chị. Mãi đến chiều ngày hôm sau, chị ấy mới nhận ra ấm nước vẫn còn cắm điện. Chị rất sợ hãi. Đột nhiên một ý nghĩ xuất hiện: “Mọi chuyện đều sẽ ổn thôi, vì em mình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp!” Khi chị về nhà vào tối hôm đó, chị thấy trong ấm còn lại một ít nước, và điện đã được ngắt. Vì ấm này không tự động ngắt điện nên chị nghĩ chắc nó hỏng rồi. Nhưng khi chị cắm điện lại, nó vẫn hoạt động bình thường như trước.

Một hôm, em trai tôi đang đi xe máy và chở cậu bạn ngồi đằng sau. Một chiếc xe hơi nhỏ chạy ngang qua họ. Cậu phải tấp xe vào lề đường. Và họ đã bị ngã xuống đất. Chiếc xe máy của cậu bị mất kiểm soát và trượt trên mặt đường một đoạn khá xa. Khi em tôi ngồi dậy, cậu thấy mình không bị thương. Bạn của cậu, mặc dù ngồi sau nhưng đã bị gãy hai xương sườn. Chiếc xe máy không bị hư hại.

Chị gái, em trai, con gái và cháu gái của tôi đều đã dùng tên thật để kiện Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo ĐCSTQ) vì bức hại Pháp Luân Công và vi phạm Hiến pháp của Trung Quốc. Các đơn kiện của họ đã được công bố trên trang Minh Huệ. Họ cũng giúp các học viên Đại Pháp giảng chân tướng về Đại Pháp. Họ cũng giúp mọi người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó khá hiệu quả.

Vào dịp Tết Nguyên đán hoặc sinh nhật Sư phụ, họ gửi lời chúc đến Sư phụ thông qua Đài truyền hình Tân Đường Nhân và trang web Minh Huệ. Họ tin rằng họ đã được Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, bảo hộ.

Chúng ta đang trải qua thời đại mà Đại Pháp được hồng truyền rộng khắp, cũng như sống giữa thời nhân thế hỗn độn, chúng tôi cảm thấy thật vô cùng may mắn khi trong tâm luôn có Sư phụ và Đại Pháp!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/12/404943.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/22/185157.html

Đăng ngày 29-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share