Bài viết của một học viên tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-01-2020]

Sư phụ Lý Hồng Chí giảng:

“Bất kể sự việc gì cũng có quan hệ nhân duyên; vì sao người ta có thể làm người? Chính là vì người ta có ‘tình’; người ta vì cái ‘tình’ này mà sống; tình cảm thân quyến, tình cảm nam nữ, tình cảm với cha mẹ, cảm tình, tình bè bạn, thực thi công việc cũng có tình, ở đâu cũng không tách khỏi cái ‘tình’ ấy; muốn làm hay không, cao hứng hay không, yêu và ghét, hết thảy mọi thứ trong toàn bộ xã hội nhân loại đều từ cái ‘tình’ ấy mà ra. Nếu ‘tình’ kia chẳng đoạn, thì chư vị không thể tu luyện được. Người ta nếu nhảy ra khỏi cái ‘tình’ này, thì không ai động đến chư vị được, tâm người thường không động đến chư vị được; thay vào đó là ‘từ bi’, vốn là điều cao thượng hơn.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Pháp của Sư phụ rất rõ ràng. Đệ tử Đại Pháp chúng ta không ngừng tống khứ những chấp trước vì chúng ta là người tu luyện. Tuy nhiên, vì tu luyện trong người thường và thời gian dài tiếp xúc với người thường, chúng ta dễ hình thành những quan niệm và dưỡng thành những thói quen. Vì vậy, thật không dễ mà tìm ra và thanh lý chấp trước vào tình khi nó biểu hiện ra. Một số người trong chúng ta vẫn còn bị hãm sâu trong tình, bị nó can nhiễu mà không nhận ra hoặc là bất lực không biết làm thế nào.

Can nhiễu từ gia đình

Phần lớn các học viên đều có gia đình và con cái. Thậm chí nếu độc thân thì ai ai cũng có họ hàng và bè bạn. Can nhiễu đến từ tình sẽ phản ánh vào mối quan hệ giữa chúng ta với người thường. Nếu chủ ý thức của một học viên không đủ mạnh mẽ và anh ấy cũng không học Pháp tốt thì rất khó cho anh ấy tu khứ chấp trước vào tình.

Gần chỗ tôi có hai học viên lâu năm đều đắc Pháp trước năm 1999. Trong 20 năm bức hại, họ đã tu luyện và làm tốt ba việc. Họ cũng làm nhiều việc để cứu người. Tuy nhiên, gần đây cả hai đều buông lơi ở những mức độ khác nhau, và trạng thái tu luyện của họ gần như là giải đãi. Vấn đề then chốt là họ bị ảnh hưởng bởi tình, vì thế mà phải đối diện với ma nạn.

Một người thì oán hận với chồng. Mỗi khi tôi và cô ấy gặp nhau, cô ấy phàn nàn về chồng, làm tôi cũng cảm thấy khó chịu. Chứng kiến việc này, tôi biết rằng cô ấy đang bị tình dẫn động, nhưng tôi khó mà dùng Pháp lý để giao lưu với cô ấy. Bị dính mắc vào những sự việc người thường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực làm ba việc của cô ấy.

Người kia thì trạng thái hoàn toàn ngược lại. Cô ấy được chồng đối đãi rất tốt và chăm sóc tận tình. Mọi việc cô đều phụ thuộc vào chồng. Anh ấy thậm chí còn cất sách Đại Pháp sau khi cô ấy học xong. Tuy nhiên, cô ấy cũng rơi vào trạng thái không tốt. Cô ấy có triệu chứng “bệnh” nghiêm trọng, cô ấy không thể nhìn rõ chữ và thường hay quên các việc. Gia đình phải chăm sóc cô ấy, vì thế cô ấy dường như giống một bệnh nhân cần chăm sóc hơn là một đệ tử Đại Pháp.

Trên bề mặt, hai người phụ nữ này có biểu hiện khác nhau, nhưng cả hai đều bị can nhiễu bởi chấp trước vào gia đình: một bên biểu hiện là oán hận và một bên là quá phụ thuộc.

Nhiều học viên cũng lẫn lộn giữa làm người tốt và chăm sóc con cái không ngừng. Họ làm tất cả việc nhà và thậm chí còn quản cả những việc của các cháu, những việc này chiếm dụng quá nhiều thời gian của họ. Họ muốn làm tốt ba việc nhưng cảm thấy bất lực. Luẩn quẩn trong trạng thái này, họ cảm thấy rất chán nản và vô vọng nhưng không nhận ra rằng những chấp trước của họ đang can nhiễu chính họ.

Can nhiễu giữa học viên với nhau

Trong xã hội coi trọng vật chất ngày nay, mối quan hệ giữa người với người rất khó mà có chân thành đối đãi. Đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi bị văn hóa Đảng đầu độc, khiến trong tâm người ta ôm giữ một loại oán hận vô hình, không tin trên thế giới này còn người tốt. Họ cũng không tin vào thiên lý hay thiện ác hữu báo. Do đó khi gặp mâu thuẫn, họ chỉ biết dùng tranh đấu để giải quyết vấn đề.

Mối quan hệ giữa người và người vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, đệ tử Đại Pháp thì khác, phần lớn đều bình hòa thiện lương. Họ không ức hiếp người khác và đáng tin cậy. Đa số họ đều khoáng đạt và không cần phòng bị những học viên chung quanh. Vậy mà, trong hoàn cảnh như thế, tình cũng có thể can nhiễu.

Một số thích đến nhà những học viên khác khi họ không có việc gì để làm. Nếu họ có mối bận tâm nào, đều sẽ tìm đồng tu khác thổ lộ để thỏa mãn nhu cầu về tình cảm của mình. Việc này là cần thiết và có thể hiểu được khi mọi người thảo luận cùng nhau làm sao phối hợp giảng chân tướng tốt hoặc chia sẻ thể ngộ tu luyện. Tuy nhiên, những học viên này gặp nhau quá thường xuyên và thảo luận về cuộc sống người thường hoặc nhận xét hời hợt về những việc tốt hoặc xấu nào đó.

Hành vi này có phải sẽ ảnh hưởng đến việc tĩnh tâm học Pháp và làm ba việc hay không? Bên cạnh đó, trong tình huống hiện tại, còn có vấn đề về an toàn. Chúng ta có nên tự mình ước thúc hay không? Đồng thời, loại tình đồng tu này còn có thể bị lợi dụng. Thời gian eo hẹp, khó khăn chồng chất và nhiệm vụ cứu người nghiêm túc, làm sao chúng ta có thể lãng phí thời gian quý báu như vậy?

Từ góc độ của Pháp mà lý giải, chúng ta hiểu rằng con đường tu luyện của mỗi cá nhân là khác nhau, đó là, mỗi người đều phải tự bước đi trên con đường của chính mình. Những ai không biết phải tự mình tu luyện, muốn dựa vào người khác trợ giúp ắt không thể tu thành.

Đồng thời, trong quần thể người tu luyện có một số học viên ngộ Pháp tốt hơn hoặc có năng lực hơn, và những người khác thích nghe theo ý tưởng của họ hoặc luôn luôn làm theo sự dẫn dắt của họ.

Nếu việc này xảy ra, những học viên này có thể hưởng thụ cảm giác bị người khác ỷ lại và phát triển tâm hoan hỉ. Nếu không chú trọng học Pháp, họ có thể phát triển tự ngã, kết cục khiến cho có thể hủy hoại tu luyện của họ và gây hại đến Đại Pháp.

Kỳ thực, tất cả đệ tử Đại Pháp chân tu đều hiểu rằng chúng ta chỉ có dựa vào Sư phụ và Đại Pháp. Chúng ta không thể học từ người khác. Thay vào đó, chúng ta “‘lấy Pháp làm Thầy’” (Giảng Pháp tại Pháp hội các phụ đạo viên ở Trường Xuân [1998])

Một cách không tự biết mà phóng túng tâm ỷ lại là một vấn đề nghiêm trọng làm hại mình hại người. Đừng đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình huống này, nếu không, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội vĩnh cửu này.

Tự thân can nhiễu

Một vài người sợ cảm giác tịch mịch. Họ hy vọng sự thể hiện tình cảm của họ sẽ được đáp lại, hoặc ít nhất là gợi ra một số phản ứng. Sự kỳ vọng này khiến những người bình thường vừa vui vừa lo lắng. Khi ở một mình, không có ai để chia sẻ kinh nghiệm hay chia sẻ vui buồn, vì vậy người ta cảm thấy buồn bã. Tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ sinh ra cảm giác cô đơn.

Tôi nhớ đến một đồng tu đang trong đau khổ vì chồng và con trai cô ấy sắp bỏ đi. Cô ấy có một cảm giác trống rỗng, và dường như cuộc sống sẽ không tiếp tục nữa. Có lẽ là cảm giác sợ cô đơn của cô ấy đã dẫn đến điều này.

Một số học viên rất nhiệt tình với những việc người thường. Họ thích tụ tập với những người độc thân mà họ quen, tham dự vào những xung đột gia đình của người ta, hoặc tham gia vào những tụ tập ngoài xã hội. Đây là việc tốt nếu coi chúng là cơ hội để giảng chân tướng, nhưng điều đó không thường xuyên diễn ra. Họ thích thể hiện sự nhiệt tình hăng hái của người thường, nghĩ rằng đây là thể hiện vẻ đẹp của đệ tử Đại Pháp. Kỳ thực, đây là một hiểu lầm về hành vi của đệ tử Đại Pháp. Nó chỉ là biểu hiện của chấp trước người thường vì không chịu nổi cảm giác cô đơn.

Vì thế, nếu chúng ta không thể ước chế cảm xúc và không thể chịu nổi cảm giác cô đơn tịch mịch, làm sao chúng ta có thể luyện tĩnh công, thanh tĩnh học Pháp và cứu người? Nếu chúng ta không thể thanh tĩnh học Pháp thì những Pháp lý tại cao tầng sao có thể triển hiện cho chúng ta? Nếu chúng ta thậm chí còn không ngộ được Pháp trên bề mặt câu chữ thì làm sao chúng ta có thể tu luyện?

Kỳ thực, tình biểu hiện trên nhiều phương diện. Dĩ nhiên, nó không có nghĩa là khi chúng ta tu khứ tình, chúng ta sẽ trở nên khác thường và lạnh lẽo, khiến người thường khó mà hiểu nổi chúng ta. Chúng ta tu luyện phù hợp nhất với trạng thái của xã hội người thường, duy trì tốt gia đình và làm tốt công tác.

Tuy nhiên, chúng ta nhất định phải rõ ràng trong tâm rằng chúng ta là đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp có sứ mệnh trọng đại. Chúng ta cần làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu. Như vậy, trong từng hoàn cảnh, chúng ta có thể phân định nặng nhẹ và cân bằng những mối quan hệ của chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới không cô phụ lòng tin của Sư phụ vào chúng ta và có trách nhiệm với những người hữu duyên với chúng ta.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/27/400345.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/5/184336.html

Đăng ngày 28-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share