Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Đức
[MINH HUỆ 01-05-2020] “Chính phủ Trung Quốc cần phải chấm dứt cuộc chiến chống lại Pháp Luân Công và tôn trọng quyền tự do tôn giáo, như đã được Hiến pháp đảm bảo”, lời phát biểu của ông Hanno Schedler trong một báo cáo được “Hội những người bị đe dọa (STP)”, một tổ chức nhân quyền Đức, công bố nhân kỷ niệm cuộc kháng nghị lịch sử của 10.000 học viên Pháp Luân Công 21 năm trước.
Ông Schedler là một trong những chuyên gia của STP về phòng chống diệt chủng và Trách nhiệm Bảo vệ.
Ngày 25 tháng 4 năm 1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã hội tụ về Bắc Kinh, gần Văn phòng Kháng cáo Trung ương, để kiến nghị việc trả tự do cho 45 học viên đã bị bắt giữ phi pháp ở Thiên Tân, và có một môi trường để tự do thực hành đức tin của họ. Họ lặng lẽ đến và rời đi mà không để lại gì, đến cả một mảnh rác nhỏ trên mặt đất. Họ thậm chí còn dọn sạch đầu mẩu thuốc lá do cảnh sát bỏ lại.
Mặc dù khi đó Thủ tướng đương nhiệm Chu Dung Cơ đã hứa sẽ xem xét những vấn đề này, nhưng ba tháng sau đó, Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thời bấy giờ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công trên phạm vi toàn quốc. Cuộc bức hại vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Báo cáo của STP được công bố vào ngày 24 tháng 4 năm 2020, với tiêu đề “Cuộc kháng nghị quy mô lớn của Pháp Luân Công cách đây 21 năm (ngày 25 tháng 4) – Trung Quốc tiếp tục buộc tội các thành viên của phong trào thiền định”. STP kêu gọi chính quyền cộng sản Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài suốt 21 năm, đồng thời kêu gọi chính phủ Đức bảo vệ các học viên Pháp Luân Công khỏi bị phân biệt đối xử tại Đức.
Bản báo cáo nêu rõ: “Ước tính có hơn 4.300 học viên Pháp Luân Công đã chết trong trại tạm giam, trại lao động hoặc nhà tù. Nhiều tín đồ của phong trào này đã bị bắt nhiều lần. Chính quyền Trung Quốc tập trung chủ yếu vào những phụ nữ lớn tuổi, những người thường bị buộc tội công khai truyền bá Pháp Luân Công. Ngoài ra, ngày càng có nhiều học viên trở thành nạn nhân của nạn mổ lấy tạng phi pháp.”
Báo cáo này cũng đề cập đến việc bức hại Pháp Luân Công tại lãnh thổ Đức, bởi 18 Viện Khổng Tử (các lớp học tiếng Trung ở các trường đại học phương Tây được chính quyền cộng sản Trung Quốc tài trợ) đã công khai cấm nhân viên tu luyện Pháp Luân Công.
Báo cáo chỉ ra: “Chính sách của Đức không cho phép việc bức hại tôn giáo của chính phủ Trung Quốc tiếp tục diễn ra trên lãnh thổ của chúng ta.”
Báo cáo bổ sung: “Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn bức hại những người dám bênh vực các học viên Pháp Luân Công: ông Cao Trí Thịnh, một trong những luật sư nhân quyền nổi tiếng nhất của Trung Quốc, đã nhiều lần bênh vực cho tín đồ Cơ Đốc giáo và học viên Pháp Luân Công. Nhà hoạt động nhân quyền này, người từng được đề cử giải Nobel Hòa bình hai lần, đã biến mất không dấu vết vào năm 2017.”
Thông cáo báo chí từ Hội những người bị đe dọa (STP)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/1/404610.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/3/184317.html
Đăng ngày 05-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.