Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 12-04-2020] Khi phớt lờ những cảnh báo nghiêm túc từ Đài Loan và lặp lại thông tin thất thiệt có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan nhanh chóng của virus corona trên toàn thế giới.

Hiện tại, thế giới đang tiến tới yêu cầu tổ chức WHO phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

Ngày 14 tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ tạm ngừng tài trợ cho WHO, chỉ một tuần sau khi chỉ trích tổ chức này đã xử lý đại dịch sai kém và quá “ưu ái Trung Quốc”.

Cùng thời gian này, các chính trị gia ở Vương quốc Anh đã kêu gọi thành lập một “G20 vì Sức khỏe Cộng đồng” để thay WHO ứng phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Phớt lờ các cảnh báo quan trọng từ Đài Loan

Ngày 31 tháng 12 năm 2019, các quan chức y tế tại Đài Loan đã cảnh báo tổ chức WHO về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của chủng virus này. Tuy nhiên, WHO đã bỏ ngoài tai và không cảnh báo các quốc gia khác về dịch bệnh.

Trong tháng 1, WHO đã ca ngợi Trung Quốc phản ứng nhanh với dịch bệnh và khẳng định không có hiện tượng lây truyền từ người sang người.

Ngày 29 tháng 1, sau khi trở về từ Bắc Kinh, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hành động của Trung Quốc “đã thực sự giúp ngăn chặn sự lây lan của virus corona sang các quốc gia khác” và “Trung Quốc xứng đáng được biết ơn và sự tôn trọng”.

Một bài báo của Thời báo Tài chính (Financial Times) có tiêu đề “Đài Loan nói WHO không hành động trước cảnh báo lây nhiễm virus corona” (tên bài gốc: Taiwan says WHO failed to act on coronavirus transmission warning), đã chỉ ra rằng: “Đài Loan bị loại khỏi tổ chức WHO vì Trung Quốc, vốn tuyên bố Đài Loan là một lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu các nước thứ ba và các tổ chức quốc tế không đối đãi với Đài Loan như một quốc gia độc lập.”

Ngày 26 tháng 3, trong bài phát biểu tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso nói: “Lúc trước, nếu WHO không khẳng định với thế giới rằng Trung Quốc không có dịch viêm phổi thì mọi người đã bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa rồi.”

Thượng Nghị sỹ Hoa Kỳ Martha McSally kêu gọi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức. Ông Tedros trở thành tổng giám đốc WHO vào mùa hè năm 2017 với sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc thao túng WHO

Ngày 7 tháng 4, sau khi Tổng thống Trump đề cập đến khả năng Hoa Kỳ tạm ngừng tài trợ cho WHO, ngay hôm sau, các quan chức của WHO đã bác bỏ tuyên bố của ông rằng tổ chức này “ưu ái Trung Quốc” và nói rằng “đại dịch đang trong giai đoạn đỉnh điểm, đây không phải là lúc để cắt giảm tài trợ”.

Một tuần sau, vào ngày 14 tháng 4, Tổng thống Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ tạm ngừng tài trợ cho WHO vì sự sai kém của tổ chức này trong việc kiểm soát đại dịch virus corona.

Theo một bài báo của Reuters, Hoa Kỳ là quốc gia tài trợ lớn nhất cho tổ chức có trụ sở tại Geneva này. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: “Đóng góp của Hoa Kỳ cho WHO trong năm 2019 vượt quá 400 triệu đô la, gần gấp đôi nước tài trợ lớn thứ hai. Trung Quốc chỉ đóng góp 42 triệu đô la.”

Ngày 8 tháng 4, trong cuộc họp hàng ngày của Lực lượng Đặc nhiệm Chống Virus Corona, Tổng thống Trump cho biết: “[WHO nói rằng] mọi thứ sẽ ổn, không có lây nhiễm từ người sang người, đừng đóng cửa biên giới. Ông ta muốn tôi đừng đóng cửa biên giới. Ông ta nói thế nào, tôi cũng cho đóng cửa biên giới, và đó là một quyết định khó khăn tại thời điểm đó.”

Cũng trong cuộc họp này, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói: “Chúng ta cần Tổ chức Y tế Thế giới làm đúng chức trách của mình, thực thi đúng chuyên môn chính của mình, để đảm bảo thế giới có thông tin thực, chính xác, kịp thời và hiệu quả về những gì đang diễn ra trong lĩnh vực y tế trên phạm vi toàn cầu. Mà họ đã không làm tròn trách nhiệm đó.”

Ngày 8 tháng 4, ông Peter Navarro, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, phát biểu với Fox News: “Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã ráo riết giành quyền kiểm soát [các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc] bằng cách đề cử người của họ vào các vị trí tối cao. Họ đã thao túng 5 trong số 15 cơ quan, bằng cách lợi dụng các nhân vật trung gian, các nhân vật trung gian kiểu thực dân, như Tedros [Adhanom Ghebreyesus] tại WHO.”

Ngoài WHO, bốn tổ chức khác do ĐCSTQ thao khống là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (UIT) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Ông Navarro nói thêm: “Như các vị thấy trong cuộc khủng hoảng này, thiệt hại mà Trung Quốc [gây ra khi] khống chế tổ chức y tế chính yếu này là cực lớn. Họ bưng bít [thông tin] về tình trạng lây nhiễm từ người sang người, họ không chịu gọi nó là đại dịch. Về cơ bản, họ bài xích lệnh cấm nhập cảnh.”

“Tất cả đều xuất phát từ quan điểm của Trung Quốc đối với thế giới và việc họ muốn kiểm soát các loại tổ chức quốc tế như thế nào, ngay cả khi họ không tuân theo theo luật quốc tế”, ông cho biết.

Ông Navarro lưu ý, “Việc Trung Quốc ra sức kiểm soát gần như mọi cơ quan trong Liên Hiệp Quốc nhằm củng cố quyền lực kiểu thực dân của họ, thông qua hối lộ và những hình thức khác” đã gây thiệt hại cực lớn cho thế giới.

Vương quốc Anh kêu gọi thành lập “G20 vì Sức khỏe Cộng đồng”

“Việc WHO và các nhà khoa học của các quốc gia khác cố tình đưa ra thông tin sai lệch đã gây trở ngại cho việc phân tích trong giai đoạn đầu tối quan trọng của đại dịch”, theo một báo cáo của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vương quốc Anh công bố ngày 6 tháng 4 năm 2020 với tiêu đề “Vai trò của Bộ Ngoại giao Anh trong các nỗ lực quốc tế nhằm chống COVID-19” (The FCO’s role in international efforts to combat COVID-19). Báo cáo chỉ trích WHO đã dẫn thế giới đi lạc hướng trong cuộc chiến chống chủng virus này.

“Rõ ràng là các tổ chức khu vực và đa phương hiện tại, trong đó có cả WHO, không đạt được sự hợp tác quốc tế cần thiết để chống lại một đại dịch toàn cầu”, báo cáo cho biết.

Nhằm tránh cơ chế ứng phó tai hại của WHO xảy ra lần nữa, báo cáo đề xuất: “[Chính phủ] cũng phải phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để đưa ra một mặt trận thống nhất khi có thể, và để đảm bảo các nỗ lực nghiên cứu quốc tế quan trọng không bị lép vế trước tuyên truyền và dữ liệu xấu.”

“Chẳng hạn, một ‘G20 vì Sức khỏe Cộng đồng’ có thể đảm bảo sự hợp tác giữa các chuyên gia nghiên cứu trên toàn cầu có thể phát huy mạnh mẽ, ngay cả khi không có sự lãnh đạo thống nhất về chính trị.”

Báo cáo liên quan bằng tiếng Trung:

中共将世卫做傀儡-英国呼吁成立“公卫20国集团”

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/15/403872.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/12/403744.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/19/184096.html

Đăng ngày 25-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share