Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan

[MINH HUỆ 19-11-2019] Nhiều năm trước tôi đã học thuộc Chuyển Pháp Luân. Tuy tôi chỉ thu xếp để học thuộc được hai bài giảng nhưng tôi đã thu được lợi ích to lớn từ việc học thuộc Pháp. Sau đó tôi đã bắt đầu học thuộc những bài giảng khác của Sư phụ. Việc này đã giúp tôi đề cao được rất nhiều trong tu luyện.

Trong bài giảng “Chính niệm–Tinh tấn yếu chỉ III”, Sư phụ đã hướng dẫn chi tiết cho chúng ta làm thế nào để phát chính niệm. Bài giảng “Chân tu–Tinh tấn yếu chỉ” nhắc nhở tôi tu khứ danh, lợi và tình. Bài Kinh văn của Sư phụ “Gửi Pháp hội Úc” khích lệ tôi tập trung khi học Pháp. Bài “Gửi hội giao lưu Đài Loan 2018” nhắc tôi hướng nội và “Nói về Pháp–Tinh tấn yếu chỉ”-khuyến khích tôi coi trọng từng ý niệm khi đối diện với ma nạn và giúp tôi vượt qua khảo nghiệm.

Ghi nhớ bài giảng của Sư phụ giúp tôi hóa giải mâu thuẫn trước đây

Một ngày đột nhiên tôi bị đau bụng dữ dội, tôi không thể đứng hoặc ngồi mà chỉ có thể nằm trên giường. Thay vì nghĩ “Mình là một người tu luyện. Mình cần xác định chấp trước nào đã dẫn đến việc này,” thì tôi lại phản ứng theo cách của người thường–cố gắng làm mọi cách để được dễ chịu. Cơn đau càng tệ hơn và nó đã kéo dài đến 24 giờ. Những ý niệm bất hảo nổi lên: “Đời mình thế là hết” và “Mình không thể vượt qua khảo nghiệm này.”

May mắn thay, tôi nhớ lại lời Sư phụ giảng trong bài “Nói về Pháp”,

“Mỗi khi ma nạn tới, không dùng phía bản tính để nhận thức, mà hoàn toàn dùng phía con người để lý giải, như vậy tà ma sẽ lợi dụng điểm ấy để can nhiễu và phá hoại mãi không thôi, khiến học viên lâm trong ma nạn một thời gian lâu. Kỳ thực ấy là do sự nhận thức không đầy đủ về Pháp của phía con người dẫn đến như thế, vì phía con người mà ức chế phía Thần của chư vị, cũng chính là ức chế bộ phận đã tu thành của chư vị, cản trở họ Chính Pháp.”

Mặc dù vẫn đau dữ dội, cuối cùng tôi đã ngồi dậy và cố gắng phát chính niệm. Tôi cảm thấy rằng cho dù có việc gì xảy ra đi nữa, người tu luyện phải bảo trì chính niệm.

Nguyên nhân then chốt giúp tôi vượt qua khảo nghiệm lần này là tôi đã sử dụng pháp bảo của một người tu luyện–đó là hướng nội. Tôi có một mâu thuẫn với hai học viên lớn tuổi mà không thể hóa giải được trong nhiều năm. Tôi đã nhớ ra việc này khi đang quằn quại trên giường. Tôi tự nhủ rằng mình phải giải quyết xung đột này và không thể tiếp tục gạt nó sang bên. Thật kỳ diệu, ngay khi niệm đầu này khởi lên thì cơn đau biến mất!

Như Sư phụ đã giảng trong “Hồng Ngâm II–Biệt ai

Tĩnh tư kỷ đa chấp trước sự

Liễu khước nhân tâm ác tự bại

Tạm diễn nghĩa:

Tĩnh lặng suy nghĩ xem bản thân có bao nhiêu chấp trước

Dứt đi được tâm người thường thì tà ác sẽ tự thất bại

Ngày hôm sau, tôi đến thăm hai học viên lớn tuổi kia. Tôi chân thành xin lỗi về những sai lầm của mình những năm qua. Mối quan hệ của chúng tôi đã hòa hợp trở lại.

Nhiều năm qua tôi làm việc với một học viên có tính cách mạnh mẽ. Tôi thường xuyên điều chỉnh bản thân và cố gắng viên dung với anh ấy. Tôi cảm thấy khá tốt nếu tôi có thể chịu đựng được anh ấy. Tuy nhiên, sự nhẫn nhịn một cách thụ động như vậy đã không giúp tôi đề cao trong tu luyện mà còn làm cho anh ấy quá khích hơn. Tôi tránh đối mặt anh ấy trực tiếp, vì thế ít nhất trên bề mặt chúng tôi khá hòa ái. Một hôm, căng thẳng đột ngột xảy ra. Anh ấy dường như mất trí. Mặc dù tôi cảm thấy rằng mình không làm gì sai, tôi vẫn xin lỗi anh ấy để phối hợp tốt và phóng hạ tự ngã vốn là điều mà Sư phụ yêu cầu ở chúng ta.

Trong bài “Lời chúc gửi Pháp hội Đài Loan 2016” Sư phụ giảng,

“Tu luyện là tu nhân tâm, tu chính mình; khi có vấn đề, khi có mâu thuẫn, khi có khó khăn và bị đối xử bất công bằng, thì vẫn có thể hướng nội tìm trong bản thân mình, thế mới là tu luyện thật sự, mới có thể đề cao không ngừng, mới có thể đi cho chính con đường tu luyện, mới có thể tiến về viên mãn!”

Khi nhớ về những lời dạy của Sư phụ, đột nhiên tôi bừng tỉnh và nhận ra những chấp trước của bản thân như tâm tranh đấu, tâm ích kỷ, tâm hiển thị và coi thường người khác–trong nhiều chấp trước khác. Tôi đã xin lỗi anh ấy. Tại sao? Bất kể anh ấy có tha lỗi cho tôi hay không cũng không quan trọng bằng sự thành công của hạng mục, vốn là ưu tiên hàng đầu. Cả hai chúng tôi đều hướng nội và mối quan hệ của chúng tôi đã được cải thiện.

Thanh lý khổ nạn trong gia đình

Bố tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp 17 năm nay, đột nhiên qua đời ở tuổi 83. Sự ra đi của ông là một cú sốc khó vượt qua với tôi. Là con trai và là đồng tu với ông, thật khó cho tôi bảo trì thanh tĩnh.

Tôi đã từng bị trầm cảm và mất ngủ. Khi bố tôi nhận thấy những thay đổi tích cực của tôi từ lúc bắt đầu tu luyện, ông đã quyết định bước vào tu luyện. Ông đã từng bị bệnh tim. Không lâu sau khi tu luyện, bệnh của ông biến mất. Bố tôi rất sợ đi máy bay. Sau khi trở thành học viên ông đã cùng tôi đi Pháp hội ở Mỹ quốc và Canada bốn lần. Được trực tiếp nghe Sư phụ giảng Pháp là một trong những ký ức trân quý nhất của ông.

Bố tôi có sức khỏe tuyệt vời sau khi ông bắt đầu tu luyện. Sau đó ông đã trải qua những triệu chứng tiêu nghiệp, gồm mất trí nhớ, mất cảm giác thèm ăn và kém vận động. Hai tháng trước khi mất, ông bắt đầu bị đau bụng ngày một nghiêm trọng. Ông đã từng có những triệu chứng này khoảng hai ba ngày, nên tôi không chú ý lắm. Cuối cùng ông không thể uống nước. Ông bắt đầu nôn ói. Năm ngày sau ông qua đời.

Tôi và bố không gần gũi nhau lắm, và tôi cũng không giao tiếp nhiều với ông. Tôi không phải là một đứa con trai hiếu thảo. Là một đồng tu, tôi cũng không giúp ông hoặc khích lệ ông trong tu luyện. Khi có dịp ngồi cùng nhau, tôi thường áp đặt thể ngộ của tôi lên ông mà không để ý gì đến cảm giác của ông. Tôi không ân cần cũng chẳng kiên nhẫn. Ngẫm lại nhiều năm qua, ông đã thường hằng làm ba việc. Thậm chí trước khi mất, hàng ngày ông vẫn kiên trì đến điểm du lịch để giảng chân tướng.

Bố tôi đã không đồng hành cùng tôi đến lúc Chính Pháp kết thúc. Khi nhận thấy ông không khỏe, người nhà cố gắng thuyết phục ông uống thuốc hoặc tìm cách điều trị. Ông vẫn bảo trì chính niệm để vượt qua ma nạn. Thậm chí lúc 3 giờ sáng vào ngày ông mất, ông vẫn còn học Pháp, ngồi ở bàn viết như thường lệ, bất chấp cơn đau.

Hai mươi ngày sau khi bố mất, tôi mơ thấy ông về thăm tôi. Trông ông rất khỏe mạnh và ông mỉm cười với tôi. Ông chưa từng trông hạnh phúc và khoẻ khoắn như thế. Đột nhiên tôi nhận ra đây là điểm hóa của Sư phụ giúp tôi buông bỏ cảm giác tội lỗi và tiếc nuối.

Tôi nghĩ cách tốt nhất để nhớ về bố tôi là tu luyện tinh tấn hơn. Tôi thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng chúng ta nên,

“…bước đi cho tốt [đoạn] đường sau này…” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017])**


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/19/395988.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/21/182265.html

Đăng ngày 12-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share