Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 17-10-2010] Nhân quả báo ứng không có sai sót chút nào, bất kể con người thiếu nợ gì đều phải hoàn trả. Bởi vì thiên lý quyết định hết thảy, Thần minh mọi lúc mọi nơi đều dõi theo việc thiện ác, cho nên hy vọng thế nhân có thể duy trì thiện lương, vứt bỏ tà ác từ trong tâm mình. Trên thế gian có một số người làm việc xấu và cho rằng may mắn thoát khỏi sự trừng phạt. Kỳ thực là không có cách nào thoát khỏi nhân quả báo ứng. Bên dưới là hai câu chuyện được ghi chép lại trong “Di Kiên Chí” thời nhà Tống.

(1)

Những năm Thuần Hy thời nhà Tống, ở Minh Châu có một vị quan trông coi sổ sách họ Hạ và một phú hộ họ Lâm cùng nhau bỏ vốn kinh doanh, bao thương chế độ thu thuế xưởng chưng cất rượu và thu mua rượu để mưu sinh. Nhà họ Hạ bỏ ra nhiều vốn, nhà họ Lâm bỏ ra ít vốn. Họ Lâm chủ yếu đảm nhiệm việc kinh doanh, họ Hạ chỉ chia lấy tiền lời. Viên quan họ Hạ là một người trung thực và khoan hậu, không hề dùng mưu kế tính toán, ông chỉ hy vọng tích lũy vài năm để lấy lợi tức. Tính toán sơ về số tiền lời ít ỏi cũng gần 200 lượng bạc. Lúc ông ấy đến nhà họ Lâm hỏi thăm, tổng cộng có tám người lo việc quản lý sổ sách cửa tiệm, người này đùn đẩy người kia, họ chỉ nói rằng sổ sách tính toán không rõ ràng và không ai muốn chi trả lợi tức. Trong lúc hấp tấp họ Lâm nói: “Ai biết được tiền đang ở đâu chứ!” Viên quan họ Hạ nhìn thấy họ Lâm không thừa nhận việc thiếu nợ không trả nên ông bèn kiện cáo nhà họ Lâm ở địa phương. Lâm thị biết mình bị tố cáo liền cười nói: “Ta sẽ trừ bớt một nửa số tiền lời của ông ta. Ta sẽ thắng vụ kiện.” Họ Lâm biếu cho quan huyện 200 lượng bạc, trong đêm đó bèn gọi tám người quản lý đến chỉnh sửa sổ sách kế toán, cả con số và chữ viết đều bị thay đổi, và ông ta còn đổ lỗi cho họ Hạ thấu chi và kiện cáo ngược lại. Quan huyện đã nhận của đút lót, không phân trắng đen mà phán rằng: “Nhà họ Hạ thiếu nợ nhà họ Lâm 200 lượng bạc.” Vì thế, viên quan họ Hạ đã bị bắt giữ.

Thời đó ở trong vùng có một người tên là Lưu Nguyên là người vô cùng chính trực. Anh ta nhìn thấy việc này nên tỏ ra vô cùng bất bình. Anh ta đã lên tiếng trước mặt mọi người: “Quê tôi xuất hiện việc oan khuất! Viên quan họ Hạ bị họ Lâm giựt tiền không trả, còn tố cáo ngược lại khiến cho người ta bị giam vào ngục, thử hỏi có châu huyện nào như vậy không? Nếu như họ Hạ kiện cáo lên trên, chỉ tôi làm chứng thì tôi phải thay ông ấy rửa oan để họ Lâm phải ăn đòn vì việc làm không có thiên lý của mình!” Tám người trong nhà họ Lâm nghe thấy lời này thì thương lượng với nhau: “Lưu Nguyên vốn là một kẻ nghèo khó, đưa cho hắn ta chút tiền để bịt miệng hắn ta lại.” Bọn họ để cho hai người đến gặp Lưu Nguyên, ngồi chờ sẵn ở nơi giao dịch. Lưu Nguyên hỏi: “Hai vị có việc gì tìm đến đây?” Hai người họ nói: “Chủ nhân chúng tôi là Lâm mỗ ngưỡng mộ nghĩa khí của anh, thông cảm cho anh gia cảnh bần hàn nên đặc biệt gửi cho anh chút đồ cứu trợ. Hy vọng anh từ đây về sau không phải quản quá nhiều về việc nhà họ Hạ.” Nói đến đây, hai người lấy từ trong tay áo ra 200 lượng bạc đưa cho anh ta. Lưu Nguyên phẫn nộ nói: “Các người dám làm những việc không có thiên lý, lại còn lấy những thứ không có thiên lý này để làm nhục ta, dù ta có nghèo nhưng quyết không cần những tài vật này! Vụ việc nhà họ Hạ sớm muộn cũng sẽ sáng tỏ, các người hãy chờ mà xem!” Lưu Nguyên nói xong liền bỏ đi.

Viên quan họ Hạ bị quan huyện tham của đút lót bắt vào trong ngục, không lâu sau đó ông sinh bệnh mà chết. Một tháng sau, Lâm thị và tám người quản lý thay nhau chết vì bạo bệnh. Một hôm, Lưu Nguyên nằm mộng thấy mình đến chốn âm gian để đối chứng, sau khi tỉnh lại anh ta nói: “Quả nhiên là báo ứng không sai chút nào!” Người nhà hỏi duyên cớ là gì thì Lưu Nguyên trả lời: “Trong mộng có hai vị quan chấp pháp đến gặp ta, chúng ta đã đến nơi quan phủ và nhìn thấy một vị quan khoác áo choàng xanh lục bước ra khỏi phòng, khi nhìn kỹ hóa ra là viên quan họ Hạ. Ông ấy cảm tạ ta ba lần rồi nói: ‘Đã làm phiền huynh đến nơi này. Những văn thư ở đây đều chuẩn bị xong, chỉ cần huynh chứng minh một lượt, không cần phải lo lắng gì.’ Ta ngước mắt nhìn thấy bên dưới thềm điện là Lâm thị và tám người quản lý sổ sách bị đeo gông cổ dài ước khoảng 1 trượng 5 xích. Lúc này đột nhiên Diêm vương bước vào điện, quan sử dẫn ta đến trước Diêm vương, ông ta nói: ‘Việc của nhà họ Hạ đã rõ ràng, không cần phải nói nhiều. Việc xảy ra ở nơi giao dịch cũng đã rõ ràng.’ Ta nói thêm vào: ‘Hai người này đến tìm tôi nói chuyện, họ đưa cho tôi 200 lượng bạc nhưng tôi không dám nhận.’ Diêm vương thở dài nói: ‘Trên thế gian còn có người tốt thế này, cần phải xem xét báo đáp cho anh ta. Hãy cho ta xem sổ sách của anh ta.’ Quan sử nói: ‘Anh ta sống đến 79 tuổi.’ Diêm vương nói: ‘Người nghèo không thích tiền, thật là hiếm thấy, làm sao có thể không ban thưởng cho anh ta chứ? Vậy thêm cho anh ta dương thọ 12 năm.’ Sau đó hai vị quan sai đưa ta về nhà. Lúc ra khỏi cửa, ta chỉ thấy nhóm người đeo gông kia bị quăng xuống địa ngục. Tất nhiên là họ phải bồi hoàn hết thảy!”

(2)

Những năm Thiệu Hưng thời nhà Tống, ở Lư Châu có một phú hộ tên là Mao Liệt, thường ngày tham lam bất nghĩa, làm việc dối trá. Ở Xương Châu có một người tên là Trần Kỳ, cũng là một người tàn nhẫn không tuân theo luật pháp. Hai người thường hay đối đãi tốt với nhau. Nhà của Trần Kỳ cũng có gia sản kếch xù, nhưng anh ta lo rằng sau khi ba đứa em lớn lên sẽ chia tài sản với mình nên muốn một mình độc chiếm lợi ích. Anh ta biết rằng Mao Liệt rất giỏi tính mưu kế nên đã tìm đến hắn ta nói rõ chủ ý. Mao Liệt nói: “Việc này rất dễ dàng. Anh hãy chọn phần ruộng đất tốt và một ít tiền bạc mang cầm cố ở chỗ của tôi trước. Sau đó, chờ cho đến khi các em của anh phân chia số ruộng đất hiện nay thành 4 phần rồi anh mang ngân lượng đến chỗ tôi chuộc lại. Chẳng phải đều là của anh cả sao?” Trần Kỳ cho rằng đây là chủ ý tốt nên anh ta đã mang phần lớn ruộng đất cầm cố cho Mao Liệt. Bởi vì sau này có thể chuộc lại và không cần cầm cố giá cao nên ý tứ của cuộc giao dịch này đã hoàn tất. Số vốn tích lũy được hơn 3 nghìn, còn ruộng đất đáng giá hơn 1 vạn lượng bạc nên Mao Liệt bèn cho mượn tiền trục lợi. Chỉ vì Trần Kỳ tự dối lòng mình nên đã tình nguyện đưa lợi ích cho Mao Liệt lấy đi.

Sau khi cha mẹ qua đời, Trần Kỳ chỉ lấy số ruộng đất còn thừa lại chia đều với các em, các em không biết rõ nguyên nhân bên trong đó. Một năm sau, Trần Kỳ mang tiền đến nhà Mao Liệt chuộc lại đất. Mao Liệt thu theo số lượng và thương lượng với thê tử họ Trương. Tuy Mao Liệt đã lấy được lợi ích nhưng hắn ta vốn là một người nhẫn tâm nên hắn ta đã giả vờ như không biết gì về số ruộng đất này. Hắn ta viện cớ: “Tôi phải tìm lại giấy chuộc đất nên một hai ngày nữa tôi sẽ trả cho anh!” Trần Kỳ nói: “Tôi luôn xem Mao Liệt là bạn tốt, một hai ngày nữa nhất định không vấn đề gì!” Hai ngày sau, Trần Kỳ lại đến nhà Mao Liệt nhưng Mao Liệt tránh đi không ra gặp mặt. Một hôm hai người chạm phải mặt nhau, Trần Kỳ giao ra giấy cầm đất, Mao Liệt lạnh lùng cười nói: “Trong thiên hạ việc lừa dối lòng mình chỉ có mình anh làm sao? Mang ruộng đất của anh em mình cầm cố cho tôi để tự mình hưởng lấy. Tôi buộc anh phải đưa hai nghìn lượng bạc cũng không phải là quá phận.” Trần Kỳ nói: “Anh chẳng phải lừa người sao? Tôi sẽ kiện anh!” Mao Liệt nói: “Quan phủ xét xử cho anh thì tôi mới trả lại.”

Trần Kỳ lên huyện kháng cáo Mao Liệt. Mao Liệt đã dùng tiền mua chuộc huyện sử Khâu Đại trước đó nên Khâu Đại nói với Trần Kỳ: “Pháp quan chỉ tin vào câu chữ trên cáo trạng, làm thế nào anh đưa tiền rồi còn không chịu nhận giấy chuộc đất?” Khâu Đại thay mặt Mao Liệt nói vài lời trước mặt tri huyện, lại còn thay Mao Liệt đưa tiền nên tri huyện nghe thấy liền tin theo. Lúc hai bên nghe phán quyết, Mao Liệt đã đổ tội oan về việc giao tiền cho Trần Kỳ. Trần Kỳ không cách nào đưa ra chứng cứ. Tri huyện nói: “Quan phủ chỉ làm theo chứng cứ, nếu đã không có chứng cứ thì làm sao chứng minh lấy ruộng đất đưa cho anh được? Kết quả rõ ràng cho bên Mao Liệt!” Trần Kỳ vì thế bị đánh 20 trượng. Trần Kỳ không phục nên lại kiện cáo lên châu, nhưng vì không có chứng cứ nên ruộng đất rơi vào tay của Mao Liệt.

Trần Kỳ phải nhận oan khuất này nên đã viết một bản cáo trạng mang đến Đông Nhạc miếu và cầu nguyện với Thần: “Thiên lý phân minh, Thần mục như điện. Là Mao Liệt đổ oan cho tiểu nhân, hay là tiểu nhân đổ oan cho Mao Liệt đây? Ắt sẽ có báo ứng.” Sau khi quay về, Trần Kỳ thường hay đến nhà Mao Liệt để nghe ngóng, ba ngày trôi qua chỉ nghe nói rằng Mao Liệt té ngã chết rồi.” Đêm hôm đó, Trần Kỳ mộng thấy mình đi theo hai sai nha đến chốn âm phủ, Mao Liệt đã ở đó sẵn rồi. Phán quan hỏi: “Đông Nhạc phát xuống cáo trạng, Mao Liệt đổ oan cho Trần Kỳ ba nghìn lượng bạc. Việc này nói như thế nào đây?” Trần Kỳ nói: “Là tiểu nhân cầm cố ruộng đất cho anh ta, tự tay anh ta đã nhận lấy. Về sau, anh ta không muốn trả lại và còn đổ tội oan cho tiểu nhân.” Mao Liệt nói: “Đại nhân, xin đừng nghe những lời hồ đồ của anh ta. Nếu như có cầm cố ruộng đất cho tiểu nhân thì phải có chứng cớ tiểu nhân nhận lấy từ anh ta.” Phán quan chỉ vào trái tim của Mao Liệt và nói: “Ta đây chỉ xét lương tâm, không cần phải có chứng cớ!” Mao Liệt nói: “Tiểu nhân kỳ thực chưa từng nhận ruộng đất của anh ta.”

Phán quan cho gọi mang chiếc gương soi hành vi thiện ác đến. Một sai nha đứng bên cạnh mang đến một chiếc gương lớn làm bằng đồng thau chiếu vào Mao Liệt. Mao Liệt và Trần Kỳ cùng nhìn vào trong chiếc gương, chỉ thấy trong đó phản chiếu cảnh tượng Trần Kỳ giao ngân lượng và Mao Liệt tiếp nhận, rồi vào bàn bạc với thê tử họ Trương cất giấu đi, quang cảnh ngày đó như vừa mới xảy ra. Phán quan nói: “Ngươi nhìn thấy ta đây cần phải có chứng cớ sao?” Mao Liệt không còn lời nào để nói. Trần Kỳ nói: “Hôm nay tôi mới hiểu rõ sự việc này.” Hai người bọn họ được dẫn đến một khu vườn lớn. Chỉ thấy bên cạnh có nhiều quan binh đứng thành hàng, cũng không biết là ai đang ngồi trên điện, nhìn từ xa đó là Diêm vương đầu đội vương miện và thân khoác áo bào.

Phán quan tiến lên điện nói chuyện xong quay lại, Diêm vương ngồi trên điện nổi trận lôi đình liền lệnh cho mang gông cổ đến bắt lấy Mao Liệt, ông ta lớn tiếng quát tháo: “Huyện lệnh nghe xong phán quyết không công bình nên phế bỏ quan tước từ đây về sau. Huyện sử Khâu Đại tự đốt nhà mình, cắt giảm dương thọ một nửa.” Ông ấy cho gọi Trần Kỳ và nói: “Ngân lượng chuộc ruộng đất là Mao Liệt đổ tội cho việc lừa dối lòng mình của ngươi. Duyên cớ xảy ra việc cầm cố ruộng đất chính là vì ngươi đã lừa dối lòng mình.” Trần Kỳ nói: “Cũng là Mao Liệt chỉ cho tôi.” Diêm vương nói: “Việc này không thể chối bỏ nhưng do ngươi chưa đến lúc chết nên sẽ nhận báo ứng ở chốn nhân gian. Mao Liệt làm việc ác quá nhiều nên sẽ bị đưa vào địa ngục để chịu tội!”

Diêm vương vừa dứt lời thì thấy sai nha tay cầm roi thép và gậy thép dẫn Mao Liệt đi. Mao Liệt vừa đi vừa khóc, nói với Trần Kỳ: “Ta không thể thoát khỏi được. Anh hãy chuyển lời cho thê tử ta, bảo cô ấy nhanh chóng làm việc thiện, làm Phật sự để cứu ta. Giấy thu ruộng đất của Trần huynh ta để trong chiếc hộp gỗ kế bên giường ngủ, trong đó còn có giấy tờ thường ngày ta tính kế lừa dối ruộng đất và nhà ở của những người khác, tổng cộng là 13 tờ giấy cũng để trong hộp. Anh hãy gọi người ở 13 nhà này đến rồi trả lại cho họ để giảm bớt tội nghiệp của ta. Anh hãy nhớ lấy lời ta đừng quên nhé!” Trần Kỳ nói với anh ta trả lại hợp đồng lúc ban đầu và hỏi thêm cho rõ ràng. Lúc này có một sai nha đến đẩy Trần Kỳ sang một bên và nói: “Đi mau lên!” Trần Kỳ đột nhiên tỉnh giấc, anh mang chuyện đã thấy trong mộng kể cho người nhà nghe. Trước hết, anh ta cho gọi người đến nhà huyện sử Khâu Đại xem thì thấy ba hôm trước nhà ông ta bị lửa thiêu rụi, nhưng lửa chỉ thiêu đúng một ngôi nhà rồi dừng lại. Trần Kỳ càng thấy tín phục.

Trần Kỳ đến nhà Mao Liệt lấy giấy tờ, anh ta nói với con trai nhà họ Mao rằng: “Ta và cha con vốn là bạn tốt của nhau trong nhiều năm, chỉ vì cha con không trả giấy cầm cố ruộng đất cho ta nên đã xảy ra vụ kiện cáo với nhau. Hôm qua ta nằm mộng đến chốn âm phủ làm rõ mọi việc với cha con, ông ấy nói giấy cầm cố được cất bên trong chiếc hộp gỗ kế bên giường ngủ nên hôm nay ta đến đây để lấy nó.” Con trai của Mao Liệt nói: “Giấy tờ có lẽ là ở trong hộp gỗ, nhưng những lời nói chốn âm gian thì ai chứng minh được?” Trần Kỳ nói: “Còn có một chuyện có thể tin tưởng được, cha con nói ngoài đó ra còn có giấy tờ của 13 nhà khác cũng là những tài sản bất minh. Cha con căn dặn hoàn trả lại cho 13 gia đình này để tội nghiệp của ông ấy được giảm nhẹ. Ông ấy còn nói hãy làm việc thiện và Phật sự thay cho ông ấy. Những lời này ta không tự biên tạo ra được.”

Con trai của Mao Liệt nghe xong liền thấy vô cùng kinh ngạc. Vốn dĩ vào lúc chiếc gương ở âm gian phản chiếu hình ảnh thê tử của Mao Liệt là Trương thị nhận lấy ngân lượng thì Trương thị ở trên dương gian cũng có một giấc mơ, cô nằm mơ thấy việc đối chất cáo trạng ở chốn âm gian. Cô ta đã kể cho con trai nghe, chính vì thế cậu con trai nghe Trần Kỳ nói xong thì cũng cho rằng đó là sự thật. Cậu con trai liền vào nhà nói cho mẹ biết, Trương thị nói: “Số ngân lượng này đúng là có thật. Cha con đã chiếm lấy lợi ích của người khác và còn muốn đổ tội oan cho người ta, ông ấy không nghĩ đến sẽ chết như thế này. Cha con ở chốn âm gian sợ hãi và không yên lòng nên mới phải hoàn trả cho người ta. Theo như lời bạn cha con nói thì còn có 13 tờ giấy nữa, chờ đến ngày mai ta tìm ra chúng thì sẽ mang hoàn trả lại.”

Cậu con trai mang những lời đã nói với mẹ kể cho Trần Kỳ nghe. Trần Kỳ nói: “Lần này không được giống như lần trước, đã nói là ngày mai rồi lại đổ tội oan cho người khác. Vì có quan hệ với việc cha con chịu tội ở chốn âm gian, đây là một việc rất nghiêm túc, không phải là trò đùa trẻ con.” Con trai của Mao Liệt nói: “Mẹ và con không dám làm như thế nữa.” Trần Kỳ lập tức rời đi. Mẹ con nhà Mao Liệt tự mình nhìn thấy điều dị thường này, làm sao có thể không tin đây? Họ đã lấy giấy tờ đất đai hoàn trả lại hết cho các gia đình.

Sau khi Trần Kỳ lấy được giấy đất thì đột nhiên ngã bệnh, bệnh tình ngày một trầm trọng. Anh ta nhớ đến trong giấc mơ đã nghe thấy Diêm vương nói là “Trần Kỳ lừa dối lòng mình sẽ chịu báo ứng nơi dương gian.” Anh ta hiểu rằng việc cầm cố ruộng đất chính là tự lừa dối lòng mình nên đã cho gọi ba người em đến, rồi mang ruộng đất chuộc lại từ Mao Liệt chia đều ra làm 4 phần. Bệnh tình cũng theo đó thuyên giảm, nhưng anh ta lại thường hay nổi giận. Anh ta nhớ đến lúc thường ngày xử lý việc nhà, ngoài việc cầm cố ruộng đất ra, đâu đâu cũng có việc lừa dối lòng mình nên cần hoàn trả gì thì hoàn trả nấy. Anh ta giảng cho những người xung quanh nghe về luật nhân quả và bản thân anh ta cũng không dám làm lại những việc lừa dối lòng mình nữa.

Thiên lý công bình, làm người không được giả dối, không cần phải lừa dối lòng mình. Nhìn thẳng vào luật nhân quả, kính bái Thần Phật, thuận theo thiên lý, giữ lấy thiện tâm thì mới có thể có tiền trình quang minh.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2010/10/17/因果昭彰-報應分明-231109.html

Đăng ngày 03-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share