Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông

[MINH HUỆ 10-01-2020] Một phụ nữ bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công đã bị phẫu thuật mà không có sự đồng ý của gia đình. Sau ca phẫu thuật, bà vẫn trong tình trạng hôn mê. Cảnh sát đã rút ống thở của bà khi gia đình bà không ​có mặt ở đó. Ngay sau đó, bà đã qua đời. Các nhà chức trách đã thu giữ thi thể bà Lý Trường Phương và từ chối trả lại cho gia đình.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bắt giữ và kết án

Bà Lý, một nông dân ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, bị bắt giữ vào ngày 23 tháng 10 năm 2018, sau khi cảnh sát trèo qua hàng rào và đột nhập vào nhà bà.

df5ccc288257d644fc32c2932f37e65a.jpg

Bà Lý Trường Phương

Cảnh sát của phòng Cảnh sát Huyện Nghi Nam và Đồn Cảnh sát Thị trấn Y Vấn đã tịch thu một số đồ đạc của gia đình bà, gồm có máy tính của chồng bà, điện thoại di động của bà và xe điện của con trai bà.

Ngày 27 tháng 3 năm 2019, bà Lý bị kết án 2,5 năm và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ. Bà đã kháng án, nhưng ngày 24 tháng 5 năm 2019, bà được thông báo rằng bản án vẫn được giữ nguyên phán quyết.

Nhập viện

Vào khoảng 9 giờ tối ngày 5 tháng 7 năm 2019, gia đình bà Lý được thông báo rằng bà phải nhập viện. Vì chồng bà, ông Vương Tây Kiệt, đang làm việc ngoài thị trấn và không thể về kịp nên ông đã nhờ con gái là cô Vương Tiểu Giao và hai người nhà đến bệnh viện thăm bà.

Nhiều cảnh sát đã có mặt tại bệnh viện. Họ yêu cầu cô Vương (con gái bà Lý) ký vào đơn đồng ý phẫu thuật.

932f27fac09dd9e79ebb49edb8bd54e0.jpg

Bà Lý Trường Phương vẫn tỉnh táo trước ca phẫu thuật

Ngay khi cô Vương chuẩn bị ký vào đơn thì cha cô gọi điện tới để kiểm tra tình hình. Cô nói với cha mình rằng bác sỹ nghi ngờ mẹ cô bị thủng dạ dày hoặc ruột, nhưng chưa thể khẳng định chính xác. Ông Vương đã dặn con gái không được ký vào đơn và hãy đợi ông.

Sau khi ông Vương đến bệnh viện vào khoảng 2 giờ 50 phút sáng ngày 6 tháng 7, bà Lý nói với ông rằng bà đã bị đau bụng trong nửa tháng. Bà bắt đầu bị đau ở dạ dày rồi sau đó lan xuống phần thân dưới. Cách đó một tuần trước khi bà nhập viện, cơn đau trở nên dữ dội đến mức bà chỉ có thể uống được một chút nước.

Ông Vương cũng phát hiện thấy những vết bầm tím ở lưng và đùi bà. Sau đó, ông đã hỏi cảnh sát xem chuyện gì đã xảy ra nhưng họ từ chối đưa ra bất cứ lời giải thích nào.

Ông Vương nghi ngờ rằng vợ ông đã bị đầu độc bởi những loại thuốc không rõ nguồn gốc, vì vợ ông nói rằng bà đã nhiều lần bị ép uống một số loại thuốc và bị tiêm những thuốc không rõ nguồn gốc. Một ngày sau khi bị tiêm, bà cảm thấy đau nhức và phần da từ thắt lưng trở xuống của bà tấy đỏ và sưng lên, rồi chuyển thành tím đen.

Sau đó, ông Vương đã hỏi bác sỹ về bệnh tình của vợ mình thì được cho biết đó có thể là một loại bệnh ngoài da hoặc nhiễm trùng. Nhưng khi họ hỏi kỹ hơn thì bác sỹ lại đưa ra những nhận định trái ngược.

Ông Vương muốn chụp ảnh lại để ông có thể tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia khác. Nhưng Lục Quốc Cường, giám đốc Trại tạm giam Thành phố Lâm Nghi đã không cho ông chụp, viện lý do rằng bà Lý là tù nhân. Ông Lục cũng từ chối thả bà Lý tại ngoại để điều trị y tế.

Khoảng 5 giờ sáng, ông Vương đã trao đổi với bác sỹ có mặt ở đó về tình trạng của bà Lý. Bác sỹ cho biết chỉ có phẫu thuật thì họ mới có thể xác định được xem bà Lý có bị thủng đường tiêu hóa hay không. Bác sỹ cũng nói rằng chụp cắt lớp vi tính hay bất kỳ bệnh viện nào khác trong nước cũng không thể chẩn đoán được tình trạng của bà mà không phẫu thuật.

Khi ông Vương đã hỏi liệu ông còn những lựa chọn nào khác không, bác sỹ nói họ có thể quan sát tình trạng của bà Lý thêm một tuần nữa mà không phẫu thuật, rồi xem bà có hồi phục được không.

Trương Tú Hà, lính canh trại tạm giam, lộ vẻ buồn chán sau khi phát hiện bác sỹ sẽ không tiến hành phẫu thuật cho bà Lý. Trương khăng khăn yêu cầu phải tiến hành phẫu thuật.

Lần sau, khi ông Vương đến thăm bà Lý, ông không được vào phòng.

Tiến hành phẫu thuật mà không có sự đồng ý của gia đình

Vài giờ sau, vào khoảng 11 giờ sáng ngày 6 tháng 7, bác sỹ yêu cầu ông Vương ký vào đơn đồng ý phẫu thuật cho bà Lý, nói rằng tình trạng của bà đã xấu đi và không có cơ hội sống sót nếu không phẫu thuật.

Cuối cùng, ông Vương đã ký vào đơn sau khi bị bác sỹ và lính canh của trại tạm giam đe dọa.

Sau khi ký vào đơn, ông Vương được gặp bà Lý. Bà nói với ông rằng bà cảm thấy tốt hơn sau khi được truyền tĩnh mạch vào buổi trưa. Ông Vương cũng nhận thấy các vết bầm tím trên cơ thể bà đã biến mất.

Người mẹ già 82 tuổi và người bác ngoài 80 tuổi của bà Lý cũng đến gặp bà trước khi tiến hành phẫu thuật.

Bà Lý được đẩy vào phòng phẫu thuật vào khoảng 3 giờ 30 chiều và được đưa thẳng đến khu chăm sóc đặc biệt sau khi ca phẫu thuật kết thúc vào khoảng 7 giờ tối.

Hậu quả của ca phẫu thuật

Bác sỹ nói rằng bà Lý sẽ tỉnh lại vào sáng hôm sau, và nói thêm rằng vết thương có thể bị nhiễm trùng trong bốn đến năm ngày. Bác sỹ cũng yêu cầu gia đình trở về nhà.

Nhưng ngay khi gia đình bà về đến nhà, bác sỹ đã gọi cho anh Vương Tiểu Phi, con trai bà Lý, và yêu cầu anh quay lại bệnh viện. Khi đến nơi, anh bị yêu cầu ký nhiều đơn, bao gồm thông báo tình trạng nguy kịch và một danh sách thuốc.

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau, ngày 7 tháng 7, anh Vương (con trai bà Lý) nhận được một cuộc gọi khác, báo rằng bà Lý bị nhiễm trùng thận và bà cần phải được đặt máy lọc máu. Bác sỹ cho biết tình trạng của bà rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, chính quyền chỉ cho phép một người nhà của bà Lý được đến thăm bà, một lần mỗi ngày.

Ngày hôm đó, khi chồng bà Lý vào thăm bà, ông nhận thấy cơ thể bà được quấn trong một tấm vải trắng từ ngực trở xuống. Cảnh sát không cho ông lật tấm vải lên để xem. Ông cũng thấy cơ thể bà bị sưng phù – một y tá nói rằng đó có thể là do bà bị ứ nước tiểu.

Gia đình cũng nhận thấy rằng hai mắt của bà Lý đã bị buộc kín lại kể từ khi phẫu thuật và cũng không được tháo ra trước khi bà qua đời.

Ngày 8 tháng 7, các bác sỹ cho biết bà Lý cũng có một số vấn đề về gan và ngộ độc bên trong, gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác của bà.

Ngày 9 tháng 7, một bác sỹ nói rằng họ phát hiện ra bà Lý đã bị nhiễm trùng trước khi được đưa vào bệnh viện, và nói thêm rằng nồng độ axit lactic của bà cao gấp 10 lần so với mức bình thường, và nguyên nhân gây ra tình trạng đó thường là do bị suy tim, nhiễm trùng nặng, hoặc sốc.

Ngày 10 tháng 7, Đinh Xuân Linh, giám đốc trại tạm giam, đã yêu cầu gia đình ông Vương đến bệnh viện. Khi gia đình đến, họ thấy có nhiều cảnh sát và nhân viên mặc thường phục trong bệnh viện.

Cảnh sát đã nỗ lực ép gia đình bà ký giấy xuất viện, nhưng họ từ chối ký. Con trai bà Lý đã bị đánh khi anh đi vào nhà vệ sinh. Tuy nhiên, cảnh sát lại nói rằng anh đã gây sự trước.

Anh đã trốn thoát được và cầu cứu: “Mẹ tôi đang trong tình trạng hôn mê vì cảnh sát, và bây giờ họ lại đang đánh cả tôi nữa!” Anh nói với các bệnh nhân khác về việc mẹ anh đã bị bắt và bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công như thế nào và việc bà bị phẫu thuật viêm ruột thừa nhưng lại bị chuyển đến khu chăm sóc đặc biệt sau ca phẫu thuật ra sao. Anh cũng nói với mọi người rằng hiện tại gia đình họ bị ép phải đưa mẹ ra khỏi bệnh viện mặc dù bà chưa bình phục.

Ông Đinh đã nói với chồng bà Lý rằng tòa án đã đồng ý thả bà Lý tại ngoại để điều trị y tế, và ông có thể đưa bà về nhà, miễn là ông ký vào đơn xuất viện.

Ông Vương nói với giám đốc Đinh: “Ban đầu khi tôi nộp đơn xin bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế cho vợ tôi thì các ông từ chối. Còn bây giờ, khi vợ tôi đang hấp hối thì các ông lại cố gắng để tránh phải nhận trách nhiệm. Tôi sẽ không ký đơn gì hết. Tôi chỉ muốn vợ mình bình phục.“

Cảnh sát lừa gạt và sách nhiễu

Khi con trai bà Lý đến thăm mẹ vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 10 tháng 7 và cố gắng chụp ảnh bà, nhân viên trại tạm giam đã ngăn cản anh. Sau đó, Đinh nói với ông Vương rằng con trai ông đã hành hung cảnh sát.

Ông Vương đã yêu cầu được xem chứng minh thư của các cảnh sát nói rằng đã bị con trai ông hành hung. Thế nhưng cảnh sát lại trả lời một cách thô lỗ trước khi quay trở lại khu chăm sóc đặc biệt rằng họ không có.

Ngay sau đó, cảnh sát đã bắt giữ ông Vương cùng con trai, con gái ông và hai người thân khác rồi đưa họ đến Đồn Cảnh sát Đông Quan. Mọi người đều bị thẩm vấn và bị ép ký một tuyên bố để đảm bảo họ sẽ không gây rắc rối cho chính quyền. Các cảnh sát đã đe dọa gia đình bà Lý: “Chúng tôi sẽ thả ông Vương nếu các người hợp tác. Mọi việc phụ thuộc vào thái độ của các người.”

Mọi người đã được thả vào lúc nửa đêm nhưng con trai bà Lý đã bị giữ lại tới ngày hôm sau, và được thả vào ngày 11 tháng 7.

Vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 12 tháng 7, ông Vương đã đến thăm bà Lý và gọi tên bà. Bà Lý có vẻ hụt hơi. Ông gọi bà vài lần. Bà ngoái đầu lại một chút, rồi cử động thêm chút nữa và nước mắt đã phủ kín đầy cả khuôn mặt khi ông tiếp tục gọi.

Ông Vương rất phấn khởi và báo với bác sỹ rằng bà đã có cảm giác. Nhưng bác sỹ nói rằng cử động của bà Lý là do máy móc điều khiển chứ không phải là do ý thức của bà.

Bệnh viện đã gọi cho gia đình bà Lý vào khoảng sáu giờ chiều, chưa đầy bốn giờ sau khi họ rời bệnh viện, nói rằng bà đang hấp hối và cần được cấp cứu. Gia đình đã vội vã đến bệnh viện, chỉ để thấy lại có nhiều cảnh sát trong bệnh viện, kể cả trong phòng chăm sóc đặc biệt. Chiếc xe từ nhà tang lễ cũng đang chờ sẵn.

Khi gia đình vào phòng, họ thấy rằng ống oxy đã được tháo ra và máy nén tim cũng ngừng hoạt động. Khi gia đình bà Lý đến, bác sỹ đã cố gắng khởi động lại máy. Họ được yêu cầu rời khỏi khu chăm sóc đặc biệt.

Thi thể bị thu giữ sau khi qua đời

Sau khi bà Lý qua đời, Đinh nói với cô Vương rằng cô là con gái nên phải mua một tấm vải liệm cho mẹ và kéo cô đi. Tuy nhiên, khi vừa mua tấm vải liệm xong, cảnh sát đã không cho phép cô Vương và chị dâu cô đến gần bà Lý. Cảnh sát cũng cấm họ không được khóc.

trại tạm giam đã đưa ông Vương một giấy chứng nhận trong đó nêu rằng bà Lý đã được thả vào ngày 10 tháng 7.

Khi thi thể của bà Lý sắp bị chuyển đi, ông Vương đã yêu cầu các nhà chức trách chờ thêm một lát vì dì và chú của bà Lý vẫn đang trên đường đến để gặp bà. Yêu cầu của ông đã bị khước từ và thi thể của bà Lý đã bị cảnh sát và nhân viên đưa ra khỏi nhà tang lễ.

Ngày 13 tháng 7, gia đình và luật sư của bà Lý đã gặp các cảnh sát của trại tạm giam. Lưu Thế Đại, một giám đốc khác tại trại tạm giam nói rằng kể từ ngày 10 tháng 7, bà Lý không còn bị giam giữ nữa và ám chỉ rằng họ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với cái chết của bà Lý.

Luật sư đã chuẩn bị một thư khiếu nại cho gia đình bà Lý. Nhưng viện kiểm sát địa phương đã từ chối tiếp nhận.

Sau đó, công tố viên đã chấp nhận đơn khiếu nại của họ và cho phép gia đình bà Lý xem các video giám sát bà Lý tại trại tạm giam, nhưng giới hạn số người xem là sáu người. Ngoài ra, họ không cho phép gia đình bà Lý xem các video từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 5 tháng 7 (một tuần trước khi bà được đưa đến bệnh viện).

Khi gia đình bà Lý đến viện kiểm sát vào ngày 2 tháng 8, họ không được phép ghi âm, mặc dù trước đó đã được chính quyền đồng ý.

Công tố viên cho biết trại tạm giam Thành phố Lâm Nghi đã không vi phạm bất kỳ quy định nào trong thời gian giam giữ bà Lý. Họ yêu cầu gia đình bà trả 300.000 Nhân dân tệ chi phí y tế cho bà, và còn nói thêm rằng cảnh sát còn có ý định bắt con trai của bà Lý phải chịu trách nhiệm đối với việc hành hung cảnh sát.

Ngày 22 tháng 8, các quan chức của thị trấn Y Vấn đã phát một đoạn video cho thấy gia đình bà Lý từ chối ký vào giấy đồng ý phẫu thuật cho các Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong làng xem và nói rằng bà Lý sẽ không chết nếu bà không tu luyện Pháp Luân Công hay nếu gia đình bà ký đơn đúng lúc. Họ nói thêm rằng gia đình bà cần phải chịu trách nhiệm.

Hồ sơ bệnh án của bà Lý do bệnh viện cung cấp còn nói rằng bà đã có vấn đề về dạ dày trong hơn mười năm, trong khi gia đình bà cho biết trước khi bị bắt giữ, bà không bao giờ gặp bất cứ vấn đề nào về dạ dày.

Sau đó, các quan chức chính quyền nói với gia đình bà Lý rằng nếu họ trả 40.000 Nhân dân tệ để hỏa táng thi thể bà thì họ không phải trả chi phí y tế cho bà nữa.

Ông Vương trả lời: “Chúng tôi có thể trả cho các ông 40.000 Nhân dân tệ, nhưng các ông phải đưa trả thi thể của bà ấy cho chúng tôi.”

“Không đời nào chúng tôi trả lại thi thể của bà ấy đâu,” một quan chức đã nói như vậy.

Các cá nhân tham gia bức hại:

Lý Tông Cường (李宗强), Chánh án Tòa án Nghi Nam: +86-539-3276110, +86-539-322100

Lưu Tỉnh Thần (刘省臣), bác sỹ Bệnh viện Nhân dân Lâm Nghi: +86-135-83955413

Dương Hiểu Phong (杨晓峰), bác sỹ Bệnh viện Nhân dân Lâm Nghi: +86-159-53959186

(Có thể xem thêm thông tin liên lạc của các cá nhân khác tham gia bức hại tại bản gốc tiếng Hán.)

Các báo cáo liên quan:

Chính quyền tự ý rút ống thở của một phụ nữ bị cầm tù sau sáu ngày phẫu thuật mà không được sự đồng ý từ phía gia đình

Bốn cư dân Sơn Đông bị kết án tù vì tìm kiếm công lý cho một học viên đã bị bức hại đến chết vì kiên định đức tin của mình

Bốn học viên Pháp Luân Công ở Sơn Đông bị xét xử vì đức tin của họ

Thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông: 34 học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ phi pháp


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/10/398743.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/31/183024.html

Đăng ngày 22-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share