Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 29-6-2006] Khổng Tử nói với học sinh của mình: “Người thông minh thì yêu thích nước, người nhân đức thì yêu thích núi. Người thông minh tính cách cũng hoạt bát giống như nước, người nhân đức cũng an tĩnh giống như núi. Người thông minh sống vui sướng, người nhân đức được trường thọ“.

Tử Trương hỏi Khổng Tử: “Tại sao người nhân đức lại vui thích khi nhìn thấy núi?

Khổng Tử nói: “Núi thì cao lớn nguy nga. Tại sao núi cao lớn nguy nga thì người nhân đức vui khi nhìn thấy nó vậy? Đó là bởi vì trên núi cỏ cây sum xuê, chim thú từng bầy, những thứ mọi người cần thiết đều từ núi sản xuất ra, hơn nữa lấy mãi không cùng, dùng mãi không hết, vậy mà nó không lấy lại của người ta thứ gì, người bốn phương lên núi tìm kiếm những gì họ cần, núi đều khảng khái ban cho. Núi còn dấy lên sấm gió, làm ra mây mưa để quán thông trời đất, khiến hai khí âm dương được điều hòa, nhỏ sương ngọt ban ân huệ cho vạn vật, vạn vật vì thế có thể sinh trưởng, nhân dân vì thế được no ấm. Đây chính là nguyên nhân vì sao người nhân đức vui khi nhìn thấy núi”.

Tử Cống hỏi: “Tại sao người trí tuệ vui khi nhìn thấy nước?

Khổng Tử trả lời: “Nước, nó tự nhiên. Giống như đức tốt của con người, nó chảy từ cao xuống thấp, uốn lượn quanh co nhưng lại có phương hướng nhất định; nó giống như chính nghĩa, mãnh liệt mênh mông không bờ bến, cho dù rơi xuống vực sâu muôn trượng cũng không chút sợ hãi. Nó mềm mỏng, nhưng không có gì không thấu suốt, vạn vật nhập vào xuất ra nó mà biến thành tinh khiết tươi mới, giống như giỏi việc giáo dục và cảm hóa, đây chẳng phải là phẩm cách của người trí tuệ sao?“.

“Người nhân đức vui với núi, người trí tuệ vui với nước” (Nhân giả nhạc sơn, trí giả nhạc thủy) là luận thuật kinh điển của nhà Nho. Nhà Nho lấy sự cho đi và không cầu đáp trả, tượng trưng cho đức hạnh của người nhân đức. Lấy sự mềm mỏng nhưng không gì không thấu suốt, tượng trưng cho phẩm cách của người trí tuệ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2006/10/29/141243.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2006/11/9/79776.html
Đăng ngày 23-1-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share