Bài của Trí Chân
[MINH HUỆ 17-7-2007] Mạnh Tử, tên thật là Kha, là người nước Trâu thời kỳ Chiến Quốc (hiện nay là huyện Trâu tỉnh Sơn Đông). Ông là nhà tư tưởng và là nhà giáo dục thời cổ đại Trung Hoa, đề xuất tư tưởng người quân tử phải có “Hạo nhiên chính khí”, cần “Lấy Đức thu phục người khác”, “Người nhân từ khắp thiên hạ không có kẻ thù nào”.
Mạnh Tử chu du các nước, ở nước Tề được tôn làm Khách khanh. Một lần, Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử: “Chuyện Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công thời Xuân Thu xưng Bá, Ngài có thể giảng cho ta nghe được không?”.
Mạnh Tử trả lời: “Tôi không muốn đàm luận cụ thể chuyện Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công. Đại Vương nếu nhất định muốn tôi nói, vậy tôi sẽ nói về đạo làm Vua dùng Đạo Đức mà thống nhất thiên hạ”.
Tuyên Vương hỏi: “Đạo đức như thế nào thì có thể thống nhất thiên hạ đây?”
Mạnh Tử nói: “Nhất thiết phải làm cho dân chúng an cư lạc nghiệp. Như vậy mà thống nhất thiên hạ, thì không có gì có thể ngăn trở được”.
Tuyên Vương nói: “Người như ta có thể làm cho dân chúng được an cư lạc nghiệp không?”
Mạnh Tử đáp: “Có thể được”.
Tuyên Vương hỏi: “Dựa vào đâu mà biết ta có thể chứ?”.
Mạnh Tử nói: “Tôi từng nghe nói về chuyện, kể rằng Ngài một ngày đang ngồi trên đại điện thì có một người dắt trâu đi ngang qua phía dưới đại điện. Ngài thấy được, liền hỏi: “Đem trâu đi đâu đó?”. Người dắt trâu trả lời: “Chuẩn bị giết để tế lễ”. Ngài liền nói: “Thả nó ra! Ta không đành lòng thấy bộ dạng sợ hãi đến phát run của nó, chẳng khác gì một người vô tội bị xử tử hình”. Người dắt trâu hỏi: “Vậy cũng không tế lễ nữa sao?”. Ngài nói: “Làm sao có thể không tế lễ được? Lấy một con dê thay thế đi!”. Không biết có chuyện đó hay không?”.
Tuyên Vương nói: “Đúng là có chuyện này”.
Mạnh Tử nói: “Bằng tâm nhân từ của Đại Vương như thế có thể thống nhất được thiên hạ. Dân chúng nghe nói chuyện này đều cho rằng Ngài keo kiệt, nhưng thần lại biết Ngài không keo kiệt, mà là bởi không đành lòng”.
Tuyên Vương nói: “Đúng, quả thật dân chúng cho là như thế. Nước Tề chúng ta dẫu không lớn, nhưng ta làm sao keo kiệt đến mức tiếc rẻ cả một con trâu như thế được? Ta thật sự là không đành lòng mới làm như vậy”.
Mạnh Tử nói: “Đại Vương cũng không nên trách cứ dân chúng nói Ngài keo kiệt. Họ chỉ nhìn thấy ngài dùng một con dê nhỏ thay thế cho một con trâu lớn, sao biết được thâm ý bên trong chứ? Huống chi, Đại Vương nếu thương xót người vô tội, thì trâu và dê có khác gì nhau đâu?”.
Tuyên Vương nói: “Đúng thế, ta cũng không nói ra nguyên do, nhưng ta chắc chắn không keo kiệt. Dân chúng cho rằng như vậy, chắc là có cái lý của bọn họ”.
Mạnh Tử nói: “Không quan trọng. Đại Vương không đành lòng như vậy chính là biểu hiện của lòng nhân từ, chỉ bởi vì Ngài lúc đó đã từng nhìn thấy trâu mà chưa từng nhìn thấy dê. Ngài thấy nó còn sống, không đành lòng làm hại nó. Kỳ thực dê và trâu cũng như nhau đều đáng thương cả”.
Mạnh Tử nói tiếp: “Song đối với dân chúng mà nói, ân huệ của Đại Vương có thể ban cho cầm thú, thế mà hết lần này đến lần khác không thể ban cho dân chúng, tại sao vậy? Ví như Ngài có thể nhấc nổi vật nặng ngàn cân, lại không nhấc nổi một cái lông vũ; mắt có thể nhìn thấy chân tơ kẽ tóc, lại nhìn không thấy một xe cỏ rác. Dân chúng không cảm nhận được ân đức của Ngài, đương nhiên muốn nói rằng Ngài keo kiệt. Đại Vương không dùng đạo đức để thống nhất thiên hạ, thì không phải không làm được mà là không muốn làm”.
Tuyên Vương hỏi: “Không muốn làm và làm không được có gì khác nhau chứ?”
Mạnh Tử nói: “Muốn một người ôm núi Thái Sơn nhảy qua biển Bắc, thì người này bảo: “Tôi làm không được”. Muốn một ông già bẻ một cành cây, người này cũng nói: “Ta làm không được”. Đây là không muốn làm chứ không phải làm không được. Đại Vương giờ không phải dạng người ôm núi Thái Sơn nhảy qua Bắc Hải, mà là thuộc dạng ông già bẻ cành cây. Thánh hiền xưa có thể vượt xa người bình thường, không có gì khác biệt, chỉ là giỏi việc phổ biến những tính tốt, những việc tốt của họ đó thôi”.
Mạnh Tử lại nói: “Nguyên nhân Đại Vương không muốn làm là bởi: dục vọng lớn nhất của Ngài bây giờ là muốn chinh phục thiên hạ, xưng Bá chư hầu, không đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Nhưng mà, nếu muốn dùng vũ lực để thỏa mãn dục vọng xưng Bá thiên hạ của mình, chẳng những không đạt được mục đích, ngược lại còn gây tai họa. Ngài suy nghĩ lại xem! Chẳng lẽ Ngài thật sự muốn phát động quân đội và tướng sỹ cả nước mạo hiểm sinh mạng, kết thù chuốc oán với các quốc gia khác, đem tai nạn đến cho dân chúng, như vậy trong lòng Ngài mới thấy thoải mái sao?”.
Tuyên Vương nói: “Không, làm sao ta làm như thế trong lòng mới thấy thoải mái chứ? Ta chẳng qua chỉ muốn thực hiện nguyện vọng lớn nhất trong lòng ta thôi. Ta không ngờ chuyện lại nghiêm trọng như thế, nghe Ngài nói ta mới hiểu ra”.
Mạnh Tử nói: “Lấy niềm vui của dân làm niềm vui, dân chúng cũng sẽ lấy niềm vui của Vua làm niềm vui; xem nỗi lo của dân như nỗi lo của chính mình, dân chúng cũng sẽ xem nỗi lo của Vua như nỗi lo của chính mình. Có thể cùng vui với thiên hạ, cùng lo với thiên hạ, làm được đến bước này rồi mà không thể thi hành đạo làm Vua và một nền chính trị nhân từ, quả thực là không được. Khiến cho người phương xa đến quy thuận, người ở gần được an cư lạc nghiệp, dân chúng trong thiên hạ đều ủng hộ Ngài, yêu quý Ngài, cục diện như thế chẳng lẽ Ngài lại không muốn sao?”.
Tuyên Vương nghe xong rất vui vẻ nói: “Chủ trương của Ngài không sai, ta không ngại thử làm một lần xem. Hy vọng Ngài có thể giúp đỡ ta đạt được mục đích”.
Mạnh Tử lấy cái tâm không đành lòng giết trâu của Tề Tuyên Vương, dẫn dắt từng bước, theo hướng trình bày về Đạo làm Vua, cuối cùng khiến cho Tuyên Vương vui vẻ tiếp thu. Tề Tuyên Vương buông bỏ ý đồ dùng vũ lực để chinh phục, mà lựa chọn một nền chính trị nhân từ, nước Tề dần dần lập lại an ninh và trật tự, trăm họ đều cảm phục ân đức của Mạnh Tử.
Mạnh Tử cùng với các chư hầu Vương Công kết giao đúng mực, biểu hiện cao độ tính nguyên tắc và khí tiết của mình, tất cả đều bắt nguồn từ tính chính trực, lòng nhân ái, biết trân quý sinh mệnh của ông. Trở về lại với lương tri và thiện niệm, người ta mới phân biệt được đúng sai, lựa chọn được con đường quang minh, mới hiểu được giá trị chân chính của cuộc sống.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/7/15/158846.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/8/6/88357.html
Đăng ngày: 21-1-2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.