Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 27-6-2007] Yến Tử là Tể tướng nước Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc, phò tá vua nước Tề hơn 10 năm. Ông dũng cảm can ngăn những điều sai lầm của vua, lo lắng cho dân chúng, liêm chính vô tư, lưu lại rất nhiều câu chuyện cảm động lòng người và mở mang tâm trí.

Một lần, Tề Cảnh Công mở tiệc rượu, uống đến lúc cao hứng, liền nói với các đại thần rằng: “Mời các vị đại phu thoải mái ăn uống no say, không cần chú ý lễ tiết!“.

Yến Tử nghe xong lập tức góp lời rằng: “Con người sở dĩ cao quý hơn so với động vật, chính là bởi có lễ tiết. Hiện tại trẻ em nước Tề cao 5 xích, sức lực lại đều hơn thần, có khi còn hơn Ngài, nhưng cũng không dám làm loạn, nguyên nhân chính là vì kính sợ lễ tiết. Cầm thú đều là con nào mạnh khỏe hơn thì cầm đầu, mạnh hiếp yếu, cho nên mỗi ngày đều thay đổi thủ lĩnh. Các đại thần nếu vứt bỏ lễ pháp, quốc gia chắc chắn sẽ loạn, có hiểm họa thay vua đổi chúa, xin hỏi Ngài làm sao xử lý đây? Cho nên con người không thể rời xa ràng buộc của lễ pháp“.

Cảnh Công cảm thấy rất mất hứng, làm như không nghe, cũng không để ý tới Yến Tử. Một lát sau, Cảnh Công có việc đi ra ngoài, ngoại trừ Yến Tử ngồi bất động ở ngoài, các đại thần khác đều đứng dậy tiễn đưa. Khi Cảnh Công xong việc trở về Yến Tử cũng không đứng dậy nghênh đón. Cảnh Công cùng mọi người đồng loạt nâng chén, Yến Tử làm như chỗ không người, nâng chén uống trước tiên.

Cảnh Công thấy Yến Tử vô lễ như vậy, tức giận nói với Yến Tử: “Ngươi vừa rồi còn giảng tới giảng lui lễ pháp là trọng yếu như thế nào, thế mà chính ngươi chẳng lễ phép chút nào“.

Yến Tử rời khỏi chỗ ngồi, vội vàng thi lễ nói: “Thần không dám vô lễ, xin Đại vương bớt giận. Thần chỉ bất quá là muốn cho Đại vương nhìn xem tình trạng thực tế nếu như không coi trọng lễ tiết. Nếu Đại vương không cần lễ tiết, thì thực sự sẽ giống như thế“.

Cảnh Công nghe xong giật mình hiểu ra, vội nói: “Xem ra là ta đã sai rồi! Mời tiên sinh ngồi, ta xin nghe theo lời khuyên can“.

Từ đó về sau, Cảnh Công hoàn thiện các quy tắc lễ nghi, chỉnh đốn pháp luật cai trị Tề quốc. Nhờ đó quan viên giữ lễ, còn dân chúng cung kính nể phục.

Yến Tử thấy Cảnh Công yêu chuộng xa hoa, nên thường lấy tính tiết kiệm của bản thân mà khuyên nhủ Cảnh Công. Ông thân là Tướng quốc nhưng ở trong ngôi nhà thấp bé kế thừa của tổ tiên, gần chỗ phố xá ồn ào. Cảnh Công cấp cho ông một tòa dinh thự cao lớn sáng ngời, nhưng Yến Tử không đồng ý, nói: “Tổ tiên của thần sống ở đây, thần đối với quốc gia không có công lao gì, ở chỗ này đã là tốt quá rồi, làm sao còn có thể ở nhà cao cửa rộng được? Người ta không thể theo đuổi xa hoa, hơn nữa đây là nơi buôn bán náo nhiệt, có thể theo dõi được dân tình“. Không lâu sau, Yến Tử đi sứ sang nước Tấn, Cảnh Công lợi dụng cơ hội này phái người dời những nhà hàng xóm của Yến Tử đi nơi khác sống, ngay tại chỗ đó xây dựng lại một tòa dinh thự lớn. Trên đường đi sứ trở về, Yến Tử nghe tin, liền bỏ xe lại vùng ngoại thành, phái người thỉnh cầu Cảnh Công tháo dỡ ngôi nhà mới, mời những người dân đã di tản quay trở lại ở, cấp cho họ vật liệu mà xây dựng nhà cửa. Qua nhiều lần thỉnh cầu, cuối cùng Cảnh Công đồng ý, Yến Tử mới đi xe vào thành.

Yến Tử cai trị nước Tề trở nên dân giàu nước mạnh, song chính bản thân lại ở trong nhà vô cùng bần hàn. Một ngày, Yến Tử đang ngồi ăn cơm, thì người sứ thần mà Cảnh Công phái đi tìm ông để bàn bạc việc nước đến nhà. Yến Tử nghe nói sứ thần còn chưa ăn cơm, nên lấy nửa phần cơm của mình cho ông ta ăn. Kết quả, sứ thần ăn chưa no, Yến Tử cũng ăn không đủ no.

Sứ thần trở về đem chuyện này báo cáo với Cảnh Công. Cảnh Công giật mình nói: “Ta vẫn không biết nhà Tướng quốc nghèo đến thế, đó là lỗi của ta“. Lập tức phái người đưa đi 1200 lạng vàng và 1000 thạch lương thực, nhưng Yến Tử nói không nhận gì cả. Sứ thần đem đến 3 lần, bị Yến Tử cự tuyệt đủ 3 lần.

Cuối cùng, Yến Tử tự mình bái kiến Cảnh Công cảm tạ. Cảnh Công nói: “Trẫm không biết nhà Ngài lại nghèo khổ như vậy. Quốc gia giàu có như thế, chút ít tài vật ấy có đáng gì đâu?

Yến Tử nói: “Cảm tạ sự quan tâm của Ngài, thần sinh hoạt không có gì khó khăn cả. Thần nghe nói, ở chỗ nhà vua có rất nhiều tài vật, nếu đem cho người khác, đó là lừa gạt nhà vua, lấy lòng người khác, đại thần trung chính thì không làm những việc như thế. Còn nếu bản thân có được rất nhiều tài vật, mà không cho người khác, tàng trữ để bản thân tiêu xài hưởng thụ, người có đạo đức không thể làm như vậy, thần cần nhiều tài vật thế để làm gì đây? Có câu nói rằng trên làm gì thì dưới làm theo, Ngài để thần quản lý trăm quan, thần cần phải liêm khiết phụng sự việc công, như vậy mới có thể làm gương cho bá quan được. Nếu thần theo đuổi xa hoa, trăm quan nếu đều học theo, thần làm sao quản lý bọn họ đây?“. Cảnh Công nghe xong thấy rất có đạo lý, sinh hoạt của bản thân cũng bớt xa hoa đôi chút.

Cảnh Công ham thích hưởng lạc, một ngày ở trong cung uống rượu mua vui, uống mãi đến tối vẫn chưa thỏa thích, liền mang theo tùy tùng tới nhà Yến Tử, muốn cùng Yến Tử uống rượu thâu đêm một phen. Yến Tử vội vã ra cổng nghênh đón, hỏi Cảnh Công: “Hoàng thượng vì sao đêm hôm khuya khoắt lại đến nhà thần vậy?“. Cảnh Công nói: “Rượu Kim thạch thơm ngon nổi tiếng, rất tuyệt vời, ta muốn cùng Tướng quốc thưởng thức một phen“. Lẽ ra nhà vua đích thân đến nhà cùng bề tôi uống rượu, thì đó là vinh diệu lớn lao của bề tôi, là việc muốn cầu còn không được. Không ngờ, Yến Tử lại không vui, mở cửa gặp mặt, tâu với Cảnh Công rằng: “Việc hầu nhà vua uống rượu hưởng lạc, thì bên cạnh nhà vua có người như vậy rồi, việc như thế này không phải là chức phận của thần, thần không dám tuân mệnh“.

Yến Tử từ chối, Cảnh Công lại nghĩ đến Điền Nhương Tư, thế là đến nhà của Điền Nhương Tư. Điền Nhương Tư nghe nói Cảnh Công đêm khuya đến thăm, lập tức mặc quân phục, cầm cây kích ra cửa nghênh đón, vội hỏi: “Có nước chư hầu nào phát binh sao? Có đại thần nào làm loạn sao?“. Cảnh Công cười nói: “Không có“. Điền Nhương Tư làm bộ khó hiểu, lại hỏi: “Như thế vì sao đêm khuya hạ cố đến nhà của hạ thần?“. Cảnh Công nói: “Không có nguyên nhân gì đặc biệt, chỉ là niệm tình tướng quân việc quân khổ nhọc, muốn cùng tướng quân uống rượu hưởng lạc xả hơi một lần thôi“. Điền Nhương Tư trả lời giống hệt Yến Tử: “Bồi tiếp Vua uống rượu hưởng lạc thì bên cạnh Ngài đã có người như vậy rồi, đây không phải là chức phận của thần, nên thần không dám tuân mệnh“.

Cảnh Công không thể tưởng tượng được ra việc đến trước cửa nhà của 2 kẻ bề tôi thì cả 2 lần đều bị đóng cửa từ chối, không khỏi mất hứng. Cuối cùng đến nhà Lương Khâu Cư, thì Lương Khâu Cư thuận theo ý muốn, Cảnh Công cảm thấy rất thỏa mãn, nâng chén hoan hô, tự mình đánh phẫu tấu nhạc (Phẫu là một loại nhạc cụ cổ Trung Hoa). Vua hỏi Lương Khâu Cư: “Người nhân đức cũng thích như thế này à?“. Lương Khâu Cư nói: “Ai ai cũng có mắt có tai, cũng giống như nhau cả, tại sao lại không thích như thế này chứ?“. Thế là uống rượu thâu đêm đến sáng.

Sau này, Cảnh Công muốn phong thưởng cho Lương Khâu Cư, trước mặt Yến Tử khen ngợi ông ta rằng: “Ta thích thứ gì, người khác cũng không có chuẩn bị cho ta, ông ta bèn tự mình chuẩn bị cho ta, cho nên ta cho rằng ông ta trung thành với ta. Bất luận là lúc nào, mỗi khi ta có nhu cầu, ông ta đều xuất hiện bên ta, nên ta biết rằng ông ta rất kính yêu trân trọng ta“. Yến Tử nói: “Thần tử độc chiếm nhà vua, đó gọi là bất trung; con trai độc chiếm cha, đó gọi là bất hiếu. Thân là đại thần, hướng dẫn nhà vua trọng đãi quần thần, làm phúc cho dân chúng, giữ chữ tín với chư hầu, khiến người trong thiên hạ đều trung với nhà vua, đều trân trọng nhà vua, đó mới gọi là trung thành. Hiện tại, đại thần và dân chúng cả nước, chỉ có ông ta trung với Ngài và trân trọng Ngài thôi, vì sao vậy? Cần phải có tiêu chuẩn thưởng phạt những hành vi có lợi hoặc có hại đối với quốc gia thì mới đúng!“. Cảnh Công hiểu ra, bèn không phong thưởng Lương Khâu Cư.

Yến Tử trong khi cùng đi với Cảnh Công đến Mạch Khâu du lịch, gặp một ông già. Cụ già nói: “Hy vọng Ngài được trường thọ, hy vọng Ngài không nên đắc tội với dân chúng“. Cảnh Công nói: “Nếu nói dân chúng đắc tội với nhà vua thì còn có thể, ở đâu lại có chuyện vua đắc tội với trăm họ chứ?“. Yến Tử nói: “Kiệt, Trụ là đắc tội với Quân vương hay là đắc tội với dân chúng đây? Là bị Quân vương giết chết, hay là bị dân chúng giết chết đây?“. Cảnh Công như người mới tỉnh cơn mê, thưởng Mạch Khâu cho ông già làm đất phong, cảm tạ ông đã cho mình một lời khuyên chân thành và trí tuệ.

Đối với những lần Yến Tử mạo phạm can ngăn, Cảnh Công có khi cảm thấy rất mất mặt, cảm thấy vô cùng khó chịu, chỉ muốn tìm cơ hội trừng trị Yến Tử. Nhưng khi vua nghĩ lại những lời Yến Tử giảng nói, lại cảm thấy câu nào cũng đều rất có lý, quả thật là Trung ngôn nghịch nhĩ, thế là lại khâm phục dũng khí vì nước vì dân của ông.

Yến Tử qua đời, Cảnh Công đang lúc du ngoạn nghe tin, lập tức giục xe quay về. Cảnh Công cho rằng xe ngựa đi quá chậm, bèn xuống xe tự cưỡi ngựa chạy. Nhưng xe vẫn chạy không nhanh, nên lại leo lên xe, trước sau bốn lần xuống xe chạy gấp. Cuối cùng thì vừa chạy vừa khóc, đến nhà Yến Tử thì bật khóc lớn, nói: “Tiên sinh không kể ngày đêm khuyên nhủ ta, lỗi lầm thật nhỏ cũng không bỏ qua, ta vẫn còn phóng túng không biết giảm bớt. Tai họa suy vong đang treo lơ lửng trên đầu ta, lại không còn tiên sinh bên mình nữa, nước Tề nguy hiểm rồi, trăm họ ai cũng nói như thế!“.

Yến Tử chủ trương lấy dân làm gốc, trong việc khuyên can, trong việc trị vì quốc gia luôn dốc sức làm, đều luôn thể hiện lấy thiên hạ muôn dân làm trọng. Đức hạnh, trí tuệ, những việc tốt mà ông đã làm cho trăm họ, người ta vẫn nhớ mãi cho đến ngày nay.

Chú thích

Lễ pháp: kỷ cương, phép tắc của xã hội


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/6/27/157439.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/7/19/87830.html
Đăng ngày 16-1-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share