Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 24-6-2007] Khấu Tuân, tự là Tử Dực, là người huyện Thượng Cốc, Xương Bình (nay là Bắc Kinh) sống vào thời Đông Hán. Ông là vị tướng soái được Quang Vũ hoàng đế nể trọng. Ông thông hiểu kinh thư, tu dưỡng Đức hạnh, tại triều đình rất có danh tiếng, người thời đó đều ca ngợi ông là người đạo đức cao thượng, cho rằng ông có tài năng xứng đáng làm Tể tướng. Ông gặp chuyện có thể nhẫn nhục nhượng bộ, không kể thù riêng, luôn luôn lấy đại cục làm trọng.

Khấu Tuân từng đảm nhiệm chức Thái thú Toánh Xuyên. Lúc đó tướng lĩnh quản lý quân tuần vệ bên ngoài cung tên là Cổ Phục, lúc tại Nhữ Nam nghe nói một thuộc hạ của mình tại Toánh Xuyên giết người, kết quả bị Thái thú Khấu Tuân bắt được, ngay tại giữa phố xá náo nhiệt xử tử. Cổ Phục vì thế cảm thấy rất sỉ nhục, lúc từ Nhữ Nam trở về đi ngang qua Toánh Xuyên, nói với người bên cạnh rằng: “Ta và Khấu Tuân đều là tướng soái, nhưng giờ bị hắn hãm hại, đại trượng phu làm sao để bị người ta khi dễ mà lại không cùng hắn nhất định phân cao thấp? Lần này gặp được Khấu Tuân, ta nhất định phải giết hắn”.

Khấu Tuân nghe nói, không muốn gặp Cổ Phục. Cốc Sùng nói: “Cốc Sùng tôi là tướng lĩnh, có thể mang kiếm hầu bên cạnh, nếu đột nhiên có chuyện gì, có thể ngăn chặn được”.

Khấu Tuân nói: “Không được. Trước kia Lận Tương Như không sợ Tần vương, nhưng lại khuất phục Liêm Pha, đó là vì quốc gia. Nước Triệu nhỏ bé, lại có người hiểu biết đạo lý như thế, ta làm sao có thể quên được?”. Thế là ra lệnh cho các huyện sở tại hầu hạ bọn người Cổ Phục cho thật tốt, còn mình thì cố ý mượn cớ né tránh ông ta. Cuối cùng bọn người Cổ Phục đều uống rượu say, không truy tìm Khấu Tuân, chỉ quá cảnh rồi rời đi.

Khấu Tuân phái người báo cáo chuyện xảy ra tại nơi đây cho Quang Vũ hoàng đế biết. Quang Vũ hoàng đế bèn triệu Khấu Tuân vào cung. Khấu Tuân vào tới nơi, phát hiện Cổ Phục đã ở đó trước rồi, thế là lại muốn né tránh. Quang Vũ đế nói với ông: “Thiên hạ còn chưa có yên ổn, hai hổ làm sao có thể tranh đấu riêng tư đây? Hôm nay ta tới giảng hòa”. Thế là 3 người cùng ngồi xuống, nói chuyện hết sức vui vẻ. Cuối cùng Khấu Tuân và Cổ Phục cùng cưỡi một cỗ xe ra ngoài, hai người kết làm bạn tốt, chào từ biệt nhau rồi về nhà.

Gặp chuyện nếu không thể nhẫn nhục nhượng bộ, thì sẽ phải dẫn đến kết oán lâu dài, dẫn đến tai họa, hỏng việc hại người. Sử sách bình luận về Khấu Tuân như sau: “Khổng Tử nói: ‘Bá Di, Thúc Tề, không nhớ thù xưa, cho nên có ít kẻ thù’. Khấu Tuân là một ví dụ điển hình”.

Hành vi của Khấu Tuân không phải là nhu nhược bất lực, mà là lòng dạ bao la, tầm nhìn sâu rộng, là biểu hiện của người có Đức hạnh và có thể hoàn thành việc lớn. Bởi nhượng bộ được, nên cuối cùng mối thù giữa ông và Cổ Phục có thể được hóa giải, 2 người từ kẻ thù trở thành bạn hữu, cùng nhau giúp vương triều Đông Hán thống nhất được Trung Nguyên.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/6/24/157436.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/7/25/87990.html
Đăng ngày 16-1-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share