Bài của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-05-2019] Ngày 26 tháng 12 năm 2018, sáu công dân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị bắt vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Sau khi bị cảnh sát lục soát nhà và tịch thu hơn 80.000 tệ tiền mặt tiết kiệm, các học viên bị đưa tới Đồn Cảnh sát Thủy Quả Hồ thẩm vấn.

Sau đó, cảnh sát đưa sáu học viên Pháp Luân Công này tới bệnh viện để lấy máu và xét nghiệm toàn diện gan, thận, tim, phổi, và giác mạc của họ. Các học viên không được nhận kết quả xét nghiệm, nên họ nghi ngờ các xét nghiệm có liên quan đến kế hoạch cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.

Ông Trần Vân và ông Từ Quân được thả ra vào ngày hôm sau. Ông Chu Quốc Cường, ông Trương Ba, ông Hùng Hữu Nghĩa, và ông Lý Quân hiện vẫn đang bị giữ tại Trại giam Vũ Xương Thanh Lăng và còn bị truy tố sau khi cảnh sát trình trường hợp của họ lên Viện Kiểm sát Quận Vũ Xương.

Có tin cho hay ông Lý đã bị chảy máu dạ dày và phát sinh bệnh tim trong thời gian bị giam giữ tại trại giam này.

Người cha già 78 tuổi của ông Trương quá đau buồn vì con trai bị giam giữ đến nỗi đổ bệnh và phải nhập viện. Ông cụ qua đời vào ngày 13 tháng 4 năm 2019. Trong những ngày cuối đời, ông cụ liên tục gọi tên con trai, song các nhà chức trách đã từ chối đề nghị của gia đình xin cho ông Trương được gặp mặt cha lần cuối.

Lần bị bức hại trước đây của ông Chu Quốc Cường

Ông Chu Quốc Cường, 50 tuổi, người thành phố Xích Bích, tỉnh Hồ Bắc bị bắt lần đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999 vì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công tại công viên. Ông bị cảnh sát giam giữ 15 ngày với tội danh “gây mất trật tự nơi công cộng”.

Trong 15 ngày bị giam, ông Chu bị ép lao động tại một mỏ đá, việc của ông là chuyển đá và bỏ đá vào máy nghiền. Có lần ông bị yêu cầu rửa máy nghiền đá. Ông làm việc trong một căn phòng nhỏ mà không có công cụ bảo hộ lao động nên khắp người đầy bụi đá.

Ba tháng sau khi được thả ra, ông lại bị bắt lại vào tháng 11 năm 1999 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị giam vào trại lao động cưỡng bức một năm rưỡi.

Ông Chu bị tra tấn dưới nhiều hình thức và bị cưỡng bức lao động khổ sai trong thời gian bị giam tại Trại giam Xích Bích và Trại Lao động Cưỡng bức Sa Dương. Đến khi gần mãn hạn tù, vì ông vẫn từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công mà chính quyền lại kéo dài thời hạn giam giữ của ông thêm một năm nữa, sau đó lại đưa ông trở lại trại giam sau khi hết thời hạn kéo dài đó.

Ngày 25 tháng 11 năm 2003, ông được trả tự do, con trai bốn tuổi của ông, sinh ra trong thời gian ông đang bị giam giữ, đã không nhận ra cha.

Vì không chịu được áp lực của cuộc bức hại, nên không lâu sau khi ông được thả ra, vợ ông đã ly dị ông. Chỗ làm cũ của ông, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, cũng sa thải ông.

Mất việc, gia đình chia ly, năm 2003, ông Chu chuyển đến thành phố Vũ Hán để tránh cảnh sát và nguy cơ bị bức hại tiếp.

Năm 2013, khi làm bảo vệ tại một chung cư, ông đã tự tay dập tắt đám cháy dưới hầm để xe trước khi lính cứu hỏa tới nơi. Xe ô tô và các tài sản giá trị khác của các cư dân ở đây đã được an toàn. Hành động dũng cảm của ông đã được giám đốc công ty ông ghi nhận.

Vụ bức hại của ông Hùng Hữu Nghĩa

Ông Hùng Hữu Nghĩa, 56 tuổi, là người ở thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc. Ông cho biết, nhờ Pháp Luân Công mà ông đã khỏi bệnh viêm gan B và bỏ được nhiều thói xấu như rượu bia, thuốc lá, và đánh bạc.

Vợ ông đã ly dị ông vì sợ bị bức hại. Ông phải làm mấy việc bán thời gian để kiếm tiền nuôi con.

Trong một đợt bức hại, cảnh sát đã bắt ông Hùng vào ngày 22 tháng 6 năm 2012. Họ lục soát nhà ông và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, và 2.000 tệ tiền mặt của ông.

Tại trung tâm tẩy não, ông bị bỏ đói, bị bắt đứng tám giờ đồng hồ mỗi ngày, và bị cấm ngủ vào ban đêm.

Vì ông từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công nên chính quyền liên tục gia hạn thời hạn giam giữ ông. Đến ngày 15 tháng 8 năm 2013, sau một năm kéo dài thời hạn giam giữ, ông mới được thả ra.

Các bài viết liên quan:

Ông Chu Quốc Cường, quê ở thành phố Xích Bích, tỉnh Hồ Bắc bị bắt giữ phi pháp tại Vũ Hán

Ông Trương Ba bị bắt giữ phi pháp tại chợ Vũ Hán, cha già qua đời vì quá đau buồn

Ông Hùng Hữu Nghĩa quê ở thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc lại bị kéo dài thời gian giam giữ


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/27/387904.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/4/177923.html

Đăng ngày 16-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share