Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 05–5–2019] Ông Kiều Hướng Dương đã bị kết án 8 năm tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Kháng cáo của ông bị từ chối và gia đình ông đã đệ trình bản kiến nghị được xem xét lại vụ án ở tòa án cấp cao hơn.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Ông Kiều, một cư dân ở thành phố Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam, đã bị bắt vào ngày 17 tháng 9 năm 2018, và đã bị kết án 8 năm tù tại Tòa án Thành phố Tân Trịnh vào ngày 29 tháng 12 năm 2018. Tòa án Trung cấp Thành phố Trịnh Châu đã nhanh chóng từ chối kháng cáo của ông sau khi nhận được nó.
Trong bản kiến nghị đệ trình lên tòa án cấp cao hơn tỉnh Hà Nam, luật sư của ông Kiều đã trình bày chi tiết quá trình các cảnh sát, công tố viên, tòa án xét xử và tòa phúc thẩm đã vi phạm các thủ tục pháp lý ở từng giai đoạn cho đến khi ông bị kết án.
Cưỡng ép để lấy lời khai nhân chứng
Vợ của ông Kiều kể với luật sư của họ rằng hơn chục cảnh sát mặc thường phục đã đột nhập vào nhà họ vào chiều ngày 17 tháng 9 năm 2018 mà không đưa ra huy hiệu công tác hay lệnh khám xét phù hợp. Họ đã khám xét nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của ông và các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà rất sợ và không biết phải làm gì.
Vào ngày hôm sau, Phiền Hồng Bân, trưởng Phòng An ninh Nội địa Thành phố Tân Trịnh, lại đến nhà ông Kiều và ép vợ ông khai rằng chồng bà, người vốn chỉ có một tay, đã sản xuất toàn bộ số tài liệu Pháp Luân Công đã bị tịch thu kia.
Phiền hứa rằng chồng bà sẽ được giảm án nếu bà cung cấp bằng chứng buộc tội ông ta. Phiền còn đe dọa sẽ sách nhiễu bà hàng ngày nếu bà không đồng ý yêu cầu này. Vợ của ông Kiều thật sự đã không chịu khai thông tin giả để buộc tội chồng mình và nói: “Tôi không biết.”
Mấy ngày sau đó, cảnh sát ở Đồn Cảnh sát Long Hồ đã ra lệnh triệu tập bà Kiều nhiều lần nhằm hối thúc bà hợp tác với họ.
Cuối cùng, cảnh sát đã ép được cả vợ và anh trai của ông Kiều cung cấp những thông tin sai sự thật trái ý muốn của họ. Cả hai người này đều không được tham dự phiên xét xử ông Kiều.
Ngoài ra, trước khi phê chuẩn việc bắt giữ ông Kiều và truy tố ông, công tố viên của Viện Kiểm sát Thành phố Tân Trịnh đã không thẩm định chi tiết xác định lời khai của nhân chứng có bị cưỡng chế hoặc lừa dối hay không.
Thẩm phán không đủ tiêu chuẩn
Luật sư của ông Kiều còn chỉ ra rằng, theo luật định, chỉ có chánh án hoặc phó chánh án tòa án hình sự mới được ủy quyền để xử lý các vụ án đã tuyên án từ bảy năm trở lên.
Nhưng theo thông tin do Tòa án Thành phố Tân Trịnh cung cấp, chủ tọa phiên tòa Cao Khôi, người phụ trách vụ án của ông Kiều, không có tên trong danh sách các thẩm phán đủ tiêu chuẩn. Ông được liệt kê là một phó giám đốc của một trung tâm nghiên cứu tại tòa án.
Tòa án cũng không thành lập một nhóm cộng sự hay chỉ định một thẩm phán khác để giám sát việc tuyên án.
Luận tội vô căn cứ
Ông Kiều bị kết án về tội “sử dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”. Đó là cái cớ mà tòa án Trung Quốc thường sử dụng để hình sự hóa và tống giam các học viên Pháp Luân Công.
Luật sư của ông lập luận rằng không có điều luật nào cho rằng tu luyện Pháp Luân Công là một tội ác hay coi nó là tà giáo. Vì vậy không thể lấy tội danh này để buộc tội ông. Hơn nữa, thẩm phán và công tố viên cũng không xác định được luật mà ông Kiều cản trở thi hành là luật nào.
Bằng chứng truy tố bao gồm việc ông Kiều sở hữu sách Pháp Luân Công. Luật sư của ông lập luận rằng những cuốn sách này ông Kiều chỉ dùng cho mục đích cá nhân và không gây hại cho bất kỳ ai. Luật sư cũng trích dẫn một thông báo năm 2011 do Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốcban hành, trong đó họ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công. Điều đó có nghĩa là các tài liệu bị tịch thu từ ông Kiều không thể được dùng để buộc tội ông và cũng không có vấn đề gì nếu ông tự mình làm các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.
Phán quyết khẩn của tòa phúc thẩm
Sau khi ông Kiều nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trịnh Châu, thẩm phán tòa phúc thẩm đã nhanh chóng thi hành các thủ tục và nhanh chóng giữ nguyên phán quyết của tòa án xét xử.
Luật sư của ông Kiều viết trong bản kiến nghị rằng thủ tục khẩn cấp thường chỉ được dành cho các vụ án dân sự hoặc hình sự có án tù dưới ba năm và không nên được sử dụng trong các vụ án liên quan đến thời hạn từ bảy năm trở lên.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư nói rằng thẩm phán Vương Triết cũng đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tư pháp của mình trong việc điều tra kỹ lưỡng vụ án của ông Kiều nên đã xác nhận rằng việc kết án ông Kiều là đúng.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/28/385641.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/5/176729.html
Đăng ngày 08-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.