Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Bắc, Đài Loan

[MINH HUỆ 4-1-2019] Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm gần đây về việc giảng chân tướng Pháp Luân Công và thuyết phục khách du lịch thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại các điểm du lịch tại Đài Bắc.

Buông bỏ tâm sợ hãi và tiến về phía trước

Bảy năm trước là quãng thời gian tôi mới bắt đầu giảng chân tướng về Pháp Luân Công và thuyết phục mọi người thoái ĐCSTQ. Lúc đó, tôi vẫn còn mang một tâm thái lo sợ mạnh mẽ. Tôi sợ giọng nói hùng hổ của khách du lịch Trung Quốc, sợ gặp những người nói to, sợ bị quấy rối và sợ bị hỏi những câu hỏi mà tôi không thể trả lời. Tôi cũng sợ mình không thể giảng chân tướng tốt và khiến người nghe hiểu lầm các học viên Đại Pháp.

Sau khi học Pháp được một thời gian, tôi ngộ ra một vấn đề: Tôi có mặt ở đây là để trở thành một học viên Đại Pháp trợ Sư chính Pháp. Vậy sao tôi phải mang tâm sợ hãi?

Sư phụ giảng:

“Kỳ thực, những [học viên nào] chưa bước ra [chứng thực Pháp], bất kể với lý do bào chữa này hay lý do bào chữa kia, đều là đang che đậy tâm lo sợ. Nhưng [vấn đề] có hay không cái tâm lo sợ, lại chính là kiến chứng cho sự phân biệt giữa người và Thần của người tu luyện, là chỗ khác biệt giữa người tu luyện và người thường, là việc mà người tu luyện nhất định phải đối diện, là nhân tâm lớn nhất mà người tu luyện cần phải bỏ.” (Học Pháp cho tốt, vứt bỏ nhân tâm sẽ không khó – Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Thời điểm đó, tôi quyết định sẽ không trốn chạy nữa. Tôi muốn trừ bỏ hết thảy tâm sợ hãi bằng chính niệm và tiến lên phía trước. Đôi khi, Sư phụ điểm hóa và động viên tôi thông qua lời của đồng tu. Thệ ước của tôi là trợ Sư chính Pháp, vậy nên đó là con đường tôi lựa chọn trong thời kỳ Chính Pháp.

Tiếp cận khách du lịch và nói cho họ chân tướng về Pháp Luân Công

Chủ nhật hàng tuần, tôi thường đến Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn để giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho khách du lịch. Khách du lịch Trung Quốc thường đi theo từng nhóm đến xem lễ đổi phiên gác của lính canh. Sau khi hướng dẫn viên du lịch giới thiệu xong các điểm tham quan chính trước khi vào trong, tôi sẽ chào hỏi hướng dẫn viên và phân phát báo Pháp Luân Đại Pháp cho khách du lịch.

Tôi thường nói: “Chào bạn, bạn làm việc thật vất vả! Tôi mong rằng đoàn du lịch của bạn sẽ có một chuyến đi an toàn!” Tôi luôn mỉm cười trong khi phân phát tài liệu cho khách du lịch kèm theo câu nói: “Bạn hãy đọc tờ báo này khi có thời gian, hoặc bạn hãy quay lại đây xem bảng tin sau khi xem xong buổi lễ. Ở đây, bạn sẽ tìm thấy những thứ mà bạn không thể thấy ở Trung Quốc.”

Một số người lờ đi, số khác thì nói những điều khó nghe hoặc tỏ thái độ khó chịu. Tuy nhiên, tôi luôn tự nhủ mình cần mỉm cười và từ bi với họ, để tạo ấn tượng tốt với các du khách Trung Quốc.

Sư phụ giảng:

“Ngay cả với người ở nơi thế gian này mà chư vị gặp thoáng qua không kịp nói chuyện thì chư vị cũng cần để từ bi lưu lại cho họ” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003)

Tôi tin rằng tôi sẽ luôn gặp được những vị khách có cơ duyên với Đại Pháp.

Giúp một người đàn ông thoái Đội Thiếu niên Tiền Phong

Một người đàn ông lớn tuổi ra ngoài sớm và đứng đợi nhóm cùng đi. Ông lặng lẽ đứng trước bảng tin của chúng tôi, ngắm nghía mọi thứ. Thấy ông ấy rất chăm chú xem nên tôi đã bước tới bắt chuyện: “Sao ông không đi cùng mọi người xem buổi lễ?”

Ông ấy nói không muốn xem. Tôi mỉm cười và đáp lại: “Ông là người rất am hiểu.”

Sau đó tôi bắt đầu nói với ông ấy chân tướng về Pháp Luân Công: “ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công vì số lượng các học viên Pháp Luân Công đông hơn số đảng viên ĐCSTQ và cựu lãnh đạo ĐCSTQ có tâm đố kỵ với Pháp Luân Công. Chỉ cần nghĩ thôi ông sẽ thấy, nếu Pháp Luân Công không tốt thì sao có thể phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới như vậy chứ?“

Tôi cũng giải thích cho ông ấy biết chi tiết về sự kiện xảy ra ngày 25 tháng 4 năm 1999, khi các học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện ôn hòa với chính phủ. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã tung tin đồn giả nói rằng các học viên đã bao vây và tấn công Trung Nam Hải (trụ sở của ĐCSTQ).

“Điều chúng tôi nói đều là sự thật”, tôi nói. “Cuộc đàn áp vẫn đang diễn ra. ĐCSTQ vẫn đang thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống. Các học viên Đại Pháp từ hơn 100 quốc gia trên thế giới đang tận dụng thời gian rảnh rỗi và ngày nghỉ lễ của họ để nói với mọi người chân tướng về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp này”. Sau cùng, tôi hỏi ông ấy: “Ông có nghe nói về việc thoái ĐCSTQ chưa? Đây là một phong trào có từ năm 2004. Ông có phải là đảng viên ĐCSTQ không?”

Ông ấy nói không phải là đảng viên. Sau đó, tôi tiếp tục hỏi lại: “Vậy ông có từng gia nhập Đoàn Thanh niên không?”

Ông ấy đáp không tham gia Đoàn Thanh niên, nhưng đã từng gia nhập Đội Thiếu niên Tiền Phong. Tôi đã thuyết phục ông ấy thoái Đội.

“Cả Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền Phong là những tổ chức trực thuộc của ĐCSTQ. Những người tham gia vào hai tổ chức này sẽ phải thề cống hiến cả cuộc đời cho chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, họ cùng với ĐCSTQ sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những tội ác mà Đảng gây ra. Chúng tôi mong những người tốt sẽ có cuộc sống yên bình. Hãy để tôi giúp ông thoái Đội với hóa danh Chung Minh (đây là từ ghép biểu trưng cho sự chân thành và hiểu biết)”.

Ông ấy vui vẻ đồng ý: “Được!”. Tôi nhắc ông: “Ông hãy nhớ ngày này nhé. Hóa danh của ông sẽ được dùng để thoái Đội. Nếu có người khác thuyết phục ông thoái ĐCSTQ, ông chỉ cần nói là ông đã thoái rồi”. Ông ấy trả lời sẽ ghi nhớ điều này.

Giúp một nhóm khách du lịch thoái ĐCSTQ

Một lần, có năm khách du lịch Trung Quốc đi ra sớm và đứng đợi nhóm cùng đi. Hai người phụ nữ trông thấy tôi và nhìn tôi rất kỹ. Tôi mỉm cười và chào họ: “Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ!”

Sau đó, vài người trong số họ vây quanh tôi để nghe chân tướng về Pháp Luân Công. Đây là lần đầu tiên có nhiều khách du lịch cùng nghe tôi nói đến vậy. Tôi đã nghĩ đây thực sự là một cơ hội tốt để giảng chân tướng. Một trong số họ còn nói: “Trông bà thật đẹp”.

Tôi nói: “Con người ai cũng có bản tính lương thiện. Nếu người nào đó không tốt, thì tôi tin đó là bởi họ phải sống trong môi trường tiêu cực. Tôi tin bạn là người có trái tim nhân hậu.”

Cô ấy hỏi tôi: “Bà có phải là một học viên Pháp Luân Công không?“

Tôi nhìn họ một cách vui vẻ và trả lời: “Đúng vậy! Các bạn hãy xem bảng tin phía sau tôi, trên đó có thông tin chân tướng về vụ tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn”. Tôi chỉ vào một bức tranh trên bảng và giải thích: “Suy nghĩ một chút các bạn sẽ thấy, nếu một người đang bốc cháy thì liệu anh ta có ngồi yên đó để chờ người khác tới dập lửa hay không? Trong tình huống này đáng lẽ người bị cháy sẽ ngay lập tức phải quằn quại đau đớn do tay của anh ta đã bị bỏng nặng. Rõ ràng, đoạn phim này là giả!”

Họ gật đầu và chăm chú đọc bảng thông tin. Tôi nói tiếp: “Pháp Luân Công không có động cơ chính trị. Chúng tôi chỉ muốn các bạn biết được sự thật. Chúng tôi vẫn sẽ làm vậy vì cuộc bức hại đang diễn ra. Tất cả các bạn đều đã từng gia nhập Đội Thiếu niên Tiền Phong từ khi còn nhỏ vì các bạn không có sự lựa chọn nào khác. Hiện giờ các bạn đã minh bạch chân tướng, các bạn có quyền lựa chọn tương lai cho chính mình! Các bạn chỉ cần dùng hóa danh để thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, và việc này sẽ không làm xáo trộn cuộc sống của các bạn”.

Thông thường nếu lúc đó có người tỏ ra do dự thì tôi sẽ nói: “Tôi không biết bạn là ai, nhưng tôi hy vọng cơ hội này sẽ đem đến cho bạn bình an”.

Tuy nhiên, hai người phụ nữ mà tôi nói chuyện lúc đầu đã đồng ý với hóa danh mà tôi đặt cho họ và thoái ĐCSTQ. Một trong số họ nói: “Tôi biết các học viên Pháp Luân Công là những người tốt”.

Ba người đàn ông khác đến hỏi về hóa danh tôi sẽ đặt cho họ. Lần lượt tất cả bọn họ đều đồng ý thoái ĐCSTQ.

Giảng chân tướng cho hướng dẫn viên du lịch

Đôi khi, hướng dẫn viên du lịch là người ra sớm hơn để đứng đợi khách. Đây là cơ hội tốt để tôi giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho họ. Một lần, tôi gặp một hướng dẫn viên du lịch và hỏi anh ấy: “Xin phép anh cho tôi hỏi, đây có phải là ngày thứ hai trong lịch trình tham quan của đoàn khách này hay không?”

Người hướng dẫn viên trả lời: “Không, tôi đang chuẩn bị đưa họ đến sân bay”.

Sau đó, tôi hỏi lại: “Vậy là anh đã đưa họ đi tham quan ở khu Nam, và tất cả họ sẽ tập trung tại đây chứ ạ?”

Anh ấy trả lời: “Vâng, đúng thế!”

Sau đó tôi hỏi anh ấy có biết chân tướng về Pháp Luân Công không. Anh ấy gật đầu và mỉm cười.

“Giờ anh đã biết về chân tướng, mong anh hãy đứng về phía công lý. Chúng tôi đang giảng chân tướng không chỉ với người dân Trung Quốc, mà còn với cả những người chưa hiểu rõ sự thật. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn đang diễn ra và ĐCSTQ vẫn không ngừng thu hoạch tạng sống của các học viên Pháp Luân Công. Tôi cũng là người tu luyện Đại Pháp như bao học viên bị bức hại khác, do vậy chúng ta không nên lảng tránh cuộc bức hại này chỉ vì chúng ta đang được sống trong một xã hội tự do dân chủ”.

Tôi nói tiếp: “Hơn nữa, tôi là người thực hành theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Sư phụ chúng tôi dạy chúng tôi phải luôn nghĩ đến người khác trước. Đáng lẽ tạng ghép nên lấy từ người hiến tặng chứ không phải như tội ác mà ĐCSTQ đang làm, đó là thu hoạch tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống! Chúng tôi nói với mọi người về điều này vì không muốn họ trở thành đồng phạm hay nạn nhân của tội ác đó.”

Người hướng dẫn viên dường như hiểu hơn về những gì chúng tôi đang làm. Anh ấy nói: “Tôi chưa từng ngăn cản họ lấy báo và tài liệu ở chỗ bà”. Tôi giơ ngón cái lên tán thưởng: “Điều anh làm rất đúng đắn!”

Nói cho người Đài Loan và người nước ngoài biết về Pháp Luân Công

Chợ đêm Tây Môn Đình tại Đài Bắc thường xuyên có nhiều khách lẻ đến tham quan. Tôi thường nói với du khách tại đây: “Xin các bạn hãy đứng về phía công lý và cùng chúng tôi phản đối cuộc đàn áp này. Chúng tôi cũng rất mong các bạn tham gia ký tên thỉnh nguyện. Mỗi chữ ký sẽ đem tới thêm hy vọng cứu người.”

Nếu có ai đó dừng lại lắng nghe tôi nói, tôi sẽ giải thích một cách chi tiết để họ có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra và ký tên thỉnh nguyện.

Về đêm, Tòa nhà Đài Bắc 101 thu hút rất nhiều khách du lịch từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan và các quốc gia khác đến tham quan. Nhiều người thích chụp ảnh ở mặt trước tòa nhà. Nụ cười là ngôn ngữ chung của cả thế giới, vậy nên tôi thường mỉm cười và chào hỏi họ trước, sau đó mới phát tờ rơi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Có lần, tôi gặp hai chàng trai trẻ tuổi. Một trong số họ rõ ràng là người Hàn Quốc, và người kia trông giống người Đài Loan. Họ đang đứng chụp ảnh. Tôi đưa cho người Hàn Quốc một tờ rơi bằng tiếng Hàn và sau đó nhờ người Đài Loan giải thích cho anh ta cách chụp để lấy được toàn cảnh tòa nhà. Tôi nói với họ rằng mọi người đều có quyền biết sự thật. Khi tôi vừa nói xong, người Hàn Quốc liền nói bằng tiếng Trung: “Tôi biết điều này. Tôi biết chứ!”

Tốt quá, cậu ta biết tiếng Trung. Sau đó tôi giảng cho họ chân tướng về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp ở Trung Quốc. Có vẻ như người thanh niên Đài Loan muốn rời đi, nhưng chàng trai người Hàn Quốc vẫn nói chuyện với tôi và cho biết cậu ta đã biết đến điều này khi ở Hàn Quốc. Tôi hỏi cậu ấy sao nói được tiếng Trung tốt như vậy. Cậu ấy kể rằng mình đã từng có thời gian học tập tại Trung Quốc từ khi còn nhỏ và quay về Hàn Quốc khi trưởng thành. Tôi đã khuyên cậu ấy nên thoái Đội Thiếu niên Tiền Phong. Cậu ấy hiểu và đồng ý ngay.

Theo kịp tiến trình Chính Pháp

Tôi đi làm vào các ngày trong tuần, vì vậy tôi dành thời gian học Pháp và giảng chân tướng ngoài giờ làm việc. Tôi lên lịch làm việc cho tất cả các ngày. Theo thời gian, tôi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm và nhận thức sâu sắc hơn trong nhiều tình huống. Đồng thời, tôi cũng gặp nhiều thử thách hơn và không ngừng đề cao.

Tại các điểm du lịch, một số học viên thường chọn cách không làm phiền khách du lịch khi họ đang xem bảng tin; một số học viên khác lại không muốn bỏ lỡ cơ hội, nên họ sẽ giảng chân tướng ngay và thuyết phục du khách thoái ĐCSTQ. Một số học viên còn nhắc nhở tôi: “Đừng tiếp cận du khách khi họ đang đọc bảng tin”.

Tôi thường phối hợp cùng các đồng tu khi được nhắc nhở làm vậy nhưng vẫn chưa buông bỏ được chấp trước của mình. Tôi cho rằng giảng chân tướng khi du khách đang xem bảng tin là cách làm hiệu quả.

Thực tế đây là một khảo nghiệm với tôi về chấp trước muốn chứng thực bản thân.

Sư phụ giảng:

“Nếu chư vị chứng thực Pháp, thì người khác nói chư vị cái gì chư vị cũng bất động tâm. Nếu người khác công kích ý kiến chư vị, làm chư vị [tức đến mức] nghẹn lời, chư vị cảm thấy khó chịu, chư vị nếu như gặp lúc người khác nhắm vào vấn đề nào đó của chư vị mà phản đối ý kiến chư vị hoặc không đồng ý với ý kiến chư vị, lúc ấy chư vị cảm thấy khó chịu, chư vị bèn đứng lên phản đối và giải thích, từ đó tạo thành lạc đề và không quan tâm nữa, thì dù là giải thích thiện ý nhất đi nữa, chư vị vẫn là chứng thực chính mình, (vỗ tay) bởi vì chư vị không đặt Đại Pháp ở vị trí thứ nhất, lúc ấy điều chư vị không buông được chính là chính mình.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế NewYork 2004)

Đôi khi tôi sẽ luyện các bài công pháp tại các điểm du lịch. Có lần, tôi không đạt được trạng thái tu luyện tốt. Các học viên khác đã chỉ ra những lỗi sai và sửa lại động tác cho tôi. Tôi biết mình có chấp trước khi cảm thấy khó chấp nhận những lời chỉ trích và muốn giữ thể diện.

Con xin cảm tạ Sư phụ đã an bài hết thảy mọi việc cho con. Cảm ơn các bạn đồng tu đã giúp tôi chính lại những điều chưa đúng đắn của bản thân. Nhờ vậy, tôi có thể phát hiện ra các vấn đề của mình và nhanh chóng chính lại bản thân để làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/4/379973.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/26/174773.html

Đăng ngày 21-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share