Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 4-1-2019] Sau khi thụ án tù 11 năm, bị mất mẹ và ông bà, bị vợ ly dị vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một người dân ở huyện Lễ, tỉnh Hà Bắc lại bị kết án 21 tháng tù vì kiên định đức tin của mình.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ngày 25 tháng 12 năm 2018, Tòa án Huyện Lễ tuyên án ông Vương Hướng Huy 21 tháng tù giam và phạt 10.000 tệ. Gia đình ông đã kháng cáo.

Ông Vương đã xuất hiện trước Tòa án Huyện Lễ vào ngày 21 tháng 11 năm 2018, sau gần 1,5 năm bị giam giữ vì đã viết thư cho các quan chức chính phủ cấp cao yêu cầu bồi thường về tài chính cho những gì mà gia đình ông phải chịu trong cả thập kỷ qua, cũng như yêu cầu phơi bày thông tin về Phòng 610, một tổ chức ngoài vòng pháp luật, được lập ra để chuyên bức hại Pháp Luân Công.

Cả luật sư và cha của ông Vương đều biện hộ vô tội cho ông. Ba nhân viên cảnh sát đã làm chứng trước tòa, nhưng những báo cáo họ đưa ra lại trái ngược nhau trong việc miêu tả rằng họ có xuất trình những văn bản pháp lý cần thiết trước khi tiến hành bắt giữ và lục soát nhà ông Vương hay không.

Bị bắt giữ ngay sau khi người mẹ qua đời vì bị bức hại được năm ngày

Ông Vương bị bắt giữ vào ngày 16 tháng 6 năm 2018, chỉ năm ngày sau khi mẹ của ông, bà Lưu Quý Bồ qua đời vì bị bức hại, cũng chỉ bởi đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Theo lời hàng xóm của ông Vương, vài ngày trước, họ phát hiện thấy một chiếc xe hơi màu trắng đỗ bên ngoài khu chung cư và nó đã biến mất sau khi ông Vương bị bắt. Họ nghi ngờ cảnh sát đã theo dõi ông nhiều ngày trước khi tiến hành bắt giữ ông.

Hai tháng sau vụ bắt giữ, ngày 23 tháng 8, cảnh sát đã đệ trình vụ án của ông Vương lên Viện Kiểm sát Huyện Lễ cáo buộc ông “sử dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ được chính quyền cộng sản quy chuẩn hòng khép tội các học viên Pháp Luân Công.

Ngày 16 tháng 10 năm 2017, Viện Kiểm sát đã chuyển hồ sơ vụ án của ông Vương sang Tòa án Huyện Lễ.

Luật sư tại phiên điều trần: Cảnh sát đã lừa thân chủ tôi nhận tội

Tòa án lên lịch tổ chức phiên điều trần vào ngày 8 tháng 2 năm 2018 nhưng đã bị hủy bỏ vì chủ tọa phiên tòa bị ốm đột ngột.

Sau đó, phiên điều trần đã diễn ra vào ngày 10 tháng 7 năm 2018. Ông Vương xuất hiện tại tòa án với hai tay bị còng và bị xích chân. Chấp hành viên của tòa án đã tháo còng cho ông theo yêu cầu của luật sư.

Theo luật sư, ông Vương ra hầu tòa trong tình trạng xanh xao và yếu ớt sau hơn một năm bị giam giữ. Răng hàm của ông bị gãy gần hết do bị tra tấn trong suốt 11 năm bị cầm tù oan sai trước đó. Ông cũng gặp khó khăn khi ăn uống và rất hốc hác.

Luật sư của ông Vương cáo buộc cảnh sát đã lục soát nhà thân chủ của ông mà không có những văn bản pháp lý phù hợp, không cung cấp bản sao biên bản khám xét hay danh sách các đồ vật bị tịch thu, và cả bản thú tội do bị cảnh sát gài bẫy.

Ông Vương cũng kể lại việc cảnh sát đã ‘gài’ ông nhận tội như thế nào. Ông nói rằng trong phiên thẩm vấn, cảnh sát Vương Quân Xương đã hỏi ông: “Có phải ông đã gửi thư cho Chủ tịch tỉnh Hứa Cần phải không? Nếu ông nhận mình đã gửi lá thư đó, tôi đảm bảo ông sẽ được thả và sẽ tôi sẽ chống lại những người muốn kết án ông vì lá thư đó. ”

Vì tin tưởng viên cảnh sát đó, ông Vương đã nhận mình chính là người đã viết thư cho Chủ tịch tỉnh Hứa Cần và những quan chức khác yêu cầu bồi thường tài chính cho việc mình bị cắt lương trong suốt thời gian ông bị cầm tù. Một giờ sau, ông đã bị giam giữ hình sự và bị chuyển đến trại tạm giam huyện. Ngay sau đó, cảnh sát đã đệ trình vụ việc của ông lên viện kiểm sát.

Phiên tòa

Ngay sau phiên điều trần, cả thẩm phán và công tố viên phụ trách vụ án của ông Vương đều bị thay đổi.

Chỉ có ba người nhà của ông Vương được phép tham dự vào phiên tòa diễn ra vào ngày 21 tháng 11 năm 2018. Cảnh sát và các quan chức chính quyền ngồi chật kín phòng xử án.

Ba cảnh sát là Vương Quân Xương, Trương Sỹ Siêu, và Trần Lập Ninh là những người đã bắt giữ ông Vương xuất hiện tại tòa án trong vai trò là nhân chứng truy tố.

Khi công tố viên hỏi họ có trình lệnh khám xét và giấy triệu tập trước khi tiến hành bắt giữ ông Vương hay không, cả ba nhân viên này đã đưa ra những câu trả lời mâu thuẫn nhau.

Cảnh sát Vương Quân Xương đã thừa nhận rằng lệnh khám xét và hồ sơ đã được làm sau khi ông Vương bị bắt giữ. Nhưng ông ta đã đổ lỗi rằng cha của ông Vương đã ngăn cản họ và gây ra cảnh hỗn loạn khiến cho họ không thể kịp thời điền thông tin vào các tài liệu cần thiết.

Khi công tố viên hỏi Vương Quân Xương rằng ông Vương Hướng Huy đã ở đâu khi họ lục soát nhà của ông ấy, cảnh sát Vương trả lời rằng ông Vương đã bị đưa vào trong xe của cảnh sát, và rằng họ đã đưa lệnh khám xét cho cha của ông Vương trước khi quay lại lục soát nhà ông Vương.

Sau đó đến lượt Trương Sỹ Siêu xuất hiện. Ông ta tuyên bố rằng họ đã trình đủ các tài liệu cần thiết, bao gồm cả thẻ cảnh sát cho người nhà của ông Vương trước khi tiến hành lục soát nhà của ông. Ông ta nói rằng ông Vương đã đứng ở sân trước trong khi họ tiến hành lục soát nhà của ông.

Cảnh sát Trần Lập Ninh, nhân chứng cuối cùng nói rằng họ đã cho ông Vương xem lệnh khám xét trước khi tiến hành lục soát nhà ông.

Khi được hỏi họ có đeo các thiết bị ghi hình được yêu cầu cho cảnh sát khi thực hiện nhiệm vụ hay không, cả ba người đều nói họ không nhớ.

Luật sư của ông Vương lập luận rằng các thiết bị này rất quan trọng để cho người khác biết rằng cảnh sát không vi phạm các thủ tục pháp lý khi thi hành nhiệm vụ.

Luật sư cũng chỉ ra rằng theo các tài liệu của cảnh sát, lệnh khám xét được ban hành vào lúc 12 giờ 55 phút chiều, trong khi hồ sơ khám xét lại ghi là lúc 12 giờ 50 phút. Khi luật sư hỏi Trần Lập Ninh về điểm khác biệt về thời gian này, anh ta đã không nói được lời nào.

Cha ông Vương cũng khai rằng ông đã hỏi cảnh sát tại sao llại bắt giữ con ông mà không có các giấy tờ pháp lý, đồng thời nói cho họ sự thật về Pháp Luân Công. Các nhân viên cảnh sát này đã im lặng lắng nghe trong hơn 10 phút và tình hình lúc đó không hề hỗn loạn như lời của cảnh sát Vương mô tả.

Cha ông Vương cũng lập luận rằng Pháp Luân Công không nằm trong danh sách các tổ chức tà giáo do Bộ Công an liệt kê và công tố viên cũng không cung cấp được các thông tin chi tiết về việc con trai ông đã gây ra những thiệt hại gì hay cản trở việc thực thi luật pháp như thế nào khi viết những lá thư trên.

Một tháng sau, thẩm phán đã kết án ông Vương đúng vào Ngày Giáng sinh.

Bị tra tấn trong lầm bị cầm tù trước đó

Án tù gần đây nhất của ông Vương được tuyên sau những lần bị bắt giữ liên tục và một án tù 11 năm.

Năm 2001, ông bị sa thải và sau đó phải chịu các hình thức tra tấn tàn bạo trong suốt 11 năm bị cầm tù oan sai vì không từ bỏ đức tin của mình. Nhiều vết sẹo do bị tra tấn vẫn còn rõ mồn một trên cánh tay của ông.

2015-2-22-minghui-kuxing-tiexi-1--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Đánh vào đầu

2012-6-18-cmh-kuxingtu-11--ss.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: Tra tấn bằng điện

Vào mùa đông lạnh giá, lính canh tù đã đổ nước lạnh vào người ông và bắt ông phải đứng ngoài trời trong ba ngày. Chân ông bị tê cóng nghiêm trọng, cánh tay trái của ông bị liệt và bốn chiếc răng hàm của ông bị rụng.

Lính canh đã sốc điện vào tay và chân ông. Ông đau đớn cùng cực và đã ngất xỉu. Sau một thời gian lâu không thấy ông tỉnh lại, tù nhân đã lấy đầu thuốc lá đang hút châm vào người ông.

Lính canh cũng đốt móng tay ông bằng đầu thuốc lá đang cháy, giẫm và đè nát các ngón chân của ông.

Vợ ông, một cảnh sát, đã bị ép phải ly dị ông sau khi ông bị kết án 11 năm tù. Ông không còn nhà để về sau khi đươc ra tù.

Sau khi bị cơ quan cũ từ chối bồi thường thiệt hại về tài chính, ông đã quyết định viết thư cho các quan chức cấp cao của chính phủ, bao gồm cả Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhưng ông đã bị bắt và kết án tù.

Gia đình liên tục bị bức hại vì có cùng đức tin vào Pháp Luân Công

Ông Vương không phải là người duy nhất trong gia đình bị bức hại vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Mẹ ông là bà Lưu Quý Bồ, cũng đã từng bị giam hơn bảy tháng và bị tra tấn tàn bạo. Bà đã bị liệt và phải nằm trên giường hơn năm năm trước khi qua đời.

Em gái ông cũng bị bắt và bị đưa vào trại cưỡng bức lao động vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công.

Cha ông, ông Vương Bình Quân, gần 70 tuổi, cũng bị bắt giữ ba lần và hai lần bị kết án lao động cưỡng bức vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Cảnh sát cũng đã nhiều lần lục soát nhà ông và tịch thu mọi đồ đạc của ông. Ông bị mất việc và bị từ chối chi trả lương hưu. Cha mẹ ông đã lần lượt qua đời vì qus khiếp sợ và thống khổ do liên tục bị bắt giữ, nhà cửa bị lục soát và người thân bị giam giữ.

Bài viết liên quan:

Một người dân Hà Bắc bị bắt chỉ vì yêu cầu được biết thông tin về việc tổ chức ngoài luật pháp tuyên án ông 11 năm tù

Chèn sóng truyền hình nhà nước tại Trung Quốc: Góc nhìn lịch sử về cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công đối với cuộc bức hại tại Trung Quốc


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/4/380007.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/9/174573p.html

Đăng ngày 22-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share