Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đài Loan
[MINH HUỆ 28-11-2018]
Kính chào Sư phụ! Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi là đệ tử Đại Pháp trẻ hiện đang học nghiên cứu sinh tại Đài Nam. Từ năm lớp 3 đồng tu mẹ đã dẫn dắt tôi và anh trai cùng học Pháp, luyện công. Hồi nhỏ tính tôi rất không tốt, thường hay tức giận, nhưng Đại Pháp có một sức mạnh thù thắng, mỗi lần học Pháp xong, cảm giác muốn nổi đoá và không vui đó liền biến mất, trong tâm tôi chỉ cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái. Do đó tôi vẫn tiếp tục tu luyện, mãi cho đến giờ, tu luyện vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.
Nhưng trong xã hội người thường, đặc biệt là trong quá trình học tập suốt một thời gian dài tại trường học, tôi đã tiếp nhận rất nhiều quan niệm khoa học biến dị. Ngộ tính của bản thân cũng không tốt, nên tôi vẫn luôn bị giới hạn trong việc lý giải Pháp và đề cao tâm tính. Tiếp theo đây, tôi muốn chia sẻ cùng mọi người một quan rất lớn tôi gặp phải về bài vở tại trường và mối quan hệ thầy trò trong 2, 3 năm trước, và quá trình tôi hướng nội đề cao thông qua việc học Pháp như thế nào.
Còn nhớ hồi bé xíu, tôi không có khái niệm gì về thành tích và danh lợi, nhưng tôi vẫn rất chăm chỉ hoàn thành bài vở. Nhưng bị ảnh hưởng bởi các bạn cùng lớp, dần dần tôi cũng bắt đầu chú ý tới bảng xếp hạng thành tích và những lời bình phẩm của thầy cô. Sau đó khi còn học cấp 2, cấp 3 và đại học tôi vẫn luôn rất coi trọng bài vở. Hàng ngày tôi dành rất nhiều thời gian đọc sách, nghiên cứu. Vậy nên thời đại học biểu hiện của tôi trong khoa khá tốt. Tôi cũng vào phòng nghiên cứu trợ giúp giáo sư nghiên cứu sớm hơn các bạn học vài năm. Tôi vẫn luôn không ý thức được tâm hoan hỷ, tâm hiển thị, tâm tranh đấu, tâm tật đố, tâm danh lợi của mình trong thời gian này đang ngày càng bành trướng. Tôi bắt đầu cảm thấy mình giỏi hơn các bạn cùng lớp, và không thể chịu được khi bị người khác vượt mặt. Cũng vì chấp trước của tôi nên trên bề mặt biểu hiện rõ rệt là tôi được giáo sư rất trọng dụng. Trong thời gian rảnh tôi đã làm rất nhiều việc nghiên cứu, nhưng cuối cùng những việc nghiên cứu này thậm chí còn lấn cả vào thời gian học hành thường ngày của tôi. Hơn nữa điều này còn thường ảnh hưởng tới tiến độ hạng mục chứng thực Đại Pháp mà tôi phụ trách. Nhưng tôi vẫn không ý thức được đây chính là con đường cựu thế lực an bài cho tôi, mà vẫn cố gắng vượt qua nhịp điệu vô cùng bận rộn của cuộc sống. Tốt nghiệp đại học xong tôi lại học lên thạc sỹ.
Sau khi học lên thạc sỹ, giáo sư yêu cầu tôi càng cao hơn, tôi bắt đầu không thể chịu được áp lực nhịp độ công việc như vậy. Dẫu không thể cân bằng được công việc trong phòng nghiên cứu và làm ba việc, tôi vẫn gắng gượng. Nhưng thông thường tôi đều không cách nào đạt được kế hoạch như dự tính. Do đó, tôi bắt đầu trở nên không vui, thường khóc nức nở khi trở về nhà. Cuối cùng thậm chí ngày nào tôi cũng khóc, cơ thể cũng ngày càng gầy gò hơn. Tôi bắt đầu hoài nghi liệu mình có bị mắc chứng trầm cảm của người thường không. Mặc dù hàng ngày vẫn học Pháp, nhưng tình trạng của tôi lúc tốt lúc xấu, không có sự đề cao rõ rệt nào. Tình hình này vẫn kéo dài suốt hơn 1 năm, trong thời gian ấy tôi còn xuất ngoại vài tháng. Rời khỏi môi trường học hành tôi tạm thời thoát khỏi trạng thái không tốt, nhưng vừa về nước tôi lại phát hiện những mâu thuẫn trước kia tiếp tục quay trở lại từng thứ một. Tôi biết rằng tôi phải đối mặt với chấp trước căn bản của mình.
Lúc đó, tôi cũng vừa tham gia một ngày học Pháp tại khu vực phía Nam và học thuộc bài “Càng về cuối càng tinh tấn” trong “Tinh tấn yếu chỉ 3”. Đó là lần đầu tiên tôi học thuộc kinh văn. Trong quá trình học thuộc, tôi rất kinh ngạc khi phát hiện ra quan niệm thâm căn cố đế đó của mình như Sư phụ giảng trong Pháp rằng:
“Vì thống khổ làm con người khó chịu, từ đó con người, dù tự nhận ra hay không tự nhận ra, đều sẽ đối kháng với khổ nạn; mục đích là mong muốn được sống hạnh phúc hơn một chút; vậy nên khi truy cầu hạnh phúc, con người sẽ hình thành [ý tưởng] làm sao cho bản thân không phải chịu thiệt thòi, sống tốt ra sao, thế nào mới có thể vươn lên hàng đầu ‘công thành danh toại’ trong xã hội này, làm sao để hưởng thụ được nhiều, làm sao để trở thành kẻ mạnh hơn, v.v. Vì thế, cùng với lúc có được một số kinh nghiệm, thì cũng hình thành những quan niệm nhân sinh; kinh nghiệm qua thực tế lại còn khiến quan niệm trở nên ngoan cố hơn.”
Học thuộc đoạn Pháp này tôi mới ý thức một cách sâu sắc rằng quan niệm con người của mình quá nặng. Điều này đã ảnh hưởng tới việc tôi lý giải Đại Pháp mà Sư phụ truyền giảng suốt một thời gian dài. Do đó, tôi quyết định bắt đầu mỗi ngày học thuộc một trang “Chuyển Pháp Luân”. Trong đầu tôi đều được chứa đựng bởi Pháp, chứ không phải khoa học. Tôi sẽ bước theo con đường Sư phụ an bài, chứ không phải là bước trên con đường giáo sư sắp đặt cho tôi.
Sau khi bắt đầu học thuộc Pháp, thay đổi lớn nhất của tôi chính là hàng ngày dẫu gặp phải chuyện gì, cũng sẽ có một đoạn Pháp xuất hiện trong tư tưởng của tôi. Điều này khiến tôi có thể thường xuyên dùng Pháp đối chiếu với lời nói và hành vi của bản thân mình hơn. Đối với những chuyện xảy ra trong phòng nghiên cứu, tôi cũng bắt đầu có thể tìm thấy những chấp trước của mình trong đó, gồm cả tâm tật đố, tâm tranh đấu, tâm hoan hỷ, tâm hiển thị và tâm danh lợi ẩn nấp rất sâu. Sau khi buông bỏ những tâm này, tôi dần dần phát hiện ra mọi người xung quanh mình cũng có vài biến đổi nho nhỏ. Điều này khiến tôi càng hiểu rõ rằng, những mâu thuẫn trong phòng nghiên cứu đều nhằm vào nhân tâm của tôi, chỉ khi hướng nội tìm tôi mới thực sự giải quyết được vấn đề.
Ví như, trước kia khi phòng nghiên cứu họp hành, tôi thường là người nói nhiều nhất, giáo sư cũng thường tán thành với kiến giải của tôi. Một hôm, tôi muốn báo cáo tiến độ công việc với giáo sư, thì bạn cùng lớp khác muốn nhường, còn tôi vẫn phát biểu trước cách nghĩ của tôi như trước kia. Nhưng giáo sư lại bảo tôi đừng nói, để người khác luyện tập diễn giảng xem thế nào. Trong khoảng khắc đó, tôi cảm thấy hơi buồn và hơi cụt hứng. Nhưng rất nhanh chóng tôi ý thức được mình rất thích biểu đạt ý kiến, luôn muốn đi đầu là một cái tâm hiển thị ẩn rất sâu. Ngoài ra khi họp hay thảo luận công việc với các bạn cùng lớp, tôi thường cho rằng cần phải cực lực bảo vệ quan điểm của mình, thể hiện bản thân một cách mạnh mẽ và còn phải bình luận những sai sót trong các luận điểm khác một cách triệt để. Tôi vẫn luôn không ý thức được cách giao tiếp như vậy quá áp đặt và làm người khác tổn thương. Thậm chí một vài bạn học vì vậy mà cho rằng tôi cố chấp vào ý kiến của bản thân, rất khó chia sẻ. Suốt một thời gian dài, tôi đều không biết vì sao các bạn lại dán nhãn cho mình như vậy. Tôi cảm thấy mình không hề yêu cầu người khác phải nghe theo tôi. Sau này khi đọc một bài chia sẻ trên Minh Huệ Net, nhắc tới biểu hiện của tâm tranh đấu tại không gian khác là một tiểu yêu quái rất thích tranh đấu. Tôi mới ý thức được phía sau quan niệm muốn phát biểu ý kiến, cực lực bảo vệ ý kiến của bản thân chính là tâm tranh đấu mạnh mẽ. Sau đó, tôi dần dần phát hiện ra mình không còn chấp trước vào việc phải nói ra kiến giải của mình, ngược lại tôi còn có thể điềm tĩnh lắng nghe cách nghĩ của các bạn trong lớp.
Trước đây tôi thường đặt công việc của phòng nghiên cứu vào vị trí số 1. Nếu phòng nghiên cứu có việc, tôi sẽ cố gắng bỏ lại rất cả các hoạt động khác. Nếu có hoạt động chứng thực Pháp, tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành việc của phòng nghiên cứu xong xuôi mới tham gia. Tôi cho rằng như vậy người thường mới cảm thấy tôi thật chăm chỉ. Tôi không muốn giáo sư cảm thấy tôi dành quá nhiều thời gian cho các hạng mục chứng thực Pháp mình đang làm. Nhưng lâu dần tôi cảm thấy như vậy cũng không đúng, dường như là giáo sư đang sắp xếp thời gian cho tôi, chứ không phải Sư phụ an bài cho tôi. Do đó tôi bắt đầu điều chỉnh lại, ưu tiên cho tu luyện và các hoạt động Đại Pháp, giảm thiểu một phần công việc trong phòng nghiên cứu. Nhưng điều này đã ảnh hưởng tới địa vị của tôi trong phòng nghiên cứu. Dường như tôi không còn được giáo sư trọng dụng như trước kia, thậm chí giáo sư còn giao cho các em khoá dưới làm chủ kế hoạch nghiên cứu, còn tôi lại trở thành đối tượng bị quản lý. Mặc dù trên bề mặt tôi có thể hiểu được sự sắp đặt của giáo sư, tôi cũng biết rằng như vậy sẽ tốt hơn cho việc tu luyện của bản thân. Nhưng thi thoảng điều này vẫn xung kích tới tâm tật đố và tâm hiển thị của tôi. Nhờ việc kiên trì học Pháp và học thuộc Pháp, tôi dần dần hiểu được phía sau tâm tật đố và tâm hiển thị này chính là sự theo đuổi danh lợi và tâm hiếu thắng của bản thân tôi suốt một thời gian dài không chịu buông bỏ. Do đó càng ngày tôi càng có thể cân bằng được mối quan hệ giữa mình và giáo sư và cũng có thể thản nhiên tiếp nhận rằng: Có lẽ tôi sẽ không giống như các em khoá dưới sẽ ở lại đây làm việc thay giáo sư, mà tôi sẽ bước đi con đường của riêng mình.
Cứ như vậy, hàng ngày khi gặp phải chuyện không vui tại phòng nghiên cứu, tôi bèn hướng nội tìm, thản nhiên buông bỏ tâm chấp trước. Dần dần, những mâu thuẫn phức tạp giữa tôi và giáo sư cũng được hoá giải. Điều vô cùng kỳ diệu là trước đây giáo sư thường giao cho tôi rất nhiều việc quan trọng, và cho rằng tôi có thể đảm nhận được những công việc này, nhưng dần dần ông bắt đầu trọng dụng những bạn học khác. Thậm chí ông còn quên cả việc thảo luận với tôi sẽ phải làm gì. Vậy nên tôi lại càng có nhiều thời gian cho mình hơn, tôi đã có thể học Pháp, luyện công một cách bình thường. Tôi cảm thấy dường như Sư phụ đang giúp tôi bỏ bớt những việc đó đi. Những việc giáo sư giao cho tôi làm thì đều qua loa đại khái, hoặc chuyển nhượng cho người khác làm. Do đó, khi học thạc sỹ năm thứ 2, tôi có thể sắp xếp thời gian viết luận văn và làm ba việc một cách bình thường.
Trong quá trình học thuộc Pháp, rất nhiều quan niệm của tôi về căn bản đã chuyển biến. Tôi bắt đầu không sợ phải chịu khổ, không sợ gặp phải mâu thuẫn. Với rất nhiều chuyện giữa mọi người với nhau tôi đã có thể dùng Pháp lý đối chiếu nhiều hơn, chứ không bị sa lầy vào trong đó như người thường. Tôi cũng không còn muốn dùng khoa học và lô gic để bình luận người khác như trước. Nhưng trong khoảng thời gian này, tôi vẫn phát hiện ra một quan tâm tính khá lớn, khiến tôi không ngừng tu bỏ tâm danh lợi ẩn náu rất sâu rất sâu. Từ nhỏ tới lớn, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục nhà trường, tôi đã hình thành quan niệm theo đuổi danh lợi. Tôi cho rằng bài vở tốt, sự nghiệp có thể làm lớn sẽ kinh thiên động địa. Thậm chí tôi còn vô tình coi thành quả nghiên cứu học thuật tương đương với danh lợi mình đạt được. Tôi không ý thức được phía sau sự đặt tâm của tôi đều là tâm danh lợi. Cách đây không lâu, một bài học thuật do tôi viết chính đã được ra mắt, nhưng tôi lại không hề được liệt kê vào danh sách tác giả. Vì chuyện này tôi bắt đầu nảy sinh tâm oán hận với giáo sư. Sau này, khi chia sẻ với đồng tu và không ngừng học Pháp, dần dần tôi mới có thể buông bỏ và thản nhiên chấp nhận việc mất đi cái danh ấy.
Nhưng tiếp đó, biểu hiện của giáo sư lại dường như chỉ muốn lấy hết thành quả nghiên cứu của tôi mà không dạy tôi những điều mới mẻ nữa. Tôi được yêu cầu phải giao tài liệu luận văn chưa công bố của mình cho một người khác cùng sử dụng. Điều này khiến tôi cảm thấy rất buồn. Một hôm học Pháp xong, tôi mãi gặng hỏi bản thân mình rốt cuộc là tâm gì mà khiến mình buồn rầu như vậy. Đột nhiên tôi nhớ tới việc tín Sư tín Pháp. Tôi đã đi theo con đường giáo sư sắp đặt cho tôi, vậy thì giáo sư yêu cầu tôi làm việc này, nhất định là có chỗ cho tôi đề cao. Đột nhiên, tôi minh bạch ra rằng việc này cần tôi tu xuất tâm từ bi. Sau khi cảm thấy mình bị người khác làm tổn thương, tôi vẫn nên phó xuất vì người khác mà không màng tới chuyện cũ. Sau khi buông bỏ tâm oán hận, tôi bình tĩnh thản nhiên nói rõ tình huống của mình với giáo sư. Ông cũng bày tỏ sự thấu hiểu và không yêu cầu tôi giao tài liệu ra nữa.
Sau khi điều chỉnh lại trạng thái tu luyện, tôi không còn dành nhiều thời gian đọc sách, nghiên cứu như trước đây nữa, mà duy trì thời gian làm tốt ba việc nhiều hơn. Nhưng luận văn nghiên cứu của tôi không vì vậy mà phải thụt lùi, hiệu suất công việc của tôi bất giác đã trở nên nhanh hơn rất nhiều. Tôi cũng thường xuất hiện những linh cảm mới mẻ. Trong phòng nghiên cứu, tôi không còn khao khát giáo sư sẽ dạy tôi tri thức nào mới hay sẽ khẳng định tôi nữa. Ngược lại, đối chiếu Pháp lý với những nghiên cứu của mình, lại khiến tư duy của tôi rõ ràng hơn. Quan điểm của tôi càng được các giáo sư công nhận, luận văn của tôi cũng được hoàn thành một cách thuận lợi.
Trong quá trình viết bài chia sẻ này, tôi tìm thấy rất nhiều tâm chấp trước của mình, như tâm sợ hãi và tâm tự ti cảm thấy mình tu luyện chưa đủ tốt. Cách đây không lâu, đột nhiên tôi bị người phụ trách hạng mục nói rằng phải chăng tôi quá ưu tú nên mới bận như vậy, mà không có cách nào nâng cao trình độ công việc trong hạng mục. Lúc đó nghe được lời này tôi chợt lặng người và hiểu ra rằng mình cần tiếp tục đề cao. Chỉ cân bằng tốt công việc của người thường còn chưa đủ, mà tôi vẫn cần phải tiếp tục đề cao tâm tính, mở rộng tấm lòng mới có thể thực sự làm tốt phận sự của một đệ tử Đại Pháp.
Tầng thứ có hạn, những chỗ thiếu sót mong đồng tu từ bi chỉ giúp.
Cảm ơn Sư phụ, cảm ơn các bạn đồng tu.
(Bài chia sẻ giao lưu tâm đắc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Pháp hội Đài Loan năm 2018)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/28/377759.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/29/173441.html
Đăng ngày 21-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.