Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 27-10-2018] Tô-ma là một trong 12 Tông đồ của Giê-su. Khi còn trẻ, Tô-ma là người ngay thẳng, cởi mở và rất hiếu thảo với cha mẹ.
Giê-su xuất hiện trước các đệ tử của ông ngay sau khi ông phục sinh, tuy nhiên, Tô-ma lại không có mặt lúc đó. Do đó, khi các đệ tử khác hào hứng nói với Tô-ma rằng họ đã nhìn thấy Giê-su, ông đã nghi ngờ họ và nói: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không đặt bàn tay vào cạnh sườn của người, tôi sẽ không bao giờ tin.”
Tám ngày sau, Giê-su lại xuất hiện giữa các đệ tử của ông. “Để đảm bảo với con,” ông nói với Tô-ma, “Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn kỹ bàn tay ta. Hãy đến đặt bàn tay con vào cạnh sườn ta. Đừng ngờ vực nữa mà hãy tin!”
Tô-ma đáp: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Giê-su nói: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin.”
Vì Tô-ma đã nuôi dưỡng trong mình thái độ “không thấy, không tin,” sau sự phục sinh của Chúa, người ta thường gọi ông là “Tô-ma đa nghi.”
Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi có thể nhận thấy rất nhiều người chúng ta có thái độ giống như Tô-ma – chỉ khi nhìn thấy, chúng ta mới tin.
Ví dụ, khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ và không có mâu thuẫn, chúng ta kiên định tin tưởng vào Đại Pháp. Tuy nhiên, khi bị đối xử không tốt, chúng ta lại có khuynh hướng than phiền.
Sư phụ giảng:
“Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui.” (Cảnh giới, Tinh tấn yếu chỉ)
Mặc dù đã đọc bài đoạn Pháp này nhiều lần, nhưng một số học viên trong chúng ta vẫn thấy thật khó để tuân theo lời Sư phụ khi bị ai đó đối xử không tốt.
Tuy nhiên, khi mọi người đối xử không tốt với chúng ta, chẳng phải chúng ta được “tứ đắc” hay sao? Vậy có gì mà chúng ta phải than phiền? Khi chúng ta than phiền, đó chẳng phải là một hình thức của nghi tâm sao? Nếu chúng ta kiên định tín Sư, chúng ta có bao giờ oán hận ai đó vì đối xử không tốt với mình không? Thay vào đó chẳng phải chúng ta nên cảm ơn họ?
Nhiều học viên đã học thuộc những bài giảng của Sư phụ về nghiệp chuyển hoá thành đức như thế nào thông qua chịu khổ. Tuy nhiên, một số chúng ta vẫn lo lắng khi đối mặt với nghiệp bệnh, và tìm đến điều trị y tế. Điều đó không phải cũng giống như đang nghi ngờ Sư phụ sao? Nếu chúng ta có đức tin kiên định vào Pháp, thì suy nghĩ đi khám bác sỹ sẽ không bao giờ nổi lên trong tâm trí chúng ta.
Trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, hầu hết các học viên dường như đều kiên định vào đức tin của họ. Họ ngộ ra một cách minh bạch rằng họ nên “dĩ Pháp vi sư.” Tuy nhiên, sau khi bị bức hại, nhiều người đã run rẩy lo sợ.
Nếu chúng ta tin tưởng rằng Sư phụ luôn ở bên, liệu chúng ta có sợ cảnh sát hay nghe theo những yêu cầu của họ không? Liệu chúng ta có cảm thấy đơn độc không? Với một người có đức tin kiên định vào Pháp, tâm của họ sẽ rất trầm tĩnh.
Đức tin của một người sâu dày đến đâu sẽ chỉ hiển lộ trong những tình huống khó khăn. Khi đức tin cắm rễ sâu trong tâm, họ có thể làm chấn động cả thế giới mười phương!
Nghi tâm
Nếu chúng ta nuôi dưỡng nghi tâm trong quá trình tu luyện, sẽ có lúc chúng ta thậm chí còn nghi ngờ cả Sư phụ! Một tay nắm Phật Pháp, một tay nắm thế gian con người sẽ chẳng đưa chúng ta tới đâu cả.
Chính đức tin giúp kết nối chúng ta với Thần. Đức tin càng mạnh mẽ, mối liên hệ càng bền chặt. Không có đức tin, Thần không thể giúp chúng ta “phản bổn quy chân” được.
Nghi tâm là một quan niệm người thường biến dị và không đúng đắn. Chỉ có bằng cách vứt bỏ sự nghi ngờ trong mình, chúng ta mới có được chính niệm mạnh mẽ.
Nếu một người tu luyện vẫn còn ôm giữ nghi tâm, anh ta đang do dự giữa hai lựa chọn: trở thành một vị Thần hay làm một người thường. Khi chúng ta kiên định tín Sư, chúng ta được kết nối với Ngài và chỉ như vậy Ngài mới có thể giúp chúng ta. Nếu trong tâm chúng ta đầy những nghi hoặc, sự liên kết giữa chúng ta với Sư phụ không thể mạnh mẽ và vì vậy mà Ngài không thể giúp chúng ta.
Có một câu nói trong người thường rằng: “Dùng người thì phải tin, mà đã không tin thì không dùng.” Nếu nửa tin nửa ngờ thì chẳng làm nên trò trống gì cả. Chỉ bằng cách có đức tin kiên định vào Sư phụ, chúng ta mới có thể tiến đến viên mãn.
Người thường cần thấy trước mới tin, trong khi các học viên chúng ta cần tin trước mới có thể thấy.
Sư phụ giảng:
“Thấy mới tin, không thấy không tin, vậy đó là cái thấy của kẻ ‘hạ sỹ’. Người ở trong mê, tạo nghiệp nhiều lắm, bản tính bị mê đâu thể nào thấy được. Ngộ trước thấy sau, tu tâm trừ nghiệp, bản tính hễ xuất liền có thể thấy.” (Vì sao không được thấy, Tinh tấn yếu chỉ)
Khi chúng ta nghi hoặc, chúng ta cũng giống như Tô-ma, chao đảo qua lại. Mặc dù ông ta rất chăm chỉ trong tu dưỡng đạo đức, nhưng nghi tâm của ông đã khiến ông không thể tu luyện lên những tầng thứ cao.
Đối với một học viên, có đức tin kiên định vào Sư phụ vừa là căn bản, vừa là then chốt. Không có đức tin, chúng ta không bao giờ có hy vọng đạt viên mãn!
Trên đây là những thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/27/376240.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/5/173513.html
Đăng ngày 15-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.