Bài viết của Brianna Pendleton, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 21-12-2014 ] “Những gì diễn ra ở Serbi là một dấu hiệu cho thế giới thấy cách mà Trung Quốc cố gắng để mở rộng chính sách áp đặt của mình ra ngoại quốc. Tất cả chúng ta thuộc các ngành nghề và các tầng lớp xã hội khác nhau. Chúng ta có một điểm chung – chúng ta là những học viên Pháp Luân Đại Pháp. Và chỉ vì điều đó, chúng ta bị giam giữ ở Serbia.”

Sergey Ponomarev, một nhà báo người Nga sống ở Bulgaria, đã phát biểu như trên tại một cuộc họp báo ở Sofia, Bulgaria vào ngày 18 tháng 12 năm 2014.

Ông Ponomarev là một trong 11 học viên đã đến Belgrade, Serbia để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) ở Trung Quốc trong chuyến thăm của Thủ trướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhằm tham dự Hội nghị thượng đỉnh CEE – Trung Quốc (Trung và Tây Âu) vào hai ngày 16 và 17 tháng 12.

Tất cả 11 học viên đã bị giam giữ và trục xuất khỏi Belgrade trước ngày 15 tháng 12. Kể từ đêm ngày 17 tháng 12, họ đã bị đưa về đất nước mình là Bulgaria, Slovakia, và Phần Lan.

Tại trại tạm giam cách Belgrade hơn 10 dặm, 11 học viên đã bị yêu cầu ký tuyên bố thừa nhận đã tới Serbia để tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp – tất cả họ đều từ chối ký tên.

Các học viên chỉ ra rằng chế độ Cộng sản Trung Quốc không xa xôi như nhiều người nghĩ. Sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các giá trị toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi người, và gây nên những tổn hại vượt khỏi biên giới Trung Quốc.

77d7d2c8e64a5656d11f0986ce93d887.jpg

Các học viên Pháp Luân Công phát biểu trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Bulgaria ở Sofia, Bulgaria vào ngày 18 tháng 12 năm 2014 (Ảnh do Đài truyền hình Tân Đường Nhân cung cấp)

Một thử thách cam go

“Căng thẳng” là một thuật ngữ mà các học viên thường dùng khi kể về trải nghiệm của họ.

Các học viên Bulgaria biết rằng các học viên Serbia không được cấp phép cho cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch ban đầu. “Ý tưởng của chúng tôi là gặp gỡ các học viên Serbia và tuần hành trong chiếc áo phông Pháp Luân Đại Pháp màu vàng trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Belgrade. Tất cả những gì chúng tôi định làm đều được luật pháp cho phép,” Victoria Germanova, một công dân Bulgaria nói.

Theo anh Dejan Markovic, một liên lạc viên của các học viên Pháp Luân Công ở Serbia, anh đã nộp đơn tới giới chức địa phương để xin phép chính thức tổ chức các hoạt động ôn hòa vào ngày 15-18 tháng 12 năm 2014, nhưng nhà cầm quyền đã từ chối đơn mà không chỉ ra được lý do hợp pháp, theo quy định của pháp luật.

Vào đêm 14 tháng 12 năm 2014, khi chín học viên, gồm bảy công dân Bulgaria và hai người Nga sống ở Bulgaria, vừa đến nhà nghỉ, cảnh sát Serbia đã xuất hiện và lấy đi chứng minh thư, giấy tờ và điện thoại của họ.

Khi bị đưa đến trại tạm giam vì hành vi nhập cư bất hợp pháp, tất cả vật dụng cá nhân của họ đã bị lấy đi, gồm tiền mặt, thẻ tín dụng và những thứ khác.

Yêu cầu được liên lạc với Đại sứ quán Bulgaria của họ liên tục bị từ chối và trì hoãn. Khi đến đồn cảnh sát, họ được hứa sẽ được gọi một cuộc điện thoại, nhưng khi đến trại tạm giam, lời cam kết không được thực hiện. Cuối cùng họ được gặp lãnh sự Bulgaria vào chiều ngày thứ Ba, hai ngày sau khi bị bắt giữ vào đêm Chủ Nhật.

Lãnh sự không biết về cáo buộc đối với các học viên là “đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng của Serbia,” một chiêu bài gán tội tương tự như những gì mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã viện đến để bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc: “phá hoại việc thực thi pháp luật.”

Sự ủng hộ trong Liên minh Châu Âu

Việc giam giữ và trục xuất các học viên đã gây sự chú ý của Ủy ban Hợp tác và Ổn định EU – Serbia thuộc Nghị viện Châu Âu, một tổ chức của Châu Âu. Ông Eduard Kukan, thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP), và là Chủ tịch Ủy ban, nói:

“Xét rằng Serbia là một nước ứng cử viên gia nhập liên minh Châu Âu, chúng tôi thấy rằng những động thái mà chính quyền Serbia thực hiện trong vụ việc này rất đáng báo động, và chúng tôi yêu cầu thả các nhà hoạt động nhân quyền cũng như đưa ra một giải thích rõ ràng về vụ việc này.”

Đáp lại những câu hỏi của truyền thông liên quan đến việc giam giữ các học viên Bulgaria ở Serbia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bulgaria cũng chỉ ra rằng quyền tự do hội họp và tự do biểu tình là quyền bất khả xâm phạm của công dân EU.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) và các tổ chức nhân quyền khác như Yukom ở Serbia cũng lên tiếng. AI cho hay, “Tổ chức Ân xá Quốc tế quan ngại rằng chính quyền Serbia đang hành động phi pháp, và thúc giục họ lập tức chấm dứt mọi việc giam giữ bất kỳ người nào chỉ căn cứ vào ý định thực hiện quyền biểu tình ôn hòa của người đó.”

“Một phiên bản cực nhẹ” của những gì đang diễn ra ở Trung Quốc

Cô Lilia Kostovaf, học viên Bulgaria, nói tại buổi họp báo: “Chúng tôi đã đọc nhiều thông tin về cuộc bức hại có hệ thống đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Và những gì xảy ra với chúng tôi là một phiên bản còn khá nhẹ so với những gì chúng tôi đã đọc.”

Anh Martin Angelov, một học viên Bulgaria khác, nói thêm: “Khi chúng tôi tổ chức các sự kiện để thông báo với mọi người về nạn thu hoạch nội tạng và thu thập chữ ký nhằm chống lại việc đó cho tổ chức quốc tế DAFOH (Hiệp hội các Bác sỹ chống Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng), mọi người thường nói: ‘Ồ, vâng, nhưng Trung Quốc ở rất xa – tận đầu kia thế giới. Tại sao chúng ta lại phải quan tâm nhỉ?’ Nhưng giờ đây thì tôi nhận ra là nó không hề xa vời. Trong tình huống cụ thể này, tôi có thể thấy sự đàn áp thậm chí còn lan đến cả Châu Âu. Điều này, với tôi, là một cú sốc.”


Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/21/147390.html

Đăng ngày 12-01-2015. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share