Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua với triều đại. Tám vị tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hoà, và Hà Tiên Cô. Rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, tám vị này là Đại Tiên trong Đạo gia, và họ thường tụ tập, họp mặt với nhau.
Tào Quốc Cữu là hoàng tộc của một hoàng đế; Lý Thiết Quải có tật ở chân nên bước đi với một cây gậy; Hà Tiên Cô là một phụ nữ trẻ đẹp; Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi già của mình và thường cưỡi ngược trên lưng lừa. Hàn Tương Tử là cháu trai của Hàn Dũ, một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường, thường thích thổi sáo; Hán Chung Ly luôn luôn được nhìn thấy với một tay phe phẩy cái quạt lá.
Trong suốt các cuộc hành trình của họ, tám vị Tiên này đã gặp đủ loại người trong các tình huống khác nhau, nhiều câu chuyện về những trường hợp trong số đó đã được lưu truyền lại. Một ví dụ có liên quan đến nỗ lực cứu độ con người mà không thành công của Lã Động Tân.
Lã Động Tân đã có một lần cam kết với Hán Chung Ly rằng ông ta sẽ cứu độ tất cả chúng sinh. Nhưng ông vẫn chưa cứu được một người nào cả, do đó ông đã làm một chuyến du hành đến vùng Nhạc Dương. Trước kia ông đã tới đó hai lần để cố gắng giúp đỡ người thường. Nhạc Dương bây giờ là một khu vực hành chính thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, ở trên bờ hồ Động Đình.
Lã Động Tân đã tự cải trang thành một ông già bán dầu ăn. Ông xem việc bán dầu như là một dịp để gặp và lựa chọn những người có triển vọng được cứu độ. Nếu một khách hàng có vẻ không tham lam, không đòi dầu ăn nhiều hơn những gì họ đã trả tiền mua, thì ông có thể cứu độ người đó được. Vì vậy, ông đã tiếp tục đi bán dầu trong một số năm, trong thời gian mà ông đã gặp các khách hàng, ngoại trừ một bà già ra, tất cả đều tham lam đòi hỏi quá đáng. Tuy nhiên bà già này, chỉ lấy những gì bà đã trả, và không lấy thêm ngay cả một giọt.
Bát tiên trong Đạo giáo. (Zhang Cuiying/The Epoch Times)
Rất ngạc nhiên, Lã Động Tân nghĩ rằng cuối cùng ông đã tìm thấy một người có thể cứu độ được. Ông hỏi bà ta: “Những người đến mua dầu đều muốn xin thêm, ngoại trừ bà ra. Tại sao bà không làm vậy?” Bà ta trả lời?: “Tôi hài lòng với chỉ một hũ dầu –hơn nữa, cuộc sống của ông cũng không dễ dàng gì với nghề bán dầu ăn. Làm sao tôi có thể lấy nhiều hơn được?” Sau đó, bà ta còn mời Lã Động Tân uống ít rượu để bày tỏ lòng cảm kích của mình.
Lã Động Tân cảm thấy bà ta là một người có triển vọng tốt và dự định sẽ cứu độ bà. Khi ông biết được rằng có một cái giếng trong vườn của bà, ông đã thả nhiều hạt gạo xuống đó. Ông bảo bà già: “Bà có thể kiếm nhiều tiền bạc bằng cách bán nước trong giếng”. Sau đó, ông bỏ đi. Bà già quay trở lại, nhìn vào giếng thì thấy rằng nước trong giếng đã được biến hóa thành rượu. Theo lời khuyên của Lã Động Tân, bà già đem bán rượu trong giếng và trở nên giàu có trong vòng một năm.
Một hôm, Lã Động Tân ghé qua chỗ ở của bà. Bà không có ở nhà, chỉ có người con trai của bà ở đó. Lã Động Tân hỏi anh ta: “Công việc bán rượu thế nào rồi?”
“Công việc bán rượu vẫn tốt, nhưng không có bã rượu, cám gạo để nuôi heo”, người con trai trả lời. Nghe xong những lời này, Lã Động Tân thở dài, thầm nghĩ: “Lòng tham vô đáy của con người đã tới mức độ thương tâm này sao!”. Vì vậy, ông đã lấy lại những hạt gạo trong giếng, rồi bỏ đi.
Chẳng bao lâu, bà già trở về. Người con trai kể lại cho bà những gì đã xảy ra. Bà ta đi ra xem giếng rượu. Rượu trong giếng đã biến thành nước. Bà già vội vàng chạy ra cửa, nhưng Lã Động Tân đã bỏ đi từ lâu rồi.
Lã Động Tân rời Nhạc Dương đi đến hồ Động Đình, và để lại một bài thơ than tiếc cho nhân loại: “Ba lần đến Nhạc Dương không người nhận ra, Qua hồ Động Đình ta ngâm một câu thơ”.
(Câu chuyện này phỏng theo “Hành trình về Phương Đông”, một chương trình của Đài truyền hình quốc tế Tân Đường Nhân)
Theo Thời báo Đại Kỷ Nguyên: https://www.theepochtimes.com/n2/content/view/19461/
Đăng ngày: 02-11-2009; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.