Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở Tân Cương, Trung Quốc

[MINH HUỆ 4-7-2018] Tháng 6 vừa rồi, một phụ nữ ở Tân Cương đã bị xét xử chỉ vì đức tin của mình vào Pháp Luân Đại Pháp. Công tố viên đã đề xuất một án tù 30 tháng hoặc ít hơn. Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết trong vòng 3 tháng.

Bà Chu Phi Văn cho biết bà đã có được sự cải thiện đáng kể về cả sức khỏe lẫn tinh thần sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998. Tất cả các loại bệnh tật của bà đều đã biến mất và bà bắt đầu thực hành theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp trong cuộc sống hàng ngày.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm môn tu luyện này và bắt đầu đàn áp những người theo tập vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, bà Chu thường xuyên bị sách nhiễu, bắt giữ và bị giam. Bà cũng bị đưa đến trung tâm tẩy não và bị yêu cầu từ bỏ đức tin của mình.

Vào năm 2016, bà Chu đã nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, là người đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi bà làm như vậy, cảnh sát bắt đầu sách nhiễu và ngược đãi bà.

Cảnh sát đã tịch thu hộ chiếu của bà vào tháng 10 năm 2016 và nói rằng bà sẽ không bao giờ được trả lại hộ chiếu. Hai nhân viên công tác xã hội và ba cảnh sát đã đến nhà bà để hỏi thông tin vào ngày 14 tháng 6 năm 2017. Họ cố gắng chụp ảnh nhưng bà Chu đã ngăn họ lại. Sau đó, vào ngày 5 tháng 9 năm 2017, bốn người bao gồm các nhân viên công tác xã hội và cảnh sát, lại đến nhà bà một lần nữa để hỏi thông tin.

Cảnh sát đã bắt giữ bà tại nơi làm việc vào ngày 24 tháng 9 và lục soát nhà bà. Họ đã tịch thu nhiều tài sản cá nhân của bà, bao gồm một máy tính để bàn, một máy tính xách tay, một máy in, các cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp, và một bức ảnh của Ngài Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp.

Gia đình bà chỉ được phép vào thăm bà một lần, vào ngày 14 tháng 10.

Viện Kiểm sát Thành phố Khố Nhĩ Lặc đã phê chuẩn việc bắt giữ bà vào ngày 30 tháng 10 năm 2017. Bà đã bị Tòa án Thành phố Khố Nhĩ Lặc xét xử vào ngày 8 tháng 6 năm 2018. Thẩm phán đã thông báo rằng trong vòng 3 tháng tới, họ sẽ gửi phán quyết đến trại tạm giam nơi bà Chu đang bị giam giữ và cũng gửi thông báo cho gia đình bà qua WeChat, một ứng dụng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc.

Vụ kiện Giang Trạch Dân

Bà Chu đã nộp đơn kiện Giang Trạch Dân vào ngày 30 tháng 1 năm 2016. Trong đó, bà đã nói rõ các vấn đề sức khỏe của bà đã được chữa khỏi như thế nào sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và viêc bà đã thường xuyên bị các cơ quan chính quyền Trung Quốc bức hại như thế nào.

Những lợi ích về mặt sức khỏe

Bà Chu bị viêm mũi khi còn trẻ. Bà rất dễ bị cảm cúm và bị ho trong vài tuần mỗi lần. Bà hầu như ho suốt cả mùa đông. Để không làm phiền lớp học, bà đã rất cố gắng để kiểm soát những cơn ho của mình, việc này khiến cho bà không thể tập trung vào việc học được.

Tình trạng của bà vẫn không được cải thiện khi bà học trường y. Các giảng viên và bác sĩ ở đó cũng không thể chữa khỏi căn bệnh này của bà. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm việc ở một viện kiểm thử thuốc. Mặc dù bà biết nhiều loại thuốc khác nhau nhưng bà vẫn không thể tìm được loại thuốc nào có thể chữa được bệnh của mình.

Bệnh viêm mũi của bà đã phát triển thành hen suyễn vào năm 1995.

Vào năm 1984, bà mắc bệnh hạ đường huyết và có hôm bị ngất ở trường. Kể từ đó trở đi, các giáo viên không bắt bà phải tham gia bất cứ bài tập nặng nào nữa. Tình trạng này đã khá lên sau khi bà bắt đầu đi làm, nhưng bà lại bị bệnh căng cơ thắt lưng và thoái hóa đốt sống cổ tử cung một vài năm sau đó.

Bà Chu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998. Không lâu sau đó, tất cả các bệnh tật của bà đều biến mất, và kể từ đó, bà không còn bị cảm cúm nữa.

Sau khi tìm được sự giác ngộ về tinh thần và có được nội tâm an hòa từ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, bà luôn cố gắng trở thành vị tha vô ngã và nghĩ cho người khác trước.

Quá trình bị sách nhiễu và tra tấn

Sau khi ĐCSTQ cấm Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999, bà thường xuyên bị bắt giữ, sách nhiễu và tra tấn.

Bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện đòi công lý cho Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 11 năm 1999. Bà đã bị bắt tại Phòng thỉnh nguyện và bị cảnh sát đưa trở về Khố Nhĩ Lặc. Họ đã giam giữ bà 24 giờ và hỏi cung bà suốt đêm trước khi để bà đi.

Cơ quan bà đã chuyển bà sang một vị trí khác để bà không thể tiếp xúc với người khác. Bà thường xuyên bị theo dõi trên đường đi làm và trở về nhà.

Người quản lý của bà đã nói xấu Pháp Luân Đại Pháp trong một cuộc họp toàn thể nhân viên vào tháng 3 năm 2000. Khi bà Chu đến gặp ông này để giải thích sự thật về Đại Pháp và cuộc đàn áp, ông này đã báo với cảnh sát. Hai cảnh sát đã bắt bà đến đồn công an và giam giữ bà nửa ngày.

Bà Chu lại đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương vào tháng 5 năm 2000. Bà đã bị bắt ở Ga xe lửa Bắc Kinh và bị giam giữ 4 ngày. Những nhân viên cảnh sát được cử đến Bắc Kinh để bắt bà đã đi du lịch quanh thành phố sau khi đến nơi. Sau đó, họ yêu cầu cơ quan bà chi trả cho họ khoản “chi phí” đó. Cơ quan bà đã trừ lương của bà để chi trả cho họ.

Bà Chu đã bị giam tại trại tạm giam thành phố Khố Nhĩ Lặc từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 25 tháng 9 và sau đó được bảo lãnh tại ngoại. Cơ quan bà đã không trả lương cho bà trong vài tháng đó.

Vào lúc 1 giờ đêm ngày 20 tháng 7 năm 2001, 6 cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà. Họ bắt giữ bà, lục soát nhà bà, và giam bà ở Sở cảnh sát Khố Nhĩ Lặc trong 24 giờ. Ba cảnh sát đã hỏi cung và đe dọa bà.

Các nhà chức trách đã tống bà Chu vào một trung tâm tẩy não trong 6 tuần từ tháng 10 năm 2001. Hai “trợ lý” đã giám sát bà suốt ngày đêm. Cảnh sát bắt bà đọc các cuốn sách và xem những video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp. Họ cũng ép bà ký tuyên bố không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nữa.

Ba cảnh sát đã đến sách nhiễu bà tại cơ quan vào ngày 21 tháng 7 năm 2008. Họ cũng liên tục gọi điện cho bà và đến cơ quan bà, yêu cầu bà phải đến đồn cảnh sát để lấy dấu vân tay. Bà đã từ chối không đi.

Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, cảnh sát thường xuyên đến nhà bà Chu, nhà bố mẹ đẻ của bà, và nhà bố mẹ chồng bà để thẩm vấn. Họ cũng thường xuyên bắt bà Chu đến đồn cảnh sát và Sở Cảnh sát để ghi lại những thông tin hoặc để lấy dấu vân tay của bà. Họ yêu cầu bà phải báo cáo tình trạng của bà cho bảo vệ nơi bà làm việc vào mỗi tối và nộp “báo cáo tư tưởng” cho cơ quan bà và đồn cảnh sát hàng tháng. Họ đã tịch thu thẻ căn cước của bà vào tháng 6 năm 2001 để ngăn không cho bà đi lại.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/4/370580.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/20/171188.html

Dịch ngày 25-07-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share