Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-6-2018] Sư phụ đã giảng Pháp cho chúng ta về hướng nội tìm. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, việc hướng nội của tôi chỉ là khẩu hiệu. Mỗi khi gặp vấn đề, tôi lại hướng ngoại và cố gắng giúp người khác đề cao, nhưng lại không chân chính đối mặt với vấn đề của bản thân. Cho mãi đến gần đây, tôi mới có chuyển biến về phương diện này, và tôi đã cảm nhận được sự kỳ diệu của việc hướng nội tìm.

Thói quen hướng ngoại

Khi nhận được hai danh sách những người đã làm tam thoái, tôi thấy nhiều cái tên trong hai danh sách này trùng nhau, hơn nữa chữ viết trên đó lại hết sức giống nhau. Vì vậy, tôi nghĩ có lẽ một cái là bản thảo của cái kia, nhưng tôi cũng không dám chắc chắn. Sau khi xử lý xong một danh sách, tôi vẫn không bỏ danh sách kia đi mà muốn tìm cho ra ai là người đã cung cấp hai danh sách này.

Tôi đã hỏi nhiều học viên, nhưng không ai biết hai danh sách này từ đâu ra.

Một hôm, đồng tu A đến thăm tôi, tôi đã đưa hai danh sách cho cô ấy và nhờ cô ấy hỏi giúp xem có phải hai danh sách này là của đồng tu B không. Sở dĩ tôi có ý nghĩ này là vì B đã từng đưa cho tôi một danh sách, chữ viết trên đó rất giống với chữ viết ở hai danh sách này.

Tuy nhiên, khi tôi gặp lại học viên A, cô nói với tôi rằng học viên B đã rất tức giận khi cô đưa cho B tờ danh sách. Học viên B nói rằng cô chưa bao giờ đưa cho tôi danh sách nào cả, và cô cũng không bao giờ có bất kỳ liên hệ gì với tôi.

Học viên B còn nhắc đến việc trước kia có người phát hiện tư liệu giảng chân tướng bị người thường ném đi, cũng có học viên đến hỏi có phải cô đã phát những tư liệu đó hay không. Tôi không hiểu tại sao cô lại tức giận với một sự việc đơn giản như vậy, vì vậy tôi đã phàn nàn về cô ấy với A.

Hướng nội tìm

Sau sự việc này, tôi cảm thấy rất buồn lòng, nhưng tôi bỗng nhận ra mình đã làm điều gì đó chưa đúng. Sư phụ giảng rằng là một đệ tử Đại Pháp, khi gặp vấn đề, chúng ta cần phải hướng nội tìm. Vì vậy, sự việc này chắc hẳn là an bài để cho tôi đề cao. Dưới đây là một số suy nghĩ của tôi:

1. Trên bề mặt, B đã hiểu lầm tôi. Tuy nhiên, tôi đã không đối đãi với vấn đề này bằng chính niệm, mà đã phàn nàn về cô ấy. Tôi vẫn sử dụng lý của người thường để đánh giá ai đúng ai sai, và không muốn nghe người khác nói điều không tốt về mình. Điều này chứng tỏ rằng tôi còn chưa tu luyện vững chắc, vẫn còn ở cảnh giới của người thường. Tôi cảm thấy thực sự hổ thẹn.

2. Đồng tu B đã dùng suy nghĩ tiêu cực để lý giải chuyện này, cho rằng đến hỏi cô chính là trách cứ cô. Vì sao cô ấy lại phản ứng như vậy? Tôi nghĩ: “Chẳng phải phản ứng của cô ấy đã phản ánh tâm thái của mình hay sao?” Tôi nhận ra rằng tôi cũng luôn dùng suy nghĩ tiêu cực để nhìn nhận vấn đề.

Lần này, đồng tu hiểu lầm tôi, nhưng trước đây tôi vẫn luôn hiểu lầm người khác, và còn có suy nghĩ không tốt về họ, mặc dù sự thật không hoàn toàn là như vậy.

Tôi thường có những suy nghĩ rất phức tạp về những gì xảy ra với mình, xuất phát điểm là để bảo vệ bản thân không bị thương tổn, chứ không gia tăng chính niệm đối với người khác.

Lần này khi đồng tu khác có suy nghĩ không tốt về tôi, tôi nhận ra rằng mình cần phải trừ bỏ những suy nghĩ không tốt của bản thân, bởi chúng không phải là chân ngã của tôi. Đệ tử Đại Pháp là mang năng lượng, nếu chúng ta có suy nghĩ tiêu cực về người hay sự việc khác, thì chính là đang hại mình hại người. Suy nghĩ tiêu cực có thể gây chướng ngại trên con đường tu luyện của đệ tử Đại Pháp, vì vậy, khi nó mưu toan khống chế tôi, tôi phải nhận rõ nó, nắm bắt nó, giải thể nó, và thanh trừ nó. Tôi phải làm cho nội tâm của mình tràn ngập quang minh và chính niệm.

3. Đằng sau sự kích động của đồng tu B, có khả năng trước kia cô đã từng bị đồng tu khác hiểu lầm. Khi cô bị nghi vấn về chỗ tư liệu giảng chân tướng bị ném đi, nếu không phải cô làm thì cô khó có thể tiếp nhận được. Bây giờ cô lại bị hoài nghi một lần nữa và đã trở nên kích động. Dù sao một đệ tử Đại Pháp vẫn còn trong quá trình tu luyện nên chắc chắn vẫn còn nhiều tâm chấp trước, hơn nữa, Sư phụ dạy chúng ta phải đặt ra yêu cầu nghiêm khắc cho chính mình, chứ không phải cho người khác.

Trên bề mặt, đồng tu B bị tổn thương, và tôi cũng có liên quan đến tình huống này. Vậy vấn đề của tôi ở đâu?

Tôi biết rằng tôi đã từng nghị luận sau lưng đồng tu, trong đó có B. Điều ấy dễ dàng tạo thành gián cách giữa chúng tôi. Chỉ trích người khác chỉ gây tổn thương cho họ, nhưng trước đây tôi đã không chú ý đến việc này. Vì vậy, tôi cần xem xét lại từng tư từng niệm và từng hành vi của bản thân, như thế nào mới là đạt tới tiêu chuẩn của một đệ tử Đại Pháp chân chính.

Tôi cũng biết rằng đệ tử Đại Pháp cần phải nghĩ cho người khác trước, nhất định phải thiện chứ không nên làm tổn thương người khác. Đệ tử Đại Pháp gánh trên vai nhiều trọng trách lớn, đặc biệt tại thời kỳ trọng yếu trợ Sư chính Pháp, chúng ta không nên gây ra những can nhiễu bên trong nội bộ, lại càng không thể để cựu thế lực lợi dụng sơ hở để thực hiện âm mưu gây gián cách giữa các đồng tu.

4. Lúc đầu, khi nhận được hai danh sách làm tam thoái, tôi đã không kiểm tra trực tiếp với đồng tu đã đưa chúng cho tôi. Đây là lỗi của tôi, điều ấy chứng tỏ rằng tôi vẫn chưa làm đến nơi đến chốn, vẫn còn qua loa lấy lệ.

Sau khi tìm ra những chấp trước này, cảm giác không vui trong nội tâm của tôi đã hoàn toàn biến mất. Tôi không còn thấy thất vọng nữa, chính đồng tu B đã giúp tôi đề cao. Nội tâm tôi cũng không còn cảm giác oán thán, mà cảm thấy B rất tốt và thiện lương, rất thành kính tín Sư tín Pháp và luôn cố gắng làm tốt. Làm sao tôi vẫn có thể chỉ trích cô ấy?

Thông qua sự việc này, tôi đã thực sự cảm nhận được sự kỳ diệu của việc hướng nội tìm. Con thành tâm cảm ơn Sư phụ vì đã ban cho con cơ hội để hướng nội. Lúc ấy, tôi đã viết một câu: “Mỗi một ngày trong cuộc đời đều là một ngày tu luyện, mỗi một giây trong cuộc sống đều là giây phút nghĩ cho người khác.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/12/368726.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/1/170961.html

Dịch ngày 24-07-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share