Bài viết của Thanh Liên, học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-07-2020] Tôi là một giáo viên trung học. Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi được học về nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, và luôn cố gắng tuân theo nguyên lý đó trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong việc giảng dạy của mình.

Nhiều học sinh thường đến thăm tôi sau khi đã tốt nghiệp và kể cho tôi nghe về việc tôi đã có tác động đến cuộc sống của các em như thế nào. Tôi muốn chia sẻ ba câu chuyện trong số những câu chuyện đó.

“Em đã kết hôn!”

Vào một ngày năm 2019, khi tôi đang bước ra khỏi trường, tôi nghe thấy ai đó gọi tôi.

“Chào cô ạ, cuối cùng em cũng tìm được cô rồi!”

Tôi thấy một cặp vợ chồng trẻ đang bước về phía tôi và tôi nhận ra người thanh niên đó là Mạnh, một học sinh của tôi hơn 10 năm về trước.

Cậu ấy vui mừng thốt lên: “Thưa cô, đây là lần thứ hai em đến đây để gặp cô! Ơn trời, chúng em đã có thể được gặp cô. Đây là vợ em, và chúng em đã kết hôn cách đây hai ngày. Chúng em muốn đến để tặng cô kẹo cưới và muốn chia sẻ niềm hạnh phúc cùng cô.“

Tôi nhìn thấy một phong bì nhỏ màu đỏ bên trong túi kẹo.

Mạnh nói: “6.000 Nhân dân tệ trong phong bì là để thể hiện lòng biết ơn của em đối với tất cả những gì cô đã giúp đỡ em khi em còn học trung học. Nếu không có cô, em sẽ không thể trở thành bác sỹ.”

Đột nhiên, tất cả những ký ức của tôi về Mạnh ùa về.

Đó là cách đây hơn 10 năm. Khi đó, Mạnh là học sinh đầu cấp. Một ngày, khi tôi đang ở một mình trong văn phòng, một học sinh bước vào.

“Thưa cô, chúng ta có thể nói chuyện được không ạ?”

“Chắc chắn là được rồi.”

“Em có thể hỏi cô một câu được không? Em nghĩ cô có tín ngưỡng, phải không ạ?”

Tôi trả lời: “Đúng vậy.”

“Em nghĩ cô chắc hẳn là một học viên Pháp Luân Đại Pháp.”

Tôi gật đầu: “Làm sao em biết?” .

“Bởi vì cô rất tốt bụng và ôn hòa, giống như một trong những giáo viên cấp hai của em, cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp.”

“Nếu chúng tôi cùng chung đức tin và cùng tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, thì hẳn là chúng tôi sẽ giống nhau rồi,” tôi trả lời.

Mạnh bắt đầu kể về cuộc sống và hoàn cảnh hiện tại của mình. Mẹ của em đã qua đời nhiều năm trước, để lại em, em trai và em gái ở cùng với cha. Cách đó hai năm, cha em đã kết hôn với một người phụ nữ có con riêng, do đó cha em phải làm một vài công việc bán thời gian để nuôi gia đình sáu người. Vì vậy, hoàn cảnh kinh tế của gia đình rất khó khăn.

Tôi khích lệ em hãy lạc quan cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, và hãy làm một tấm gương tốt cho em trai và em gái của mình.

Một tháng sau, tôi bị báo cáo vì đã nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp và bị đình chỉ giảng dạy trong một năm. Khi tôi quay trở lại trường, Mạnh không còn là học sinh ở lớp của tôi nữa, và chúng tôi chỉ gặp nhau một vài lần.

Lần tiếp theo chúng tôi nói chuyện là ngay trước khi Mạnh tốt nghiệp. Khi kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học được công bố, Mạnh nói với tôi rằng em đã làm bài rất kém. Em cảm thấy điều đó rất bất công, và không thể để cho một kỳ thi quyết định tương lai của mình được. Em muốn học thêm một năm nữa và thi vào đại học một lần nữa.

Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế gia đình quá túng quẫn nên không thể hỗ trợ thêm một năm học phí cho em được.

Tôi nói với em: “Đừng lo lắng, mặc dù cô chỉ dạy em trong hai tháng, nhưng cô tin rằng cô trò chúng ta có nhân duyên sâu sắc. Cô thấy em là một học sinh ngoan. Cô sẽ trả học phí cho em.”

Mạnh đã rất ngạc nhiên; mắt em bắt đầu ngấn nước.

Tôi nói: “Học phí một năm không phải là gánh nặng đối với cô. Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, cô sẵn lòng giúp đỡ em mà không cần báo đáp gì cả. Điều duy nhất cô mong đợi ở em là em sẽ học hành chăm chỉ hơn trong lần thứ hai này.”

Cứ như vậy, Mạnh học thêm một năm ở trung học và làm bài tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học lần thứ hai. Em đã trúng tuyển vào một trường y khoa. Em đã đến thăm tôi vào dịp năm mới trong những năm đầu đại học, nhưng sau đó chúng tôi mất liên lạc.

Khi Mạnh xuất hiện ngày hôm nay, tôi nhận ra em đến để trả lại học phí cho tôi.

Tôi nói với em: “Cô chúc mừng đám cưới của em! Nhưng cô sẽ chỉ nhận kẹo, không nhận tiền. Cô chỉ đơn giản là muốn giúp đỡ em chứ không phải cho em vay tiền.”

“Thưa cô, em chưa bao giờ quên cô và lòng tốt của cô. Lý do hơn 10 năm nay em không liên lạc với cô là do em làm mất số điện thoại của cô. Cô thứ lỗi cho em. Hiện tại, em đang là bác sỹ ở bệnh viện tỉnh, và vợ em cũng đang làm việc ở đó. Chúng em có cuộc sống tốt và thu nhập ổn định.”

Cậu ấy tiếp tục: “Xin cô hãy nhận 6.000 Nhân dân tệ này. Em biết giá trị 6.000 Nhân dân tệ bây giờ chỉ bằng một phần nhỏ so với giá trị của nó cách đây 10 năm. Nhưng đó chỉ là một cách để bày tỏ lòng biết ơn của em; lòng tốt của cô là vô giá.”

Vợ cậu ấy cũng lên tiếng: “Thưa cô, anh Mạnh đã nhiều lần kể về cô. Anh ấy luôn nói rằng nếu không có sự giúp đỡ của cô, anh ấy sẽ không thể trở thành bác sỹ như ngày hôm nay. Cha em cũng là một giáo viên tốt, nhưng cha em nói để làm được như những gì mà cô đã làm thì cha em cũng khó có thể làm được.”

Tôi nói với cặp vợ chồng trẻ: “Nếu cô không phải là một học viên Pháp Luân Công, cô cũng sẽ không thể làm được điều đó. Sư phụ của cô luôn luôn dạy các học viên trở thành một người tốt, đối xử tốt với mọi người. Dù cho Đảng Cộng sản Trung Quốc có vu khống Pháp Luân Đại Pháp như thế nào đi nữa, họ cũng sẽ không thể xóa bỏ được lòng tốt của các học viên.”

Tôi đã nhân cơ hội này để kể cho vợ chồng em nghe về việc ĐCSTQ đã bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp như thế nào và việc tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát đã lừa dối nhiều người ra sao. Vợ của Mạnh minh bạch chân tướng và nhờ tôi giúp em thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

“Thưa cô, xin cô hãy nhận lời chào đáp lễ của chúng em”

Huệ là một học sinh khác của tôi. Hiện giờ, em đang là một sinh viên đại học.

Trong ký ức của tôi, em luôn cảm thấy chán nản và tôi hầu như không thấy em cười. Tuy nhiên, em thường đến văn phòng tôi để tìm sự giúp đỡ. Trong khi hướng dẫn em làm bài tập về nhà, tôi thường viết một vài câu để động viên em. Dần dần, em bắt đầu cười nhiều hơn.

Một lần, tôi gặp bố em và em ở một cửa hàng sách cạnh trường.

Bố em nói với tôi: “Tối nào tôi cũng đón con gái từ trường học về. Trên đường trở về nhà, con bé luôn nói về cô. Con bé kể với tôi về những gì cô đã dạy cháu và cô đã giúp đỡ cháu như thế nào. Con bé nói rằng cô không chỉ dạy cháu kiến thức mà quan trọng hơn là cô còn dạy cháu làm thế nào để trở thành một người tốt. Con bé thật may mắn khi có một giáo viên như cô. Là phụ huynh, tôi cũng thấy mình rất may mắn!”

Sau khi tốt nghiệp, Huệ được nhận vào một học viện cảnh sát.

Cách đây vài năm, vào một ngày đầy gió, tôi nhận được tin nhắn từ Huệ: “Thưa cô, sáng mai cô có thời gian không ạ? Em có thể nói chuyện với cô được không ạ?”

Tôi trả lời là có.

Sáng hôm sau ở cổng trường, tôi thấy hai thanh niên mặc đồng phục cảnh sát. Một người là Huệ, còn người kia là Tường, cũng là học trò của tôi.

Huệ nói: “Tường học cùng học viện cảnh sát với em. Khi cậu ấy nghe tin em định đến thăm cô, cậu ấy nói cậu ấy cũng muốn đến.”

Huệ tiếp tục: “Cô biết không, khi còn học trung học em thích nói chuyện với cô. Bây giờ em đã là một sinh viên đại học, nhưng em vẫn còn nhiều câu hỏi và em biết cô có thể giúp em.”

Các em nói với tôi rằng mối quan hệ giữa các cá nhân ở trường đại học rất khác so với ở trường trung học. Mọi thứ rất phức tạp, và các em không biết làm thế nào để xử lý tốt. Tôi đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cách xử lý những việc đó dựa trên các nguyên lý của Đại Pháp, và tôi cũng nói về sự tham nhũng trong hệ thống cảnh sát, cũng như cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp của hệ thống này.

Các em nói với tôi ngay khi bắt đầu vào học, người hướng dẫn đã cho các em xem rất nhiều bài tuyên truyền về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã cho các em xem đoạn video điều tra về vụ tự thiêu giả mạo ở Thiên An Môn, lời nói dối lớn nhất mà ĐCSTQ dựng lên để chống lại Pháp Luân Đại Pháp. Các em đã nhận ra họ đã bị chính phủ lừa dối.

Tôi cũng nói với các em rằng Pháp Luân Đại Pháp không nằm trong danh sách các tà giáo mà chính phủ đưa ra, và các sách của Pháp Luân Đại Pháp không bị cấm nữa. Và cuối cùng, tôi nói với các em về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống mà không được sự đồng ý của họ –– một tội ác ngoài sức tưởng tượng của các em.

Tôi cũng nói với các em về nguyên lý thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Sau khi nhận thức được về cuộc bức hại tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp, nhiều cảnh sát đã chọn cách bí mật bảo vệ các học viên. Vì các em cũng là cảnh sát, nên tôi bày tỏ hy vọng rằng các em sẽ không tuân thủ chính sách bức hại mà hãy làm theo lương tâm của mình. Tôi hy vọng các em sẽ trở thành những cảnh sát tốt, những người thực sự phục vụ nhân dân, chứ không phải là công cụ mà ĐCSTQ sử dụng để đàn áp người dân.

Các em hiểu ra và nói với tôi các em sẽ không bao giờ gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trước khi các em rời đi, Huệ nhận xét: “Cảm ơn cô rất nhiều. Chúng em sẽ luôn ghi nhớ những gì cô đã nói. Tường, chúng ta hãy cùng chào đáp lễ cô!“

Tôi rất vui khi thấy các em minh bạch chân tướng. Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm ơn Sư phụ Lý đã ban cho tôi cơ hội giúp đỡ những học sinh tuyệt vời này.

Một học sinh chán nản trở nên vui vẻ trở lại

Văn là một học sinh rất trầm tính nhưng có ý chí mạnh mẽ. Trong hai năm đầu trung học, lực học của em ở mức trung bình khá. Trong năm thứ ba, em được phân vào một trong những lớp của tôi; một đồng nghiệp của tôi biết rõ về em đã cảnh báo tôi rằng Văn không thông minh vì em thường hỏi rất nhiều và rất khó chịu.

Thật vậy, hầu như cứ khi nào có cơ hội, em lại đến văn phòng tôi để hỏi. Và hầu hết đều là các câu hỏi mà đã được giải thích nhiều lần trước đó. Nó đem lại cho tôi một chút khó chịu. Tuy nhiên, tôi luôn nhắc nhở bản thân, rằng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi cần thời thời khắc khắc tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Vì vậy, bất kể là em ấy có hỏi tôi bao nhiêu lần với cùng một câu hỏi, tôi vẫn luôn kiên nhẫn và giải thích câu trả lời cho em ấy một cách chi tiết. Đôi khi, em ấy cảm thấy rất ngại khi phải tiếp tục hỏi tôi.

Đối với một số câu hỏi khó hơn, tôi sẽ nói với em ấy: “Em đừng lo lắng, hãy cố gắng hết sức. Có lẽ cô chưa tìm ra cách giải thích tốt nhất để em có thể hiểu.”

Em ấy nói: “Cô đã làm rất tốt rồi, em rất biết ơn cô.”

Sau một thời gian, Văn cảm thấy tôi khác với những giáo viên khác. Em ấy trở nên cởi mở hơn, và chia sẻ một số vấn đề cá nhân của mình với tôi. Tôi được biết em có hai chị gái, cha của em không đi làm, và mẹ em là người duy nhất lo cho gia đình. Không chỉ vậy, mẹ em còn là người chăm sóc ông bà ngoại em đang phải nằm liệt giường.

Gia đình em luôn cãi nhau, và em hầu như không cảm nhận được bất kỳ sự ấm áp hay thoải mái nào khi ở nhà. Trên thực tế, em ấy thà ở lại trường hơn là về nhà.

Có lần, em còn đề cập đến chuyện tự tử trong bức thư gửi cho tôi. Em cho rằng mình là người bất tài. Tôi vẫn nhớ như in vào một đêm, vào Lễ hội Đèn lồng, một ngày lễ có ý nghĩa đoàn tụ gia đình, em ấy đã gửi cho tôi một tin nhắn: “Thưa cô, em đã mất niềm tin vào cuộc sống. Em muốn rời khỏi nơi đây.“

Tôi đã rất lo lắng cho em ấy. Tôi đã gửi cho em ấy một vài tin nhắn, nhưng em không trả lời. Sau đó tôi gọi cho em ấy, nhưng điện thoại của em ấy đã tắt.

Tôi đã cố gắng để có được thông tin liên lạc của bố mẹ em từ giáo viên chủ nhiệm, nhưng giáo viên chủ nhiệm nói: “Em ấy luôn như vậy, tôi không có thời gian quan tâm đến học sinh đó. Đây, tôi có số điện thoại của chị gái em ấy. Nếu cô muốn, cô có thể gọi cho em đó.”

Tuy nhiên, chị gái em ấy cũng không nghe máy. Tôi đã rất lo lắng và cầu xin Sư phụ, và hy vọng em ấy sẽ ổn. Vài giờ sau, em ấy nhắn tin: “Thưa cô, em không sao. Cảm ơn cô rất nhiều!”

Trên thực tế, trên lớp, tôi thường cố gắng nói về ý nghĩa của cuộc sống. Tôi đã nói với tất cả các học sinh của mình, bao gồm cả Văn, rằng tự tử là sai lầm lớn nhất mà một người có thể mắc phải trong cuộc đời của mình.

“Là con người, không ai có thể lựa chọn thời điểm sinh ra, và cũng không có quyền kết liễu cuộc đời của mình, vì mỗi sinh mệnh là trân quý và mỗi sinh mệnh cũng mang theo trách nhiệm của sinh mệnh đó. Các em đã bao giờ nghĩ rằng cha mẹ các em sẽ đau khổ như thế nào nếu các em ra đi khi còn ít tuổi không?”

Tôi cũng nói với Văn: “Nếu em muốn thay đổi hoàn cảnh hiện tại của mình, em phải bắt đầu bằng cách thay đổi bản thân. Những việc làm của em có thể tác động đến bố mẹ và đem đến niềm vui cho gia đình. Hãy thử một lần; mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn.“ Em ghi nhớ những lời nói của tôi và bắt đầu thực hiện.

Sau một thời gian, một hôm em rất hào hứng nói với tôi: lần đầu tiên cha em đã mua cho em một món quà! Gia đình em ngày càng tình cảm và vui vẻ hơn. Đồng thời, điểm thi của em cũng được cải thiện. Sau khi tốt nghiệp, em được nhận vào một trường đại học bình thường và được miễn học phí.

Một lần, Văn hỏi tôi: “Thưa cô, làm thế nào mà cô lại tốt đến vậy?”

“Bởi vì cô là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Cô tin vào Chân-Thiện-Nhẫn.”

Em nói: “Cô có thể nói thêm về Pháp Luân Đại Pháp được không?”

Tôi đã nhân cơ hội này để giải thích cho em hiểu Pháp Luân Đại Pháp là gì, môn tu luyện này tuyệt vời như thế nào, tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại bức hại tàn nhẫn các học viên Pháp Luân Đại Pháp, và tại sao mọi người nên thoái xuất ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Vào năm cuối của trung học, Văn viết cho tôi một bức thư rất dài.

Trong thư, em viết: “Thưa cô, em ước gì mình có thể là học trò của cô mãi mãi. Cô sẽ là kỷ niệm quý giá nhất của em. Mỗi khi em ở bên cô, em cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc. Cô đã mở ra cho em một thế giới mới.”

“Thưa cô, em không muốn nói lời tạm biệt. Em sẽ nhớ mãi những gì cô đã nói với em: hãy trở thành một người chân thành và tử tế.”

Khi tôi hồi tưởng lại những câu chuyện về các học sinh của mình, tôi nhận ra khi Pháp Luân Đại Pháp đã định hình lại cuộc đời tôi một cách sâu sắc, thì hành xử của tôi cũng ảnh hưởng sâu sắc đến các học sinh của mình. Tôi vô cùng may mắn khi có cơ hội được học và tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/2/407465.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/12/186318.html

Đăng ngày 06-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share