Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-05-2020] Bà Diêm Thục Phương từng là một người nghiện cờ bạc. Nhưng vào năm 2005, sau khi tu luyện Pháp Luân Công – còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, bà đã từ bỏ thói quen xấu trở thành người tốt và tính tình cũng trở nên điềm đạm hơn.

Bà Diêm, 54 tuổi, ở thành phố Thông Hoá, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt nhiều lần vì đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999. Bà đã trải qua 13 tháng trong một trại lao động cưỡng bức và bốn năm trong tù.

Gần đây bà đã được thả khỏi tù vào ngày 24 tháng 4 năm 2020.

Sau đây là một trong số những gì mà bà Diêm đã phải chịu đựng.

Bị tra tấn trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Cát Lâm

ĐCSTQ đã tăng cường bắt giữ các học viên Pháp Luân Công trước thềm Thế Vận hội 2008.

Ngày 23 tháng 4 năm 2008, người của Đồn Công an Giang Đông đã đến nhà bà Diêm. Bà đã không mở cửa nhưng cố giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho họ thông qua cửa sổ phía trước. Cuối cùng họ đã lừa bà đến đồn công an nhưng lại đưa bà đến trại tạm giam và sau đó quay lại để lục soát nhà bà.

Ngày 2 tháng 6, bà Diêm bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Cát Lâm (còn gọi là Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chuỷ Tử) mà không thông qua quy trình thủ tục pháp lý nào. Sở công an thậm chí còn hối lộ cho trại lao động để nhận bà vào.

Sáng ngày 4 tháng 6, bốn lính canh đã sốc điện khắp người bà Dương khoảng 30 phút. Sau đó họ cưỡng chế mặc đồng phục tù nhân vào người bà và trói bà vào một cái giường chết bằng kim loại.

85d4919ecea2f9a851d2a9032b8420f2.jpg

Minh hoạ tra tấn: Giường chết

Một tuần sau khi bị trói vào giường chết, bà bắt đầu bị đau ở lưng. Khi các học viên Pháp Luân Công khác đặt một cái gối dưới lưng bà, một tù nhân đã lấy nó đi. Tù nhân cố lừa bà ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công bằng cách hứa thả bà ra khỏi “giường chết” nhưng bà đã từ chối hợp tác.

Hai tuần sau, lính canh cho bà tắm. Bà đã bất tỉnh trong nhà tắm. Sau khi tỉnh dậy, bà lại bị trói vào “giường chết”. Lính canh cho bà tắm một lần mỗi tuần hoặc lâu hơn.

Năm tháng sau khi việc tra tấn này kết thúc, hai chân bà sưng phồng và mất cảm giác ở bàn chân. Bà không thể giữ thăng bằng để đi lại. Đầu gối của bà có cảm giác như bị đâm bằng kim và những cơn đau đó đã kéo dài vài năm.

Trại lao động đã dùng mọi cách để gây áp lực nhằm khiến bà từ bỏ đức tin, bao gồm cấm gia đình vào thăm bà.

Chính quyền đã giam bà thêm 72 ngày vì bà từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Bà đã được thả vào ngày 4 tháng 7 năm 2009.

Lần bắt giữ thứ hai

Ngày 24 tháng 4 năm 2016, bà Diêm bị bắt vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Ba công an mặc thường phục đã đánh ngã bà và lôi bà trên nền đất hơn 100 mét. Quần, dép và vớ của bà bị tuột ra khi bà giãy dụa.

800242403ada8801df280d6bdbee5bf0.jpg

Minh hoạ tra tấn: Bị lôi đi trên nền đất

Bà bị còng tay ra sau lưng và bị đưa đến Đồn Công an Lão Trạm, tại đây công an đổ nước lạnh vào mặt bà trong quá trình thẩm vấn. Nhà bà bị lục soát và các sách Pháp Luân Công cùng những tài sản khác bị tịch thu. Bà bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Thông Hoá vào đêm đó.

Bà Diêm bị thẩm vấn về nguồn gốc của các tài liệu Pháp Luân Công mà bị tịch thu từ nhà bà. Người của Sở Công an Diên Cát thậm chí còn gây áp lực lên các học viên bị bắt khác để họ nói rằng bà Diêm đã đưa các tài liệu Pháp Luân Công cho họ để phân phát. Họ cố vu khống cho bà là người cầm đầu.

Bà đã tuyệt thực nhằm phản đối và bị tiêm tĩnh mạch trái với ý nguyện nhiều lần. Bà tuyệt thực đến ngày 13 tháng 5, thời điểm mà bà được đưa ra khỏi trại tạm giam.

Công an cũng cố tống tiền gia đình bà 1.000 nhân dân tệ để trả cho chi phí sinh hoạt nhưng không thành công. Sau đó công an đã lấy vài trăm nhân dân tệ mà gia đình gửi vào trại tạm giam cho bà sử dụng.

Sở Công an Diên Cát lạm dụng quyền lực

Ngày 13 tháng 5 năm 2016, bà Diêm bị đưa đến một trung tâm tẩy não ở trong một khách sạn tại huyện An Đồ để tham gia các cuộc thẩm vấn nhanh. Bà yêu cầu được nói chuyện với gia đình để có một luật sư bào chữa nhưng bị từ chối.

Bà bị trói vào một cái ghế và bị cấm ngủ trong năm ngày. Công an đã tát vào mặt bà bằng một cây gậy nhựa. Hai hợp tác viên cố “chuyển hoá” bà. Bà bị đưa đến bệnh viện để bức thực hai lần. Bà sớm phát sinh những triệu chứng bất thường với huyết áp tăng lên hơn 180 mmHg.

Khi công an đưa bà đến trại tạm giam Diên Cát vào ngày 21 tháng 5, trại tạm giam đã từ chối nhận bà vì huyết áp của bà quá cao.

Vì một mối quan hệ họ hàng giữa một chỉ đạo viên ở Sở Công an Diên Cát và một lính canh trại, trại tạm giam đã nhận bà Diêm ngay ngày hôm sau bất chấp tình trạng của bà.

Bị tra tấn trong trại tạm giam Diên Cát

Các lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân hình sự tra tấn bà Diêm. Một tù nhân đã bắt bà ngồi xổm trong nhà tắm và dùng giầy đánh vào đầu bà khi bà từ chối mặc đồng phục nhà tù.

Bà đã tuyệt thực hơn 40 ngày để phản đối. Trong thời gian này, bà bị bức thực và bị ép truyền tĩnh mạch. Việc bức thực diễn ra mỗi ngày một lần; ban đầu việc tiêm tĩnh mạch diễn ra mỗi ngày nhưng sau đó dừng lại. Thỉnh thoảng các tù nhân lôi bà đi xung quanh trên nền đất, sử dụng quần áo của bà làm cây lau nhà để làm sạch sau mỗi lần bức thực bà.

Các tù nhân bắt bà đứng dựa vào tường cả ngày dài. Bà bị đau đầu kinh niên và gần như suy sụp.

Một năm sau, bà Diêm vẫn không nhận được bất kỳ lời giải thích nào cho bản án phi pháp của bà. Bà đã tuyệt thực vào tháng 5 năm 2017. Năm ngày sau, bà lại bị trói vào giường chết. Việc tuyệt thực kéo dài 19 ngày.

Những phiên toà phi pháp ở Tòa án Huyện An Đồ

Ngày 3 tháng 6 năm 2016, Viện Kiểm sát Huyện An Đồ đã phê chuẩn việc bắt giữ bà Diêm. Công tố viên đã trả hồ sơ của bà về lại cho công an hai lần vì thiếu bằng chứng trước khi truy tố bà và chuyển hồ sơ của bà đến Toà án Huyện An Đồ vào tháng 1 năm 2017.

Hồng Thư Dĩnh, thẩm phán chủ toạ phụ trách vụ án, đã ép luật sư của bà Diêm từ bỏ quyền đại diện cho bà và sau đó nói dối với gia đình bà Diêm rằng đó là quyết định của luật sư. Sau khi gia đình bà Diêm đối chất sự thật với thẩm phán, ông ta phải cho luật sư lại làm đại diện cho bà Diêm.

Bà Diêm ra toà vào ngày 13 tháng 6 năm 2017. Luật sư của bà không được phép vào phòng xử. Khi bà Diêm cáo buộc thẩm phán tội lừa dối, ông ta đã tước quyền tự biện hộ của bà.

Mười ngày sau phiên xử, bà Diêm bị kết án bốn năm tù và bị phạt 20.000 nhân dân tệ. Bà đã kháng án lên toà án trung cấp nhưng toà vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu.

Bà đã bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm vào ngày 4 tháng 12 năm 2017. Gia đình không được thông báo về bản án hay nơi bà bị giam. Họ chỉ biết được thông tin thông qua trại tạm giam.

Bị tra tấn trong Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm

Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm đã nhận bà Diêm dù bà bị chẩn đoán mắc sỏi mật, u xơ tử cung, huyết áp cao và bệnh tim.

Các viên chức và lính canh tù thường tra tấn tàn bạo các học viên Pháp Luân Công mà từ chối “chuyển hoá”. Họ sẽ phân công một số tù nhân hình sự nhất định làm “trưởng” xà lim và khuyến khích họ ngược đãi các học viên.

Bắt đầu từ ngày 22 tháng 12 năm 2017, lính canh tù đã ngừng việc bắt các học viên lao động cưỡng bức và ép họ “ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ”. Tất cả học viên xoay tròn với nhau và phải ngồi từ 5 giờ 30 sáng đến 9 giờ tối, buổi trưa được nghỉ nửa tiếng. Họ chỉ được cho một ly nước và phải xin phép nếu muốn đi vệ sinh nhưng không thể đi quá ba lần.

Tù nhân Lý Thuý Ngọc đã ép bà Diêm ngồi trên một cái ghế không bằng phẳng. Cô ta cố ép các tù nhân khác chống lại bà Diêm, nói rằng cả xà lim bị phạt vì bà từ chối trả lời điểm danh.

Khi trưởng xà lim mới đến vào tháng 1 năm 2018, cô ta từ chối cho bà Diêm tắm. Dù bà Diêm được tắm nhưng lại không có nước nóng; thậm chí bà phải tắm bằng nước lạnh trong mùa đông.

Ngày 11 tháng 2 năm 2018, bà Diêm bị chuyển đến một tầng khác. Trưởng xà lim đã đá bà vì bà không ngồi thẳng. Bà bị ép phải xem những video phỉ báng Pháp Luân Công trong khi một hợp tác viên cố “chuyển hoá” bà.

Trưởng khu đã cố thuyết phục bà Diêm dùng thuốc trị cao áp huyết và ký vào một biên bản rằng bà sẽ chịu mọi trách nhiệm cho rủi ro xảy ra. Bà Diêm đã từ chối hợp tác. Ba ngày sau, bà bị chuyển đến tầng ba, nơi mà áp lực “chuyển hoá” tăng lên.

Bà Diêm bắt đầu tuyệt thực để phản đối. Vì tim bà đang gặp vấn đề nên việc bức thực không thể thực hiện. Phó khu rất tức giận và biệt giam bà Diêm.

Năm ngày sau, vào ngày 12 tháng 2, bà được đưa ra khỏi phòng biệt giam. Bà trông nhợt nhạt và tứ chi bắt đầu chuyển sang màu xám. Bà có những triệu chứng bị sốc và lập tức được đưa vào bệnh viện vào ngày 22 tháng 2. Bà kết thúc đợt tuyệt thực và bắt đầu ăn. Trong lần tuyệt thực này, bà đã sụt cân thấy rõ.

Khoảng hai tuần sau, bà Diêm bị đưa trở lại khu. Bà bị ép ngồi trên một cái ghế nhỏ. Bà cũng bị ép phải xem những video phỉ báng Pháp Luân Công trong gần một tháng. Sáu cộng tác viên đã cố “chuyển hoá” bà.

Ngày 11 tháng 4 năm 2018, bà Diêm bị chuyển đến tầng một, nơi chuyên giam các học viên từ chối “chuyển hoá”. Bà bị hăm doạ sẽ bị biệt giam nếu từ chối trả lời điểm danh. Nhưng vì sức khoẻ kém nên thay vào đó bà phải ngồi trên một cái ghế nhỏ từ 4 giờ sáng đến tận 10 giờ tối. Bà không được phép liên lạc với gia đình.

Ngày 15 tháng 10, lính canh Cao Dương đã chuyển bà Diêm đến tầng hai, nơi giam các tù nhân mà chưa bị tẩy não. Bà không được tắm trong 10 ngày.

Sau đó bà bị chuyển về lại tầng ba. Trưởng xà lim mới hầu như không không cho bà đủ thức ăn. Bà Diêm phải tranh luận với cô ta để lấy được khẩu phần ăn đúng.

Trưởng xà lim này chỉ cho bà tắm mỗi tháng một lần trong hai tháng đầu tiên, nhưng cuối cùng bà có thể tắm mỗi tuần một lần. Bà lại bị chuyển đến tầng một vào ngày 11 tháng 7.

Tháng 8 và tháng 9 năm 2019, nhà tù lại bắt đầu những hoạt động “chuyển hoá”. Những học viên từ chối chuyển hóa không được mua đồ dùng, gọi điện cho gia đình hay được thăm viếng.

Vì lo lắng cho gia đình trong dịch virus corona Vũ Hán, những học viên này đã tuyệt thực cùng nhau để bảo vệ quyền được thăm viếng của họ. Một vài ngày sau, nhà tù cuối cùng đã nhượng bộ và cho phép họ gọi điện về nhà.

Bài liên quan:

Học viên bà Lí Tú Hồng và bà Diêm Thục Phương bị tra tấn tàn bạo tại trại lao động cưỡng bách nữ Hắc Chuỷ Tử tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm

Một phụ nữ bị biệt giam ở trong tù, không được phép gọi điện thoại hay gặp mặt người thân


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/18/406484.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/7/185410.html

Đăng ngày 22-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share