Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Thiên Tân, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-08-2019] Một học viên Pháp Luân Công sống ở quận Hán Cô ở Thiên Tân đã bị tra tấn tại Nhà tù số 1 Thiên Tân (hay còn gọi là Nhà tù Lê Viên Đầu) từ năm 2002 đến năm 2005. Trong khoảng thời gian đó, ông Bạch Song Thành cũng chứng kiến những học viên không chịu từ bỏ đức tin của mình đã bị tra tấn như thế nào. Pháp Luân Công là một môn tu luyện giúp cải biến cả tâm lẫn thân, hiện đang bị bức hại ở Trung Quốc từ năm 1999. Dưới đây là tự thuật của ông Bạch về việc bản thân ông đã bị bức hại như thế nào và các học viên tại nhà tù này đã bị tra tấn ra sao.

Tôi bắt đầu làm việc ở Nhà máy Hoá chất Thiên Tân vào năm 1984. Hai mươi năm sau, vào năm 2004, sau khi cuộc bức hại nổ ra vào năm 1999, tôi bị sa thải chỉ vì không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngày 16 tháng 8 năm 2002, trong khi tôi đang phát tờ rơi thông tin về cuộc bức hại thì có người vì tin vào tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc nên đã báo tôi cho cảnh sát. Tôi bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam Hán Cô vào ngày hôm sau.

Ở trại tạm giam, một học viên khác là ông Vương Tăng Thành đã cố gắng luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công để duy trì sức khoẻ. Phó giám đốc trại tạm giam khi đó đã bắt ông Vương phải đeo một cái cùm nặng 21 kg và một còng tay đặc biệt suốt từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2002.

b00457885c5f06354b50c0dc2219a9e8.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: Còng tay và cùm chân

Chiếc còng tay đặc biệt này gồm hai vòng kim loại nối chặt với nhau không tách rời. Còng tay thông thường có một dây xích dài 12.7 cm nối giữa hai vòng kim loại nhưng loại còng tay đặc biệt này thì không có. Kết quả là hai cổ tay của ông Vương dính vào nhau chặt đến mức gần như bất động. Theo quy định ở trại tạm giam, thời gian tối đa một tù nhân bị còng tay trong chiếc còng đặc biệt này là sáu giờ. Nhưng ông Vương lại bị còng tay ở sau lưng với chiếc còng đặc biệt này trong thời gian hơn 30 ngày. Ông không thể làm bất cứ điều gì trong thời gian đó. Thậm chí đến việc đi vệ sinh ông cũng phải yêu cầu sự trợ giúp. Sau đó ông Vương bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Thiên Tân và chính tại đây, vào năm 2003 ông đã qua đời do bị tra tấn.

Sau khi bị xét xử phi pháp, tôi bị kết án tù và bị đưa tới Nhà tù số 1 Thiên Tân. Nhà tù này được thiết kế để giam giữ những người phạm trọng tội. Các học viên Pháp Luân Công hầu hết đều bị buộc tội “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” và họ cũng bị giam giữ tại nơi đây. Mỗi học viên đều có một vài tội phạm hình sự theo dõi suốt cả ngày đêm. Các học viên bị bắt phải lao động nặng nhọc và không được phép nói chuyện với nhau. Họ bị hạn chế dùng nước và bị giới hạn sử dụng nhà vệ sinh một cách nghiêm ngặt. Mỗi sáng các học viên phải xem những băng hình phỉ báng Pháp Luân Công. Mỗi đêm họ phải xem một chương trình tẩy não của CCTV và viết các báo cáo đảm bảo rằng họ sẽ từ bỏ tu luyện. Mỗi tuần, họ bị ép phải viết cái gọi là “báo cáo tư tưởng” để thể hiện rằng họ đã từ bỏ đức tin của mình.

Các học viên bị tra tấn theo những cách thức mà không để lại vết thương có thể nhìn thấy trên thân thể, để gia đình họ khi đến thăm các học viên không phát hiện được bất kỳ dấu hiệu nào về việc họ bị ngược đãi. Ví dụ, một số học viên bị bắt phải đứng yên từ 7 giờ sáng đến tối. Sau đó, đầu gối của họ cứng đến mức đầu gối họ không thể gập lại được và phải đưa thẳng chân khi bước đi. Một học viên bị bắt phải đứng theo cách này trong hơn 40 ngày và bị thương rất nặng.

28035221301889c8abf5be8cc2feb964.jpg
Tái hiện cảnh tra tấn: Ngồi trên một cái ghế nhỏ

Một hình thức tra tấn phổ biến khác là ép các học viên ngồi trên một chiếc ghế nhỏ nhiều giờ mỗi ngày. Ghế ngồi này có diện tích khoảng 5.08 cm x 10.16 cm và cao khoảng 5.08 cm. Sau khi ngồi trên ghế này trong thời gian dài, mông của học viên sẽ xuất hiện các vết lở loét. Các vết loét này sẽ không bao giờ lành nếu họ còn bị tra tấn.

Nhân viên Viện kiểm sát cũng làm việc ngay trong nhà tù. Công việc của họ là điều tra xem các chức trách nhà tù có vi phạm quyền của tù nhân hay ngược đãi họ hay không. Tuy nhiên trong cuộc bức hại này, chưa từng có cuộc điều tra nào như vậy được thực hiện.

Sau khi tôi rời khỏi nhà tù vào năm 2005, cảnh sát địa phương và người ở ủy ban khu dân cư thường đến nhà sách nhiễu tôi. Họ thậm chí còn sách nhiễu người nhà tôi tại nơi làm việc, khiến cuộc sống của chúng tôi trở nên rất căng thẳng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/8/391211.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/19/178963.html

Đăng ngày 05-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share