Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-1-2017] Năm 2002 tôi mới bắt đầu để tâm hơn đến tu luyện cá nhân thay vì chỉ đơn thuần tham gia vào làm các việc. Tôi đã ngộ được rằng việc cứu độ chúng sinh phải có xuất phát điểm dựa trên một nền tảng tu luyện cá nhân tốt.

Từ biểu hiện của đồng tu, nhìn lại chính mình và tu chính mình

Trong những năm tôi phải sống lang thang trôi dạt khắp nơi, có một đoạn thời gian tôi sống nhờ ở nhà đồng tu A. Một buổi tối, đồng tu L đã tới thăm chúng tôi. Tôi đã rất xúc động khi chứng kiến A thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót của đồng tu L.

Tôi chưa bao giờ dám nói ra như vậy, ngay cả khi tôi nhìn thấy vấn đề thực sự của các đồng tu, bởi vì tôi sợ làm họ mất lòng. Sự thẳng thắn và chân thành của A đã cho tôi thấy tư tưởng hẹp hòi của mình.

Tôi nói với L: “Để tốt cho các đồng tu, có lẽ tôi cũng nên làm như A. Tôi không nên coi các đồng tu như người ngoài. Tôi nên thiện ý nói ra và chia sẻ thể ngộ cá nhân của mình.”

Tôi không ngờ đồng tu L đã không đồng ý với điều tôi vừa nói. Tôi vừa cẩn thận lắng nghe sự phản bác của L, vừa đối chiếu với quá trình tư duy của chính mình. Tôi nhận ra về cơ bản tôi đã nói chuyện một cách vòng vo tam quốc. Từ lời nói, thái độ và cách hành xử của L, tôi đã nhận ra vấn đề của bản thân. Vì vậy, ngay lúc đó tôi đã quyết định phải cải biến chính mình.

Tôi bắt đầu nói ra nhận thức của mình mà không vòng vo nữa. Thật bất ngờ, lúc này đồng tu L lại yên lặng lắng nghe và không có bất kỳ phản bác nào.

Sau khi L ra về, tôi không khỏi lo lắng trong tâm. Đối với một người tính tình nhút nhát và không bao giờ muốn có lỗi với người khác thì những gì tôi đã làm với L là một việc rất chấn động. Tôi lo lắng rằng L sẽ tức giận, đồng thời cũng sợ biểu hiện của mình không giống một người tu luyện.

Vài ngày sau đó, L đã chủ động tìm gặp tôi. L không những không tức giận, cậu ấy còn đưa ra một đề nghị khác trước khi rời đi. Tôi đã thành tâm ghi nhận đề nghị của L. Tôi bắt đầu viết ra những cảm xúc và suy nghĩ chân thật của bản thân để từ đó có thể nhận thức chúng rõ ràng hơn. Trong quá trình đó, tôi thực sự đã phát hiện ra rất nhiều vấn đề ẩn sâu của bản thân. Lần đầu tiên tôi đã minh bạch được rằng những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân chính là những chấp trước và quan niệm người thường vốn đã có từ lâu. Khi đối diện với những vấn đề ẩn sâu bên trong của chính mình, tôi cảm thấy một cảm giác giải thoát từ trong sâu thẳm của sinh mệnh, trong lòng bỗng nhiên cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.

Sau đó, thông qua việc học các bài giảng Pháp của Sư phụ, tôi đã ngộ ra được nhiều điều. Tôi hiểu ra rằng những lúc tôi thực hiện không tốt chính là lúc tôi có nhân tố cần đề cao trong tu luyện. Tôi cũng hiểu rằng khi giải quyết vấn đề thì không thể chỉ nhìn nhận sự việc ở hình thức bề mặt, tôi cần phải đề cao trong tu luyện và tìm ra các nguyên nhân ở phía sau.

Từ đó tôi đã có thể thoát khỏi những vấn đề mà tôi đã ôm giữ từ lâu. Tôi đã nhận thức được mình cần phải làm gì. Theo thể ngộ cá nhân của mình, tôi cũng đã có thể giúp L vượt qua những vấn đề của cậu ấy. Thật tốt khi nghe tin từ L rằng những thay đổi và đề cao gần đây của cậu ấy một phần là do những trao đổi thực tâm giữa chúng tôi.

Tôi thực sự cảm thấy rằng kể từ đó tôi đã biết cách hướng nội. Do tôi kiên trì hướng nội, tôi cảm thấy mình đã đề cao rất nhanh. Trong quá trình giúp đỡ các đồng tu, tôi bắt đầu minh bạch được ý nghĩa của việc cần xem xét mọi việc dựa trên Pháp.

Khi nhìn lại giai đoạn tu luyện trước đây của mình, tôi đã ngộ được rằng không có một việc gì là ngẫu nhiên, ngay cả những sự việc phát sinh giữa các đồng tu với nhau. Mọi việc đều có mối quan hệ nhân duyên của nó mà có lẽ chúng ta khó có thể thấy rõ được. Nếu chúng ta có thể hướng nội bất cứ khi nào xuất hiện vấn đề, chúng ta sẽ có thể phủ định cựu thế lực và những an bài của chúng, đồng thời có thể nhắc nhở chúng ta đề cao trong tu luyện để hoàn thành thệ ước tiền sử của chúng ta.

Cải biến tư duy hướng ngoại

Năm 2003, đồng tu B, một người khá gần gũi với tôi đã bị bắt giữ. Tôi vô cùng bàng hoàng. Tôi nhớ lại những lần gặp gỡ thông thường giữa tôi với B suốt những năm chúng tôi quen biết nhau, tôi chưa từng chỉ ra điều gì không phù hợp để chia sẻ với cậu ấy. Tất cả là do những chấp trước của tôi về giữ thể diện, sợ phiền toái và không muốn liên lụy. Tôi cũng nhận ra rằng trong những cơ hội đã bị bỏ lỡ đó có những nhân tố khiến tôi có thể đề cao. Tôi muốn cải biến.

Một tháng sau đó, B được thả về nhà. Tôi bắt đầu chia sẻ với B từng bước một các vấn đề mà tôi đã nhận ra ở cậu ấy với hy vọng rằng cậu ấy sẽ hướng nội. Nhưng kết quả lại không như những gì tôi dự đoán. Thực tế là những nỗ lực của tôi lại dẫn đến mâu thuẫn giữa hai chúng tôi. Mối quan hệ của chúng tôi đi vào bế tắc trong một thời gian.

Điều này khiến tâm tôi náo loạn đến nỗi tôi thậm chí đã không thể tập trung khi học Pháp. Tôi liên tục có những suy nghĩ không đâu về B, về những vấn đề của cậu ấy, và xem những vấn đề đó được Sư phụ giảng trong Pháp như thế nào.

Một lần, khi tôi đang chìm trong những suy nghĩ như vậy trong lúc học Pháp, một suy nghĩ khác đột nhiên xuất hiện: “Chẳng phải tu luyện là tu chính bản thân mình sao. Vậy mà tôi lại đang nghĩ về B và đang dùng Pháp để cân nhắc người khác. Chẳng phải là tôi đang hướng ngoại sao?”

Mặc dù đã nhận thức như vậy, nhưng tư tưởng hướng ngoại kia của tôi vẫn biểu hiện rất mạnh mẽ. Tôi phải liên tục nghiêm khắc nhắc nhở bản thân: “Hướng nội!” Đồng thời, tôi dụng tâm học Pháp một cách tập trung và nghiêm túc. Dần dần, tư tưởng hướng ngoại của tôi đã yếu dần cho tới khi chúng biến mất khỏi ý thức của tôi. Khoảng trống đó được thay thế bằng một cảm giác tường hòa dễ chịu và hòa tan trong Pháp.

Không lâu sau, B phải rời khỏi nơi sinh sống để tránh bị bắt giữ một lần nữa. Một ngày, cậu ấy bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà tôi. Cậu ấy nói với tôi một cách chân thành rằng cậu ấy đến để cảm ơn tôi vì trước đây tôi đã nhắc cậu hướng nội. Điều đó khiến tôi càng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc hướng nội.

Kiên trì hướng nội

Một đồng tu đã từng nói rằng: “Hướng nội là trạng thái của giai đoạn tu luyện cá nhân trước đây. Hiện giờ là thời gian Chính Pháp. Chúng ta cần tập trung cứu người.”

Lúc đó, mặc dù tôi không nói gì, nhưng trong lòng tôi cảm thấy bối rối như thể bị mất phương hướng và không biết phải tiếp tục đi tiếp như thế nào. Trong nhiều ngày sau đó, tôi liên tục tự hỏi bản thân: “Cứu người là đúng, nhưng chẳng lẽ cứu người thì sẽ không cần hướng nội sao? Thật sự không cần sao?”

Một lần khi đang học Pháp, tôi đã ngộ ra rằng tu luyện bản nhân có nghĩa là phải hướng nội tìm ở bản thân mình. Chỉ bằng cách hướng nội để loại bỏ các chấp trước thì chúng ta mới có thể được coi là những người tu luyện chân chính.

Tuy rằng các vấn đề trong tu luyện Sư phụ đều đã giảng ở trong Pháp, nhưng không phải tất cả các học viên đều nhận thức được, và Sư phụ cũng sẽ không xuất hiện trước mỗi học viên để giảng cho chúng ta cụ thể cần đối đãi với mỗi tình huống gặp phải trên con đường tu luyện như thế nào.

Do đó, tôi đã có một quyết định vững chắc rằng tôi cần kiên định với Pháp lý hướng nội tìm bất cứ lúc nào và trong bất cứ tình huống gì.

Sau đó tôi đã nghĩ đến một đồng tu không muốn tham gia học Pháp nhóm. Tôi đi đến nhà anh ấy, nhưng khi tôi gõ cửa thì không có ai trả lời. Tôi nghĩ rằng đó là can nhiễu của cựu thế lực. Tôi đã quyết định sẽ không rời đi mà bình tĩnh đứng đợi bên cửa. Một lúc sau, cánh cửa mở ra, hoá ra học viên đó có nhà.

Chúng tôi đã ngồi xuống và chia sẻ với nhau một cách chân thành. Chúng tôi đã phân tích để tìm ra mấu chốt của việc anh ấy không muốn đến nhóm học Pháp. Chúng tôi đã nhận thức vấn đề dựa trên Pháp. Cuối cùng học viên đó đã quyết định sẽ tham gia trở lại nhóm học Pháp.

Trải nghiệm đó cộng với trạng thái tu luyện hiện tại của tôi đã khiến tôi hiểu ra rằng các học viên đều dựa trên thể ngộ của bản thân đối với Pháp mà bước đi trên con đường tu luyện của chính mình, và làm các việc khác nhau trong các hạng mục khác nhau. Nhận thức khác nhau là điều bình thường, nhưng bài xích lẫn nhau thì chính là vấn đề.

Nếu chúng ta không tiến thêm một bước để nhìn nhận các vấn đề dựa trên Pháp, nếu chúng ta không nhận thức được rằng tất cả thể ngộ của chúng ta đều đến từ Sư phụ và Pháp, chúng ta sẽ dễ dàng nhấn mạnh vào quan niệm cá nhân của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy khó điều chỉnh mối quan hệ giữa bản thân mình với Sư phụ và Đại Pháp. Khi đó, tất cả các vấn đề có thể sẽ xuất hiện.

Sư phụ giảng:

“Chư vị là một chỉnh thể, giống như công của Sư phụ. Tất nhiên chư vị không phải là công; tôi lấy ví dụ vậy thôi. Cũng như công của tôi, đồng thời làm mọi thứ việc.“ “Nói cách khác một chỉnh thể không nhất định đều làm một việc. Tuy nhiên vô luận làm bất kể điều gì đi nữa, chư vị đều cần phải làm sao cho xứng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington D.C [2001])

Sư phụ cũng giảng:

“Cách làm khác nhau chính là phương thức trong khi Pháp đang vận chuyển mà phân công một cách hữu cơ, còn Pháp lực là triển hiện trên chỉnh thể.” (Lời bình, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Chúng ta đang trong quá trình phản bức hại nhằm cứu độ chúng sinh. Nếu chúng ta không thể cân nhắc mọi vấn đề dựa trên Pháp thì những quan niệm người thường sẽ khởi tác dụng. Chúng ta sẽ nhấn mạnh vào quan điểm của chính mình dựa trên những nhận thức khác nhau của chúng ta. Chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy những vấn đề của người khác. Việc hướng nội của chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở bề mặt.

Khi chúng ta bước trên con đường tu luyện của bản thân, chúng ta hơn hết cần nhìn vào những điểm tốt ở các đồng tu, như vậy chúng ta sẽ biết quý trọng nhau, hỗ trợ lẫn nhau và hòa hợp với nhau. Khi đó chúng ta có thể phối hợp tốt trong việc hoàn thành trách nhiệm cứu độ chúng sinh của mình.

Buông bỏ chấp trước

Tôi biết một cặp vợ chồng đồng tu có mâu thuẫn dai dẳng với nhau. Tôi nghĩ rằng tôi cần giúp đỡ họ giải quyết những vấn đề tồn tại đã lâu của họ. Sau này, khi tôi biết được họ không vừa lòng với tôi, tôi cảm thấy rất bất ngờ, và còn cảm thấy bị chút oan uổng. Tôi cũng cảm giác giữa chúng tôi dường như có một loại vật chất không cách nào dung hợp được.

Một buổi sáng, trên đường đi làm khi tôi đi ngang qua nhà họ, tôi đã không thể không nghĩ về họ. Tôi nhớ tới khuôn mặt của họ, nụ cười của họ và cảm thấy họ là những người rất hiền lành và tốt bụng. Tôi thắc mắc: “Chuyện xảy ra giữa chúng tôi nhất định là vấn đề ở chính bản thân tôi. Nếu không, họ sẽ không có những suy nghĩ tiêu cực về tôi như thế.”

Tôi bắt đầu nhớ lại những gì đã xảy ra, bao gồm cả những suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và thái độ của tôi. Tôi đã hướng nội và nhận ra rằng tôi thường cảm thấy một cảm giác do dự và nhút nhát khi tôi tiếp xúc với họ. Khi tôi tìm kiếm nguyên nhân, tôi mơ hồ nhận ra có một cục vật chất đã ẩn nấp trong ý thức tư tưởng của tôi, và rằng những gì tôi đang tìm kiếm đã được ẩn giấu bên trong.

Tôi tự nhủ: “Tôi phải quan sát mọi thứ thật cẩn thận. Tôi không được chỉ nhìn ở bề mặt mà phải tìm ra được vấn đề căn bản.” Dần dần, tôi nhận ra rằng khi tôi tiếp xúc với các học viên, trên bề mặt, tôi rất nhiệt tình và tích cực, nhưng sâu thẳm bên trong, đằng sau sự do dự và nhút nhát của tôi, dường như lại ẩn chứa điều gì đó khác.

Đó là lúc tôi tìm ra được chấp trước của bản thân vào sắc dục. Tôi cũng phát hiện thêm được chấp trước vào danh của mình, tôi lo sợ bị người khác phát hiện ra thiếu sót và bị chê cười. Điều tồi tệ hơn là, không chỉ tôi có những chấp trước đó, mà thực sự tôi còn nuôi dưỡng những chấp trước này, vì tôi đã coi những chấp trước đó là một phần của bản thân mình.

Những phát hiện đó khiến tôi cảm thấy mình như đã tỉnh ngộ sau một giấc mơ. Tôi trở nên nhẹ nhàng. Tôi cảm nhận được những vật chất đã bao phủ quanh tôi nhanh chóng tiêu tan.

Tối hôm đó, sau khi tôi phát hiện ra những chấp trước ẩn giấu bên trong và đối mặt với chúng để loại bỏ chúng, tôi đã mơ thấy mình đi cùng hai vợ chồng đồng tu kia. Đột nhiên, một con vật lớn trông giống như một con chuột hay một con nhím từ trên không rơi xuống. Khi tỉnh dậy, tôi đã hiểu được rằng khi tôi cố gắng để loại bỏ chấp trước của bản thân, tà ác sẽ không còn chỗ để ẩn nấp.

Sau trải nghiệm này, tôi nhận ra rằng bất cứ khi nào các đệ tử Đại Pháp gặp mâu thuẫn, chúng ta nên cố gắng dụng tâm hướng nội để phát hiện ra những thiếu sót của bản thân, và nhận thức rằng những vấn đề này không phải là chính bản thân chúng ta, mà chúng là những thứ đối ứng của tà ác tại các không gian khác.

Loại bỏ tình

Năm 2005, một đôi vợ chồng lớn tuổi làm việc tại điểm sản xuất tài liệu ở khu vực của chúng tôi, họ phụ trách điều phối việc cung cấp tài liệu Đại Pháp cho các học viên địa phương.

Học viên C và D đã không chú trọng học Pháp, dường như họ dành tất cả thời gian và nỗ lực của họ vào việc phân phát tài liệu Đại Pháp.

Các điều phối viên đã trao đổi vấn đề đó với tôi. Chúng tôi đã thảo luận và quyết định rằng chúng tôi tạm thời sẽ không cung cấp tài liệu cho họ để họ có nhiều thời gian học Pháp hơn.

Sau hai tuần, đồng tu C và D trở nên không vui. Bởi vậy, tôi đã nhìn nhận lại vấn đề này.

Tôi đã chia sẻ suy nghĩ của mình với các điều phối viên: “Mặc dù ý định của chúng ta là muốn giúp C và D, nhưng Sư phụ yêu cầu chúng ta cứu độ chúng sinh, là một trong ba việc chúng ta cần làm. Chúng ta có trách nhiệm cung cấp cho các học viên những tài liệu cần thiết để họ có thể cứu người. Nếu chúng ta nhận thấy bất kỳ thiếu sót nào, tất cả những gì chúng ta có thể và nên làm là thiện ý chỉ ra cho họ và giúp họ nhận thức ra vấn đề.”

Các điều phối viên đã đồng ý. Tuy nhiên, một vài ngày sau đó, họ trở nên không tin tưởng tôi nữa, thậm chí họ còn tránh mặt tôi.

Tôi không biết phải làm gì. Sau khi hướng nội và nhìn nhận toàn diện vấn đề, tôi đã có thể loại bỏ quan niệm về sự tự cao và chấp trước vào tình với các đồng tu.

Tôi đã nhận ra rằng: “Ôm giữ bất kỳ ý kiến cá nhân nào về các đồng tu cũng là sai. Bất kể điều gì xảy ra, thì không quan trọng là ở vấn đề hay mâu thuẫn đó, mà đó chính là Sư phụ đã an bài những cơ hội đó cho tôi để tôi có thể đề cao bản thân.”

Tôi tự nhủ: “Nhiệm vụ của tôi là duy hộ Đại Pháp và điểm sản xuất tài liệu Đại Pháp. Không có điều gì khác quan trọng hơn.”

Tôi quyết định sẽ tập trung vào việc viên dung Đại Pháp, lặng lẽ phát chính niệm cho điểm sản xuất tài liệu Đại Pháp của chúng tôi và phối hợp tốt với các đồng tu. Và như vậy, chúng tôi có thể phối hợp làm việc tốt với nhau để cứu độ chúng sinh.

Sư phụ giảng:

“Hình thức xã hội có thể thay đổi, nhưng yêu cầu của tu luyện sẽ vĩnh viễn không thể thay đổi, bởi vì đó là tiêu chuẩn của vũ trụ, là tiêu chuẩn của Đại Pháp.” (Lời nhắc nhở)

Tôi sẽ cố gắng hết sức tu luyện phù hợp với các tiêu chuẩn của Pháp và phủ nhận mọi an bài của cựu thế lực để bước đi trên con đường mà Sư phụ đã an bài cho tôi.

Điều lớn nhất tôi đã ngộ được, đó là tầm quan trọng của việc hoàn toàn tín sư tín Pháp, ngoài ra phải học Pháp một cách vững chắc và kiên định. Cho dù tôi phải đối mặt với vấn đề nào đi chăng nữa, tôi sẽ kiên trì hướng nội tìm, đối chiếu nhất tư nhất niệm của bản thân với Pháp, và quý trọng các đồng tu trong bất kỳ hoàn cảnh nào.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/16/340904.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/3/1/162350.html

Đăng ngày 30-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share