Bài viết của Suman Srinivasan đọc tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện San Francisco 2016
[MINH HUỆ 7-12-2016] Con xin kính chào Sư phụ! Kính chào các đồng tu!
Tôi đắc Pháp vào năm 2001 khi còn đi học đại học ở Florida. Hôm nay, tôi muốn tổng kết một số trải nghiệm tu luyện của mình trong giai đoạn tu luyện Chính Pháp trong 15 năm qua.
1. Giảng chân tướng cho gia đình và bè bạn
Khoảng một năm trước khi tôi đắc Pháp, tôi cứ loanh quanh tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và đã thử mấy môn tu luyện. Một lần trong một sự kiện của câu lạc bộ sinh viên, tôi nhận được một tờ rơi giới thiệu Pháp Luân Công và lập tức quyết định thử. Ngay hôm đầu tiên, tôi đã thấy dòng năng lượng chạy khắp cơ thể. Chưa đầy hai tuần sau, tôi đã đọc xong cuốn “Pháp Luân Công” và “Chuyển Pháp Luân” và thấy pháp môn này rất tốt. Sau vài tháng đọc đi đọc lại Chuyển Pháp Luân và các kinh văn khác, tôi nhận ra rằng Đại Pháp chính là điều tôi tìm kiếm bấy lâu nay. Thế là tôi quyết định dành trọn cuộc đời này để tu Đại Pháp.
Sau đó, tôi muốn giới thiệu Đại Pháp với gia đình và bè bạn. Thậm chí trước khi đắc Pháp, tôi đã nghe nói đến Pháp Luân Công và cuộc bức hại từ các kênh thông tấn lớn và đã có ấn tượng tốt đẹp về môn tu luyện này. Tôi cho rằng gia đình và bạn bè mình cũng đã nghe nói đến Pháp Luân Công, cũng có ấn tượng tốt và cũng sẽ bước vào tu luyện. Song tôi lấy làm ngạc nhiên vì nhiều người trong số họ chưa từng nghe nói đến pháp môn này, còn những người đã biết thì thường không quan tâm. Tôi còn sốc hơn khi biết rằng một số họ cũng từng đọc đúng bản tin tôi từng đọc, mà làm sao họ lại có cái nhìn tiêu cực về Pháp Luân Công được chứ!
Cha mẹ tôi rất vui khi thấy những thay đổi tích cực ở tôi sau khi tu luyện, từ một đứa trẻ nổi loạn thành người có đạo đức cao thượng hơn. Nhưng họ không sao hiểu được vì sao tôi lại tập một môn mà theo họ đang là vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc mà lại chả liên quan gì đến cuộc sống của chúng tôi cả. Họ còn lo cho sự an toàn của tôi, nói rằng nếu tôi cứ tham gia vào việc giảng chân tướng thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sẽ sai côn đồ đến Mỹ đánh tôi nữa! Đầu tiên, tôi thấy sự lo lắng này hơi buồn cười, nhưng sau hai năm, gia đình tôi còn hiểu lầm hơn nữa về Đại Pháp, tới mức mẹ tôi còn khóc van xin tôi đừng tham gia vào các hoạt động giảng chân tướng để được an toàn. Là sinh viên đại học, tôi e ngại phải đối diện sự phản đối của người nhà mình, trong đó có những người rất thành công trong các lĩnh vực chuyên môn.
Vì tuổi thơ của tôi trải qua trong môi trường được gia đình bao bọc nên sự hiểu lầm của gia đình về môn tu luyện thành thử lại là khảo nghiệm lớn nhất trong hai năm đầu tu luyện của tôi.
Tôi nhận ra là mình phải giảng chân tướng sâu cho người nhà. Hồi mới bước vào tu luyện, tôi đã gửi bản “Pháp Luân Công” và “Chuyển Pháp Luân” cho hầu hết người thân và bè bạn. Sau đó, tôi bắt đầu gửi các tài liệu giảng thanh chân tướng. Khi về thăm nhà, tôi rủ mẹ và bà cùng tôi xem hết video chín bài giảng của Sư phụ trong hai lần về, sau đó bà tôi nhận xét Pháp Luân Công thật là tốt, mẹ tôi cũng muốn bước vào tu luyện mặc dù bà không thể tiếp tục tu khi tôi không có ở nhà. Sau khi Shen Yun bắt đầu lưu diễn toàn cầu, tôi tìm cách đưa mọi người trong gia đình đi xem.
Một năm, tôi thấy Shen Yun sẽ biểu diễn vào dịp Giáng sinh ở Texas, nơi anh tôi làm việc ở vị trí kỹ sư phần mềm. Tôi tới thăm anh trong dịp Giáng sinh và đưa anh đi xem Shen Yun. Một năm sau, tôi biết Shen Yun sẽ biểu diễn ở Florida và đã lên lịch tới thăm cô chú tôi vào dịp cuối tuần. Họ làm trong ngành tài chính và bất động sản ở đó. Anh trai tôi cũng tới Florida đúng dịp cuối tuần đó, thế là cả bốn người chúng tôi cùng đi xem Shen Yun. Tất cả người nhà tôi từng xem diễn xuất của Shen Yun đều thích, còn anh trai tôi, đến giờ đã xem tới ba lần, mà sau mỗi lần xem đều có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống.
Quá trình mà gia đình chuyển từ lo lắng hay phản cảm sang ủng hộ Đại Pháp không phải một sớm một chiều mà làm được, mà phải trải qua nhiều năm và qua nhiều phương thức giảng chân tướng. Thậm chí tôi còn chia sẻ những khổ nạn với họ, tôi thấy việc họ có thái độ tích cực về Đại Pháp đã đặt định một nền tảng vững chắc cho họ trong tương lai. Sư phụ từ bi đã an bài cho tôi cơ hội thông qua nhiều hạng mục giảng chân tướng, và tất cả đều đã giúp gia đình tôi hiểu Đại Pháp rõ hơn.
2. Truyền Pháp tới quê tôi ở Ấn Độ
Sau khi đắc Pháp, tôi thực sự muốn hồng Pháp về quê nhà ở Chennai, một thành phố ở miền duyên hải Đông Nam Ấn Độ, nơi tôi lớn lên và trải qua thời thơ ấu. Chennai với khoảng 4,5 triệu dân, trực thuộc bang Tamil Nadu với hơn 70 triệu dân. Tôi biết mấy năm trước đã có một số học viên hồng Pháp ở Ấn Độ, nhưng tôi nhận thấy không có ai chân chính tu luyện ở thành phố hay bang nơi quê tôi cả. Tôi gửi sách “Pháp Luân Công” và “Chuyển Pháp Luân” tới hầu hết các thư viện ở thành phố, rồi khi đi kiểm tra trong những chuyến về quê, tôi thấy hai cuốn sách đã được mượn và đọc nhiều lần trong những năm qua.
Chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Chennai gặp rất nhiều khảo nghiệm của gia đình liên quan đến Pháp Luân Công. Có những hiểu lầm của họ về Đại Pháp bộc lộ ra trong suốt chuyến đi, và chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian để tranh luận về việc tu luyện và tham gia vào các hoạt động Đại Pháp của tôi. Tôi không thể làm gì để hồng Pháp trong chuyến đi đó vì chướng ngại với gia đình nên thấy thật tệ vì đã lỡ mất cơ hội đó.
Hai năm sau, khi trở lại quê nhà, gia đình tôi đã ủng hộ hơn sau quá trình liên tục giảng chân tướng. Cha tôi quản lý một công ty phần mềm riêng, ông từng phản đối điều ông gọi là tôi đi “truyền bá” Pháp Luân Công, thì giờ còn để tôi sử dụng văn phòng công ty ông vào dịp cuối tuần để tổ chức lớp học. Trong những chuyến đi sau đó, các đồng tu từ các thành phố khác ở Ấn Độ tới hỗ trợ các hoạt động hồng Pháp và đã khởi tác dụng rất lớn.
Lần đầu tiên khi tôi nghĩ đến việc hồng Pháp, tôi định đăng quảng cáo trên báo. Song tôi lại nhớ Sư phụ giảng:
“Đương nhiên chúng ta có lúc là hành vi cá nhân của học viên đi đăng báo một chút, để người khác biết một chút, cũng có thể khiến rất nhiều người đắc Pháp, tôi cũng không phủ định hình thức này, có thể khiến những người hữu duyên ấy biết đến. Tuy nhiên tôi chỉ nói là hình thức hồng Pháp tốt nhất mà tôi lưu lại cho chư vị chính là luyện công tập thể và Pháp hội.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])
Tôi băn khoăn liệu đăng quảng cáo thì có đúng không nhỉ. Nhưng vì mỗi năm, tôi chỉ đi Chennai có một, hai lần nên tôi không chắc khi nào thì các học viên khác tới hồng Pháp ở thành phố quê hương tôi nên tôi quyết định đăng một mẩu quảng cáo nhỏ trên tờ báo lớn nhất của thành phố. Cuối cùng, tôi lại đăng quảng cáo trên toàn bang với hy vọng người hữu duyên có thể thấy quảng cáo này mà học pháp môn này qua mạng, kể cả họ không tới lớp được. Quảng cáo ấy có một số thông tin cơ bản và đơn giản về Pháp Luân Công, có cả địa chỉ trang web và thông tin rằng môn tu luyện này được dạy miễn phí.
Ngày đầu tiên chạy quảng cáo trên báo, cả ngày tôi nhận điện thoại từ những người hỏi về môn tu luyện. Ngoài cuộc gọi từ những người ở khắp các nơi trong bang của tôi, còn có một người từ một thị trấn nhỏ, xa xôi đi sáu giờ tàu tới Chennai để tham dự lớp học rồi lại bắt tàu về. Mấy năm qua, ông đã đến đây nhiều lần để học lại bộ công pháp và giữ liên lạc với tôi. Một phụ nữ đã mua các cuốn sách của Pháp Luân Công tại hội chợ sách, nhưng không thể tiếp tục tu luyện vì bà chưa được học các bài công pháp; sau khi tham dự khóa giảng, bà đã có thể tu luyện trở lại. Tôi cố gắng lập một điểm luyện công mỗi tuần một lần tại bãi biển của thành phố; một nam thanh niên, sau khi học các bài công pháp tại bờ biển, đã nói với tôi rằng đây là điều anh ấy hằng tìm kiếm cả đời.
Mấy năm qua, các đồng tu và tôi tới các tòa báo lớn nhỏ để giảng chân tướng, hầu hết các báo đó đều đăng tin ngắn về các lớp học Pháp Luân Công trong mục ‘Sự kiện’. Có một năm, tờ báo lớn thứ hai của thành phố đăng một bài tiêu điểm giới thiệu riêng về Pháp Luân Công và những lợi ích về mặt sức khỏe cùng với các cuộc phỏng vấn các học viên địa phương. Khi bài báo ra mắt lần đầu tiên, tôi vô cùng hạnh phúc vì nghĩ rằng đó là thành quả của bao nhiêu năm nỗ lực hồng Pháp. Nhưng khi đọc bài báo, tôi thấy đồng tu của tôi mà đến hỗ trợ năm đó lại được đề cập nổi bật trong bài báo. Niệm đầu của tôi khi đó là, tôi làm nhiều nhất suốt mấy năm qua, thế mà anh ấy mới đến hỗ trợ có một lần mà lại được đề cập ngang hàng với tôi sao? Tôi nhanh chóng nhận ra đó là tâm đố kỵ; ai được đăng nổi bật hơn thì có gì quan trọng đâu, miễn sao có thể cứu chúng sinh là được mà.
Đoạn Pháp của Sư phụ hiện lên trong tâm trí tôi:
“… thành công của công tác chỉ là hình thức biểu hiện trong người thường, còn có thể khiến người đắc Pháp và hồng dương Đại Pháp là uy lực của bản thân Đại Pháp và an bài cụ thể của Pháp thân.” (“Một đòn nặng”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Mấy năm qua, các đồng tu và tôi đã hướng dẫn các bài công pháp và hồng Pháp cho mấy trăm người ở Chennai. Có một chuyện thú vị xảy ra trong khi chúng tôi hồng Pháp. Trước khi tổ chức lớp Pháp Luân Công đầu tiên ở Chennai, thành phố của chúng tôi từng bị hạn hán nặng – trời không mưa suốt mấy năm liền và cả thành phố phải chịu nạn thiếu nước nghiêm trọng. Chưa đầy một ngày sau khi chúng tôi tổ chức lớp học Pháp Luân Đại Pháp đầu tiên ở thành phố, trời đột ngột đổ mưa sau hàng năm trời. Trong những năm chúng tôi hồng Pháp rộng khắp, năm nào trời cũng mưa đủ để giải quyết tình trạng hạn hán của thành phố mà không gây lụt.
“Dẫu thế nào đi nữa, chư vị là hy vọng của các sinh mệnh ở đó! Sau này chư vị sẽ thấy. (vỗ tay) Hiện nay dân tộc nào, quốc gia nào mà không có đệ tử Đại Pháp, đối với họ mà xét, thì sẽ tạo thành khó khăn rất lớn, ít nhất là như vậy. Do đó ở nơi đó bất kể là có bao nhiêu đệ tử Đại Pháp, thì đối với dân tộc đó mà xét, đó chính là hy vọng. (“Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003]”, Giảng Pháp tại các nơi III)
3. Giảng chân tướng ở chỗ làm
Khi còn học đại học, tôi có rất nhiều cơ hội phối hợp với các đồng tu để giảng chân tướng, như có điểm luyện công hàng ngày ngay trong khuôn viên trường, các sự kiện giảng chân tướng, dựng áp phích, đặt báo Đại Kỷ Nguyên ở các tòa nhà nhiều người qua lại trong trường, v.v. Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi được làm ở hội sở chính của một ngân hàng đầu tư Phố Wall ở Manhattan, mà chỉ tính riêng văn phòng Manhattan thôi đã có gần chục nghìn nhân viên. Lúc nào trên bàn làm việc của tôi cũng có tờ rơi và tôi có thể giảng chân cho các đồng nghiệp của tôi khi cơ hội đến. Nhưng ở đó không có bảng tin hay cách nào khác để tổ chức sự kiện như tôi từng làm ở trường. Tôi liên hệ với phòng tập thể dục dụng cụ của công ty mấy lần về việc mở lớp Pháp Luân Công nhưng không có phản hồi. Tôi hơi mất phương hướng, không biết làm sao để giảng chân tướng trên diện rộng ở cơ quan.
Một hôm, khi đi qua một quán ăn sang trọng ở trung tâm hội sở của công ty, tôi thấy có ba, bốn tờ báo tiếng Anh của phương Tây mà công ty tôi đặt hàng ngày. Tôi ước gì được thấy Thời báo Đại Kỷ Nguyên (ĐKN) tiếng Anh ở đó; tôi mong một ngày nào đó, ĐKN tiếng Anh sẽ trở thành một tờ báo có tầm ảnh hưởng và đến được với mọi người ở các công ty lớn. Lúc đó, tôi nghĩ: “Hôm nay có cách nào để mang ĐKN tiếng Anh đến công ty không nhỉ?”
Sư phụ giảng:
“Do đó, khi giảng rõ chân tướng, không nên đợi, không nên dựa vào [người khác], không nên trông chờ vào sự biến đổi của các nhân tố bên ngoài.” (“Gửi toàn thể học viên Pháp hội Bắc Âu”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Chưa đầy hai ngày từ khi tôi có niệm này, bằng cách nào đó tôi đã tìm ra thông tin liên lạc của người phụ trách đặt báo ở công ty. Tôi mua vài tờ của ấn bản báo ngày ĐKN New York với hy vọng sẽ giảng chân tướng cho cô ấy ngay khi cô nhận tờ báo. Hai hôm sau, chưa cần phải làm gì thì ĐKN đã được trưng bày cùng các báo tiếng Anh lớn khác tại vị trí nổi bật này của trụ sở của công ty.
Khi mới mua một số báo, tôi đã có nhiều quan niệm: liệu công ty tôi có chấp nhận ĐKN và trưng bày cùng các báo có tầm ảnh hưởng khác không nhỉ? Rốt cuộc họ lại chấp nhận, và ĐKN đã được đặt ở vị trí dễ thấy nhất của trụ sở công ty ngay từ hôm đầu có báo. Rồi thì tôi lại nghĩ, có bao nhiêu nhân viên Trung Quốc ở đây, nếu họ gây ảnh hưởng thì làm sao nhỉ? Sự lo sợ đó hóa ra cũng chẳng có cơ sở gì. Thực sự đúng như Sư phụ đã giảng:
“Thậm chí đều đã ‘trải thảm’ xong cả rồi, chỉ thiếu chư vị bước ra làm thôi.” (“Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp”, Giảng Pháp tại các nơi XI)
4. Học tiếng Trung và giảng chân tướng cho người Trung Quốc
Khi mới đắc Pháp, tôi biết rất ít về văn hóa Trung Hoa, mà tiếng Trung thì còn biết ít hơn nhiều. Tôi chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó tôi lại có thể học tiếng Trung, nhưng sau khi tu luyện khoảng một năm, tôi thực sự muốn học tiếng Trung. Một năm sau đó, tôi bắt đầu học Chuyển Pháp Luân bằng một phần mềm dịch tiếng Trung sang tiếng Anh.
Giờ đây, tôi đã có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Trung nên rất hữu ích khi giảng chân tướng.
Chẳng hạn, khi tôi gặp người từ Trung Quốc Đại Lục, tôi thường bắt chuyện kiểu như: “Xin chào, bạn có phải từ Trung Quốc Đại Lục không? Tôi biết nói ít tiếng Trung đấy! Tôi tu luyện Pháp Luân Công; tôi đã tu luyện 15 năm nay rồi. Sức khỏe của tôi đã cải thiện từ khi tu luyện Pháp Luân Công và tôi học cách để trở thành người tốt hơn. Tôi rất thích văn hóa Trung Quốc nên mới bắt đầu học tiếng Trung. Tôi hy vọng bạn có thể hiểu sự thực về Pháp Luân Công và ghi nhớ Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Khi tôi vừa nói xong câu này, người Trung Quốc thường tỏ ra ngạc nhiên, thích thú và sẵn lòng trò chuyện với tôi hơn, và tôi có thể tiếp tục giảng chân tướng.
Khi bước vào tu luyện, tôi thấy rất khó giảng chân tướng cho người Trung Quốc Đại Lục. Tôi thấy họ khó chịu mỗi khi tôi nói về Pháp Luân Công, họ bảo tôi là người nước ngoài nên không hiểu được Trung Quốc, thậm chí còn quát vào mặt tôi. Hồi đó, tôi thường bực mình và thấy cứu họ thật khó!
Sau khi học và nói tiếng Trung, tôi thấy người Trung Quốc ít nhất cũng cởi mở và thích nói chuyện với tôi hơn. Chẳng hạn, một lần khi tôi đang ngồi trong một tàu điện ngầm hơi vắng khách ở New York thì một nhóm chừng 10-15 thương nhân Trung Quốc tầm 40-50 tuổi mặc đồ vest bước vào khoang tàu và ngồi cạnh tôi. Lúc đó, tôi đang nghe Pháp nên tôi dừng máy nghe lại, bỏ tai nghe ra và nói “Chào các vị” rồi bắt đầu giảng chân tướng cho họ bằng tiếng Trung. Khi tôi nói, một nửa những người Trung Quốc ấy bắt đầu cười; nửa còn lại há hốc mồm ra. Tôi tiếp tục trò chuyện với họ và giảng chân tướng vài phút nữa, rồi khi đến ga tôi phải xuống, tôi cảm ơn họ đã nghe tôi nói và hy vọng họ ghi nhớ Pháp Luân Đại Pháp hảo. Khi tôi ra khỏi, một người Trung Quốc cũng chạy ra, cười, lấy từ túi áo ra chiếc danh thiếp có thông tin liên lạc của ông ấy và đưa tôi.
Ông ấy nói với tôi bằng tiếng Trung là ông ấy từ Quảng Châu, rằng nếu tôi có tới Trung Quốc thì nhất định phải tới chỗ ông ta, và ông ta sẽ đón tiếp và đưa tôi đi dạo quanh thành phố. Tôi thấy phần biết của ông ấy hẳn đã thức tỉnh, vì thế mà có thái độ tử tế với tôi đến vậy chỉ sau mấy phút giảng chân tướng.
Tôi có nhiều trải nghiệm tích cực như thế khi giảng chân tướng cho người Trung Quốc bằng tiếng Trung, dù là ở trường, cơ quan, tại các điểm giảng chân tướng hay khuyên người Trung Quốc thoái Đảng trong các sự kiện thoái ĐCSTQ. Không phải lúc nào việc giảng chân tướng của tôi cũng đạt hiểu quả 100%, nhưng hy vọng là việc tôi không phải là người Trung Quốc mà lại giảng chân tướng bằng tiếng Trung ít nhất cũng đặt cơ sở cho họ hoàn toàn minh bạch chân tướng trong tương lai, dù cho họ không tiếp nhận chân tướng ngay đi nữa.
Người Trung Quốc, kể cả các đồng tu của tôi, thường ngạc nhiên khi nghe tôi bập bẹ tiếng Trung mà không học tiếng Trung ở trường lớp hay bằng phương pháp thông thường nào mà là thông qua việc học “Chuyển Pháp Luân” tiếng Trung. Khi tôi bắt đầu học Pháp bằng tiếng Trung, tôi dùng phần mềm từ điển phiên âm pinyin và giải nghĩa tiếng Anh cho mỗi từ hay cụm từ. Tôi thấy chỉ trong ba tháng học “Chuyển Pháp Luân” tiếng Trung bằng phần mềm này, mỗi ngày một tiếng, tôi đã có thể nhận biết được 30% mặt chữ tiếng Trung mà không cần dựa vào phần mềm. Chưa đầy một năm, tôi đã có thể nhận ra 80%-90% các chữ trong “Chuyển Pháp Luân”, rồi tôi bắt đầu tham gia học Pháp nhóm bằng tiếng Trung và đọc theo mà không cần từ điển nữa.
Trải nghiệm của tôi rất giống với quá trình mà Sư phụ đã mô tả:
“Nhưng trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, người đó phát hiện rằng tất cả các chữ trong sách đều biến thành sắc vàng, từng chữ đều bay vào trong não của mình. Khi tỉnh lại, người đó có thể đọc được toàn bộ cuốn sách. Tuy nhiên người này trước giờ chưa từng đọc sách, trước kia là người mà đến cái tên của mình cũng không biết viết, [giờ] tất cả các chữ trong cuốn “Chuyển Pháp Luân” toàn bộ đều biết hết. Hiện tượng này cũng rất nhiều, nhưng không thể đi truy cầu.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [1999]”)
Mặc dù tôi không nhìn được không gian khác nhưng tôi có thể cảm thấy các chữ tiếng Trung tuôn vào não mình khi học “Chuyển Pháp Luân” bằng tiếng Trung, tôi biết đó là uy lực của Pháp đã cho tôi hấp thụ các chữ tiếng Trung nhanh đến vậy. Chỉ sau khi tôi quen với các chữ trong “Chuyển Pháp Luân”, tôi mới bắt đầu dùng đến các tài liệu học tiếng Trung khác để bổ trợ, nhưng thực ra, hầu hết những từ mà tôi học được đều là nhờ học Pháp. Đến giờ, tôi đã có thể đọc được hầu hết các bài giảng của Sư phụ bằng tiếng Trung giản thể và phồn thể, nhưng đọc báo và xem TV bằng tiếng Trung, đối với tôi, vẫn rất khó khăn! Tôi thấy toàn bộ quá trình học Pháp bằng tiếng Trung là một trải nghiệm vô cùng đáng giá và muốn khích lệ các đồng tu châu Âu của tôi, nếu có thể thì cũng thực hiện như vậy.
5. Kết luận
Trong 15 năm tu luyện, một nửa thời gian đầu của tôi là ở trường đại học nên tôi đã có thời gian linh hoạt để giảng chân tướng và làm các hạng mục và sự kiện giảng chân tướng. Nửa sau tôi làm việc trong xã hội người thường nên có ít thời gian để trực tiếp làm ba việc hơn, nhưng lại có thể phó xuất về tài chính nhiều hơn. Trong suốt quá trình tu luyện, tôi đã có nhiều lúc thăng trầm, nhiều thử thách phải vượt qua, và nhiều chấp trước phải buông bỏ như chấp vào tình, tâm đố kỵ, tâm tranh đấu, hôn nhân, v.v. Không có đường tắt trong tu luyện, dẫu con đường có dài thế nào, và tôi thực sự mong mình sẽ tu luyện tốt trong suốt hành trình tới cuối con đường tu luyện của mình. Tôi hy vọng những trải nghiệm trong tu luyện mà tôi chia sẻ hôm nay sẽ hữu ích với các đồng tu của tôi.
Cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/10/27/336805.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/10/28/159716.html
Đăng ngày 14-2-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.