Bài viết của một cộng tác viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 1-4-2016] “Ngày 29 tháng 5 năm 2012, anh họ của tôi bị bắt khi đang đi thăm một người bạn. Trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát, anh bị đánh đập dã man và đã qua đời ngay ngày hôm sau. Lúc đó anh ấy chỉ mới 50 tuổi.”
Trên đây là một đoạn trích từ đơn kiện hình sự của bà Vương Lệ Hoa đối với cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cả bà và người anh họ Vu Học Trung đã nhiều lần bị bắt vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Trong khi bà may mắn sống sót trong thời gian bị giam cầm, thì ông Vu đã bị mất mạng trong tay của chính quyền cộng sản.
Bà Vương yêu cầu Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm cho cái chết của người anh họ và cho cuộc đời đầy đau khổ của bà. Dưới đây là những gì mà bà đã trải qua trong những năm tháng bị giam cầm và bị bức hại trong nhà tù của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bị bắt giữ phi pháp
Vào giữa tháng Giêng năm 2000, tôi bị bắt giữ phi pháp tại nhà của một học viên khác và bị giam giữ trong 10 ngày. Nhà của tôi cũng bị lục soát. Sau đó tôi bị đưa đến một trung tâm tẩy não.
Ngày 20 tháng 11 năm đó, khi tôi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công, tôi đã bị cảnh sát mặc thường phục bắt giữ trên Quảng trường Thiên An Môn. Họ đưa tôi đến đồn cảnh sát Tiền Môn, sau đó tôi bị chuyển đến trại tạm giam quận Tuyên Vũ.
Bị tra tấn trong trại tạm giam
Cảnh sát đã tát vào mặt tôi và đấm đá tôi vô cùng dã man. Họ dùng gậy tre đập vào xương bàn chân và bàn tay của tôi cho đến khi chúng bị phồng rộp lên. Họ cũng cố ép buộc tôi phải đốt bức chân dung của Sư phụ Lý Hồng Chí (người sáng lập Pháp Luân Công) bằng cách đổ nước lạnh xuống cổ áo của tôi để ngấm vào quần áo cho đến khi quần của tôi bị ướt sũng.
Tôi thường bị tra tấn tới đêm khuya. Sau đó, họ nhốt tôi trong một căn phòng không có cửa sổ. Trời lạnh đến nỗi tôi không thể ngừng run rẩy. Trong trại tạm giam, 14 người dùng chung một bàn chải đánh răng.
Gia đình bị tan vỡ
Nhà của tôi bị lục soát và bị tịch thu vì tôi đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Họ đuổi chồng tôi ra khỏi nhà, cả hai chúng tôi trở thành vô gia cư.
Ngoài đau đớn về thể xác, cuộc bức hại đã gây ra cho chúng tôi nỗi đau tinh thần vô cùng to lớn cùng với thiệt hại tài chính nặng nề. Giang Trạch Dân phải bị đưa ra công lý vì những thiệt hại đã gây ra cho chúng tôi và các học viên Pháp Luân Công khác.
Bối cảnh
Vào năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã gạt bỏ ý kiến của các thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị để phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc bức hại đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 17 năm qua. Nhiều người bị tra tấn vì đức tin của họ và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của ông ta, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610” vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này đứng trên lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp để thực thi các chỉ thị của Giang Trạch Dân về Pháp Luân Công: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật mới của Trung Quốc hiện cho phép công dân nước này là nguyên đơn trong các vụ án hình sự. Cho đến nay nhiều học viên Pháp Luân Công đã sử dụng quyền khiếu nại hình sự này để kiện cựu độc tài Giang Trạch Dân.
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/1/326105.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/10/156229.html
Đăng ngày 28-5-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.