Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-06-2015] Chuyên gia kinh tế cao cấp Triệu Văn Kiệt gần đây đã đệ đơn khởi kiện cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân bởi đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công và bắt giữ, cầm tù phi pháp bà.

Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nhận được đơn khởi kiện của bà Triệu vào ngày 19 tháng 6 năm 2015.

Bà Triệu Văn Kiệt, 68 tuổi, là một cán bộ của chi nhánh Ngân hàng Công thương thành phố Giai Mộc Tư ở tỉnh Hắc Long Giang. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995.

Kể từ năm 1999, bà bị bắt giữ phi pháp, bị giam cầm và bị kết án lao động cưỡng bức ba lần. Bà cũng bị tra tấn tàn bạo khi ở trong các trại lao động cưỡng bức.

Trong đơn kiện bà Triệu viết: “Giang Trạch Dân lạm dụng quyền lực của mình để đàn áp 100 triệu học viên Pháp Luân Công. Hành động của ông ta là hoàn toàn phi pháp và đều là vì động cơ cá nhân của bản thân ông ta. Lý do duy nhất mà chúng tôi bị tra tấn là bởi chúng tôi tin vào ‘Chân – Thiện – Nhẫn.’ Phòng 610 được lập ra theo chỉ lệnh của ông ta cũng là một tổ chức phi pháp.”

Dưới đây là những lời kể của bà Triệu về những trải nghiệm của mình.

Bị giam giữ sau khi thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Tôi là một chuyên gia kinh tế cấp cao và một cán bộ cấp nhà nước, tôi đã giành được nhiều giải thưởng bởi thành tích xuất sắc của mình. Tuy nhiên, những điều đó dường như không có nghĩa lý gì đơn giản chỉ bởi tôi từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Chỉ vì đức tin của mình, mà tôi đã bị bắt giữ, giam cầm, và bị ép phải lao động cưỡng bức ba lần.

Tháng 7 năm 1999, sau khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, tôi cùng con gái đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 19 tháng 7 năm 1999. Trên đường đến Bắc Kinh, ở mỗi ga tàu, đều có nhiều học viên bị cảnh sát phát hiện và bị bắt phải trở về nhà.

Chúng tôi cố gắng xoay sở để tới được Bắc Kinh một cách an toàn. Nhưng trước khi chúng tôi đến được văn phòng thỉnh nguyện, chúng tôi đã bị cảnh sát vũ trang bắt và đưa đi. Họ tịch thu đồ ăn của chúng tôi, không cho phép chúng tôi được ăn uống gì. Việc sử dụng phòng tắm của chúng tôi cũng phải làm theo sự chỉ đạo của cảnh sát.

Ngay sau đó, chúng tôi cùng với một số học viên khác bị đưa trở lại tàu hỏa. Ngay khi chúng tôi vừa đến Nhà ga xe lửa thành phố Trường Xuân, chúng tôi lại bị chuyển giao cho các công an có vũ trang, họ đối xử với chúng tôi như những tội phạm và ghi hình chúng tôi từng người một. Những người này đã hộ tống tất cả chúng tôi trở về quê nhà.

Tôi không thể nào quên được buổi tối hôm đó. Tôi bị tước danh hiệu là một cán bộ cấp quốc gia và ngay lập tức trở thành một tội phạm.

Khi chúng tôi đến Giai Mộc Tư, lúc đó trời đã khuya.

Một cảnh sát nhìn chúng tôi và hét lên: “Các người chết hết đi!”

Tôi thấy thật bất công, nhưng tôi cũng biết rằng việc này không thể tránh được. Những lời dối trá không ngớt [được phát sóng triền miên cả ngày lẫn đêm trên truyền hình] khiến người dân Trung Quốc bị đầu độc nặng nề.

Tôi bị chuyển tới trại giam, ở đó, lần đầu tiên tôi chứng kiến và trải qua cảnh sống trong địa ngục. Đồ ăn của chúng tôi luôn bị nấu sống hoặc chín quá – không thể ăn được. Côn trùng và bụi bẩn thường đầy ở dưới đáy bát canh của chúng tôi.

Tôi phải ngủ trên sàn nhà giống như một con cá trích nằm trong hộp. Bởi trong phòng có quá nhiều người, nên mỗi người chỉ có thể nằm nghiêng để ngủ. Nếu như ban đêm ai đó đi vệ sinh, thì người đó sẽ không có chỗ ngủ khi quay trở lại. Các tấm khăn trải giường bốc mùi như thể hàng năm trời không được giặt.

Vào tháng 7 năm 2001, tôi bị đưa đến Trại Lao động cưỡng bức Tây Cách Mộc ở thành phố Giai Mộc Tư. Chúng tôi bị bắt phải thức dậy vào 5 giờ sáng để bắt đầu ngày làm việc ở trong xưởng. Cả ngày chúng tôi chỉ được ăn một chiếc bánh bao có lớp vỏ bị đen với một ít cháo loãng.

Hơn 10 học viên phải dùng chung một nhà tắm nhỏ xíu để đánh răng. Mặc dù bị buộc phải tiếp xúc gần gũi [vì chật chội], nhưng chúng tôi không được phép nói chuyện với nhau, hoặc đi cạnh nhau.

Lính canh Tôn Huệ khá trẻ nhưng lại là người hà khắc nhất. Cô ta thường xuyên đánh đập các học viên để giải trí. Có lần, cô ấy đã bắt tất cả chúng tôi đứng vài giờ đồng hồ trong đêm đơn giản chỉ bởi cô ấy nghĩ rằng mình vừa nghe thấy ai đó trong chúng tôi thì thầm điều gì đó.

Cuộc sống trong trại lao động cưỡng bức lúc nào cũng rất khẩn trương. Chúng tôi làm gì cũng phải nhanh chóng, từ lúc làm việc cho đến giờ nghỉ tắm. Bất cứ ai bị bắt gặp là đang làm chậm sẽ bị “kỷ luật”.

Ban đêm, họ xếp chúng tôi thành các nhóm bốn người. Nếu ai đó sử dụng nhà tắm, thì cả nhóm sẽ phải đi cùng. Lưu Á Đông, trưởng đội cai ngục, đã cố ý xếp tôi cùng hai người tầm sáu mươi tuổi và một học viên khác phải đi vệ sinh ba lần mỗi tối làm một nhóm.

Kết quả là, tôi hiếm khi được ngủ ngon giấc. Thời điểm đó tôi bị cao huyết áp, và khó khăn lắm tôi mới có thể chợp mắt.

Bị bắt giữ trên đường đến nhà bạn

Tôi ghé qua nhà bạn mình là Triệu Quế Hữu ở thành phố Hạc Cương vào ngày 7 tháng 9 năm 2005. Tôi bị bắt và bị giam giữ hai năm trong trại lao động cưỡng bức, dù không hề có bất cứ bằng chứng nào để buộc tội tôi.

Khi tôi bị bắt giữ tại Phân cục Công an Hướng Dương, tôi đã bị nhốt trong một chiếc lồng sắt cả đêm bởi tôi từ chối nói cho họ danh tính của mình. Bốn viên công an đã đá và dùng giầy đánh đập tôi.

Tôi bị đánh đập cho đến khi họ tìm được ra tên của tôi trên hệ thống máy tính của họ. Lúc đó, chân của tôi đã sưng lên như cái bánh mỳ bởi bị đánh đập.

Sau đó tôi bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Tây Cách Mộc. Tuy nhiên, kiểm tra y tế cho thấy huyết áp của tôi lên tới 220 và nhịp tim là 120. Trại lao động cưỡng bức đã từ chối tiếp nhận tôi.

Tôi bị đưa trở lại Trại giam thành phố Hạc Cương.

Trong khi bị giam cầm, các học viên khác và tôi đã kiên trì giảng chân tướng và vạch trần cuộc bức hại Pháp Luân Công. Chúng tôi kiên định học thuộc Pháp, luyện công, phát chính niệm và viết đơn thỉnh nguyện gửi tới các quan chức chính quyền chịu trách nhiệm.

Chúng tôi tuyệt thực trong nhiều ngày để phản đối việc áp dụng các phương thức tra tấn đối với các học viên.

Thời điểm đó, nhiều người ở trại giam đã bị đầu độc bởi những tuyên truyền cực đoan và đối xử với các học viên rất bất hảo. Chúng tôi phải chịu áp lực khổng lồ và gặp nguy hiểm rất lớn. Huyết áp của tôi luôn ở mức trên 200, nhưng cảnh sát không hề quan tâm.

Tôi bị giam giữ tổng cộng là 45 ngày.

Bị bắt khi thỉnh nguyện lên Tòa án cấp cao hơn

Mã Đa cũng là một học viên, cậu ấy vừa mới tốt nghiệp đại học. Một hôm cậu ấy bị bắt tại nơi làm việc và bị đưa đến một trại giam trong hơn bảy tháng. Sau đó, cậu ấy bị Tòa án khu Giao ở Giai Mộc Tư kết án ba năm tù giam. Cậu ấy cùng gia đình đã quyết định khiếu nại.

Tôi cùng với luật sư mà họ thuê tới từ Bắc Kinh và người nhà của cậu Mã đi đến Tòa án Trung thẩm thành phố Giai Mộc Tư để đệ trình đơn khiếu nại vào ngày 2 tháng 6 năm 2008. Tuy nhiên, công an của Đội An ninh Nội địa và người của Phòng 610 do Trần Vạn Hữu chỉ huy đã bắt giữ tất cả chúng tôi.

Họ đã thả vị luật sư, nhưng lại chuyển chúng tôi và người nhà của cậu Mã đến Đồn Cảnh sát Trường Hồng. Chúng tôi bị tống vào trại giam của thành phố vào đêm hôm đó.

Thời gian đó, tôi bị giam giữ tổng cộng bốn tháng, và huyết áp luôn trên 200 bởi bị chấn thương. Tính mạng của tôi luôn ở trong tình trạng nguy hiểm nhưng các lính canh hoàn toàn không quan tâm. Họ chuyển tôi đến Trại lao động cưỡng bức Tây Cách Mộc để tiếp tục bức hại tôi thêm nữa.

Lý Thanh Ba và Triệu Mỹ Kiệt từ trại lao động cưỡng bức đã tống tiền gia đình Mã Đa 15.000 nhân dân tệ. Tôi được trả tự do vào tháng 10.

Gia đình bị liên lụy

Hơn 10 năm bị bức hại, tôi bị thương tổn cả về thể chất và tinh thần. Gia đình tôi cũng phải chịu áp lực và thống khổ to lớn bởi cuộc bức hại. Khi lần đầu tiên tôi bị tống vào trại lao động cưỡng bức, chồng tôi bị căng thẳng và giảm gần 15 kg.

Chiếc xe hơi mà tôi mượn của một người bạn cũng bị đồn cảnh sát tịch thu, và cho đến mãi gần đây họ mới trả lại.

Để thanh toán tiền xe, người nhà của tôi phải dùng toàn bộ tiền tiết kiệm mà vẫn không đủ. Mỗi tháng họ phải để ra hầu như toàn bộ tiền lương của mình để trả nợ, chỉ để lại một phần rất nhỏ chi phí sinh hoạt thiết yếu cho bản thân.

Ngay cả đứa cháu trai bé nhỏ của tôi cũng phải chịu khổ. Kể từ khi cháu được một tuổi, cháu đã phải chứng kiến cảnh công an sách nhiễu. Hiện tại, cháu luôn sợ hãi mỗi khi có ai đó gõ cửa.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và thi hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610,” vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/7/11/151497.html

Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/6/22/311233.html

Đăng ngày 02-08-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share