Bài viết của một học viên ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-11-2013]

Tôi đã cảm động một cách sâu sắc sau khi đọc bài kinh văn mới của Sư phụ “Giảng Pháp vào ngày 20 năm truyền Pháp.” Tôi biết Sư phụ đang trông chừng và dẫn dắt mỗi từng đệ tử. Sư phụ không muốn bỏ rớt lại bất cứ ai trong chúng ta.

Lo lắng cho em trai

Tôi bắt đầu lo lắng cho cậu em trai của mình sống tại một vùng nông thôn heo hút và đang tu luyện đơn độc. Cậu ấy không được tiếp cận với những kinh văn gần đây của Sư phụ hay tuần báo Minh Huệ. Thỉnh thoảng tôi nói chuyện với cậu ấy qua điện thoại và nhận ra rằng cậu ấy có vấn đề rất nghiêm trọng trong tu luyện.

Cậu ấy có nghi tâm đối với kinh văn của Sư phụ và thậm chí còn phàn nàn về Sư phụ. Cậu ấy nghĩ: “Sư phụ giảng: ‘Tất nhiên không có thêm mười năm nữa đâu.’ (Giảng Pháp luân lưu tại Bắc Mỹ.”) nhưng bây giờ đã quá mười năm và tiến trình Chính Pháp vẫn đang tiếp diễn.” Cậu ấy không thể giải khai những nghi tâm của mình bởi vì cậu ấy chấp trước mạnh mẽ vào thời điểm kết thúc [Chính Pháp].

Nhiều lần tôi đã mời cậu ấy đến thăm để giúp cậu ấy giải khai những khúc mắc của mình và theo kịp các đồng tu. Khi mùa đông đến, cậu ấy viện đến những vấn đề về gia đình như một cái cớ. Sang xuân, cậu ấy nói cậu ấy quá bận. Đến hè, cậu ấy nói rằng ra ngoài thì trời quá nóng. Tôi đã từng nghĩ đến việc đến thăm cậu ấy nhưng dường như luôn bị ngăn trở bởi đủ mọi loại tình huống.

Sau bao lần đề nghị, cuối cùng em trai tôi đã đồng ý đến với một điều kiện: tôi phải gặp cậu ấy ở ga tàu và đưa cho cậu ấy các bài kinh văn gần đây của Sư phụ. Sau đó cậu ấy phải trở về nhà ngay. Việc này dường như quá nực cười bởi vì cậu ấy sống cách đây 7000 km và chi phí đi lại không phải là rẻ đối với tình hình tài chính của cậu ấy. Vì vậy tôi bảo cậu ấy không phải bận tâm nữa và chúng tôi hãy bỏ ý định đó đi.

Nhận ra chấp trước vào gia đình

Không có điều gì trong cuộc sống của một đệ tử Đại Pháp là ngẫu nhiên. Vậy tại sao việc này lại xảy ra với tôi? Tôi bắt đầu hướng nội để tìm câu trả lời. Tôi nhận ra rằng mình quá chấp trước vào cậu em trai và rất quan tâm đến người thân trong gia đình.

Ngoài ra, tôi có chấp trước mạnh mẽ đối với mẹ tôi. Tôi không có cơ hội đối xử tốt với bà trước khi bà qua đời vì vậy tôi thường cảm thấy hối tiếc. Sau khi tôi bắt đầu tu luyện, một ngày tôi đã đọc được đoạn Pháp:

“Nói chư vị tu thành Phật rồi, cha mẹ chư vị chính là tích được đại đức rồi. Nhưng rất ít [người] xuất được Tam giới, họ chỉ là tích được đức mà thôi, làm việc tốt rồi. Có một người con trai như chư vị, có một người con gái như chư vị, họ cũng coi như tích được đức rồi, bởi vì có một loại nhân tố như vậy tồn tại. Nhưng nói cha mẹ do vậy cũng sẽ phải thành Phật, vậy có lẽ không được. Vậy thì cần phải tu, họ chỉ sẽ là thiên nhân ở các tầng thứ khác nhau mà hưởng phúc.” (Giảng Pháp cho phụ đạo viên ở Trường Xuân) (tạm dịch)

Tôi nghĩ: “Nếu cả mình và em trai cùng tu luyện tốt, đó là phúc báo và sẽ mang lại lợi ích cho mẹ mình.” Đó là một chấp trước ẩn sâu trong tâm tôi. Bất kỳ ai cũng không thấy được chấp trước này ngoại trừ tôi và chỉ khi tôi hướng nội tìm ở một cấp thâm sâu hơn thì tôi mới nhận ra nó. Tôi biết tu luyện là một vấn đề rất nghiêm túc và bất kể chấp trước nào cũng là một rào cản trên con đường tu luyện của tôi chứ chưa kể đến một chấp trước lớn như vậy. Tôi tự nhủ: “Mình phải buông bỏ chấp trước này bằng một ý chí mạnh mẽ và không lo lắng về việc tu luyện của em trai mình nữa. Sư phụ đang chăm lo cho mỗi từng học viên. Chúng ta chỉ cần thuận theo sự an bài của Sư phụ.”

Không lâu sau, em trai tôi bất ngờ tới thăm. Cậu ấy nói với tôi rằng đó là Sư phụ đã bảo cậu đến. Chính cậu thực sự muốn đến mà chẳng vì lý do cụ thể nào cả. Cậu ấy cũng kể cho tôi về trải nghiệm của mình khi mua vé tàu. Khi cậu ấy đến ga để mua vé tàu, họ đã bán hết vé trong vài ngày tới, ngay cả vé dành cho toa đứng. Cậu ấy cảm thấy lúng túng và lo lắng không biết phải làm gì thì nhân viên phụ trách bán vé đột nhiên kêu lên một cách ngạc nhiên: “Làm sao mà vẫn còn lại một vé cho ngày mai thế này?” Cậu ấy vui mừng khi phát hiện ra đó là một chiếc vé thật lý tưởng- chỗ ngồi cạnh cửa sổ. Do đó, cậu ấy chắc chắn rằng Sư phụ đã an bài cho cậu ấy đến.

Khi đến nơi, cậu ấy lại lo đến việc mua vé khứ hồi để trở về vào ngày hôm sau. Tôi cảm thấy có điều gì đó đằng sau cách hành xử của cậu ấy mà đó là một rào cản thật sự. Tôi hướng nội và nhận ra rằng mình quá thiếu kiên nhẫn và muốn ép cậu ấy ngay lập tức phải theo kịp bằng mọi cách. Tôi càng thiếu kiên nhẫn thì cậu ấy càng trở nên chống đối. Sau đó tôi bắt đầu phát chính niệm để thanh lý bản thân. Cùng lúc đó, con gái tôi đã tới để chia sẻ thể ngộ và kinh nghiệm với cậu ấy. Vì vậy tôi đã phát chính niệm ngay cạnh cậu ấy để loại trừ hết thảy hắc thủ, lạn quỷ cùng những linh thể tà ác trong các không gian khác can nhiễu đến việc tu luyện của cậu ấy.

Nhưng cậu ấy vẫn ôm giữ những quan niệm của mình và hỏi: “Sư phụ nói rằng sẽ không đến mười năm nữa. Giờ đây thời gian đã hơn mười năm rồi và phải kết thúc rồi chứ.” Tôi hỏi cậu ấy rằng liệu cậu ấy đã tu luyện bản thân mình tốt hay chưa và cậu ấy thừa nhận rằng cậu ấy chưa tu tốt. Tôi nói: “Em không tu luyện tốt và em muốn kết thúc ngay bây giờ hay sao? Nếu đúng như vậy, những học viên mà đã tu luyện tốt sẽ trở về với nơi nguyên thủy của họ. Thế còn em thì sao?” Cậu ấy nói: “Hãy để em đến bất cứ tầng thứ nào mà em đạt được. Dù thế nào em cũng không có bất cứ phàn nàn gì đâu. Chẳng phải Sư phụ nói rằng sẽ còn có những người khác tu luyện Đại Pháp trong tương lai hay sao? Em sẽ tu luyện với những người đó trong tương lai.”

Đối xử với em trai như một đồng tu

Tôi nhận ra những quan niệm này của cậu ấy là hậu quả của việc cậu ấy ly khai khỏi các đồng tu và không được tiếp cận với các bài kinh văn mới của Sư phụ và tuần báo Minh Huệ. Tôi nói với cậu ấy: “Bây giờ Sư phụ ở đây để đích thân giảng Pháp mà em còn không thể đạt đến viên mãn. Làm sao em có thể mong chờ làm tốt hơn trong tương lai? Trong một lưu ý khác, Sư phụ muốn chuyển sang bước tiếp theo nhưng một số học viên vẫn chưa bước ra và vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một đệ tử Đại Pháp. Vì vậy Sư phụ đã kéo dài tiến trình để chúng ta có thêm một chút thời gian. Một số học viên có thiên mục khai mở đã nhìn thấy rằng thời gian mà được kéo dài thêm là nhờ sự phó xuất bằng máu của Sư phụ. Sư phụ đã chịu đựng quá nhiều cho chúng ta. Em biết chị nghĩ gì không? Chị rất biết ơn thời gian và trân quý thời gian còn lại. Bởi vì chị đã không làm tốt trong quá khứ, bây giờ chị sẽ tận dụng tốt nhất thời gian còn lại để làm tốt hơn và theo kịp. Nói đến thời điểm kết thúc, chị thật sự sợ thời điểm đó. Nếu bây giờ kết thúc, thật là quá đáng sợ đối với những học viên mà đã không tu luyện tốt.”

Con gái tôi nói: “Vào năm 2009, một đồng tu đã đọc kinh văn của Sư phụ và nhận ra rằng Sư phụ đã cho chúng ta thêm thời gian. Anh ấy cảm động đến mức giọng của anh ấy đã lạc hẳn đi khi anh ấy gọi và nói với cháu: “Chúng ta vẫn còn thời gian! Chúng ta vẫn còn thời gian! Tôi nghĩ Sư phụ đã cứu rất nhiều học viên trong khoảng thời gian được gia hạn thêm này và có cả tôi nữa.”

Sau một hồi, em trai tôi trở nên khá hơn nhưng cậu ấy vẫn chưa hoàn toàn giải khai được những quan niệm lệch lạc của mình. Cậu ấy nói: “Bởi vì đây là lần cuối cùng em đến thăm chị trong đời, em có thể ở lại đây thêm vài ngày và không cần phải trở về nhà vào ngày mai.” Tôi rất vui khi thấy sự thay đổi tích cực của cậu ấy. Tôi biết chỉ có kinh văn của Sư phụ mới có thể đột phá được những rào cản và những kiến giải sai lầm của cậu ấy. Vì vậy tôi đã mang tất cả những kinh văn gần đây cho cậu ấy và nói: “Cậu nên dành thời gian để đọc những bài kinh văn mới này.”

Sau đó em trai tôi bắt đầu đọc kinh văn và dành rất ít thời gian để ăn ngủ hay nói chuyện về cuộc sống thường ngày. Khi đặt đũa xuống cậu ấy lại bắt đầu đọc các bài kinh Văn của Sư phụ. Qua việc đọc Pháp, cậu ấy có thể hiểu được nguyên do mà Sư phụ từ bi đã kéo dài tiến trình Chính Pháp và chịu đựng cho các đệ tử Đại Pháp. Một lớp vỏ bên ngoài mà ngăn trở cậu ấy tinh tấn tiến lên đã bị phá vỡ. Cậu ấy đã thức tỉnh và nghĩ đến ba việc mà đệ tử Đại Pháp nên làm. Cậu ấy hỏi: “Chị vẫn còn phát chính niệm chứ?” Tôi nói” “Tất nhiên bọn chị vẫn phát. Ngoài bốn thời điểm phát chính niệm đồng bộ toàn cầu thì bọn chị đều phát thêm bất cứ khi nào có thời gian. Cậu ấy nói một cách hối tiếc rằng cậu đã không phát chính niệm trong một năm rưỡi bởi vì luôn có can nhiễu bất cứ khi nào cậu muốn phát chính niệm. Sau khi nhiều lần điều này xảy ra, cậu ấy nghĩ có lẽ là điểm hoá rằng cậu nên ngừng làm việc đó. Tuy nhiên, cậu ấy không nhận ra được rằng ai đã điểm hoá cho cậu ấy. Tôi nói với cậu ấy: “Sư phụ dạy chúng ta học Pháp nhóm và chia sẻ kinh nghiệm tu luyện đồng thời phối hợp với nhau trong các hạng mục Đại Pháp. Em sẽ không coi đó là điểm hoá ngừng việc phát chính niệm nếu em có một môi trường học Pháp nhóm. Sau khi trở về em nên tham gia một nhóm học Pháp địa phương.”

Sáng hôm sau, đột nhiên tôi thấy em trai mình đang ngồi nhìn chằm chằm vào khoảng không, trông nhợt nhạt. Cậu ấy không đọc kinh văn và không trả lời tôi khi tôi nói chuyện với cậu ấy. Tôi biết cậu ấy đang hối tiếc vì trước đó cậu đã không làm tốt. Tôi sợ rằng cậu ấy đang hành động một cách thiếu lý trí và đi đến cực đoan. Tôi nói: “Chính Pháp và việc tu luyện của em vẫn chưa kết thúc. Em vẫn còn có thời gian để làm tốt.” Cậu ấy vẫn không có bất cứ một biểu hiện lý trí nào.

Ngay lập tức tôi nhớ đến đoạn giảng Pháp của Sư phụ và đọc to lên cho cậu ấy nghe,

“Hãy dùng lý trí để chứng thực Pháp, dùng trí huệ để giảng rõ chân tướng, dùng từ bi để hồng Pháp và cứu độ thế nhân…”(“Lý tính”, trích Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

“Toàn diện giảng rõ chân tướng, chính niệm thanh trừ tà ác, cứu độ chúng sinh, kiên định duy hộ Pháp…” (“Đại Pháp kiên cố không thể phá”, trích Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Sau khi đọc Pháp, tôi bảo cậu ấy phải hành động một cách lý trí. Sau đó tôi đọc lại lần nữa. Và rồi tôi lại bảo cậu ấy phải hành động một cách lý trí. Sau đó tôi tiếp tục đọc to lên. Sau vài lần, cậu ấy nhìn lên và nói: “Em không thể đi đến cực đoan.” Tôi hỏi: “Vậy bây giờ em đang nghĩ gì?” Cậu ấy nói: “Em chẳng nghĩ gì cả. Em đã thất bại.” Sau đó cậu ấy tự lầm bầm một mình: “Em đã đến quá muộn. Nếu em tới đây sớm hơn thì sự việc đã tốt hơn rồi. Em đã tới quá muộn.” Tôi thấy khuôn mặt cậu ấy đầy vẻ hối tiếc và phiền muộn, cậu ấy trông thật vô vọng và khổ sở. Sư phụ đã giảng cho chúng ta,

“Thật sự đến ngày viên mãn ấy, tôi bảo chư vị, thật sự là đệ tử Đại Pháp sẽ bạch nhật phi thăng, toàn thế giới đều thấy được. (vỗ tay) [Những ai] không viên mãn được, đến ngày đó chư vị ngồi đấy mà khóc! [Những ai] không tu tốt, tôi thấy có khóc cũng đã quá muộn rồi.”(Giảng Pháp và giải Pháp tại Pháp hội ở trung tâm thành thị New York 2003)

Tôi cố gắng an ủi cậu ấy: “Tuy muộn nhưng không sao. Hãy tin tưởng vào Sư phụ. Hãy xem Sư phụ giảng gì này.” Sau đó tôi đọc trong “Giảng Pháp vào ngày 20 năm truyền Pháp”:

“Tất nhiên tu luyện chưa kết thúc, chư vị có thể tiếp tục đi làm những gì đệ tử Đại Pháp nên làm, làm cho tốt những việc về sau, điều ấy đối với chư vị mà giảng là có rất nhiều cơ hội và thời gian để làm.”

Em trai tôi lắng nghe một cách chăm chú và mỉm cười khi tôi đọc xong. Cậu ấy nói: “Sư phụ đã an bài cho em tới và thức tỉnh em. Một lần nữa Sư phụ lại cho em cơ hội. Em vô cùng biết ơn Sư phụ. Những gì em đã làm và suy nghĩ trước đây thật sự khiến Sư phụ thất vọng. Em sẽ không bao giờ suy nghĩ theo cách đó nữa. Khi trở về, trước tiên em sẽ học hết tất cả các sách của Sư phụ và làm tốt các việc trong tương lai. Em sẽ sớm bắt kịp hết mức có thể và không bao giờ để Sư phụ thất vọng nữa.”

Thấy em trai mình hoàn toàn tỉnh ngộ và trở lại tu luyện, vốn là một điều tuyệt vời nhất, không hiểu sao tôi không thể ngừng khóc. Khi tôi viết bài chia sẻ này, tôi không thể cầm được nước mắt. Con xin cảm tạ Sư phụ vĩ đại! Con xin đội ơn sự từ bi vô hạn của Ngài!


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2013/11/10/明慧法会–去掉亲情的执着-唤醒掉队的同修-282144.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/12/2/143472.html

Đăng ngày 12-01-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share