[MINH HUỆ 17-08-2013] Nhờ học Pháp, chúng ta biết được rằng tất cả các sinh mệnh trong Tam giới đều thấm đẫm trong tình. Trong số những người tu luyện mong muốn vượt ra khỏi Tam giới, một số vẫn còn đang đắm chìm trong những cảm xúc của bản thân và nấn ná trong những suy nghĩ than thân trách phận hoặc các cảm xúc khác. Họ đã không còn tinh tấn trong tu luyện. Điều này xảy ra với cả những học viên cao tuổi, những người mà nhẽ ra không bị ảnh hưởng bởi cái tình nhiều như các học viên trẻ.

Bài viết này sẽ phân tích những suy nghĩ bất chính khác nhau xuất phát từ tình. Mục đích là làm sáng tỏ về nguồn gốc của những suy nghĩ đó nhằm giúp người tu luyện loại bỏ can nhiễu từ chúng.

Truy cầu về tình

Tình có cả mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tiêu cực là biểu hiện của sự vị tư, khi người ta cho đi với mong muốn được nhận lại.

Khi người ta thấy mình không nhận được đền đáp hay phản hồi xứng đáng, họ cảm thấy buồn rầu. Hận thù hay oán giận có thể nảy sinh từ tình yêu. Giữa những người thường, một trong những lời phàn nàn mà chúng ta nghe thấy nhiều nhất là: “Tôi đã rất tốt với anh ta, sao anh ta có thể đối xử với tôi như thế!”

Việc mong chờ từ người khác là không lý trí. Lấy ví dụ, một số người con thường quen được cha mẹ đối xử tốt. Nếu đôi lần cha mẹ không quan tâm tới cảm xúc của họ, họ sẽ trở nên rất tiêu cực. Họ cho rằng cha mẹ phải luôn đối xử tốt với họ. Mặc dù cha mẹ họ đã chăm sóc, nuôi nấng họ trong hàng chục năm, chỉ một vài sự cố có thể làm họ oán giận cha mẹ.

Việc này cũng xảy ra giữa các cặp vợ chồng. Vào ngày sinh nhật vợ, người chồng có thể bất ngờ tặng vợ một món quà. Điều này là tốt. Tuy nhiên, nếu người vợ đòi hỏi một món quà nào đó và bực bội vì đòi hỏi của mình không được đáp ứng, kết quả sẽ ngược lại. Khi quá đeo đuổi điều gì thì đó chính là sự tham lam.

Một người không biết thỏa mãn sẽ không biết quý trọng cuộc sống. Dù đã nhận được bao nhiêu thì anh ta vẫn thấy chưa đủ, và không quý trọng những gì mình đang có. Vậy làm sao anh ta có thể quý trọng thân nhân của mình và những người khác? Đây thường là nguyên nhân của sự bất hòa giữa các thành viên trong gia đình hay các cặp vợ chồng.

Những chấp trước như vậy cũng tồn tại giữa các học viên. Chẳng phải có một số học viên trong chúng ta hướng tới Sư phụ mà cầu Ngài cứu độ họ theo cách mà họ mong muốn hay sao?

Bởi vì cái tình luôn đi cùng với sự truy cầu, khi một ham muốn được thỏa mãn, người ta thấy vui mừng, còn không thì thấy thất vọng. Bất cứ tâm truy cầu nào đều là lỗ hổng trong tu luyện. Khi bị dẫn dắt bởi cái tình và sự truy cầu thì người ta không thể xác định được kết quả họ đạt được từ sự truy cầu là đến từ Phật hay ma.

Những ảo tưởng xuất phát từ truy cầu cảm xúc

Người thường thường bị cái tình kiểm soát. Người độc thân ngưỡng mộ những cặp tình nhân và cách họ yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Người có gia đình, đặc biệt là phụ nữ có con nhỏ, thường xuyên phàn nàn về người bạn đời của mình.

Cuộc sống luôn có những khó khăn. Người ta tìm kiếm những khoảnh khắc đẹp trong ký ức, văn chương, hay phim ảnh, rồi cho rằng chúng là vĩnh cửu. Họ nghe những bài hát về tình yêu để được thoải mái. Một số người còn tìm kiếm sự thỏa mãn qua các bộ phim truyền hình đầy ảo tưởng và tục tĩu. Nhiều người còn lấy những cảnh tưởng tượng đó để làm khuôn mẫu cho tình yêu của họ.

Khi được hỏi hạnh phúc là gì, người thường tìm kiếm trong tâm trí mình những cảnh tượng trong phim ảnh.

Bị cái tình dẫn dắt, người ta không còn biết mình thực sự muốn gì. Nếu một người không từ bỏ việc đeo đuổi tình yêu, họ sẽ ôm giữ mãi các khuôn mẫu về một người yêu lý tưởng.

Trên đây chỉ là phân tích của cá nhân tôi về những vọng niệm tại tầng của người thường. Chúng ta chỉ có thể hiểu rõ hơn về cái tình khi chúng ta vượt ra ngoài Tam giới.

Trong quá trình tu luyện, nếu không thể chịu đựng sự cô đơn trong một vài chục năm đời người, người ta rất dễ đi đến kết luận về một “tình yêu đích thực” khi gặp được một ai đó mà họ ngưỡng mộ. Nếu đối phương đã có người yêu, người đó lại tiếp tục ảo tưởng và buồn bã.

Nếu đối phương chưa có người yêu và cả hai đến với nhau, sự phấn khích sẽ không kéo dài lâu. Đó là bởi vì sau khi ham muốn đã được thỏa mãn, sự phấn khích ban đầu sẽ qua đi. Sau một thời gian, những vọng niệm đó lại nổi lên với một người khác.

Từ quan điểm của một người tu, dù một người thường có tốt đến đâu thì đó vẫn chỉ là cái tốt của người thường. Cái tốt đó không vượt qua cảnh giới của con người.

Tập trung tiêu diệt quỷ sắc dục

Đàn ông không lụy tình như phụ nữ, vì thế họ không chịu nhiều can nhiễu từ cái tình như phụ nữ. Đối với người tu luyện là nam giới, điều trọng yếu là loại bỏ quỷ sắc dục.

Khi một người quyết tâm ngừng sử dụng chức năng sinh dục của cơ thể, cuộc sống của họ sẽ trở nên rất đơn giản – họ có thể tập trung cả đời cho tu luyện.

Những nhu cầu trong cuộc sống của người đó sẽ giảm xuống khá thấp. Việc theo đuổi danh và lợi trở nên dư thừa. Tâm lý hiển thị sẽ trở nên yếu ớt, vì mục đích gây ấn tượng với người khác giới đã không còn. Rất nhiều chấp trước của người thường sẽ biến mất sau khi buông bỏ ham muốn nhục dục.

Nếu nhìn theo cách này, kết hôn hay ly hôn đều không phải là giải pháp.

Vì người tu luyện biết được tiêu chuẩn của Pháp, họ sẽ không phạm lỗi lớn. Tuy nhiên nếu không từ bỏ hoàn toàn dục vọng, người ta có thể sẽ tìm đến phim ảnh khiêu dâm. Quỷ dâm dục kiểm soát người ta trong dục vọng. Và việc loại bỏ chấp trước sẽ trở nên khó khăn hơn. Những hành vi sai trái của người tu luyện sẽ làm tăng cường dục vọng.

Cơ quan sinh dục của đàn ông không hoàn toàn chịu sự kiểm soát của chủ ý thức. Tôi đã nhận thấy điều đó trong quá trình loại bỏ dục vọng của bản thân. Rất nhiều phản ứng sinh lý là các chức năng sẵn có của cơ thể người.

Một số học viên muốn kết hôn với học viên khác vì họ nghĩ rằng người tu luyện thuần tịnh hơn người thường. Tuy nhiên đôi khi các chấp trước của người tu luyện biểu lộ ra chẳng khác gì người thường.

Sư phụ đã giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2007”:

“Chư vị muốn tìm một cô gái trong sạch, một cô nương thuần khiết thì vô cùng khó. “

Hầu hết người Trung Quốc đã trở nên như vậy. Rất nhiều nam giới không thể kiểm soát được dục vọng. Một người chồng không phải là học viên và có ham muốn tình dục mạnh mẽ sẽ kéo học viên nữ đó thụt lại trong tu luyện. Những kỹ thuật tình dục của người thường sẽ hoàn toàn xóa mất sự trang nghiêm của tu luyện. Những nữ học viên vẫn còn ý định muốn kết hôn với người thường hãy thận trọng xem xét lại và có trách nhiệm với việc tu luyện của bản thân. Hẹn hò không chỉ đơn giản là nắm tay.

Tu luyện tâm thuần tịnh

Con người sống trong cái tình như cá sống trong nước. Nếu một con cá phải tự thay đổi để sống trên cạn thì việc đó sẽ rất đau đớn. Vì vậy mặc dù hiểu rõ đạo lý này, cái tình vẫn thường xuyên hiện lên trong tâm trí người tu.

Khi chúng ta quan sát, có vẻ như cá bơi được là nhờ sự chuyển động của tự thân, nhưng thực ra chúng còn bị dòng chảy ảnh hưởng. Con người chưa bao giờ có thể kiểm soát tâm trí mình.

Khi nuôi dưỡng một nội tâm thuần tịnh, chúng ta có thể áp chế sức ảnh hưởng của chủng vật chất tình tràn ngập trong cơ thể.

Từ bi hoàn toàn khác với tình. Từ bi không chứa những ham muốn ích kỷ hay mong muốn được tưởng thưởng. Từ bi chỉ có thể đạt được bằng cách loại bỏ các chấp trước của người thường.

Sư phụ đã giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC [2009]”:

“Biểu hiện lớn nhất của Thiện chính là Từ Bi; Ông là thể hiện năng lượng to lớn.”

Xin cho phép tôi kết thúc bài chia sẻ với một đoạn trích từ bài giảng của Sư phụ trong “Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”:

“Vì vậy là một con người mà nói, ý nghĩa sống là gì? Là sự chấp trước về lợi ích, chìm trong cảm giác tận hưởng quá trình cuộc sống. Mọi người nghĩ xem đáng thương biết bao? Cảm thụ gì đây? Vật đó đạt được rồi thì vui vẻ, không đạt được thì đau khổ, ăn thịt cảm thấy thơm, ăn đường cảm thấy ngọt, nhưng người trên thế gian cũng có đắng, khổ, ngọt, bùi. Còn những người thanh niên chấp trước ở phương diện tình cảm tạo nên những cảm thụ, và cũng có những người ở các tầng lớp khác nhau đang theo đuổi những gì trên con đường đời của họ, cảm thụ sự đắc và thất, mà sự đắc và thất này không phải mình nỗ lực hết sức là có thể có được. Người sống trên thế gian là thế đó, con người đáng thương biết bao, rất tiếc con người lại nhìn không thấu, nghĩ không thông trong cái gọi là hiện thực này.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/6/7/情中的各种妄念分析-275008.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/8/17/141588.html

Đăng ngày 04-09-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share