Bài viết của một học viên Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-05-2013] Sau khi đọc bài “Diễn giảng loạn Pháp” của Ban biên tập Minh Huệ, tôi đã nghiêm túc nhìn lại một loạt sự việc gần đây và nhận ra nhiều thiếu sót của bản thân. Tôi viết chúng ra ở đây để suy nghĩ thanh tỉnh hơn và nhận thức Pháp của mình được minh bạch hơn. Hi vọng các đồng tu trong hoàn cảnh tương tự có thể tìm thấy một vài điều hữu ích.

Lần đầu tiên tôi tham dự một buổi chia sẻ kinh nghiệm như trong bài viết mô tả là vào mùa đông năm ngoái. Ở đó có hơn 50 người. Tôi lặng lẽ tham gia, trong lòng có chút hồi hộp và phấn khích. Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra nhiều suy nghĩ của mình lúc đó không phù hợp với Pháp.

Trước khi buổi chia sẻ bắt đầu, chúng tôi phát chính niệm và đọc một bài kinh văn của Sư phụ. Một học viên nam chủ trì buổi gặp gỡ và mời các học viên chia sẻ cảm nhận. Một vài học viên chia sẻ ngắn gọn về thể ngộ của họ. Sau đó, học viên nam này và một học viên nữ khác bắt đầu phát biểu.

Họ nói họ tin rằng một những người chia sẻ trước đó suy nghĩ vẫn dừng lại ở giai đoạn tu luyện cá nhân, chưa thể nhảy ra khỏi cái khung của tu luyện cá nhân, chưa thể hoàn toàn đi theo tu luyện Chính Pháp. Họ chia sẻ rất nhiều thể ngộ, trích dẫn nhiều kinh văn của Sư phụ và đưa ra rất nhiều ví dụ. Nhiều ví dụ nói về việc họ đã thấy được liễu ám hoa minh sau khi chuyển biến quan niệm người thường.

Trong khi lắng nghe, tôi tự nhận ra rằng rất nhiều khung tư duy cũng như quan niệm người thường đã cản trở tôi đề cao. Tôi cảm thấy nghe họ nói xong tư duy khoáng đạt, đầu não thanh tỉnh. Tôi nhận thấy họ giúp tôi rất nhiều trong việc đề cao bản thân. Sau khi họ phát biểu xong, một vài học viên cảm thấy giống như tôi, đã bộc lộ sự tiếc nuối. Họ nói rằng họ đã hiểu thêm nhiều điều từ chia sẻ vừa rồi và hỏi thêm câu hỏi. Hai người học viên kia đã trả lời những câu hỏi đó từ quan điểm của họ. Tôi cũng bày tỏ cảm nhận của mình và hỏi một vài câu hỏi.

Sau buổi gặp mặt, mọi người ra về. Một vài người ở lại để được chia sẻ thêm. Một học viên cho rằng những bài chia sẻ đăng trên Minh Huệ Net không cao bằng chia sẻ của những người chủ trì. Tôi không nhớ rõ nguyên văn, nhưng tôi hiểu ý cô ấy là như vậy. Điều đó làm tôi cảm thấy hơi khó chịu, nhưng đang trong lúc cao hứng vì những nhận thức mới của mình, và cũng ngại làm mất thể diện của cô ấy, tôi đã không nói lên lo lắng của mình. Tôi cảm thấy lời họ nói về Minh Huệ Net là tiêu cực, vì thế tôi tránh nói về Minh Huệ. Tôi đã mắc lỗi này vì một thói quen cũ: nói những điều người ta muốn nghe để được họ chấp thuận. Tôi có quá nhiều chấp trước người thường.

Khi tôi ra về, người học viên đã mời tôi đến buổi chia sẻ nói rằng nếu tôi thấy buổi chia sẻ là hữu ích, tôi nên mời hai diễn giả này đến khu vực của tôi. Cô ấy nói rằng họ rất bận và tôi phải quyết định nhanh. Vào lúc đó, kinh văn của Sư phụ “Một đòn nặng” xuất hiện trong đầu tôi. Sau này tôi nhận ra rằng đó là một niệm chính. Nhưng không may, tôi đã không chú ý tới điểm hóa đó, cũng không lí trí. Khi nhìn lại, sự hoan hỉ và cảm xúc lúc đó rất không lí trí. Những cảm xúc mạnh mẽ đó đã khởi tác dụng chỉ dẫn không tốt.

Do nhiều loại nguyên nhân và niệm đầu nên tôi không mời họ đến khu vực của mình. Nhưng đó căn bản không phải là một quyết định lí trí dựa trên sự thanh tỉnh về Pháp lý. Điều này đã dẫn đến sự kiện sau.

Một vài tháng sau, mùa xuân năm 2013, một học viên muốn nhóm học Pháp của chúng tôi tổ chức một hội giao lưu. Mọi học viên trong nhóm đều thích ý tưởng đó. Một căn hộ lớn đã được một học viên đóng góp để tổ chức hội giao lưu. Mọi thứ có vẻ sẵn sàng và được lên kế hoạch cẩn thận. Tuy nhiên, khi tôi biết rằng người diễn giả sẽ là hai học viên mà tôi đã gặp vài tháng trước, tôi đã nói lên lo ngại của mình. Người học viên đề xuất buổi chia sẻ nói anh ấy cũng có chút lo lắng, nhưng theo những gì anh ấy biết, hai học viên kia là những người tu luyện rất tốt và sẽ không có vấn đề gì. Buổi giao lưu diễn ra theo kế hoạch.

Sau buổi giao lưu, tôi có nói chuyện với một vài học viên, họ cho rằng tầng thứ của họ đã được nâng lên. Tuy nhiên, trong một buổi học nhóm sau đó, các học viên tranh cãi về buổi giao lưu. Hai học viên có ý kiến hoàn toàn tiêu cực về nó. Họ thấy rất phản cảm với hai diễn giả. Một người nói rằng anh bị đau đầu trong suốt buổi chia sẻ và hai diễn giả phát ra nghiệp lực màu đen. Người kia nói rằng hai diễn giả đã mở rất nhiều hội giao lưu như vậy ở rất nhiều khu vực khác, làm quá nhiều lần như vậy, không phù hợp với yêu cầu của Sư phụ. Các học viên cũng chỉ ra nhiều sai sót của hai diễn giả kia. Lúc đó, tôi cũng không thích những gì mình nghe thấy. Tôi cảm thấy hai học viên trong nhóm học Pháp không hướng nội mà chỉ tập trung vào những điểm không tốt của hai diễn giả, và nói sau lưng họ. Tôi đã lên tiếng và cắt lời họ.

Mặc dù tranh cãi đã chấm dứt, tôi cảm thấy tức giận và không thể tĩnh lại khi học Pháp. Sau khi phát chính niệm, tôi hướng nội và nhận ra tâm cầu danh của mình. Nhóm học Pháp được tổ chức tại nhà tôi và tôi đã mời nhiều học viên đến buổi giao lưu đó. Tuy rằng tôi đã từng nói những ai tham gia hội giao lưu, đề cao như thế nào đều do Sư phụ an bài. Nhưng khi vấn đề xảy ra, tôi thấy tâm cầu danh của bản thân rõ ràng đang nghĩ đến việc tranh công, thích nghe rằng các học viên được hưởng lợi từ buổi chia sẻ. Như thế tôi sẽ là người có công lao. Tôi không muốn nghe họ phàn nàn. Tôi đã không nhận được lời khen ngợi mà tôi kì vọng. Tôi đã nhấn mạnh việc các đồng tu không hướng nội tìm. Khi nhìn thấy tâm cầu danh này, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn, nhưng vấn đề vẫn còn xa mới có thể giải quyết được. Giờ đây tôi đã biết tôi đã đi chệch xa thế nào và đã khiến cho Sư phụ phải bận tâm rất nhiều.

Ngày hôm sau, người đồng tu làm tôi tức giận ở buổi học Pháp nhóm đã đi cùng một đồng tu khác đến gặp tôi. Đồng tu đi theo nói rằng cô biết rõ hai vị diễn giả kia và rằng họ cư xử như người thường ở nhiều phương diện. Lúc đó, tôi vẫn không cảm thấy đúng khi nói về người khác sau lưng họ. Tôi thấy nhiều chấp trước ở người đồng tu này khi cô nói. Cô chỉ tập trung vào khiếm khuyết của người khác mà không thấy vấn đề của mình.

Sau khi họ về, nhà tôi bắt đầu bị dột do băng tan. Tôi biết nhất định tôi đã sai rồi. Tôi dừng việc phân tích chấp trước của người khác. Tôi tự hỏi tại sao tôi lại nghe thấy những điều này và điều tôi cần ngộ ra là gì.

Khi bình tĩnh lại và hướng nội, tôi bỗng minh bạch ra. Hai diễn giả không thể chấp nhận chỉ trích. Họ bị chỉ trích một chút liền sôi sục, và đẩy mâu thuẫn lên rất lớn, tạo thành ảnh hưởng rất xấu. Tôi tự hỏi ai đã góp phần tạo ra những biểu hiện này của họ. Tôi có phần trách nhiệm trong đó không? Tôi khá chấn động khi tự hỏi mình câu hỏi này. Tôi thấy rõ rằng sự tán dương, lời mời và sự ngưỡng mộ của các học viên đã phóng đại chấp trước của họ. Tôi không mời họ, nhưng tôi cũng tham gia tổ chức buổi chia sẻ và mời các học viên khác tham dự. Tôi đi theo phong trào mà không chịu trách nhiệm với các đồng tu của mình. Khi hướng nội và nhìn vào những chấp trước ẩn giấu này, tôi thấy xấu hổ. Tôi nhận ra mình đã làm sai.

Khi tôi ngộ ra như vậy, nhà tôi không còn bị dột nữa. Còn nhà của hàng xóm bị dột gần như quanh năm. Tôi biết tôi lại đã khiến Sư phụ phải bận tâm.

Lúc đó, tôi đã không coi điều này là loạn Pháp. Tôi không thanh tỉnh dựa trên Pháp lý. Chỉ khi đọc bài “Diễn giảng loạn Pháp” thì tôi mới hoàn toàn ý thức được hình thức chia sẻ này khác với hình thức hội giao lưu mà Sư phụ lưu lại. Đó là hành vi loạn Pháp. Tôi rất hoảng sợ, điều này nghĩa là tôi cũng tham gia vào việc loạn Pháp. Đó là điều một đệ tử Đại Pháp sẽ không bao giờ muốn và chắc chắn không thể làm. Tuy nhiên, nó đã được thực hiện một cách không tự biết dưới tác động của chấp trước người thường mạnh mẽ, thật đáng sợ.

Tôi đã tập hợp tất cả học viên mà tôi đã mời đến buổi giao lưu đó để đọc bài “Diễn giảng loạn Pháp” và các bài giảng của Sư phụ được đề cập trong bài viết. Chúng tôi đã chia sẻ thể ngộ. Chúng tôi minh bạch rằng mình cần học Pháp chứ không phải học theo người khác. Chúng tôi nhận ra mình không nên nhắm mắt làm liều, bất kể người khác làm gì hay nói gì, chúng tôi cần phải lý trí dùng Pháp để đo lường. Chúng tôi đã sai khi hùa theo người khác vì ngại làm họ mất thể diện. Chúng tôi phải thực sự chịu trách nhiệm với chính mình, đồng tu và Pháp. Mọi người đã nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề tại tầng thứ của mình.

Trong quá trình này, đã có nhiều mâu thuẫn, can nhiễu và trắc trở. Sư phụ đã hao tổn tâm trí để điểm hóa cho chúng tôi hết lần này đến lần khác. Tôi rất xấu hổ. Tôi đã viết: “Nguyện vọng duy nhất của con là nụ cười của Sư phụ” lên một tấm thiệp mừng gửi tới Sư phụ. Nhưng tôi đã làm những điều khiến Sư phụ thật thất vọng. Tôi sẽ tinh tấn hơn nữa trong tương lai, mới có thể không phụ sự từ bi khổ độ của Sư phụ. Xin hãy chỉ ra những điều chưa hợp lý trong thể ngộ của tôi. Hợp thập!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/5/27/不能找借口对同修不负责、对法不负责-274393.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/18/141105.html

Đăng ngày 01-09-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share